tu-vu-be-trai-hon-1-thang-tuoi-bi-bao-hanh:-vi-sao-biet-gia-chu-lap-camera,-bao-mau-van-lam-dieu-ac?

Từ vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bạo hành: Vì sao biết gia chủ lắp camera, bảo mẫu vẫn làm điều ác?

Vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành: Vì sao biết gia chủ lắp camera nhưng nhiều giúp việc vẫn làm điều ác với trẻ?

Ngày 26/12, lãnh đạo Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cơ quan công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Lan (57 tuổi, quê Tuyên Quang) để điều tra về tội bạo hành cháu bé hơn 1 tháng tuổi gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.

Từ vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành: Vì sao biết gia chủ lắp camera nhưng vẫn làm điều ác? - Ảnh 1.

Hình ảnh nữ bảo mẫu đẩy cháu bé xuống giường gây phẫn nộ. Ảnh cắt từ clip

Trao đổi với PV Dân Việt, chị H.Y (35 tuổi, mẹ bé trai) cho biết, nữ giúp việc khi được nhận vào làm cũng biết gia đình chị lắp camera. Gia đình chị Y. không giấu giếm điều gì bởi chị muốn “cho họ biết để sợ, không dám làm điều gì khuất tất”. Tuy nhiên, chị không nghĩ nữ giúp việc lại liều lĩnh kinh khủng, đối xử với con mình như vậy.

Đáng chú ý, sau khi gia đình chị Y đăng thông tin lên mạng xã hội, có người chia sẻ, trước khi đến giúp việc cho gia đình hơn 1 tháng, bà Lan cũng đã đánh con họ và cũng bị phát hiện qua camera. Người này cũng gửi clip ghi lại cảnh nữ giúp việc tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Sự việc cũng được chia sẻ trên hội nhóm mạng xã hội ở Tuyên Quang để cảnh tỉnh mọi người.

Từ vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành: Vì sao biết gia chủ lắp camera nhưng vẫn làm điều ác? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Vậy tại sao biết rõ gia đình lắp camera nhưng nữ giúp việc vẫn có hành vi bạo hành cháu bé như vậy?

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, thị trường bảo mẫu đã được thả nổi quá lâu. Tất cả vấn đề này nếu không được quản lý, quản trị nghiêm thì chỉ “bắt cóc bỏ đĩa”.

Từ vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành: Vì sao biết gia chủ lắp camera nhưng vẫn làm điều ác? - Ảnh 3.

Chân dung nữ bảo mẫu trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: GĐCC

“Thực tế có rất nhiều gia đình lắp camera nhưng bảo mẫu vẫn hành hạ trẻ, đơn giản lúc nào họ cũng nghĩ mình khổ, không được tôn trọng. Những người đi làm công việc này cơ bản trình độ văn hoá chưa cao. Có thể cách ứng xử của một số gia chủ với họ không thực sự tôn trọng nên sự ấm ức bị dồn nén qua ngày tháng, cuối cùng họ dồn lên những đứa trẻ”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, nhiều người giúp việc về cơ bản kỹ năng không có, không thể đáp ứng được đòi hỏi về mặt chăm sóc đứa trẻ, sức khoẻ cũng không có. Nhiều gia đình thuê giúp việc nhưng không biết người nào có đủ năng lực, kiến thức, sức khoẻ để chăm sóc trẻ bởi làm công việc này rất mệt, có tình yêu với trẻ nhỏ.

“Tôi cho rằng đã đến lúc cần chuẩn hoá như bảo mẫu phải có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo. Bên cạnh đó phải có cách thức xử lý, thậm chí cả về mặt hình sự, cấm không cho làm công việc này nếu phát hiện bạo hành chứ không đơn thuần xử lý nội bộ xong, người này đi xin việc nơi khác rồi tiếp tục bạo hành những đứa trẻ yếu thế”, ông Nam nhấn mạnh.

Bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành: “Người có trách nhiệm cam kết suốt đời với con cái vẫn phải là cha mẹ”

Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho hay, ở nước ngoài, quy trình quản lý giúp việc rất nghiêm ngặt. Họ phải được đào tạo, được quản lý bởi một đơn vị. Hiện nay, trong công tác chăm sóc trẻ, kiến thức về giáo dục sớm được cập nhật liên tục, có chứng chỉ vẫn phải đảm bảo cập nhật thêm hàng năm, hàng kỳ như thế nào, nuôi con phải dựa vào khoa học chứ không đơn giản chỉ dựa trên kinh nghiệm như trước đây. Bên cạnh đó, để chăm sóc trẻ, những yêu cầu đối với người bảo mẫu như bảo đảm sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, đã từng bạo hành trẻ bao giờ chưa…. có được thực hiện?

Từ vụ bé trai hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành: Vì sao biết gia chủ lắp camera nhưng vẫn làm điều ác? - Ảnh 4.

Nữ bảo mẫu từng bị tố bạo hành trẻ nhỏ. Ảnh: NVCC

“Đây là vấn đề đã được nói mãi. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải quản lý thị trường bảo mẫu, chuẩn hoá, những người muốn làm nghề này bắt buộc phải được đi học để cập nhật kiến thức liên quan đến chăm sóc trẻ, trang bị những kiến thức liên quan đến luật để họ ý thức được hành vi của mình. Nếu bạo hành trẻ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Thêm nữa phải theo dõi lý lịch của những người làm nghề liên quan đến đối tượng yếu thế như bảo mẫu. Trong lịch sử làm việc của họ nếu có dấu hiệu bạo hành trẻ thì nên cấm vĩnh viễn. Ai có lịch sử tâm thần, trầm, bệnh tật sức khoẻ không đảm bảo cũng không nên làm bởi chăm trẻ không phải công việc nhàn hạ”, ông Nam phân tích.

Cùng với đó cũng phải bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc như mức lương cho người trông trẻ phải có mức sàn và có quy định để họ không bị lạm dụng, trông trẻ nhưng bắt làm đủ thứ việc. Khi họ cảm giác không được tôn trọng, bị lợi dụng, chịu nhiều ấm ức không cãi được thì lại dồn lên những trẻ nhỏ.

“Yếu tố rất quan trọng đó là bố mẹ chọn người giúp việc chăm con phải xem con có thay đổi về cảm xúc, phát triển không để cùng giáo dục, đồng hành, hướng dẫn cho họ. Nhiều bậc cha mẹ hiện nay không có thời gian, không có kiến thức, không kiểm soát được giúp việc chăm con mình thế nào. Nên nhớ rằng giúp việc chỉ giúp đỡ thôi, người có trách nhiệm cam kết suốt đời với con cái vẫn phải là cha mẹ”, ông Nam nói thêm.

Đồng quan điểm trên, TS.LS. Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho hay, thời gian qua, không ít vụ việc bảo mẫu thực hiện hành vi bạo hành trẻ em dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng.

“Bởi vậy đã đến lúc cần phải quy định về điều kiện tiêu chuẩn về đạo đức, về kỹ năng đối với người giúp việc gia đình có nhiệm vụ trông trẻ nhỏ. Với những người không đủ sức khỏe, có bệnh truyền nhiễm hoặc những người không đủ phẩm chất đạo đức, không có kỹ năng thì không cho phép làm nghề chăm sóc trẻ em”, luật sư Cường nêu quan điểm.

Với những đối tượng bạo hành trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ như vậy thì cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật, trong đó không loại trừ trường hợp xử lý bằng chế tài hình sự để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

“Các bậc phụ huynh cũng cần tỉnh táo, thận trọng khi lựa chọn người giúp việc trông trẻ em. Cần phải kiểm tra, giám sát, sử dụng các thiết bị điện tử để bảo đảm an toàn cho trẻ em, kịp thời phát hiện những hành vi bạo hành trẻ em để có thể can thiệp, ngăn chặn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, luật sư Cường cảnh báo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *