Đang khoẻ mạnh bình thường, chưa từng có tiền sử cao huyết áp hay tim mạch nhưng cách đây 5 tháng, ông D.V.P (58 tuổi, ở Thái Nguyên) bị co giật, méo miệng, rụt lưỡi không nói được. Gia đình lo sợ ông P. đột quỵ nên đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh.
Tại bệnh viện tỉnh, sau khi chụp CT não hình ảnh phim có những tổn thương cũ và mới. Bác sĩ nghi ngờ có ký sinh trùng đóng kén trong não nên đã chuyển ông P. xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ.
Tại đây, ông P. được chẩn đoán sán não do ăn tiết canh lợn. Khi biết mắc bệnh ký sinh trùng, ông P cũng thắc mắc không hiểu sao ăn vào miệng mà sán bò được lên não?
Tại giường bệnh, ông P. cho biết, trước đây thi thoảng có ăn tiết canh lợn, vịt do nhà làm. Ông P. không ngờ rằng một món ăn ngon như tiết canh lại có nguy cơ bệnh tật lớn như vậy. Sau lần nằm viện do sán não, ông P. quyết tâm sẽ không ăn tiết canh nữa.
“Giờ cứ nhìn thấy tiết canh là tôi sợ. Tôi cũng khuyên mọi người không nên ăn tiết canh vì rất nguy hiểm”, ông P. nói và cho hay, thời điểm bị co giật vì sán não ông vẫn chưa khỏi bàng hoàng. Lúc bấy giờ cả gia đình ông ai cũng sợ và hoang mang.
Bác sĩ Tạ Huy Hải, Khoa điều trị chia sẻ, bệnh nhân P. đã điều trị đợt thứ 3 do bệnh viện tuyến dưới chuyển lên nghi ngờ sán lợn tấn công vào não. Đối với bệnh nhân nhiễm sán não thường có triệu chứng đau đầu, co giật… Tuy nhiên, có những bệnh nhân cũng không có triệu chứng, khi không may gặp tai nạn giao thông đi chụp CT mới tình cờ phát hiện ra.
“Với bệnh nhân P, khi chụp phim hình ảnh thấy có tổn thương sán não ở giai đoạn hoạt động. Các đợt điều trị bệnh nhân vẫn có triệu chứng co giật nhẹ. Sau đợt điều trị đợt 3, bệnh nhân ổn định. Tuy nhiên, sau hai tháng điều trị đợt 3, bệnh nhân sẽ được chụp CT để đánh giá lại tổn thương”, bác sĩ Hải thông tin.
Theo bác sĩ, bệnh sán não là bệnh do ấu trùng sán lợn gây ra. Sán lợn có 2 thể: sán ký sinh trong não và dưới cơ. Với sán ký sinh tại cơ sẽ có những u cục như hạt ngô.
Nguyên nhân mắc bệnh là do ăn phải ấu trùng sán lợn từ thói quen ăn thịt lợn hoặc bò tái, nem chạo hoặc thịt nướng chưa chín kỹ, tiết canh.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần đề phòng nhiễm bệnh bằng những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm ấu trùng như giữ môi trường sống sạch sẽ; ăn uống hợp vệ sinh; không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh, thịt lợn tái; không ăn thịt lợn gạo; không ăn sống hoặc tái các loại rau trồng dưới nước như rau ngổ, rau muống, rau cần; luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh; tẩy giun sán định kỳ.
Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ… hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.