Tuyên ngôn độc lập Indonesia.Đêm 16/8/1945, nhân việc Nhật Bản đầu hàng, các lãnh đạ…

Tuyên ngôn độc lập Indonesia

Tuyên ngôn độc lập Indonesia.
Đêm 16/8/1945, nhân việc Nhật Bản đầu hàng, các lãnh đạo dân tộc hàng đầu ở Indonesia là Tổng thống Sukarno và tướng Mohammad Hatta đã ngồi soạn văn bản tuyên ngôn độc lập. Sáng hôm sau, ngày 17/8/1945, họ đọc qua đài phát thanh bản tuyên ngôn độc lập của Indonesia như sau:
”PROKLAMASI
Kami, bangsa Indonesia, dengan ini menjatakan kemerdekaan Indonesia.
Hal-hal jang mengenai pemindahan kekoeasaan dll, diselenggarakan dengan tjara saksama dan dalam tempo jang sesingkat-singkatnja.
Djakarta, hari 17 boelan 8 tahoen 05
Atas nama bangsa Indonesia,
Soekarno / Hatta”
Dịch là
”TUYÊN BỐ
Chúng tôi – những người dân Indonesia, xin tuyên bố nền độc lập của nước Indonesia.
Các vấn đề liên quan đến việc chuyển giao quyền lực, v.v. sẽ được thực hiện bằng các biện pháp cẩn trọng và trong thời gian nhanh nhất có thể.
Djakarta, ngày 17 tháng 8 năm 1945
Nhân danh người dân Indonesia,
Ký tên: Sukarno/Hatta”.
Xong, nhanh, gọn, lẹ – và Indonesia trở thành nước đầu tiên ở Đông Nam Á giành lại độc lập.
Nghe đơn giản vậy thôi chứ dĩ nhiên làm gì dễ ăn thế. Tương tự như ở Việt Nam, sau khi Nhật đầu hàng quân Hà Lan đã nhờ Đồng Minh đưa trở lại nhằm tái lập quyền thống trị với thuộc địa cũ ở Indonesia. Cũng tương tự, quân đồng minh đã dùng lính Nhật Bản giải giáp ở Indonesia nhằm đàn áp phong trào độc lập của người dân. Và càng giống hơn nữa, là hàng nghìn lính Nhật ở Indonesia cũng đã đào ngũ sang những người dân tộc Indonesia, chiến đấu chống lại những người mà họ cho là ”kẻ thù chung của Đại Đông Á” – những người xâm lược châu Âu.
Quy mô các sự kiện trên ở Indonesia lớn hơn và rõ ràng hơn nhiều ở Việt Nam. Ngay sau tuyên bố độc lập của Indonesia, gần 200.000 quân Hà Lan, 60.000 quân công ty Đông Ấn Hà Lan, 3 vạn lính Anh và 3,5 vạn lính Nhật đã đàn áp phong trào độc lập của nước Indonesia non trẻ. Đối lại, quân đội Cộng hòa mới của Indonesia cũng xây dựng được 200.000 quân tình nguyện, cùng với người Nhật và người Ấn Độ đào tẩu khỏi quân Anh, chiến đấu chống lại đạo quân Đồng Minh.
Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, khi mà lực lượng Hà Lan còn chưa triển khai tới đầy đủ, các cuộc chiến giữa lực lượng Đồng Minh và quân Indonesia đã diễn ra khốc liệt ngay từ đầu. Giai đoạn này được gọi bằng cái tên ”thời kỳ Bersiap”, đặc trưng bởi xung đột đẫm máu giữa quân đội nước ngoài và người dân Indonesia, bao gồm cả những vụ trả thù tàn bạo của người dân Indonesia với dân thường gốc Âu và Hoa. Chỉ riêng quân đội Anh, cho đến lúc rút đi họ đã mất 1.200 binh lính, tổn thất lớn hơn bất cứ nơi nào quân đội Anh tham chiến vào thời điểm đó. Lực lượng quân của Công ty Đông Ấn Hà Lan chết khoảng 10% lực lượng, tức khoảng 6.000 người chết. Quân đội Nhật Bản có các ghi chép khá rõ ràng, rằng 1.057 lính Nhật chết bên hàng ngũ quân Đồng Minh, và 531 người Nhật chết bên hàng ngũ những người dân tộc Indonesia. Còn đối với người Ấn Độ đào tẩu, trong 600 binh sĩ chiến đấu cạnh người Indonesia thì 525 người Ấn tử trận, tức chỉ còn 75 người sống sót.
Suốt thời kỳ bạo lực đó, những hành động tàn bạo với dân thường cũng không phải hiếm. Ít nhất 20.000 dân thường Indonesia đã thiệt mạng từ năm 1945 đến tháng 3 năm 1946 (thời điểm quân Hà Lan bắt đầu đổ bộ). Cũng thời gian đó, ghi nhận 3.600 dân thường gốc Âu bị giết hại để trả thù, hàng nghìn người khác cũng bị bắt cóc, mất tích không thể tìm thấy.
Khi quân Hà Lan trở lại năm 1946, nó trở thành cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 4 năm. Trong cuộc chiến này, về mặt quân sự Hà Lan đã chiến thắng, chiếm được các thành phố lớn, nhưng không thể khuất phục vùng nông thôn Indonesia. Cuộc chiến đẫm máu không hồi kết kéo dài 4 năm đã khiến Hà Lan suy yếu và thất thế nặng nề trên trường quốc tế. Ở Hoa Kỳ, quốc hội Hoa Kỳ chỉ ra rằng Hà Lan đã đốt quá nửa số tiền viện trợ trong kế hoạch Marshall của Mỹ vào cuộc chiến ở thuộc địa cũ Indonesia, và đã bỏ phiếu cắt viện trợ cho Hà Lan nếu không chấm dứt chiến tranh. Đến tháng 1 năm 1949, dưới sự ủng hộ của hầu hết các nước, Hội đồng Bảo An LHQ chính thức thông qua Nghị quyết số 63, yêu cầu khổi phục đầy đủ nền độc lập cho Cộng hòa Indonesia, buộc Hà Lan phải tuân thủ.
Cuối cùng, ngày 27/12/1949, do bế tắc quân sự và áp lực quốc tế, Hà Lan đồng ý ký thỏa thuận trao trả độc lập Hoàn toàn cho Indonesia tại thành phố La Hay, vương quốc Hà Lan dưới sự chứng kiến của Nữ hoàng Juliana của Hà Lan và phó tổng Thống Mohammad Hatta của Indonesia, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Indonesia trong cuộc chiến giành độc lập.
Ước tính, cuộc chiến kéo dài 4 năm đã làm 200.000 người Indonesia thiệt mạng, gồm 100.000 binh lính và 100.000 dân thường. Phía Hà Lan chỉ có 5.000 binh lính chết, nhưng con số này không tính quân của Công ty Đông Ấn chết trong giai đoạn 1945-1946 trước đó. Ngày nay, trên khắp đất nước Indonesia, người ta ghi nhận nhiều đài tưởng niệm giành cho tất cả binh sĩ của các nước đã tử trận ở Indonesia, từ người Hà Lan, người Anh, Ấn Độ, người Nhật,…không phân biệt đã chiến đấu cho bên nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *