#14 #medium #mth
Hiệu ứng Diderot: Tại sao chúng ta muốn những thứ chúng ta không cần?
Và đây là cách đối phó với nó
Chuyên mục: Personal Growth | Apr 17, 2018 | 6 min read | 10,4 K Claps
Tác giả: James Clear
Minh họa: Bức tranh miêu tả Denis Diderot của họa sĩ Louis-Michel van Loo vẽ năm 1767. Trong bức tranh, Diderot đang mặc một chiếc áo choàng tương tự như chiếc khơi nguồn cho bài tiểu luận nổi tiếng của ông về Hiệu ứng Diderot.
———————————–
Triết gia nổi tiếng người Pháp Denis Diderot đã phải sống gần như toàn bộ cuộc đời mình trong cảnh nghèo túng, nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 1765.
Diderot khi ấy đã 52 tuổi, và con gái ông đã đến tuổi kết hôn, nhưng ông lại không đủ khả năng trang trải cho món hồi môn. Dù không giàu có, tên tuổi của Diderot vẫn được nhiều người biết tới bởi ông là người đồng sáng lập và thảo ra Encyclopédie, một trong những bách khoa toàn thư toàn diện nhất thời bấy giờ.
Khi Catherine Đại đế, Nữ hoàng của Đế quốc Nga, nghe về những rắc rối tài chính của Diderot, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1000 bảng Anh, tương đương 500,000 USD tính theo tỉ giá năm 2015. Thế là đột nhiên, Diderot có tiền dư thừa. [1]
Ngay sau khi có được giao dịch may mắn này, Diderot đã sở hữu cho mình một chiếc áo choàng đỏ mới tinh. Đây chính là bước ngoặt khiến mọi thứ đi sai hướng. [2]
Chiếc áo choàng đỏ của Diderot rất đẹp. Đẹp vô cùng, đẹp đến nỗi lạc lõng giữa đống tài sản tầm thường của ông. Diderot đã lập tức nhận ra điều này. Theo cách nói của ông, đã “không còn sự đồng điệu, không còn tính thống nhất, không còn vẻ đẹp” khi đặt chiếc áo choàng cạnh những món đồ còn lại. Triết gia sớm có thôi thúc phải mua vài món mới tương xứng với chiếc áo choàng của mình. [3]
Ông đã thay thế tấm thảm của mình bằng một tấm mới mua từ Damascus. Ông trang hoàng nhà cửa bằng những tác phẩm điêu khắc tuyệt mĩ và một cái bàn ăn đẹp hơn. Ông mua một cái gương mới để đặt cùng chiếc áo choàng và “cái ghế rơm đã bị vứt xó ngoài sảnh để nhường chỗ cho một chiếc bọc da.”
Loại giao dịch kéo theo này được gọi là Hiệu ứng Diderot.
Hiệu ứng Diderot được phát biểu rằng, việc có được một vật sở hữu mới sẽ tạo ra một vòng xoáy tiêu thụ dẫn đến sở hữu nhiều vật phẩm mới hơn. Kết quả là, để cảm thấy hạnh phúc hay thỏa mãn, chúng ta phải mua những thứ mà bản thân trước đây không hề cần.
Như bao người khác, tôi cũng đã và đang là nạn nhân của Hiệu ứng Diderot. Gần đây, tôi có tậu một chiếc xe mới, và tôi đã phải sắm thêm cả tá phụ kiện cho nó: máy đo áp suất lốp, bộ sạc điện thoại trên ô tô, một chiếc ô, một bộ dụng cụ sơ cứu, một con dao bỏ túi, một cái đèn pin, một cái chăn cứu hộ, và thậm chí cả dụng cụ cắt dây an toàn.
Xin lưu ý rằng tôi đã dùng chiếc xe cũ được gần 10 năm và không cảm thấy bất kì món đồ nào trong số những thứ kể trên là đáng đồng tiền bát gạo. Và rồi, sau khi tậu một con xe bóng loáng cho mình, tôi lại bị rơi vào một vòng xoáy tiêu thụ hệt như Diderot. [4]
Bạn có thể bắt gặp những hành vi tương tự trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống:
- Bạn mua một chiếc váy mới, thế là giờ bạn cần một đôi giày và một đôi hoa tai phù hợp.
- Bạn mua thẻ thành viên của CrossFit, và giờ bạn phải chi trả cho foam roller , đai bảo vệ đầu gối, quấn cổ tay và kế hoạch ăn kiêng paleo.
- Bạn mua cho con bạn một con búp bê American Girl, rồi bạn phải mua những phụ kiện mà trước đây bạn không hề biết cho con búp bê.
- Bạn mua một cái đi văng mới, và bắt bỗng nhiên đặt câu hỏi về cách bố trí toàn bộ phòng khách nhà mình. Những cái ghế kia thì sao nhỉ? Còn cái bàn thấp kia thì sao? Cả tấm thảm đó nữa? Tất cả chỗ đó phải thay mới thôi.
(Chú thích của người dịch:
Foam roller: một dụng cụ hình ống trụ dài, trên bề mặt có các gờ, dùng để massage, làm dịu các vùng bị đau, cũng có thể dùng để tập luyện.
Ăn kiêng paleo (Chế độ ăn của người thượng cổ): một chế độ ăn uống sử dụng thực phẩm bắt chước các nhóm thực phẩm của tổ tiên tiền nông nghiệp, săn bắn hái lượm của chúng ta. Về cơ bản, đây là chế độ low carb và giàu chất béo, những người theo chế độ ăn này có thể ăn các loại thịt, cá và hải sản, trái cây tươi và rau quả, trứng, các loại hạt và hạt giống và các loại dầu ‘lành mạnh’. Chế độ ăn này cung cấp lượng xơ và đạm rất cao, giúp bạn giảm cân mà không tốn quá nhiều calories.)
Cuộc sống đương nhiên có xu hướng trở nên đủ đầy hơn. Chúng ta chẳng mấy khi muốn đơn giản hóa, loại trừ, giáng cấp và giảm bớt. Xu hướng tự nhiên của con người là tích lũy, tăng thêm, nâng cấp và tạo dựng.
Theo cách nói của giáo sư xã hội học Juliet Schor, “áp lực nâng cấp kho lưu trữ đồ đạc của chúng ta luôn đi theo một hướng xác định, ấy là tiến lên.”
Hiệu ứng Diderot chỉ ra rằng, sẽ ngày càng có nhiều thứ tranh nhau bước vào cuộc sống của bạn, do đó bạn cần biết cách quản lí, loại trừ và tập trung vào những điều thực sự quan trọng với mình.
1. Hạn chế tiếp xúc. Gần như mọi thói quen đều được khơi nguồn từ một kích thích hay gợi ý. Một trong những cách tối ưu nhất để giảm thiểu ảnh hưởng của Hiệu ứng Diderot là tránh xa mọi kích thích thói quen – duyên cớ ban đầu gây ra hiệu ứng. Hủy đăng kí các email thương mại. Gọi điện cho các tạp chí hay gửi catalog cho bạn và từ chối nhận mail từ họ. Gặp gỡ bạn bè ở công viên thay vì trung tâm mua sắm. Chặn các trang web mua sắm trực tuyến mà bạn ưa thích bằng các công cụ như Freedom.
2. Mua những vật dụng phù hợp với tổng thể hiện tại của bạn. Bạn không cần phải bắt đầu lại từ đầu mỗi khi mua thứ gì đó mới. Khi mua quần áo mới, hãy tìm những món phù hợp với tủ quần áo hiện tại của bạn. Khi lên đời các thiết bị điện tử, hãy chọn mua những mặt hàng tương ứng với các thiết bị bạn hiện có sẵn để tránh phải mua bộ sạc, bộ phận chuyển đổi điện áp (adapter) hoặc dây cáp mới.
3. Tự đặt ra giới hạn cho bản thân. Sống một cuộc sống được ràng buộc kĩ càng bằng cách tạo ra những giới hạn hành vi cho bản thân. Juliet Schor đã đưa ra một ví dụ tuyệt vời trong đoạn trích sau đây:
“Hãy thử tượng tượng chút nhé. Một nhóm người trong thành phố tổ chức cho các bậc phụ huynh kí một cam kết không chi quá $50 mua giày thể thao cho các con của mình. Các nhân viên tại nhà trẻ đặt ra giới hạn bắt buộc là $75 cho mỗi bữa tiệc sinh nhật. Ban Giám hiệu kêu gọi cộng đồng ủng hộ việc yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Hội phụ huynh thuyết phục được 80% cha mẹ giới hạn thời gian xem TV của trẻ xuống còn không quá một giờ mỗi ngày.
Bạn có ước sẽ có ai đó trong cộng đồng mình hoặc trong trường học của con bạn đứng lên tiên phong thực hiện các nỗ lực này hay không? Tôi cho rằng hàng nghìn bậc cha mẹ người Mĩ đang có suy nghĩ ấy. TV, giày dép, quần áo, tiệc sinh nhật, đồng phục thể dục – đó là những thứ khiến phụ huynh cảm thấy áp lực khi cho phép con cái họ tiêu thụ hơn cái mức mà họ cho là tốt nhất, cái mức mà họ còn muốn chi trả, hoặc còn đủ thoải mái để trang trải.
— Juliet Schor, The Overspent American
4. Mua một, tặng một. Mỗi khi bạn mua một món đồ mới, hãy cho đi một thứ khác. Mua một cái TV mới ư? Hãy tống cái cũ đi thay vì chuyển nó sang phòng khác. Ý tưởng là để ngăn chặn sự gia tăng về số lượng đồ đạc. Hãy chỉ giữ lại những thứ mang lại hạnh phúc và niềm vui cho bạn.
5. Cố gắng không mua vật dụng mới trong vòng một tháng. Đừng mua bất kì đồ dùng nào trong một tháng. Thay vì mua một cái máy cắt cỏ mới, hãy mượn cái của nhà hàng xóm. Thay vì mua một chiếc áo mới ở trung tâm mua sắm, hãy thử đi đến một cửa hàng đồ cũ. Càng nghiêm khắc với bản thân bao nhiêu, chúng ta lại càng tháo vát bấy nhiêu.
6. Giải phóng bản thân khỏi những ham muốn vật chất. Bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành mọi mong ước của mình. Bằng một cách nào đó, nhu cầu của bạn cứ luôn lớn dần. Bạn vừa mua một chiếc Honda mới ư? Thế thì bạn cũng có thể mơ về một chiếc Mercedes. Thậm chí một chiếc Bentley. Bạn cuối cùng cũng sở hữu cho mình một chiếc Bentley rồi à? Vậy thì bạn cũng có thể mua Ferrari chứ nhỉ? Bạn đã từng nghĩ đến việc mua một phi cơ riêng chưa? Hãy nhớ cho rõ, ham muốn chỉ là lựa chọn mà tâm trí đưa đến cho bạn, chứ không phải một mệnh lệnh buộc bạn phải tuân theo.
Xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu thụ nhiều hơn, chứ không phải theo hướng ngược lại. Do đó, tôi tin tưởng rằng việc thực hiện những biện pháp thiết thực để hạn chế thói quen mua sắm tùy hứng sẽ khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Cá nhân tôi không đặt ra mục tiêu đưa cuộc sống về mức ít vật sở hữu nhất, mà là lấp đầy nó với lượng tối ưu nhất. Tôi hi vọng bài viết này có thể giúp bạn tìm ra con đường tương tự.
Theo cách nói của Diderot, “Hãy lấy ví dụ của tôi làm bài học. Nghèo khó có tự do của nghèo khó; giàu sang có trở ngại của giàu sang.”
Chú thích của tác giả:
- Ngoài khoản tiền mua lại thư viện, Catherine Đại đế lệnh Diderot tiếp tục giữ những cuốn sách cho đến khi bà cần tới chúng, đồng thời ngỏ ý trả cho ông một khoản lương mỗi năm với tư cách một thủ thư.
- Chiếc áo choàng của Diderot thường được đề cập tới như một món quà từ một người bạn. Tuy nhiên, tôi không tìm thấy thông tin khẳng định cả về việc nó là một món quà lẫn người bạn đã tặng nó. Nếu bạn tình cờ biết nhà sử học nào luôn tin vào việc trao nhận chiếc áo choàng này, cứ cho đọc bài của tôi thoải mái, rồi chúng tôi sẽ làm rõ bí ẩn về chiếc áo choàng đỏ nổi tiếng của Diderot.
- Các phát ngôn của Diderot được nhắc đến trong bài đều trích từ bài tiểu luận của ông: “Regrets for my Old Dressing Gown.”
- Một số độc giả đã chỉ ra rằng các quyết định mua sắm của tôi là thông minh, chứ không hề thừa thãi. Có thể họ đúng, nhưng đó vẫn là ví dụ về Hiệu ứng Diderot. Chúng ta chỉ cần hiểu rõ một điều: Hiệu ứng Diderot nói đơn giản chính là, khi chúng ta có được một món đồ mới, chúng ta sẽ có xu hướng muốn mua thêm những thứ khác. Đánh giá này không chỉ có giá trị khi xét trên những giao dịch vô ích. Vì vậy, cho dù các lựa chọn mua hàng của tôi có thông minh đi chăng nữa, tôi vẫn cảm thấy mình là một nạn nhân của Hiệu ứng Diderot. Tất nhiên, Hiệu ứng Diderot phần lớn vẫn dẫn tới những giao dịch thừa thãi, đó là lí do tại sao tôi tập trung vào góc độ đó trong bài viết này.
- “The Overspent American: Why We Want What We Don’t Need” của Juliet Schor. Chương 6.
- Cảm ơn anh bạn Joshua Becker của tôi, người đã khơi dậy mối quan tâm của tôi về Hiệu ứng Diderot thông qua bài viết của mình về chủ đề này.
———————————
The Diderot Effect: Why We Want Things We Don’t Need — And What to Do About It by @JamesClear https://link.medium.com/slygY3kKG6