TƯỢNG BINH CỦA VIỆT NAM

#Voi #VN

Voi sử dụng trong chiến trận của Việt Nam được nhắc đến ở những thời kỳ khá sớm. Hai Bà Trưng, Bà Triệu đều gắn liền với hình tượng cưỡi voi đánh giặc.

Đời Lê, đời Lý đời Trần nước ta cũng có ghi nhận sử dụng voi trong chiến trận nhưng không quy mô như các quốc gia khác, trận chiến lớn nhất là nhà Trần dùng tượng binh ngăn quân Nguyên ở lần đụng độ đầu tiên trên Bình Lệ Nguyên nhưng không được thành công cho lắm. Sau này đến lượt nhà Hồ đem tượng binh ra xài thì còn thê thảm hơn nữa. Chỉ đến sau này khi Đại Việt tiến xuống miền Nam và hình thành Đàng Trong thì tượng binh mới có những tiến bộ nhất định.

Trong khi đó ở các quốc gia Đông Nam Á khác như Miến hoặc Xiêm thì đã có những trận voi chiến rất quy mô từ lâu. Ghi nhận ở năm 1764, Miến từng đem một đội tượng binh 5000 con, lưng cõng súng tấn công vào Ayuthaya (Là Xiêm La sau này). Sử Xiêm La cũng có ghi nhận những trường hợp đoàn quân mang theo cả ngàn voi chiến, gần như trận đánh nào cũng có voi, voi được sử dụng như một phương tiện di chuyển, chuyên chở đồ vật và cả xung kích tấn công. Các kỹ thuật huấn luyện, chăm sóc voi cũng như trận hình tượng binh được ghi chép khá kỹ lưỡng vào trong kinh điển.

Về việc sử dụng voi chiến thì nói thẳng ra là Đại Việt còn kém các quốc gia Đông Nam Á xung quanh rất nhiều, các lần sử dụng tượng binh thường là thua nhiều hơn thắng.

Triều đại sử dụng tượng binh tốt nhất của Việt Nam có lẽ là triều Tây Sơn, nhưng toàn bộ tư liệu về thời kỳ này đã gần như mất sạch, chúng ta chỉ biết đến nó qua một số ghi nhận của các bên có liên quan nhưng rất ít ỏi và rời rạc.

Theo nghiên cứu của Vũ Minh Giang thì Nguyễn Nhạc có một người vợ lẽ gốc Bahnar rất giỏi về huấn luyện và thuần hóa voi rừng. Còn nguồn gốc tượng binh của Nguyễn Huệ nhất là sau này khi hai anh em bất hòa thì không rõ là từ đâu, nhưng có lẽ là từ những bộ tộc người Thượngtại khu vực Tây Nguyên hoặc giáp ranh biên giới phía Tây nước ta mà Nguyễn Huệ thu phục được.

Minh Mạng từng có lời đánh giá tượng binh thời Tây Sơn như sau: “Ngụy Tây đã dùng voi một cách quy mô trong các trận đánh với quân Bắc, Ngựa Bắc sợ voi, khi gặp voi đều phục xuống. Chính vì thế mà họ mới thua”

Tôn Sĩ Nghị trước khi đem quân qua cũng đã biết đến voi trận của Nguyễn Huệ nên trong 8 điều quân luật phổ biến trong quân, tổng hợp kinh nghiệm của tiền nhân để chống tượng binh của Tây Sơn như sau:

“Điều thứ 4: Người Nam ra trận hay dùng voi. Voi không phải là món người Thanh quen thạo, hễ gặp voi cứ chạy đi trước. Nhưng phải biết, dẫu voi có lớn cũng là con vật có huyết khí, không thể đương nổi với đồ dẫn hỏa của ta. Vì vậy, hễ thấy voi ra trận nếu xa thì bắn bằng súng, nếu gần thì trị bằng dao và cung khiến voi bị thương, đau phải chạy quay lại, rồi tự dẫm đạp lẫn nhau. Quân ta thừa cơ mà tấn công, ắt sẽ đại thắng”.

Một số ghi nhận về tượng binh ở trận Kỷ Dậu:

Từ mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu, tờ mờ sáng Quang Trung đích thân chỉ huy binh sĩ, đánh đồn do Trương Triều Long chống giữ. Trương Triều Long và Dương Hưng Long mấy lần đẩy lui được quân Tây Sơn, nhưng đến tối hôm đó Tây Sơn lại tiến công như vũ bão, quân Thanh không chống giữ nổi phải phá vây bỏ chạy.

Hứa Thế Thanh đưa binh tiếp ứng, dàn đội hình kỵ binh để chặn bước tiến quân Tây Sơn thì Quang Trung đích thân dẫn binh tiến lên với hơn một trăm con voi đi đầu, các cánh quân khác cũng ùn ùn kéo tới. Ngụy Nguyên viết là “giặc đều chở đại bác bằng voi mà xông vào trận”.

Đội hình kỵ binh của Hứa Thế Hanh gặp tượng binh nhanh chóng rối loạn và tan vỡ, phải chạy ngược lại vào trong đồn cố thủ, lợi dụng cứ điểm để chống lại.

Những đồn phòng thủ của quân Thanh được bố trí hào sâu, địa lôi và chống sắt rất bài bản, quân Tây Sơn mấy lần tiến công đều không được, voi bị pháo bắn gây thiệt hại khiến Nguyễn Huệ phải cho tượng binh lùi lại, bỏ voi cưỡi ngựa xông lên tuyến đầu chỉ huy quân sĩ.

Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lấy ván ghép bọc rơm ướt làm mộc chống tên, đạn và che cho quân, rồi ra lệnh cho đại binh tiến công.

Theo ghi nhận của tư liệu nhà Thanh, quân Tây Sơn ùn ùn kéo đến hết lượt này đến lượt khác mạnh như sóng biển, “quân như từ trên trời rơi xuống, lính như từ dưới đất chui lên”, hỏa khí bắn ra như mưa “quân địch càng lúc càng đông, voi cũng đã đến, bắn hỏa tiễn, hỏa cầu như mưa khiến quan quân tán loạn” .

Đây là một trận chiến hết sức kinh hoàng và ác liệt, Hứa Thế Hanh tuyệt vọng cho gia nhân cầm ấn tín đề đốc phá vây đem về, còn bản thân tử chiến đến cùng.

(*): Tổng binh, đề đốc là những nhân vật quan trọng trong cơ cấu quân sự nhà Thanh cầm ấn tín điều quân, đây là những yếu nhân quan trọng, việc sai người phá vây đem ấn tín về còn bản thân ở lại, tức là tình hình đã tệ đến mức tướng chỉ huy đánh giá là cánh quân của mình đã không thể nào chống cự hoặc rút chạy được nữa chỉ còn cách tử chiến để báo đáp hoàng ân.

Sau hai ngày huyết chiến, những đại tướng nhà Thanh như Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng …. toàn bộ đều tử trận. Tốn Sĩ Nghị chặt cầu phao lên ngựa chạy trước, Sầm Nghi Đống chỉ huy cánh quân tử thủ đồn Khương Thượng đây là cánh quân người Miêu khá thiện chiến nhưng cũng không chống nổi, tử trận toàn bộ.

Trong vòng 6 ngày, đại quân của Nguyễn Huệ đã vào tới Thăng Long, hoàn thành chiến dịch tiến quân thần tốc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, tốc độ thậm chí còn sớm hơn dự kiến.

Và đây có lẽ cũng là lần cuối cùng tượng binh Đại Việt tỏ rõ được uy phong của nó.

Thời gian sau này, tượng binh đã trở nên kém thế vì tiến bộ kỹ thuật và cả những hạn chế cơ bản của tượng binh, kể cả trong trận chiến Kỷ Dậu thì tượng binh cũng lộ rõ những điểm yếu của nó. Sang triều Nguyễn, chỉ các loại voi lớn mới giữ lại tại kinh thành còn voi nhỏ để ở các tỉnh, và chủ yếu cũng chỉ là để chuyên chở hoặc dùng trong các nghi lễ vì vậy các đoàn thương nhân và phái đoàn ngoại quốc đã không còn nhìn thấy sự hùng tráng của tượng binh như ngày xưa nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *