Đến trước buổi sáng chủ nhật ngày 07-12-1941, Nhật Bản đã kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm Mãn Châu (bằng Pháp và Ý cộng lại), các thành phố lớn dọc bờ Đông Trung Quốc, Đông Dương. Tham vọng chiến tranh của họ bắt đầu bành trướng xuống phía Nam và một cuộc đụng độ với Hoa Kì là không thể tránh khỏi. Quan hệ giữa Tokyo và Washington tuy đã xấu đi khi Roosevelt cấm vận dầu mỏ, thương mại vào Nhật cũng như phong tỏa các thanh khoảng quốc tế của Tokyo nhưng tình hình rõ là vẫn chưa đến mức xảy ra chiến tranh. Vậy điều gì đã khiến cho Nhật quyết định đánh Trân Châu cảng? Tất nhiên là vì khát vọng bá quyền của họ. Trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ 2 đang diễn ra ở Châu Âu, nơi mà các đồng minh của Washington đang trong “cơn hấp hối” tột độ, người Nhật nghĩa rằng một cuộc đột kích tiêu diệt căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương sẽ làm cho Washington mất hết nguồn lực chiến tranh trong khu vực và phải đàm phán với mình, họ sẽ rãnh tay mà hành động. Nhưng Tokyo đã lầm, kết thúc 2 đợt tấn công, Hoa Kì chỉ chịu những tổn thất:
-5 thiết giáp hạm hạng nặng, 3 khu trục hạm bị đánh chìm.
-4 thiết giáp hạm, 3 khu trục hạm, 3 tuần dương hạm hư hại nặng.
-188 máy bay bị phá hủy, 155 chiếc hư hỏng nặng.
-2.345 lính thiệt mạng, 1.247 lính bị thương nặng hoặc tàn phế.
Nhiều học giả, nhà phân tích quốc tế sau này đã nhận định nhiêu đây là chưa đủ và gần như không có ý nghĩa gì đáng kể. Bởi các mục tiêu chiến lược như: các kho nhiên liệu, vũ khí dự trữ; các bến tàu ngầm; cơ sở tình báo; trạm phát điện; trạm cấp nước ngọt đã không bị phá hủy. Bên cạnh đó, trọng yếu là cả 3 tàu sân bay cấp hạm đội đang biên chế trong Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kì khi ấy (các chiếc USS Enterprise, Lexington và Saratoga) đều không bị đánh chìm do đang đi làm nhiệm vụ hoặc đại tu ở quê nhà. Người Nhật vẫn quyết định thực hiện cuộc đột kích bất chấp đã đã biết trước điều này. Đối với những “giáo sư mạng” như chúng ta, nếu như là Đô đốc Yamamoto, có lẽ nhiều người sẽ chọn không thực hiện Cuộc tập kích nhưng nên nhớ rằng, học thuyết hải quân chung của thế giới đến trước trận Trân Châu cảng vẫn cho rằng các thiết giáp hạm mới là “xương sống” của lực lượng hải quân chứ không phải là các tàu sân bay. Và rằng việc hủy diệt các thiết giáp hạm mạnh nhất của Hoa kì-niềm tự hào hải quân của họ sẽ có tác dụng cực lớn, buộc họ đứng ngoài Chiến cuộc Châu Á-Thái Bình Dương hoặc chí ít là làm họ chậm lại ít nhất một năm. Đô đốc Yamamoto, Phó Đô đốc Nagumo và Đại tá Genda (những người có vai trò chính trong việc lập kế hoạch Cuộc tập kích) đã thực hiện một cách bài bản những gì mình được học, nhưng phải thừa nhận rằng các ông đã không linh hoạt dựa trên tiềm lực quân sự hai bên. Chỉ chưa đầy nửa năm sau, đầu tháng 05-1942, Hoa Kì đã đánh bại quân Nhật khi họ cố đổ bộ lên New Guinea, rồi đúng 1 tháng sau đó là hủy diệt Liên hạm Nhật trong trận “bước ngoặt” Midway.
Tại sao lại gọi là “bước ngoặt”, đơn giản bởi vì người Nhật đã phải trả một cái giá quá đắt trong trận này, sai lầm của họ đến từ công tác tình báo và sự chủ quan-lỗi rất thường thấy khi một bên đang ở đỉnh cao chiến thắng. Hơn 1 tháng trước trận Midway, một nhóm giải mật của tình báo Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kì do Thiếu Tá Joseph dẫn đầu đã giải được bộ mã JN-25B của quân Nhật, cho thấy rằng Liên hạm Nhật sắp đánh chiếm AF nhưng họ chưa biết AF là chỗ nào. Tình cờ, vài ngày trước trận đánh, nhóm của ông đã bắt được một bức điện của máy bay trinh sát Nhật khi nó đang bay gần Midway, trong bức điện này, mật danh AF xuất hiện tới 2 lần. Để thuyết phục Đô đốc Chester, Thiếu Tá Joseph đã gửi một bức điện về Bộ Tư lệnh Hạm đội bằng một bộ mã mà ông tin rằng người Nhật đã giải được, nói rằng Midway đang thiếu nước ngọt trầm trọng vì hệ thống nước ngọt đã bị hỏng. Chỉ 3 tiếng sau, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhật đã gửi một bức điện cho Phó Đô đốc Nagumo với nội dung tương tự. “Cơn ác mộng” của người Nhật bắt đầu, người Mĩ đã biết họ đang đến trong khi kế hoạch tác chiến của họ trước sau lại dựa trên tình huống rằng người Mĩ hoàn toàn “bị mù”. Các nguồn tin tình báo của họ cũng đã phớt lờ sự tập kết của 3 tuần sân bay Hoa Kì tại Đông Bắc Midway.
Giữa trận đánh, Phó Đô đốc Nagumo do bị hối thúc bởi một cuộc tấn công “kết liễu” vào Midway, đã ra lệnh cho phi đội dự bị trên các tàu sân bay của mình tháo ngư lôi xuống, lắp bom thông thường vào. Lúc công việc gần hoàn thành thì máy bay trinh sát phát hiện ra một lực lượng lớn của Hoa Kì ở phía Đông Bắc Midway (phía Đông Nam so với các tàu sân bay của Nhật) nhưng không xác định được là có các tàu sân bay hay không. Nagumo đã có một quyết định thảm họa, có thể nói rằng là đã “kết liễu” luôn giấc mộng Đại Đông Á của nước mình. Ông ra lệnh cho chiếc máy bay trinh sát ấy xác định xem trong lực lượng đó của Hoa Kì có các tàu sân bay hay không đồng thời đợi các máy bay đã xuất kích trong đợt 1 tấn công Midway trở về tiếp liệu, trong thời gian đó sẽ lại tháo bom (vừa lắp) trên các phi đội dự bị xuống để tái trang bị ngư lôi như ban đầu. Đây là một quyết định thận trọng. Do thế đã lỡ mất thời cơ đánh chìm các tàu sân bay của Hoa Kì vì sau đó chiếc máy bay trinh sát ấy đã xác định sự hiện diện của chúng: USS Enterprise, Hornet và Yorktown. Chính những máy bay ném bom bổ nhào từ USS Enterprise, Hornet và Yorktown đã đánh chìm 4 tàu sân bay của Nhật khi trên boong của chúng chất đầy ngư lôi (vừa mới lắp lên), bom (vừa mới tháo xuống), xăng (các máy bay trở về trong đợt tấn công 1 vào Midway được tiếp liệu). Nói cách khác Akagi, Kaga, Hiryu và Soryu đã không bị đánh chìm một cách trực tiếp mà chúng chìm là do các vụ nổ, cháy khủng khiếp từ vũ khí của quân mình. Tổng cộng, kết thúc trận đánh (04–>07-06-1942), Nhật chịu tổn thất như sau:
-4 tàu sân bay cấp hạm đội: Akagi, Kaga, Hiryu và Soryu bị đánh chìm.
-2 tuần dương hạm hạng nặng bị đánh chìm hoặc hư hỏng nặng.
-5 khu trục hạm, 2 tuần dương hạm các loại và 1 tàu chở dầu hư hỏng nặng.
-248 máy bay bị bắn rơi.
-3.057 lính thiệt mạng.
Chỉ tính riêng việc mất một lèo 4 tàu sân bay (cấp hạm đội) trong một trận đánh duy nhất đã là một thiệt hại rất kinh khủng khiếp cho Liên hạm Nhật, nó khác rất nhiều so với việc họ có thể mất nhiều tàu trong suốt Chiến cuộc (1937-1945). Tôi sẽ lấy một ví dụ cho các bạn dễ hiểu, đó là nếu các bạn chảy máu nhiều lần trong đời, mỗi lần một ít thì không sao cả, nhưng nếu mất máu cấp chỉ trong một lần thì các bạn sẽ chết. Bên cạnh đó, sau trận Midway, Đồng minh bắt đầu phản công khắp Châu Á-Thái Bình Dương, tình hình này đã khiến Nhật không thể khôi phục sức mạnh cho Liên hạm của mình như trước được nữa.
Sau trận Midway; Liên hạm Nhật chỉ còn đúng 2 tàu sân bay cấp hạm đội là Shokaku và Zuikaku cùng 4 tàu sân bay hạng nhẹ: Ryujo, Zuiho, Junyo và Hiyou. Cho đến cuối Chiến cuộc (1945); họ chỉ còn đưa vào hoạt động thêm được 2 tàu sân bay cấp hạm đội khác là: Taiho và Shinano; 2 tàu sân bay hạng trung là: Unryu, Amagi mà thôi. Vậy tổng cộng là 10 chiếc các loại. Trái ngược hoàn toàn với Hoa Kì, trong cùng khoảng thời gian ấy, họ đã đưa vào thực chiến 20 tàu sân bay cấp hạm đội và 90 tàu sân bay hạng nhẹ, tất nhiên là dàn trải trên nhiều mặt trận chứ không riêng gì Châu Á-Thái Bình Dương. Sự so sánh nhỏ này cũng đủ để cho thấy một thực tiễn rằng, kể cả khi Hoa Kì có thua trận Midway, thua luôn trận Vịnh Leyte (Philippines) (23–>26-10-1944) thì cuối cùng họ vẫn sẽ thắng cả Chiến cuộc (1937-1945) mà thôi.
Chú thích trận Vịnh Leyte, Liên hạm Nhật từ “tàn” thành “phế”.