tu-vu-co-gai-29-tuoi-mu-mat-vinh-vien-sau-khi-tiem-filler-tai-nha:-vi-sao-de-bien-chung-vung-mat,-gay-mu?

Từ vụ cô gái 29 tuổi mù mắt vĩnh viễn sau khi tiêm filler tại nhà: Vì sao dễ biến chứng vùng mắt, gây mù?

Vì sao tiêm filler vào mũi có thể gây mù mắt?

Ngày 4/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận một phụ nữ 29 tuổi (Hà Nội) trong tình trạng mất hoàn toàn thị lực mắt trái, đau nhức dữ dội vùng hốc mắt và nửa đầu bên trái, kèm theo yếu cơ vận động nhãn cầu và mí mắt.

Người bệnh cho biết đã được một người quen (không phải bác sĩ) tiêm filler làm đẹp tại nhà. Chỉ vài phút sau, cô bắt đầu cảm thấy đau nhức dữ dội, thị lực suy giảm nhanh chóng và cuối cùng là mất hẳn khả năng nhìn bằng mắt trái.

Từ vụ cô gái 29 tuổi mù mắt vĩnh viễn sau khi tiêm filler tại nhà: Vì sao dễ biến chứng vùng mắt, gây mù?- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà thăm khám cho bệnh nhân gặp biến chứng sau khi tiêm filler. Ảnh: BVCC

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định cô bị tắc hệ mạch mắt và động mạch trung tâm võng mạc, khiến dây thần kinh thị giác tổn thương nghiêm trọng. Dù đã được can thiệp kịp thời để kiểm soát tình trạng, nhưng mắt trái của cô không thể phục hồi thị lực.

Một trường hợp khác là nữ sinh 14 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng mắt trái suy giảm thị lực nghiêm trọng, mí mắt sưng nề, sụp mi, vùng trán và sống mũi bầm tím.

Theo lời kể của người bệnh, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội về phương pháp nâng mũi bằng filler, cô đã tự tiêm tại nhà mà không có bất kỳ hiểu biết nào về y khoa. Trong quá trình tiêm, cảm giác đau buốt xuất hiện nhưng cô cho rằng đó là hiện tượng bình thường và tiếp tục thực hiện. Ngay sau đó, cô cảm thấy chóng mặt, choáng váng, nhìn đôi và thị lực mờ dần. Gia đình lập tức đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ cho biết đây là một trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Việc tự ý tiêm filler không rõ nguồn gốc vào vùng mạch máu có kết nối với mạch máu não đã gây tắc động mạch, dẫn đến triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi. Nếu nặng hơn, có thể gây hẹp hoặc tắc động mạch trung tâm võng mạc, dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.

Ngay khi tiếp nhận, nữ sinh được can thiệp bằng kỹ thuật thông mạch hiện đại nhằm khơi thông mạch máu bị tắc nghẽn, phục hồi tuần hoàn máu để cứu vãn thị lực. May mắn, sau quá trình điều trị khẩn cấp, thị lực của cô đã dần được cải thiện.

Từ vụ cô gái 29 tuổi mù mắt vĩnh viễn sau khi tiêm filler tại nhà: Vì sao dễ biến chứng vùng mắt, gây mù?- Ảnh 2.

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, trong quá trình điều trị, bác sĩ đã gặp khá nhiều bệnh nhân đến khám vì tai biến sau tiêm filler nâng mũi, trong đó có cả trường hợp gặp biến chứng mù mắt.

Trả lời câu hỏi “Vì sao tiêm filler vào mũi có thể gây ra mù mắt?”, bác sĩ Mạnh lý giải, vì vùng mũi có rất nhiều mạch máu thông với vùng mắt nên nếu kỹ thuật viên tiêm filler không có chuyên môn có thể gây tắc mạch, hình thành huyết khối, trôi vào động mạch võng mạc gây mù loà.

Trường hợp tiêm filler với số lượng nhiều có thể tạo ra áp lực lớn, thậm chí khiến huyết khối di chuyển qua động mạch mũi – mắt – động mạch cảnh – động mạch não gây tai biến đột quỵ.

Bác sĩ Mạnh lưu ý thêm, nếu tiêm filler vào tĩnh mạch có thể hình thành huyết khối đi theo hệ tĩnh mạch vùng mặt xuống tĩnh mạch chủ trên và về tim, lên động mạch phổi, có thể gây tử vong.

“Trào lưu làm đẹp ít xâm lấn bằng tiêm filler đang ngày càng nở rộ. Nguy cơ tiềm ẩn khi tiêm filler tại các cơ sở làm đẹp không có chuyên môn, uy tín cũng ngày càng gia tăng”, bác sĩ Mạnh cảnh báo.

Biến chứng tiêm filler thường gặp ở vùng nào?

Bác sĩ Mạnh cho hay, biến chứng tắc mạch sau tiêm filler gặp nhiều nhất tại vùng mũi, sau đó là vùng mông. Một số trường hợp tiêm chất làm đầy để độn mông đã gặp biến chứng gây tắc tĩnh mạch sâu, tĩnh mạch chậu trong khiến huyết khối trôi về tim, gây nhồi máu phổi. Tắc mạch nhẹ có thể gây loét, hoại tử vùng tiêm để lại sẹo hoặc các khuyết da rộng do hoại tử.

Ngoài chất làm đầy thì việc hút mỡ diện rộng như: hút mỡ bụng, mỡ đùi tại các cơ sở thẩm mỹ không uy tín cũng có thể vô tình gây tổn thương tĩnh mạch. Quá trình hút mỡ có thể làm văng mỡ vào trong lòng tĩnh mạch, gây huyết khối tĩnh mạch. Bác sĩ Mạnh đã từng gặp trường hợp bệnh nhân sau hút mỡ gặp tình trạng đau ngực, khó thở. Kết quả chụp CT phát hiện huyết khối trong động mạch phổi, bệnh nhân được kịp thời điều trị bằng thuốc chống đông.

Để làm đẹp an toàn bác sĩ Mạnh lưu ý chị em phụ nữ nên tìm hiểu thật kỹ, nên tới cơ sở làm đẹp uy tín hoặc các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện tiêm filler, hút mỡ bụng, hoặc phẫu thuật nhiều vùng cơ thể. 

Ngoài ra, trong quá trình làm đẹp nếu nhận thấy cơ thể có biểu hiện bất thường như mờ mắt, đau ngực, khó thở hoặc tê bì một bên mặt, nói khó, yếu tay chân… chị em phụ nữ cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được cấp cứu và điều trị các biến chứng kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, việc tiêm filler không đúng cách có thể gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, nhiễm trùng, hoại tử da, thậm chí đe dọa tính mạng.

Chỉ thực hiện tiêm filler tại các bệnh viện hoặc phòng khám thẩm mỹ được cấp phép; Người thực hiện phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề về tạo hình thẩm mỹ; Không tự tiêm filler tại nhà hoặc tại các cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Nếu có dấu hiệu bất thường như sưng đau, mất thị lực, khó thở…, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên môn để được cấp cứu kịp thời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *