Từ thỏa ước Harmand 1883 đến hòa ước Patenôtre 1884 và thủ đoạn của thủ tướng Pháp Jules Ferry

Từ thỏa ước Harmand 1883 đến hòa ước Patenôtre 1884 và thủ đoạn của thủ tướng Pháp Jules Ferry
Từ 1879, tại Pháp vấn đề chế độ chính trị đã được giải quyết, và những người cộng hòa lên cầm quyền. Vì dính líu với giới ngân hàng và kỹ nghệ, họ để tai nghe giới doanh thương vốn chú trọng đến việc bành trướng thuộc địa.Hai khuôn mặt xuất sắc nổi bật lên để thực hiện sự cần thiết này: Leroy-Beaulieu, lý thuyết gia, và Jules Ferry, nhà thực hành.
Leroy-Beaulieu tự hỏi: nước Pháp rồi sẽ ra sao bên cạnh các nước khổng lồ, Nga, Đức, các nước Anglo-Saxon, Trung Quốc? Và tự trả lời: “Một chủ tể đang tàn lụi dần. Nước chúng ta có một cách thoát khỏi sự suy đồi không phương cứu chữa đó: đi chiếm thuộc địa. Chiếm thuộc địa là vấn đề sống chết đối với nước Pháp.”
Tác phẩm của Leroy-Beaulieu gây hứng khởi trên Jules Ferry, lên cầm quyền với sự thắng thế của phe Cộng hòa. Jules Ferry là chính khách đầu tiên của Pháp nâng sự bành trướng thuộc địa lên quan tâm hàng đầu của chính sách ngoại giao. Ông này trữ tình không kém gì Leroy-Beaulieu khi xác nhận rằng sự hiện diện của nước Pháp trong việc phân chia thế giới nói lên “sự tiến bộ của nhân loại và của văn minh.” .Trong các bài diễn văn và các bài viết của Ferry giữa các năm 1881 và 1883, Ferry trở nên tin tưởng rằng sự bành trướng thuộc địa sẽ cung cấp cho người dân Pháp một cảm giác về sự vĩ đại và sứ mệnh, cảm giác có thể giúp cho dân tộc bình phục từ cơn chấn thương năm 1870.(Về các động lực của Ferry ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, xem Wright, France, các trang 309-310, 382-383; quyển tiểu sử có tính cách tán tụng của Maurice Réclus,Jules Ferry, 1832-1893 (Paris, 1947), các trang 291-292, 296-298; và Brunchswig, Mythes et Réalités, trang 55.)
Một “đảng thuộc địa” đích thực, được tổ chức chặt chẽ hơn các năm 1862-1864, và được Jules Ferry giúp đỡ, mở một chiến dịch qui mô đòi sửa lại Hiệp ước 1874, cho là thiếu sót. một kế hoạch can thiệp quân sự vào Bắc kỳ được thành hình. Trong lúc đó, những hoạt động của giặc Cờ Đen và sự hiện diện của các đội quân Trung Quốc ở Bắc kỳ đã đem đến cho kế hoạch Pháp một duyên cớ thuận lợi.Sau khi bị Quốc hội bác bỏ nhiều lần, lần này ngân sách tài trợ do cả hai Bộ Hải quân và Ngoại giao cùng đứng xin được chấp thuận vào tháng 7 năm 1881. Tức thì, Đô đốc Cloué, Bộ trưởng Hải quân trong Nội các đầu tiên của Jules Ferry và Le Myre de Vilers vạch kế hoạch can thiệp vào Bắc kỳ.Kế hoạch của họ không nhắm vào một cuộc xâm lăng quân sự, vì bị xem là nguy hiểm, cũng không nhắm đến việc mở các cuộc thương thuyết với Triều đình Huế, vì bị xem là vô ích.Muốn được chấp nhận, chính sách ấy phải dựa vào một cuộc biểu dương lực lượng không có mảy may tính cách một hành động quân sự, nhưng đủ làm cho hiểu rằng người Pháp có những phương tiện để áp đặt ý muốn của mình. Để làm việc này, kế hoạch của Pháp đề nghị gởi toàn bộ lực lượng hải quân hiện có ở Nam kỳ và tăng cường thêm một ít các đội quân dồn trú ở Hà Nội và Hải Phòng.
Vào đầu năm 1882, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers gởi Ðại tá Henri Rivière ra Hà Nội cùng 3 đại đội thủy quân lục chiến, với danh nghĩa là để chống lại quân Cờ Ðen, nhưng thật sự là để thị uy với vua quan ở Huế hầu áp đặt nền bảo hộ.Rivière nhận được lệnh rõ ràng là hết sức tránh quân đội Trung Quốc và đừng làm quốc tế nghi ngờ. “Chính bằng cách chính trị, bằng cách hòa bình, bằng cách hành chánh mà chúng ta mở rộng và củng cố ảnh hưởng của chúng ta ở Bắc kỳ và ở An Nam”.
Sách lược này thất bại sau sự can thiệp của Trung Quốc mà người Pháp rất ngại đã thực sự xảy ra dù họ cố tránh. Sợ chiến tranh xảy ra giữa Pháp và Tàu, Ðại lý Ðại sứ Pháp tại Bắc Kinh là Bourée tìm cách điều đình với Tổng lý nha môn Lý Hồng Chương chia Bắc Kỳ ra thành 2 vùng, vùng tả ngạn sông Hồng đặt dưới sự bảo trợ của Tàu gọi là ‘Bắc Kỳ mỏ’, và vùng hữu ngạn do Pháp bảo trợ, gọi là ‘Bắc Kỳ gạo’.bị chính Thủ tướng Jules Ferry, tín đồ cương quyết của chủ nghĩa thực dân, và Challemel-Lacour, Bộ trưởng Ngoại giao, phản đối; cả hai đều không nghĩ là phải chấp nhận, bất cứ dưới hình thức nào, sự xâm nhập của Trung Quốc vào Bắc kỳ, lại càng không thể từ bỏ ý đồ đế quốc của mình ở Việt Nam.
Sau khi Jules Ferry huy hoàng trở lại nắm chính quyền, vào tháng 2 năm 1883, vấn đề Bắc kỳ mới chuyển sang một khúc quanh mới.Ngay khi thành lập nội các thứ nhì (21 tháng 2 năm 1883), Jules Ferry đánh dấu ý định thay đổi chính sách trước đó bằng cách cắt đứt các cuộc thương lượng với Trung Quốc, thay đổi nhân viên ngoại giao và chấp nhận một kế hoạch hành động mạnh mẽ vừa ở Bắc kỳ vừa ở Bắc Kinh. Ferry lãnh đạo giới đầu não trong đảng ông, đảng này, khi thúc đẩy nước Pháp vào các hành động thuộc địa, muốn lấy lại ở hải ngoại một phần ảnh hưởng và quyền lợi mà chiến bại năm 1870 [trong chiến tranh Pháp-Đức] đã cướp mất của nước Pháp trong lục địa Âu châu. Ngày 23 tháng 4 năm 1883, Hội Địa lý thông qua kiến nghị yêu cầu chính phủ giải quyết gấp vấn đề Bắc kỳ. Đánh giá rằng Bắc kỳ sẽ tạo nên “một thị trường mới và rộng cho việc tiêu thụ hàng hóa của chúng ta”, Hội đưa ra nguyện vọng “rằng vấn đề Bắc kỳ sẽ được Chính phủ và Hạ viện nghiên cứu tức khắc, nghiêm chỉnh, để lấy một quyết định mạnh mẽ, xứng đáng với nước Pháp, không chút ngần ngại”.
Ngày 27 tháng 5, Chính phủ Pháp gởi cho đoàn quân viễn chinh một điện tín: “Nước Pháp sẽ trả thù cho các đứa con oanh liệt của mình”.
Trong tình trạng khẩn trương đó, vua Tự Đức mất ngày 19/7/1883, trước đó 2 ngày, vua ủy quyền cho Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết làm phụ chính đại thần.
Theo di chiếu, người con nuôi là Nguyễn Phúc Ưng Chân lên nối ngôi. Nhưng ông này chỉ làm vua được 3 ngày chưa kịp đặt niên hiệu thì bị hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường truất phế. Nguyễn Phúc Hồng Dật lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.
Ngày 18 tháng 8 năm 1883 tướng Courbet đem hạm đội tới đánh cửa Thuận An. Trước sức mạnh của đại bác, triều đình Huế phải đề nghị hưu chiến. vua Hiệp Hoà, dưới áp lực của Toàn quyền Harmand và Khâm sứ De Champeaux, sai Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp ký thỏa ước Quí Mùi ngày 25/8/1883, Pháp gọi là thỏa ước Harmand.(có tất cả 27 điều khoản)
Article Premier: L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France avec les conséquences de ce mode de rapports au point de vue du droit diplomatique européen, c’est-à-dire que la France présidera aux relations de toutes les puissances étrangères, y compris la Chine, avec le gouvernement annamite, qui ne pourra communiquer diplomatiquement avec lesdites puissances que par l’intermédiaire de la France seulement. (Gosselin, Phụ lục số 9, trang 528).
Điều Một: Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp, với những hậu quả của thể thức này theo luật ngoại giao Âu châu, nghiã là nước Pháp sẽ điều khiển các mối giao thiệp của nước Nam với tất cả các cường quốc bên ngoài, kể cả nước Tầu, chính phủ An Nam chỉ được quan hệ ngoại giao với những cường quốc ấy qua trung gian của nước Pháp mà thôi.
Sau khi ký thỏa ước Harmand, trong nội bộ triều đình Huế lục đục,trong triều đình, Tôn Thất Thuyết ra mặt chống vua, như không chịu quỳ lạy và to tiếng với nhà vua. Sự thù nghịch này làm vua Hiệp Hòa lo ngại cho tính mạng của mình, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Khâm sứ Pháp De Champeaux, tìm cách bãi bỏ các quan Phụ chính đại thần, hai ông phụ chính phế và bức tử nhà vua Hiệp Hòa, sau đó ngày 2/12/1883, vua Kiến Phúc lên ngôi.
Về phía Pháp cũng cảm thấy thỏa ước Harmand, vì áp bức quá độ, đã là nguyên nhân của cuộc lật đổ Hiệp Hòa, và đã xô đẩy các quan Việt về phe với Tàu để đánh Pháp, nên triệu hồi Harmand không lâu sau đó, đồng thời thoa dịu triều đình bằng cách áp dụng hiệp ước một cách mềm dẻo, và hứa sẽ sửa đổi cho nó bớt khắt khe, khi sứ thần Tricou ghé qua Huế trên đường đi Bắc Kinh. Từ trước, de Champeaux đã tuyên bố không thừa nhận vua Kiến Phúc, vì đã lên ngôi không có sự đồng ý của Pháp là nước bảo hộ. Nay Tricou qua cần diện kiến để xin vua ký một văn kiện chịu tạm chấp nhận hiệp ước cho đến khi Tổng thống Pháp xét lại, nên nhân đó thừa nhận vua Kiến Phúc là vua nước Ðại Nam. Triều đình cũng bênh vực các quan chống Pháp ở Bắc rất hữu hiệu.
Sau khi quân Tàu, quân Cờ Ðen, và quân của Hoàng Kế Viêm thua Pháp ở các trận Sơn Tây, Bắc Ninh và Hưng Hóa từ 11/1883 đến 4/1884, Tàu và Pháp ký Thỏa hiệp Thiên Tân ngày 11-5-1884, theo đó Tàu bằng lòng rút lui khỏi Bắc Kỳ. Ngay sau đó, Patenôtre ghé Huế, trên đường đi Bắc Kinh nhận chức sứ thần ở Trung Hoa, để ký với triều đình một hiệp ước mới, thay thế hiệp ước Harmand được xem như quá khắt khe. Hiệp ước được ký ngày 6-6-1884 và thường được kêu là Hiệp ước Patenôtre, là một văn kiện làm sẳn bên Pháp rồi, thay thế hiệp ước Harmand bị coi là quá khắt khe, không ngờ hòa ước Patenôtre còn tệ hơn hòa ước Harmand.Đây là hoà ước “nhục nhã” nhất của nước ta, vì với nó, nưóc ta chính thức mất chủ quyền.(chứ không phải thỏa ước Harmand vì chính phủ Pháp chưa phê duyệt và ông Thuyết tuyên bố rằng, “hòa ước Quý Mùi” hoàn toàn không có giá trị gì, bởi người đứng đầu ra nó là Hiệp Hòa đã không còn nữa!)
Đại diện phía triều đình nhà Nguyễn có: Phạm Thận Duật (Toàn quyền đại thần); Tôn Thất Phan (Phó toàn quyền đại thần); Nguyễn Văn Tường (Phụ chính đại thần). Đại diện phía Pháp là: Jules Patenotre (sứ thần Cộng hòa Pháp).
Article I
L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France.
La France représentera l’Annam dans toutes ses relations extérieures.
Les Annamites à l’étranger seront placés sous la protection de la France.
(Nguyễn Văn Tường, Tập II, Phụ lục 4a, trang 936)
Điều I
Nước Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp.
Nước Pháp sẽ đại diện cho nước Nam trong tất cả các mối bang giao bên ngoài.
Người An Nam ở nước ngoài sẽ được đặt dưới sự bảo hộ của nước Pháp.
Nguyễn Văn Tường, lúc đó là phụ chính đại thần, đảm trách việc ký hòa ước này, dư luận cho rằng ông đã theo Pháp mà ký một hiệp ước “bán nước”.Nguyễn Quốc Trị, sinh năm 1929, xuất thân Đại học Quốc gia Hành chánh và Đại học Luật khoa Sài Gòn. Là viện trưởng cuối cùng của Học viện Quốc gia Hành chánh. Là cháu đời thứ ba của quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Với mục đích tìm hiểu những gì “ông cố” đã làm để gây tiếng xấu trong lịch sử, ông đã sưa tầm và đưa ra hình chụp nguyên bản hòa ước chữ Pháp và chữ Hán, để chứng minh sự khác biệt giữa bản Pháp văn và Hán văn, và thủ đoạn của thủ tướng Pháp Jules Ferry.
Hòa ước Harmand viết điều I thành một câu hoàn chỉnh với nghiã: Việt Nam công nhận sự bảo hộ của Pháp về mặt ngoại giao.Điều I của hòa ước Patenôtre ngụ ý cả nội trị và ngoại giao, Có nghiã là Việt Nam hoàn toàn chịu sự bảo hộ hay đô hộ của người Pháp. Bản Hán văn Khoản thứ 1 này hoàn toàn không có nghiã như điều I trong bản tiếng Pháp.
Nguyễn Văn Tường và các quan nhất quyết đòi thay chữ bảo hộ bằng chữ bảo trợ hay bang trợ, tức là giúp đỡ chứ không nhận sự thống trị của Pháp trên nước Nam. Điều này được xác định trong một văn kiện của triều đình Huế, dịch ra tiếng Pháp mang tên Projet de la Cour de Huế, (Dự án của triều đình Huế) lưu trữ ở văn khố Bộ ngoại giao Pháp, được Võ Đức Hạnh phát hiện và đăng lại trong cuốn La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1870 à 1886, 3 tomes. Berne, New York: PLang, 1992.
Cuộc tranh luận về từ ngữ đưa đến bế tắc, không bên nào chịu nhượng bộ.Patenôtre đánh điện xin chỉ thị của Paris, Jules Ferry trả lời trong một điện văn mật (codé) gửi ngày 3/8/1884: “Le texte français faisant foi, vous pouvez accepter le mot baluttro [bảo trợ] si vous jugez nécessaire, Ferry” (Chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị, ông có thể chấp nhận chữ bảo trợ nếu cần, Ferry), ý của công hàm Jules Ferry gửi cho Patenôtre:
– Cứ cho viết bản chữ Nho, theo đúng ý của triều đình Huế. Tức là Việt Nam chỉ nhận sự bang trợ ngoại giao của Pháp.
– Còn bản tiếng Pháp ghi điều gian trá: Việt Nam chấp nhận nền bảo hộ của Pháp, và cài thêm điều 19 câu: khi có tranh chấp, chỉ bản tiếng Pháp là có giá trị mà thôi.
Jules Ferry dùng thủ đoạn này, vì ông dự trù rằng khi thi hành hoà ước thì Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sẽ không còn ở ghế phụ chánh nữa. Với một ông vua thân Pháp, thì sẽ không gặp trở ngại gì. Quả đúng như vậy, đầu năm 1886, khi Nguyễn Văn Tường bị đầy đi Tahiti, Pháp mới đưa bản hòa ước cho vua Đồng Khánh chuẩn y. Sau đó không ai nêu lại vấn đề khác biệt giữa hai bản Pháp-Việt nữa.
Nguyễn Văn Tường cũng ‘châm chước thời cơ’ dùng kế gây mâu thuẫn giữa Tây và Tàu trở lại: Nguyễn Văn Tường chỉ bằng lòng thủ tiêu công khai cái ấn của vua Tàu ban cho Vua Gia long, bằng cách thụt lữa cho chảy ngay trước mặt mọi người trước khi ký hiệp ước, chớ nhất định không chịu để cho Patenôtre gởi về Pháp, giữ kín rồi về sau cất vào viện bảo tàng, như Patenôtre đã khẩn khoản yêu cầu nhiều lần. (Jules Patenôtre,Souvenirs d’un diplomate. Paris Librairie Ambert, s.d., 106-110) Việc Patenôtre bắt phía Việt long trọng trao chiếc ấn rồi đưa thiêu hủy công khai chiếc ấn, do hảng thông tấn Pháp Havas truyền đi, đã làm nhục nước Tàu đến độ khiến Tàu xé bỏ Thỏa hiêp Thiên Tân và kéo dài cuộc chiến một cách dữ dội với Pháp trong một năm nữa. Nhờ đó Việt Nam kéo dài thêm được tình trạng ‘trung lập’ của mình. Tàu lại càng giận Pháp hơn nữa, vì trong thỏa hiệp Thiên Tân mới vừa ký trước đó, Pháp đã cam kết không làm điều gì chạm đến uy tín của nước Tàu trong các hiệp ước sẽ ký với Việt Nam.
Thật vậy, hơn hai tuần sau khi Hiệp ước Patenôtre được ký, thì trận chiến Bắc Lệ, Lạng Sơn xảy ra trong đó Pháp thiệt hại nặng, rồi đến các trân đánh lớn ở Phúc Châu, Ðài loan kéo dài cho đến ngày Hiệp ước Thiên Tân thiệt thọ được ký ngày 9-6-1885. (Fourniau,Vietnam, 334-346) Người ta thường cho rằng vụ Bắc Lệ xảy ra là do sự hiểu lầm giữa quân đội Tàu và Pháp tại địa phương, nhưng trong khi đánh lớn với Pháp, Tổng lý Nha môn đã gởi một bức thư luân lưu cho các đại diện ngoại quốc ở Bắc Kinh xác nhận vụ chiếc ấn là nguyên nhân cuộc tái chiến giữa Pháp và Tàu:
“Nước Tàu không còn gì để nhượng bộ nữa; nước chúng tôi chỉ còn cách kêu gọi sự trọng tài của mọi nước, và phản đối việc tấn công các hải cảng của chúng tôi mà không tuyên chiến.Chính nước Pháp đã xé bỏ thỏa hiệp Thiên Tân bằng cách buộc vua nước An Nam phải giao lại cái ấn và và sắc phong do vua Tàu ban.” (“M. Rheinart”BAVH, số 1 & 2,1943, 226; NQT dịch và nhấn mạnh; Gosselin,op. cit., 13).
Trong năm 1885, các chính trị gia và báo chí đối lập đã thổi phồng một sự thất trận quân sự tại Bắc Việt thành một thảm họa to lớn.Một chiến sĩ đảng Cấp Tiến kỳ cựu, ông Clémenceau, kẻ trước đây có nói chính sách thuộc địa của Ferry làm nguy hại đến nền an ninh của Pháp tại Âu Châu, giờ đây đã tố cáo ông ta về tội “phản quốc nghiêm trong.” Ở một trong nhiều hoạt cảnh vô cùng ồn ào vốn là nét đặc trưng của quốc hôi Pháp, Ferry bị bắt buốc phải từ chức, bị mất tín nhiệm đến nỗi không bao giờ ông ta có thể trở lại để phục vụ như một bộ trưởng nữa.Tính tình lạnh lùng và kín đáo, các chính sách đối nội, và thái độ “mềm dịu” của ông đối với Bismark [Thủ Tướng Đức khi đó] đã góp phần vào sự sụp đổ của ông, nhưng biến cố ở Bắc Kỳ đã là chất xúc tác.(E. Malcolm Carroll,French Public Opinion and Foreign Affairs, 1870-1914 (New York, 1931), các trang 101-107.) Ferry đã rời chức vụ với sự hay biết rằng hòa bình tại Bắc Việt đang gần kề và cùng với điều đó là sự thừa nhận của Trung Hoa về quyền chủ tể của Pháp trên toàn cõi Đông Dương.Trong một cuộc bỏ phiếu rất khít khao, chính phủ mới đã thành công trong việc thuyết phục Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận chi tiền cần thiết để sáp nhập Bắc Kỳ (Đông Kinh) vào một đế quốc Đông Dương.Dù có muốn hay không, nước Pháp đã có một đế quốc tại Á Châu.
Sau biến cố Mang Cá, 4-5/7/1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến trong ba năm, đến khi vua bị bắt năm 1888, thì Việt Nam mới hoàn toàn mất quyền tự chủ, nhận sự bảo hộ của Pháp, theo bản Pháp văn của hoà ước Patenôtre.
Nguồn:
Nguyễn Văn Tường và sách lược chống Pháp dưới Triều Nguyễn – Nguyễn Quốc Trị.
Vua Gia Long & người Pháp – Thụy Khuê.
Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam – Cao Huy Thuần.
Wiki





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *