“Nhảy việc” không hẳn vì tiền lương
Theo một kết quả khảo sát, có tới 62% các bạn trẻ nhảy việc ngay trong năm đầu tiên đi làm, thậm chí có Gen Z còn nhảy việc nhiều lần trong cùng một năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ thất nghiệp trong lao động trẻ cao.
Chị Phạm Thu Thủy (25 tuổi) nhân viên văn phòng của công ty cung cấp thiết bị giáo dục tại Hà Nội cho hay, tốt nghiệp đại học được 3 năm nhưng chị đã “nhảy việc” tới 6 lần. Năm đầu tiên đi làm chị bỏ 3 công ty. Lý do chủ yếu liên quan tới môi trường làm việc, chế độ tiền lương.
“Lúc vừa đi làm, tôi chưa có kinh nghiệm làm việc nên các công ty trả lương rất thấp, chỉ được hơn 4 triệu đồng/tháng, chưa kể môi trường làm việc gò bó sáng đi từ 8 giờ chiều mãi gần 6 giờ mới xong việc. Sếp lại toàn giao công việc vặt cho làm nên tôi bỏ việc, tìm việc mới”, Thủy nói.
Sau 3 năm làm việc, từng kinh qua nhiều vị trí, nhưng ở vị trí nào cô cũng chỉ làm được chừng 5-7 tháng là chuyển nên đến giờ Thủy vẫn chưa có kinh nghiệp làm việc.
“Hiện giờ tôi đang làm văn phòng cho một doanh nghiệp chuyên cung cấp sản phẩm giáo dục, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới nên tôi chưa thích ứng được, mức lương trả cho tôi chỉ nhỉnh 8 triệu đồng/tháng trong khi đó, với các bạn được tuyển dụng cùng thời điểm có kinh nghiệm hơn là 12 triệu đồng/tháng”, Thủy chia sẻ.
Nhiều lao động trẻ như Thủy cho rằng, ít ai có nguyện vọng “nhảy việc” chỉ là lực bất tòng tâm, lương thấp, môi trường làm việc không ổn, ít cơ hội trau rồi nghề, thăng tiến… thì lao động mới phải “nhảy việc”.
Ghi nhận diễn biến từ thị trường việc làm của phóng viên Báo Điện tử Dân Việt hoàn toàn trùng khớp với điều tra của các trung tâm nghiên cứu, khảo sát về việc làm trong cả nước.
Mới đây, 1 nghiên cứu của Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM cũng cho thấy “nhảy việc’ đang dần trở thành xu hướng của lao động trẻ. Nghiên cứu cho thấy, trong quý I/2024 TP có hơn 26.000 lao động được nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp thì có tới 71% là người trẻ tuổi. Bên cạnh những lao động trẻ nhảy việc vì lý do chính đáng thì cũng có không ít lao động trẻ nhảy việc vì những lý do trời ơi. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Báo cáo “Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc” phân tích ý kiến phản hồi của 2.023 người tham gia từ sáu quốc gia Đông Nam Á, trong đó có 274 người đến từ Việt Nam cho thấy khoảng 11% số người Việt được khảo sát cảm thấy rất hài lòng về ý nghĩa mà vị trí việc làm hiện tại đem lại. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Nguyễn Thị Nhung – Phòng Nhân sự Công ty Bizzi Việt Nam cho biết, việc người trẻ nhảy việc thường xuyên sẽ tạo bất lợi cho người lao động vì lao động không có đủ thời gian làm việc tích lũy được kinh nghiệm cũng như chuyên môn sâu trong lĩnh vực mình làm. Chưa kể việc “nhảy việc” thường xuyên khiến nhiều công ty, doanh nghiệp gặp bất lợi vì không chủ động được lao động, hoạt động sản xuất của côgn ty có thể bị gián đoạn.
Theo chuyên gia lao động khi vừa ra trường lao động trẻ cần 1 năm để làm quen tìm hiểu công việc, năm thứ 2 mới có thể học hỏi làm việc, năm thứ 3 mới có thể làm tốt công việc. “Nếu không kiên định với công việc thì lao động khó có thể trưởng thành, thành công trong công việc”, bà Nhung nói.
Theo ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, những ngành nghề có tính cạnh tranh cao, quy mô lớn như: Kỹ sư chế tạo máy; công nghệ IT… thường là những ngành nhân sự “nhảy việc” nhiều hơn.
“Những ngành này thường tạo ra nhiều áp lực vì thế lao động thường có tâm lý nhảy việc nhiều hơn. Bản thân công việc cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, sự đào thải liên tục nên nhiều khi không muốn “nhảy việc” không được”, bà Nguyễn Huỳnh Như Thủy – Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp công nghệ, nhân sự TalentView Việt Nam.
“Chưa bao giờ “nhảy việc” nhiều như hiện nay”
Mới đây, trong buổi họp với Ủy ban thường Vụ Quốc hội, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã nhận định, chưa bao giờ tình trạng lao động “nhảy việc” lại diễn ra nhiều như hiện nay.
Cả nước có hơn 52, 5 triệu lao động, tăng 196,6 nghìn người trong khi đó, số lao động có việc làm là hơn 51,4 triệu lao động. Thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam là hơn 7,4 triệu đồng, thuộc quốc gia có mức độ tăng trưởng thu nhập khá so với các quốc gia khu vực và thế giới.
Ông Dung cho rằng tính chất việc làm hiện nay có sự thay đổi lớn. Trước đây, một người có thể làm bền vững, suốt đời ở một cơ quan, công ty còn bây giờ lao động vừa ký hợp đồng với một đơn vị nhưng tháng sau đã có thể “nhảy việc” sang nơi việc khác chỉ vì một lý do rất đơn giản.
“Nói cách khác, chưa bao giờ tình trạng người nhảy việc nhiều như hiện nay, nhân lực thay đổi liên tục ngay trong một cơ sở, một tập đoàn, một đơn vị. Do đó, chúng tôi đang suy nghĩ để thiết kế lại nội dung điều chỉnh vấn đề này thông qua Luật Việc làm sửa đổi”, Bộ trưởng Dung cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã nhấn mạnh, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng xác định. Chính bởi vậy, người đứng đầu quốc hội lưu ý cần có cơ chế để đảm bảo, chăm lo, phát triển nguồn nhân lực nói riêng và có cơ chế để hoàn thiện thị trường lao động nói chung.
“Cần hoàn thiện luật Việc làm phải thế chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhằm phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hội nhập, hiệu quả, đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động”, chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý.
Để làm được điều này, đương nhiên Luật Việc làm sửa đổi cần tính các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng “nhảy việc”, ngăn điều này trở thành xu hướng vì điều này không có lợi cho cả người lao động, cả công ty và nền kinh tế.