Ty Tashiro, tác giả cuốn sách Chứng lúng túng trong giao tiếp nói rằng, kể cả bản thân anh, những đứa trẻ không giỏi giao tiếp với xã hội đều có một điểm chung rõ ràng, đó là chúng có một sự say mê mãnh liệt với hệ thống. Điều này được thể hiện ở ba khía cạnh.
Trước hết, chúng vô cùng khát khao tìm hiểu các quy tắc vận hành đằng sau một hệ thống. Một số trẻ em không giỏi giao tiếp thích tháo rời lò nướng bánh, đồng hồ báo thức và đồ chơi điện ở nhà để tìm hiểu cách thức hoạt động của chúng; một số trẻ em cứ hỏi cha mẹ xem chim sẽ bay về phương Nam vào mùa đông như thế nào; một số người khác bị thu hút bởi cách động cơ ô tô hoạt động từ khi còn nhỏ.
Thứ hai, chúng cũng rất thích các luật được trình bày trong hệ thống. Sheldon Cooper trong bộ phim Vụ nổ lớn thích mọi thứ liên quan tới tàu hỏa, bởi vì các chuyến tàu có tính quy luật hoàn hảo. Thưởng thức, tìm hiểu những quy tắc hoàn mỹ khiến anh cảm thấy bình yên.
Biểu hiện cuối cùng là những đứa trẻ này cũng rất giỏi khi tự mình biên soạn một hệ thống có quy luật. Ty Tashiro là một người hâm mộ bóng chày. Khi còn nhỏ, anh ấy thích lập danh sách mười tay ném hàng đầu của Giải bóng chày Liên đoàn Quốc gia. Anh ấy thậm chí còn viết một phương trình cho nó, được sử dụng để tính số thành tích thắng và thua của tất cả các vận động viên ném bóng, sau đó sử dụng số điểm có trọng số này để xác định thứ hạng trong danh sách.
Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ: Những đứa trẻ tự kỷ không phải đều như vậy sao? Đúng vậy. Thực sự có một mối tương quan trực tiếp giữa chứng lúng túng trong giao tiếp và chứng tự kỷ. Simon Baron-Cohen, một chuyên gia nghiên cứu về chứng tự kỷ và là giáo sư tại Đại học Cambridge, đã biên soạn thang điểm đo lường xu hướng tự kỷ. Điểm trung bình của người bình thường là 16 điểm. Người tự kỷ thường đạt trên 32 điểm. Theo Ty Tashiro, hầu hết những người đạt 16 – 32 điểm trong thang đo xu hướng tự kỷ đều là những người mắc chứng lúng túng trong giao tiếp.
Nói cách khác, những người vụng về trong giao tiếp và những người tự kỷ thực sự cùng nằm trên một thể liên tục. Xu hướng tự kỷ của những người lúng túng trong giao tiếp cao hơn người bình thường nhưng vẫn chưa đạt đến mức độ của người mắc chứng tự kỷ. Vậy có xu hướng tự kỷ có phải là một đặc điểm chung của những người đặc biệt hứng thú với hệ thống? Đúng là như vậy.
Nhóm nghiên cứu do Baron Cohen đứng đầu đã tiến hành điều tra hơn 100 gia đình có ít nhất một trẻ mắc chứng tự kỷ, cố gắng tìm hiểu sở thích của những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ này. Họ nhận được những câu trả lời thật kỳ lạ: Một số trẻ thích học thuộc lịch tàu; một số trẻ thích sắp xếp tên các loại nấm khác nhau; một số khác thích đổ nước vào bồn rồi chạy ra khỏi nhà xem nước chảy ra từ đường ống nước như thế nào. Điểm chung của những sở thích này rất rõ ràng: Những đứa trẻ này đều đang cố gắng hiểu hoặc xây dựng một hệ thống, tìm ra các quy luật của hệ thống.
Baron Cohen gọi những hoạt động này là hệ thống hóa. Yêu thích hệ thống hóa và giỏi hệ thống hóa là đặc điểm chung của những người lúng túng trong giao tiếp và người mắc chứng tự kỷ.
Theo cuốn sách “Tâm lý học hiện đại: Nhìn thấu tâm can thay đổi tâm trí”.