[Jang Young-sil(Tưởng Anh Thực), cánh tay đắc lực của Thế Tông Đại Vương ]
Năm 1438, Điện Heumgyeong đã được xây dựng bên trong cung điện Gyeongbok(Cảnh Phúc Cung), nơi thiết triều của Thế Tông Đại Vương (1418-1450), vị vua thứ tư của triều đại Joseon. Chính giữa Điện có ngọn núi bằng giấy cao hơn 2m, bên trong lắp một chiếc đồng hồ nước với nhiều tượng gỗ tự động báo giờ theo dòng nước chảy. Đặc biệt, phía dưới chân núi có tượng hình 12 con vật thể hiện 12 Chi hay còn gọi là Thập Nhị Chi, tức chỉ 12 con vật của hoàng đạo Trung Quốc dùng để chỉ phương hướng, bốn mùa, ngày, tháng, năm và giờ ngày xưa. Mỗi con tượng này cử động theo từng thời khắc tương ứng, báo hiệu sự chuyển biến của thời gian mà không cần đến sức người.
Thực chất, chiếc đồng hồ nước là cả kết cấu của Điện Heumgyeong. Nó giống như chiếc đồng hồ thiên văn nổi tiếng thế giới tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, mỗi giờ được báo hiệu bằng các tượng 12 Sứ đồ nhỏ nhô ra, thụt vào từ cửa sổ trên đồng hồ. Thế Tông Đại Vương với tấm lòng yêu dân muốn hiểu nguyên lý của Trời Đất và thông báo cho người dân thời điểm canh tác cần thiết, vì khi đó tất cả sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Và nhà thiên tài khoa học Jang Young-sil đã biến mong muốn của Vua thành hiện thực.
[Vượt qua trở ngại về thân phận bằng tài năng xuất chúng]
Là con trai của một kỹ nữ, Jang Young-sil vốn xuất thân từ tầng lớp tận cùng trong xã hội, không rõ bố và ngày tháng năm sinh. Nhưng nhờ tài năng xuất chúng, Jang đã dẫn nước từ hồ chứa về cứu dân làng trong trận hạn hán năm 1400. Sau đó, Jang được vào cung nhờ sự tiến cử của quan tri huyện.
Thế Tông Đại Vương đã mở ra thời kỳ hưng thịnh của triều đại Joseon vốn là người trọng dụng nhân tài không phân biệt thân phận. Năm 1421, Thế Tông Đại Vương đã phong chức cho Jang Young-sil làm quan thái giám sau khi ông cùng các học giả trở về nước sau 1 năm nghiên cứu về các loại thiết bị thiên văn tại Trung Quốc.
Trên thực tế, Joseon là một xã hội phân chia riêng rẽ các tầng lớp quý tộc và dân đen, nhưng Thế Tông Đại Vương đã quá kỳ vọng vào Jang nên đã phá cách ban hành chính sách công nhận “dân đen” là “thường dân”. Kể từ khi đó, Jang không ngừng sáng chế và những phát minh của ông đã đưa khoa học triều đại Joseon lên đỉnh cao của thế giới.
[Mở cửa nền khoa học quốc gia]
Năm 1433, Jang Young-sil đã cho ra đời đài quan sát thiên văn dựa trên nền tảng lý thuyết của các học giả, mở ra thời kỳ phát triển thiên văn học duy nhất của triều đại Joseon. Năm 1434, ông lại chế tạo thành công “jakyeokru”, tức là đồng hồ nước tự động.
Jakyeokru được làm bằng cách đặt 3 vại nước với một mức nước nhất định trên 3 cây cột, và cứ 0,1 lít nước chảy xuống sau mỗi phút, viên bi sắt lại rơi xuống làm cho các con tượng gỗ nhô lên báo giờ tương ứng. Đây là một phát minh tổng hợp dựa trên các nguyên lý về toán học, vật lý và kỹ thuật cơ khí.
Thực chất, Jakyeokru là phát minh khoa học độc đáo của Hàn Quốc kết hợp nguyên lý của thiết bị báo giờ tự động của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, sử dụng các hòn bi sắt lớn, nhỏ, cùng nguyên lý của đồng hồ nước sử dụng áp suất dầu kiểu truyền thống của Đông Á. Với sự sáng tạo này, Jang Young-sil đã cải tiến hệ thống điều khiển tự động hoàn hảo bằng cách thiết kế sao cho có thể duy trì dòng nước rồi tác động lên hòn bi và tượng gỗ vào một khoảng thời gian nhất định.
Không những thế, Jang còn chế tạo đồng hồ mặt trời, báo hiệu giờ chính xác chỉ bằng bóng nắng hay phong vũ biểu, công cụ đo sức gió. Ông cũng là người làm ra máy đo mưa đầu tiên trên thế giới, khắc phục cả những lỗi phát sinh khi giọt mưa rơi để đo lượng mưa một cách chính xác. Nhà khoa học Jang Young-sil đã cùng Thế Tông Đại Vương đưa Joseon đến đỉnh cao của khoa học.
[Jang Young-sil, phận đời trôi nổi]
Jang Yeong-sil (còn viết là Jang Young-Sil, phát âm như Chang Yâng Sin, hangul: 장영실, hanja: 蔣英實, Hán-Việt: Tưởng Anh Thực; không rõ năm sinh năm mất) là một nhà phát minh người Triều Tiên. Xuất thân nông dân, nhờ tài năng của bản thân, Young-sil đã được triều đình Triều Tiên trọng dụng và có nhiều phát minh vĩ đại.
Thông tin về Jang Young-sil chỉ thấy ghi trong gia phả họ Jang và trong Triều Tiên vương triều thực lục. Theo đó, Jang Young-sil là thế hệ thứ 9 của dòng họ Jang. Cha và các bác, chú ruột của Young-sil đều là quan của triều đình.
Nhưng mẹ ông chỉ là một kĩ sinh (gwangi 기생), nên Young-sil và mẹ ông chỉ được xếp hạng là đày tớ (gwanno). Vương triều Triều Tiên vốn không cho hạng dân thường làm quan, nhưng vua Thế Tông đã nới lỏng chính sách nói trên, tuyển dụng những thường dân có tài. Young-sil là một trong số những thường dân có tài đã được triều đình tuyển dụng.
Jang Young-sil đã dẫn dắt nền khoa học kỹ thuật nước nhà bằng 3 phát minh vĩ đại, bao gồm thiết bị đo mưa năm 1441.
Tuy nhiên, năm 1442, kiệu của Vua vốn do Jang Young-sil thiết kế đã bị gãy trên đường đi khiến Jang đã bị phế quan ngay sau đó. Và kể từ khi ấy, cái tên “Jang Young-sil” không còn được ai nhắc đến. Ông mất khi nào cũng không ai hay. Nhưng dù cuộc đời Jang Young-sil chỉ như ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt, ông mãi là một nhà khoa học đại tài, mở ra chân trời mới cho nền khoa học Joseon với các phát minh vĩ đại.