ƯU THẾ CÔNG NGHỆ CỦA PHÁO BINH NGA LỪNG LẪY TỪ THỜI LIÊN XÔ NAY ĐÃ BỊ CÁC NƯỚC KHÁC VƯỢT MẶT NHƯ THẾ NÀO?
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Liên bang Xô Viết đã đầu tư những nguồn lực khổng lồ cho công nghiệp Quốc phòng, từ đó cho ra đời những hệ thống vũ khí uy lực và có chất lượng cũng như tính năng được đánh giá rất cao, nhất là lực lượng pháo binh. Sau ngày Liên Xô sụp đổ, trong 30 năm qua Nga là quốc gia kế thừa hầu hết lực lượng pháo binh của Liên Xô nhưng vì quy mô kinh tế nghèo nàn mà quá trình phát triển cũng như thay thế các thế hệ vũ khí từ thời Liên Xô đã bị chậm trễ hoặc ngưng lại hoàn toàn, dẫn đến ưu thế về công nghệ pháo binh của Nga ngày nay đã dần bị xói mòn.
PHÁO XE KÉO
Pháo binh cùng với lực lượng xe tăng – thiết giáp là những lực lượng chủ lực của Lục quân Liên Xô và được quan tâm đầu tư nghiên cứu rất lớn. Năm 1990 Liên Xô có trong trang bị 33.000 khẩu pháo kéo, trong đó tiên tiến nhất là 598 khẩu pháo 2A65 Msta-B 152mm được đưa vào biên chế năm 1987. Xét về tầm bắn (29 km so với 22 km) lẫn tốc độ (6 viên so với 4 viên/phút), Msta-B vượt hơn rất nhiều so với loại pháo M198 155mm của Mỹ trong khi trọng lượng lại nhẹ hơn, 6.800 kg so với 7.154 kg. Tuy nhiên sau này người Mỹ đã phát triển các loại đạn tăng tầm lên 30 – 40 km vượt xa khẩu pháo Nga. Bắt đầu từ năm 2005 những khẩu M198 bắt đầu bị loại biên để thay thế bằng M777 tiên tiến hơn, trọng lượng nhẹ hơn và có thể sử dụng loại đạn pháo dẫn đường bằng định vị vệ tinh Excalibur thế hệ mới với độ chính xác cực cao ở khoảng cách 40 km. Trong khi đó 2A65 Msta-B cuối thời Liên Xô vẫn là những khẩu pháo tiên tiến nhất của nước Nga và thậm chí nước Nga ngày nay còn không đủ kinh phí để thay thế tất cả các loại pháo thế hệ cũ từ thập niên 40, 50 như D-20 152mm, D-30 122mm bằng 2A65 Msta-B.
Trong khi nước Nga chưa thể chế tạo được loại pháo nào tương đương M777 thì ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có thể sản xuất ra khẩu pháo AH-4 155mm với nhiều nét thiết kế và những tính năng kỹ – chiến thuật na ná như M777 của Mỹ.
Trong khi M777 đã được xuất khẩu sang nhiều nước thì Msta-B vẩn chỉ được sử dụng trong quân đội Nga và các nước cựu Liên Xô trước kia như Ukraine và Kazashtan, một số ít được vận chuyển đến Syria. Ấn Độ đã chọn mua M777 để trang bị cho các binh đoàn sơn cước của họ trên tuyến biên giới căng thẳng với Trung Quốc thay vì các loại pháo của Nga.
LỰU PHÁO TỰ HÀNH
Biến thể pháo tự hành của Msta-B là Msta-S bắt đầu được đưa vào sử dụng năm 1989. Thời điểm đó Msta-S vượt trội so với những khẩu pháo tự hành M109 Paladin và các phiên bản nâng cấp của Mỹ đã xuất hiện từ những năm 1963. Tuy nhiên từ đó cho tới nay hơn 30 năm Msta-S không hề có bất kỳ nâng cấp gì đáng kể trong khi nhiều hệ thống pháo tự hành thế hệ mới đã lần lượt ra đời, nổi bật như PzH2000 của Đức năm 1998 và K9 Thunder của Hàn Quốc năm 1999 đều có chế độ bắn Multiple Rounds Simultaneous Impact (MRSI) khi máy tính điều khiển hỏa lực có thể lập trình để bắn nhiều quả đạn pháo ở những thời điểm khác nhau cùng lúc rơi vào mục tiêu. Đây là điều mà Msta-S không thể làm được. Trong khi PzH2000 lẫn K9 Thunder đều đã đạt nhiều thành công trên thị trường xuất khẩu thì Msta-S mới chỉ bán được cho Venezuela, Ethiopia và Maroc. Đặc biệt, năm 2017 trong cuộc cạnh tranh cho mẫu pháo tự hành mới của Ấn Độ để đối đầu với những khẩu M109A5 của Pakistan mua từ Mỹ, K9 của Hàn Quốc đã được chọn thay vì Msta-S của Nga.
PHÁO PHẢN LỰC PHÓNG LOẠT
Một trong những hệ thống vũ khí đã làm nên tên tuổi của lực lượng pháo binh Nga đó là hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch. Pháo phản lực phóng loạt Nga đã từng nổi danh với những hệ thống như BM-13 Katyusha thời Thế chiến II, sau đó là những hệ thống như BM-27 Uragan và đỉnh cao là BM-30 Smerch, hệ thống bắt đầu đưa vào trang bị năm 1989 và mỗi xe phóng có khả năng mang 12 đầu đạn tên lửa 300mm giáng xuống đầu kẻ thù từ cách đó 90km.
Trung Quốc đã dựa vào thiết kế của BM-30 Smerch để phát triển một phiên bản của mình là PHL-96, tuy nhiên thua kém khá nhiều về công nghệ so với bản gốc của Nga nên chỉ sản xuất số lượng nhỏ và sau vài năm ngắn ngủi đã bị thay thế bằng hệ thống PHL-03 những năm 2004 – 2005 với tầm bắn 150 km. Hệ thống điều khiển cũng được số hóa kết hợp định vị vệ tinh GPS/GLONASS. Tới phiên bản nâng cấp sau đó AR1 tên lửa đã có hệ thống dẫn đường và phiên bản mới nhất hiện nay là AR-3 đã có tầm bắn 220 km với đầu đạn tên lửa 370 mm hoặc tầm bắn 290 km với hai tên lửa 750 mm. Loại tên lửa phóng loạt mới nhất được Trung Quốc trình làng trong cuộc duyệt binh tháng 10 năm 2019 là PCL-191 dựa trên AR-3 thậm chí có khả năng bắn 8 quả rocket 370mm xa 350km hoặc hai tên lửa đạn đạo 750mm tới 500km.
KẾT LUẬN
Xét tổng thể về số lượng pháo binh, Nga vẫn là một lực lượng hàng đầu thế giới nhưng những ưu thế về công nghệ của họ từ thời Liên Xô đã không được nước Nga ngày nay duy trì. Nhiều quốc gia khác đã có thể vượt qua Nga về công nghệ pháo binh. Trong một cuộc chiến tranh tổng lực như thời kỳ Thế chiến II, số lượng đông đảo pháo binh Liên Xô có thể áp đảo chất lượng công nghệ của Đức nhưng trong những cuộc chiến tranh cục bộ quy mô nhỏ của thế kỷ XXI thì việc thua kém về công nghệ so với đối thủ có thể là một vấn đề hết sức đau đầu.