TUYÊN CÁO POTSDAM VÀ TƯƠNG LAI NHẬT BẢN PHẦN 2 – Kế hoạch đánh bại Nhật của Đồng Minh

Cho đến đầu năm 1945, giới lãnh đạo Lục quân Hoa Kì, tiêu biểu là Tổng Tham mưu trưởng George Marshall và Tư lệnh Lục quân Mĩ ở Thái Bình Dương Mac Arthur, vẫn cho rằng rất cần có Liên Xô tham chiến để tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Ngày 23-1, trước lúc Tổng thống Roosevelt rời Washington bay đi Liên Xô để dự hội nghị thượng đỉnh Yalta với Thủ tướng Churchill và Đại Nguyên soái Stalin, tướng G. Marshall đã lưu ý với Tổng thống rằng việc tiêu diệt đạo quân 700.000 người ở Mãn Châu sẽ làm tổn thất hàng trăm ngàn sinh mạng binh sĩ Hoa Kì nếu không có sự tham chiến của Liên Xô. Bởi thế, tại Hội nghị thượng đỉnh Yalta (từ 4 đến 12- 2-1945), vấn đề này được giải quyết giữa Roosevelt (có Đại sứ Averell Harriman phụ tá) với Stalin (có Ngoại trưởng Molotov tháp tùng) tại phiên họp hai bên ngày 8-2 bàn về chiến tranh Viễn Đông. Hai bên nhất trí rằng Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở Viễn Đông với điều kiện trả lại cho Liên Xô chủ quyền ở phía nam đảo Sakhalin và quần đảo Kuril, dành cho Liên Xô hải cảng thuộc vùng nước ấm Trung Hoa là Lữ Thuận và quyền sử dụng các đường sắt ở Mãn Châu. Hải cảng Đại Liên sẽ là một cảng tự do được quốc tế hóa. Stalin cũng đồng ý rằng Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật trong vòng hai hoặc ba tháng sau khi Đức đầu hàng. Kế hoạch của Mĩ nhằm đánh bại Nhật Bản được vạch ra theo sự thỏa thuận này và hoàn tất vào mùa hè 1945. 

Ngày 18-6, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân, đại tướng G. Marshall đã trình bày trước Tổng thống Truman và các quan chức quân sự cao cấp của Hoa Kì:

– Phong tỏa mạnh đối phương trên biển, trên không.

– Đánh bom ồ ạt các thành phố lớn của Nhật Bản trong suốt mùa hè và mùa thu năm 1945.

– Từ ngày 1-11-1945, đổ bộ lên đảo Kyushu (chiến dịch

Olympic) với lực lượng 766.700 quân thuộc tập đoàn quân 6, thủy quân lục chiến và các đơn vị khác.

– Sau đó, đổ bộ lên Honshu (chiến dịch Coronet). Vào mùa hè năm 1945, hải quân và không quân Mĩ lớn mạnh gấp bội đã đè bẹp hải quân và không quân Nhật.

Nhưng về lục quân, thì phía Đồng minh vẫn chưa giành được ưu thế. Vấn đề vận chuyển một lực lượng đổ bộ khổng lồ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Henry Stimson đã viết: “Mĩ cần ít nhất là 5 triệu quân và các trận đánh chính sẽ kết thúc sớm nhất vào cuối năm 1946. Và qua các chiến dịch đó, ta phải mất ít nhất 1 triệu sinh mạng (Theo Leonid Vnotsenko, Chiến thắng ở Viễn Đông 1945 xuất bản bởi Thông tấn xã Novosti, Moskva). 

Căn cứ vào sự kháng cự mãnh liệt của quân Nhật trong các chiến dịch vừa qua, đa số giới lãnh đạo quân đội Mĩ cho rằng khó có thể đạt đến chiến thắng trước năm 1947, Trong khi đó, tại phòng thí nghiệm khoa học Los Alamos tiểu bang New Mexico, một nhóm các nhà vật lí hạt nhân hàng đầu của Hoa Kì gồm tiến sĩ James Franck (nhà khoa học Đức đoạt gải Nobel, sang tị nạn tại Mĩ), tiến sĩ J. Robert Oppenheimer, tiến sĩ Arthur Holly Compton… đang hoàn thành việc chế tạo một loại vũ khí bí mật chưa từng thấy, được gọi là bom nguyên tử. Chỉ có Tổng thống Truman, Bộ trưởng Quốc phòng Stimson, Bộ trưởng Hải quân Forrestal, Đô đốc William O. Leahy, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Đô đốc Ernest J. King, Tổng Tham mưu trưởng Hải quân, đại tướng G. Marshall, Tổng Tham mưu trưởng Lục quân và Trợ lí Bộ trưởng Quốc phòng John McCloy biết việc này ở những mức độ khác nhau. Nhưng đa số chưa hiểu rõ tính năng tác dụng của loại bom này, và cũng chưa người nào để cập đến việc sử dụng nó.

Chính tại cuộc họp ngày 18-6 nói trên, theo đề nghị của Bộ trưởng Quốc phòng Stimson và Trợ lí Bộ trưởng John McCloy, Tổng thống Truman đã đi đến quyết định dùng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh. Theo quyết định trên, Hoa Kì và các nước Đồng minh của mình sẽ gửi tối hậu thư, buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện. Nếu không chấp nhận, nước Nhật sẽ bị hủy diệt bằng bom nguyên tử. Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp bom nguyên tử được đem ra dùng mà lại không nổ, tối hậu thư không nói rõ việc sử dụng bom này. Mang theo bản dự thảo tối hậu thư bay sang Đức để dự hội nghị thượng đỉnh ở Potsdam với Stalin và Churchill, Tổng thống Truman vẫn còn lo lắng về vụ nổ thí nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên sắp được tiến hành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *