Đặt vấn đề
Cũng như nhiều quốc gia và nền văn minh trên thế giới, vương quốc Champa từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam, trải qua nhiều danh xưng, quốc hiểu khác nhau theo từng thời kỳ, được gọi dưới nhiều tên gọi khác nhau bởi nhiều quốc gia, nhiều nền văn minh khác nhau. Có thể kể ra nhiều tên gọi, danh xưng liên quan đến vương quốc cổ này như Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành, Chiêm Bà và cuối cùng là Champa, sự da dạng từ tên gọi này bắt nguồn từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau mà các nhà viết sử để lại về vương quốc Champa mà lớn nhất là các sử liệu Trung Hoa và sau này Đại Việt tiếp thu và thứ hai là danh xưng từ các bia ký do chính người Champa để lại. Quốc hiệu, sự thay đổi quốc hiệu, sự khác nhau trong cách gọi tên quốc gia hay một vương quốc cổ thể hiện nhiều mặt về lịch sử của vương quốc đó, cũng như mối tương tác, cách nhìn nhận về một vương quốc trong bối cảnh bang giao khu vực hay quốc tế.
Những nghiên cứu về lịch sử Champa nói riêng và lịch sử nói chung thường ít chú ý đến vấn đề nghiên cứu quốc hiệu và danh xưng quốc gia, hay tên được gọi bởi một quốc gia khác. Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày nguồn gốc, ý nghĩa về mặt ngôn ngữ cũng như vai trò lịch sử của các danh xưng về vương quốc Champa từ các dạng tên tự gọi, đến các danh xưng được gọi hay thậm chí bị gán ghép sai lệch trong suốt quá trình lịch sử. Do đó bản chất của nghiên cứu này không phải là việc trình bày các tên gọi theo mặt ngữ nghĩa đơn thuần trong các thời kỳ biến thiên khác nhau mà còn diễn giải các danh xưng ấy trong bối cảnh lịch sử mà chúng hình thành và xuất hiện, điều này mở ra các nhận thức quan trọng về lịch sử, các thay đổi quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội trong từng không gian lịch sử mà quốc hiệu hay danh xưng được nghiên cứu tham chiếu. Về mặt sử học hay phương pháp luận lịch sử, nghiên cứu này về quốc hiệu hay danh xưng quốc gia cũng muốn trình bày một vài thiển ý về khung và phương pháp tiếp cận về việc nghiên cứu danh xưng, địa danh, tên gọi một chính thể, nhà nước và mối quan hệ của chúng với việc diễn giải và phân tích lịch sử.
1. Quốc hiệu, danh xưng Champa trong góc nhìn của sử liệu Trung Hoa giai đoạn đầu: từ Lâm Ấp đến Hoàn Vương
Trong quan điểm của các Nhà viết sử Trung Hoa, được thể hiện qua các bộ chính sử, thông sử hay các ghi chép hải trình của các thương gia, các nhà địa lý, các quốc gia lân bang, láng giềng với chính quốc luôn là các nước Man Di, Mọi Rợ, các quốc gia chư hầu hay phiên thuộc của Trung Hoa, trong hệ quan điểm đó họ thường gán ghép các tư duy chính trị, ngoại giao của mình hay của chính thể mà họ là thần dân lên các quốc gia, nhà nước lân cận, trong đó có quan điểm về quốc hiệu hay danh xưng của các vương quốc ấy. Tình huống này tất yếu cũng diễn ra trong trường hợp Champa, nhìn vào chính sử hay gần như là các bộ sử được xem là có tính chính thống, thuộc về các Sử quán của các triều đại Trung Quốc, ta thấy các danh xưng mà họ ám chỉ cho Champa hay các chính thể thuộc Champa đều là sản phẩm của chính các sử gia phương Bắc bao gồm các tên gọi thuần chất ngôn ngữ Trung Hoa.
Lâm Ấp (Linyi), có nghĩ là kinh đô hay thành phố (Yi) của người Lâm (Lin)[1], là tên gọi đầu tiên mà các sử gia Trung Hoa sử dụng để nói về một chính thể Nhà nước ở phương Nam vốn là một vùng biên viễn thuộc huyện Tượng Lâm, Quận Nhật Nam của nhà Hán, nhưng sau đó nổi lên chống lại Thiên triều và xây dựng một nước độc lập[2]. Danh xưng Lâm Ấp xuất hiện trong nhiều bộ sử lớn của Trung Hoa, sớm nhất là Lâm Ấp ký, Thủy Kinh chú, Tấn thư, Tống thư sau đó đến các bộ Nam Tề thư, Lương thư, Nam sử và cuối cùng là các bộ Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư và sau này còn ảnh hưởng đến các bộ sử lớn của Đại Việt[3]. Với sự phổ biến của tên gọi Lâm Ấp trong sử liệu Trung Hoa, các nhà nghiên cứu lịch sử cũng thường sử dụng danh xưng này như một quốc hiệu chính thức để ám chỉ cho vương quốc Champa trong thời điểm đầu lập quốc hoặc xem đó như nhà nước tiền thân của Champa sau này[4]. Mặt khác, các nghiên cứu khác chỉ ra rằng Lâm Ấp có thể chỉ là một thực thể sớm ở phía Nam Trung Hoa, chúng không đại diện cho toàn bộ Champa sau này, và danh xưng này cũng không có nhiều ý nghĩa trong việc xác định quốc hiệu của một chính thể hay vùng lãnh thổ ở khu vực thời bấy giờ vì đơn giản nó chỉ là cách gọi gán ghép, đại khái, ước lệ về một nước lân bang ở phía Nam biên giới[5].
Trong một số các ghi chép kể trên, ngoài Lâm Ấp các sử liệu như Lương thư, Nam sử (đều thuộc khoảng thế kỷ thứ 7), được xác nhận bởi một sử liệu khác là Thông điển (thế kỷ 😎, cũng nhắc đến một quốc gia ở xa hơn về phía Nam cách nước Lâm Ấp 200 lý, được gọi là Tây Đồ (Xi Tu)[6]. Một bộ sách khác quan trọng không kém, mà ít được các nhà nghiên cứu Champa tham khảo, Thái Bình Ngữ Lãm, bộ sách được soạn bởi Lữ Phường (977 – 938), liệt kê một loạt các vương quốc ở phía Nam Lâm Ấp, bao gồm cả Tây Đồ, Ba Liêu (Boliao), Cấp Liêu (Jiliao), Khuất Đồ Kiền (Quduqiun), Boyan (Ba Diên)[7]… Các nghiên cứu về sau cho thấy vị trí tương đối của một số quốc gia này là ở miền Trung Việt Nam, tức phần lãnh thổ của (các) nước Champa sau này, trong khi vị trí của Tây Đồ và Ba Liêu, mà cả Southworth và Schweyer đều thống nhất, thuộc tỉnh Quảng Nam hiện nay, thì vị trí xác định của Khuất Đồ Kiền lại có khác biệt khi Southworth đặt nó ở Khánh Hòa còn Schweyer lại định vi vùng này ở Bình Định[8]. Dù chưa thể xác định vị trí đích xác của từng khu vực này theo các giả thuyết trên, chúng ta có thể thấy rằng, ngay từ ban đầu các sử liệu Trung Hoa đã thể hiện một tình trạng phân lập với nhiều chính thể, tiểu quốc với các danh xưng khác nhau, mà Lâm Ấp hay Tây Đồ chỉ là những phần trong đó.
Tuy nhiên, các ghi chép của Trung Hoa, cũng như những tên gọi, danh xưng mà họ sử dụng để chỉ các thực thể chính trị ở miền Trung Việt Nam thời bấy giờ trở thành các nền tảng quan trọng để các học giả phục dựng lại lịch sử Champa. Maspero đi tiên phong trong công việc này, thực tế rằng ông đã không hề để ý đến Tây Đồ mà chỉ tập trung vào Lâm Ấp xem đó là chính thể sau này chính là Champa như một thể đơn nhất, một Lâm Ấp có lãnh thổ trung tâm tại Huế và kéo dài cho đến tận nơi phát hiện bia Võ Cạnh (Nha Trang)[9]. Các nhà sử học tiêu biểu của hội thảo Copenhagen (1987) như Lafont, Po Dharma, không tán đồng ý kiến của Maspero, họ theo thuyết Champa là một quốc gia liên hiệp, cho rằng Lâm Ấp ở Bắc đèo Hải Vân và sau này mở rộng lãnh thổ về phía Nam Hải Vân để thống nhất các tiểu vương quốc khác ở miền Nam[10]. Ngược lại, cả Southworth và Schweyer đều cho rằng Tây Đồ ở phía Nam mới là chính thể đã hấp thụ Lâm Ấp và trở thành trung tâm của vương quốc Champa sau này[11].
Trong khi các nhà nghiên cứu về lịch sử đang cố diễn giải quốc hiệu, danh xưng của các quốc gia tiền Champa buổi đầu theo hướng của các nhà viết sử Trung Hoa, thì các nhà viết sử lại dẫn họ đi đến một bước ngoặt khác, với sự thay đổi danh xưng Lâm Ấp (và cả Tây Đồ) thành các tên gọi khác. Danh xưng Hoàn Vương, được Tân Đường thư ghi nhận là Lâm Ấp trước đây, đổi tên trong khoảng niên hiệu Chí Đức (756 – 757)[12]. Sự xuất hiện của danh xưng Hoàn Vương làm các học giả tiếp tục tranh luận, Maspero vẫn cho nó là Champa thống nhất, trong khi Pelliot và Stein lại đặt trọng tâm vào việc đi tìm vị trí của quốc gia này và đồng nhất chính thể này với Lâm Ấp trước đây[13]. Dù khẳng định cái tên Hoàn Vương chưa bao giờ được diễn giải một cách rõ ràng, nhưng trong giả định mới nhất về vấn đề này, M. Vickery cũng chưa hề đưa ra một nhận định nào khá hơn ngoài việc dẫn lại các tranh luận về Hoàn Vương của Pelliot và Stein, có chăng ông khẳng định rằng nếu Hoàn Vương là sự tiếp nối Lâm Ấp thì cần bỏ quan điểm của Maspero về việc đánh đồng Hoàn Vương với Champa[14].
Trong khi các học giả khác đang thảo luận về Hoàn Vương, thì Pelliot, cũng dẫn Tân Đường thư, kể tên một loạt các quốc gia phương Nam của Hoàn Vương bao gồm Môn Độc (Mendu), Cổ Đất (Guda), Bôn Đà lãng (Bentuolang)[15]. Pelliot, đưa ra các ước lượng địa lý, mà sau này cả Southworth, Schweyer và Griffiths đều tán đồng và trích dẫn, rằng Hoàn Vương ở vùng Amarawati sau này tức là Quảng Nam ngày nay, trong khi Môn Độc, Cổ Đất và Bôn Đà Lãng lần lượt là vùng Vijaya (Bình Định nay), Kauthara (Khánh Hòa) và Panduranga (cả Ninh Thuận và Bình Thuận)[16]. Tuy vậy, nếu như Pelliot xác định các địa danh ở phía Nam nước Hoàn Vương là các tỉnh hay châu tự trị, các học giả Southworth, Schweyer và Griffiths là các tiểu quốc riêng biệt[17]. Những danh xưng hay tên gọi các quốc gia này, một lần nữa cho thấy cách nhìn về một tình trạng chính trị đa dạng trong khu vực mà các sử gia Trung Hoa đã từng nhận ra trong thời kỳ mà họ còn ghi nhận về Lâm Ấp và Tây Đồ trước đây.
Nhìn lại các quan điểm về mặt học thuật liên quan đến quốc hiệu và danh xưng các tiểu quốc của Champa trong sử liệu Trung Hoa có thể thấy 3 nhóm:
+ Các quan điểm mang tính đơn nhất chỉ xem xét đến danh xưng Lâm Ấp và tiếp nối là Hoàn Vương. Đại diện của quan điểm này là Maspero, Lafont và Po Dharma, các học giả này đều đồng nhất hoặc ít ra công nhận Lâm Ấp hay Hoàn Vương sau này chính là các tên gọi để chỉ cho Champa;
+ Các quan điểm mang tính đa chiều (của Stein hay Pelliot) xem xét một loạt cách danh xưng khác, ngoài Lâm Ấp và Hoàn Vương, trong thể tương đương như những tỉnh hay vùng lãnh thổ tự trị của Champa;
+ Và các quan điểm mới có cùng cách tiếp cận với đa dạng về chính trị, như Stein va Pelliot, nhưng xem các tên gọi Tây Đồ, Ba Liêu, Khuất Đồ Kiền (cùng thời với Lâm Ấp) hay Môn Độc, Cổ Đất, Bôn Đà Lãng (cùng thời Hoàn Vương) là các tiểu quốc độc lập trong một chính thể hợp nhất đa dạng.
Trước hết, nhìn lại các quan điểm đó, dù đúng hay sai, ta nhận thấy rằng trong ta đang kể lại lịch sử dưới góc nhìn của các sử gia Trung Hoa thời phong kiến, các học giả hiện đại hoàn toàn lệ thuộc vào họ trong vấn đề phục dựng tên gọi, danh hiệu cho các quốc gia, tiểu quốc mà sau này hoặc đã cấu thành Nhà nước liên hiệp Champa. Chúng ta chấp nhận nhược điểm đó, vì trong tình trạng hiện thời, ngoài sử liệu Trung Hoa chúng ta không có nhiều nguồn thông tin tự sự để định danh một vương quốc theo góc nhìn bản địa trong giai đoạn sớm (trước khi tên gọi Champa xuất hiện và trở nên phổ biến). Điều duy nhất chúng ta thừa nhận trong sự đóng góp của sử liệu Trung Hoa rằng, cùng với các cách định danh khác nhau đối với các vùng lãnh thổ khác nhau ở miền Trung Việt Nam thời bấy giờ ta hiểu Champa là quốc gia được kiến tạo trên một tình trạng đa dạng ngay từ buổi đầu (trước thế kỷ 8 – 9) chứ không phải mãi đến sau này khi chúng ta nói về các tiểu quốc Amarawati, Vijaya Hay Panduranga. Các sử liệu Trung Hoa cung cấp một bằng chứng sớm về tên gọi, dù chỉ được gán ghép về các tiểu quốc Champa sớm hay tiền Champa (Lâm Ấp, Tây Đồ…) hay sau này là Hoàn Vương, Môn Độc, Bôn Đa Lãng… với quan hệ gần gủi nhau có thể là các tiểu quốc thuộc cùng một quốc gia liên minh?
Sự đóng góp tiếp theo, của các sử liệu Trung Hoa, là sự thay đổi tên gọi từ Lâm Ấp sang Hoàn Vương, sự thay đổi này không hề đột ngột như Maspero và Lafont[18] lầm tưởng đó là một sự thay thế có chủ đích. Cái tên Hoàn Vương, như Vickery trích dẫn, có nghĩa đen là “vòng tròn”, “phạm vi” của “nhà vua”, Vickery cũng cho rằng, dù vậy tên gọi này chưa bao giờ được phân tích một cách thấu đáo[19]. Southworth, và cả Schweyer, đưa ra các khám phá về sự ra đời của tên gọi Hoàn Vương như là sự đánh dấu một sự chuyển dời trung tâm quyền lực bắt nguồn từ những thay đổi quan trọng về hệ thống thương mại trong khu vực[20]. Như vậy, từ góc độ lịch sử sự thay đổi tên gọi không phải là yếu tố trùng hợp ngẫu nhiên, điều đó cho thấy một thay đổi trong chính thể mà Trung Hoa đang ghi nhận vào sách sử, sự thay đổi đó to lớn đến mức thay đổi cách nhìn của họ với vương quốc này. Đó có thể là sự thay đổi lớn về thể chế và lãnh thổ với việc sát nhập hoặc tan rã của các chính thể trước kia như Lâm Ấp, Tây Đồ thành một chính thể khác; hoặc có thể, như các quan điểm trên, một trung tâm quyền lực mới đã nổi lên trong vùng. Giả thuyết thứ hai có lẽ chắc chắn hơn khi mà các dữ liệu lịch sử đã thừa nhận thông qua sự vươn lên của các tiểu quốc phương Nam trong các thế kỷ 8 – 9, điều này trùng hợp với thời điểm tên gọi Hoàn vương ra đời và xuất hiện[21].
Chú thích:
[1] Léonard Aurousseau (1914), “G. Maspero: Le Royaume de Champa”, BEFEO, XIV, pp. 27; R.A. Stein (1947), Le Linyi, sa local lisation, sa contribution a la formation du Champa et ses liens avec la Chine, Pekin, pp. 209 – 241.
[2] G. Maspero (1928), Le Royaume de Champa, Bản dịch của Lê Tư Lành, Paris, pp. 50 – 51; Dohamine – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon, tr. 29 – 30; P-B. Lafont (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC Champa ấn hành, San Jose, tr. 136 – 138.
[3] Về nội dung liên quan đến Lâm Ấp trong các bộ sử này có thể tham khảo: Đào Duy Anh (1998), Lịch sử cổ đại Việt Nam, Nxb. văn hóa Thông tin, Hà Nội; Lịch Đạo Nguyên (2005), Thủy Kinh Chú sớ, Nxb. Thuận Hóa, Huế, Lương Ninh (2006), Lịch sử vương quốc Champa, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội.
[4] Maspero (1928), sđd, pp. 50 – 52; P-B. Lafont (1999), “Những niên đại quan trọng trong lịch sử Champa”, Champaka, 1, IOC Champa ấn hành, San Jose, tr. 39 – 54; (2011), sđd, tr. 133 – 142; Po Dharma (1999), “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, Champaka 1, IOC Champa ấn hành, San Jose, tr. 9 – 36.
[5] W. A. Southworth (2001), The Origins of Campa in Central Vietnam, School of Oriental and Afican Studies (SOAS), University of London; M. Vickery (2005), “Champa Revised”, Asia research institute, Working Paper Series 37, National University of Singapore; A. V. Schweyer (2010), “The Bird of Champa”, Connecting Empires and States, NUS Press, Singapore, pp. 102 – 117.
[6] R.A. Stein (1947), sđd, pp. 161 – 163; Lương Ninh (2006), sđd, tr. 364 – 371.
[7] R.A. Stein (1947), sđd, pp. 116 – 117, 158 – 159.
[8] W. A. Southworth (2001), sđd,pp. 293 – 294; A. V. Schweyer (2010), sđd, pp. 109 – 110.
[9] G. Maspero (1928), sđd, pp. 51 – 52.
[10] P-B. Lafont (1999), sđd, tr. 43; (2011), sđd, tr. 140 – 141; Po Dharma (1999), sđd, tr. 10 – 12.
[11] W. A. Southworth (2001), sđd, pp. 318; A. V. Schweyer (2010), sđd, pp. 102 – 118.
[12] G. Maspero (1928), sđd, p. 95; Lương Ninh (2006), sđd, tr. 384 – 387.
[13] Dẫn theo M. Vickery (2005), sđd, pp. 27 – 28.
[14] M. Vickery (2005), sđd, p. 29.
[15] Dẫn theo A. Griffiths et W. A. Southworth (2007), “La Stèle D’Installation de Cri Satyadevesvara: Une Nouvelle Inscription Sanskrite du Campa Trouvée à Phuoc Thien”, Journal Asiatique, 295.2, pp. 357.
[16] W. A. Southworth (2000), “Notes on the political geography of Campa in central Vietnam during the late 8th and early 9th centuris A.D”, Southeast Asian Archaeology 1998. Proceedings of the 7th International Conference of the European Association of Southeast Asian Archaeologists, Center for South – East Asia Studies, Hull, pp. 237 – 244; A.V. Schweyer (2004), “Po Nagar de Nha Trang”, Aséanie 14, pp. 109 – 140; A. Griffiths et W. A. Southworth (2007), sđd, pp. 349 – 381.
[17] W. A. Southworth (2000), sđd, p. 242; A.V. Schweyer (2004), sđd, p. 112; A. Griffiths et W. A. Southworth (2007), sđd, p. 357; A. Griffiths et W. A. Southworth (2011), “La Stèle D’Installation de Cri Satyadevesvara: Une Nouvelle Inscription de Satyavarman trouvée dan le temple de Hoa Lai et Son importance pour l’histoire du Panduranga”, Journal Asiatique, 299.1, pp. 288 – 290.
[18] G. Maspero (1928), sđd, p. 95; P-B. Lafont (1999), sđd, tr. 114.
[19] M. Vickery (2005), sđd, p . 27.
[20] W. A. Southworth (2000), sđd, p. 242; A.V. Schweyer (2004), sđd, p. 112.
[21] W. A. Southworth (2001), sđd, pp. 318; M. Vickery (2005), sđd, p . 33.