TỪ HI THÁI HẬU.

TỪ HI THÁI HẬU.

Nhà Thanh những năm tháng cuối cùng, đứng trước đủ các thách thức từ cả trong lẫn ngoài đế quốc. Căng thẳng sắc tộc ở Trung Quốc đã lên tới đỉnh điểm sau những thất bại liên tiếp của nước này trước Anh và Pháp trong chiến tranh thuốc phiện. Hàng tá cuộc khởi nghĩa bùng nổ từ khắp mọi nơi. Quyền lực của hoàng tộc Mãn Châu bị đe dọa nghiêm trọng bởi hàng chục triệu người Hán, Hồi và nhiều chủng dân khác. Cuối cùng, triều đình Thanh cũng nghiền nát tất cả các cuộc nổi loạn và tiếp tục nối dài triều đại thêm nửa thế kỷ. Giữa bối cảnh này, Từ Hi thái hậu bắt đầu hành trình quyền lực của mình.
TỪ SAU BỨC RÈM.
Từ Hi đứng lên nắm quyền ngay sau khi Mãn Thanh thua thảm trong chiến tranh nha phiến lần 2 trước Anh, Pháp. Quân đội Thanh thì hoàn toàn tan nát, còn quân Anh dưới quyền Lord Elgin thì cướp phá và thiêu trụi hoàn toàn Viên Minh Viên. Bắc Kinh thất thủ, triều đình phải sơ tán. Giữa lúc trốn chạy khỏi chiến loạn, Hàm Phong Đế băng hà khi mới chỉ 30 tuổi. Trong di chúc của mình, ông chỉ định nhóm “Cố mệnh bát đại thần” gồm tám vị quan nhiếp chính, dìu dắt cho tiểu hoàng đế Đồng Trị mới 5 tuổi.
Tuy nhiên, Từ Hi, mẹ của Đồng Trị nhanh chóng quay lại kinh thành, tiến hành đảo chính, quy tội toàn bộ “Cố mệnh bát đại thần”. Từ đây, thực quyền cả quốc gia chính thức nằm trong tay bà.
Mặc dù đóng vai trò như một nhà chính trị bảo thủ cực đoan, người ra sức bảo vệ ngai vàng của người Mãn, đồng thời chống lại các ảnh hưởng nước ngoài tới Đại Thanh. Thực tế, Từ Hi hoàn toàn mờ tịt về tình hình các mối đe dọa từ phương tây cũng như nền khoa học vượt trội mà họ đang sở hữu. Trong nhiệm kỳ của bà, nhà Thanh lại tiếp tục nhận thêm nhiều thất bại ê chề trước các cường quốc. Đế chế Á Đông một thời, nay ngày càng tụt hậu so với các liệt cường mới nổi.
Thời Từ Hi, người dân và cả quan lại vẫn cứ đắm chìm trong khói thuốc phiện. Quân đội triều đình suy yếu, phụ thuộc nhiều vào binh lực của các thống đốc địa phương. Tham nhũng vẫn là quốc nạn. Tương lai của triều đại mịt mù hơn khi các thế lực ngoại bang ngày một lấn lướt.
THỜI THẾ THAY ĐỔI.
Thanh triều thức giấc giữa buổi bình minh của những đế quốc hùng hậu, có sức mạnh vượt trội, lấn át hoàn toàn phần còn lại của thế giới. Trớ trêu thay người đàn bà cai trị Trung Hoa bấy giờ không nhận thức được điều đó. Chỉ trong vòng một thập kỉ, Trung Quốc thua Pháp tại Việt Nam, mất Đài Loan, Hàn Quốc vào tay Nhật, vùng đất tổ Mãn Châu cũng bị người Nga xâm chiếm. Thanh Đảo giờ là của người Đức, Liêu Đông thì lần lượt qua tay Nhật rồi Nga. Tàu sắt nước ngoài thì tự do đi lại trên lãnh hải Trung Quốc. Trong quá khứ, đế chế Đại Thanh đã ngự trị toàn cõi Á Đông suốt nữa thế kỷ, với hàng trăm quốc gia phải cúi mình cống nạp và được các cường quốc phía tây vô cùng nể trọng. Nhưng, mọi chuyện giờ đã thay đổi.
SAI NGƯỜI, SAI THỜI ĐIỂM.
Dù đã hai lần thảm bại trước người tây, nhưng suốt 50 năm, nhà Thanh luôn có thời gian và cơ hội để sửa sai. Họ hoàn toàn đủ tiềm lực để hiện đại hóa, gia tăng sức mạnh quốc phòng, từ đó đảm bảo an ninh cả trong lẫn ngoài đất nước. Dẫu sao thì chiến tranh nha phiến lần một diễn ra từ tận những năm 1840, tức gần 10 năm trước khi Mỹ tác động vào một nước Nhật lạc hậu, chiến tranh nha phiến lần hai thì diễn ra ngay thời điểm Matthew C. Perry mở toang Nhật Bản và cuộc Minh trị Duy tân bắt đầu ở nước này.
Không may, Từ Hi lại là kẻ thù không đội trời chung với các chính sách canh tân hay âu hóa. Ngay từ những chiến bại đầu tiên, nhiều đại thần có tư tưởng tiến bộ như Lý Hồng Chương đã cố gắng vực dậy Trung Quốc bằng cách hợp tác với Anh, Pháp xây dựng lực lượng quân đội, đặc biệt là hải quân tân tiến hơn.
Thái hậu kiên quyết ngăn cản mọi nỗ lực duy tân đất nước từ trong bộ máy chính quyền. Vì đơn giản, Từ Hi tới từ tầng lớp quý tộc Mãn Châu, nhóm người “dân tộc thiểu số” này nhạy cảm với các vấn đề liên quan tới “cộng hòa”, “dân chủ”. Họ cũng vô cùng lo sợ trước viễn cảnh những đội quân hiện đại, dưới quyền các tướng lĩnh địa phương lần lượt ra đời. Những mối lo này, kết hợp với sự gia tăng các phong trào dân tộc suốt nhiều năm, khiến Từ Hi e dè trước mọi thay đổi. Hàng thập kỷ trước, nhà Thanh đã kiên quyết đập tan rất nhiều cuộc khởi nghĩa. Đối với góc nhìn của Từ Hi, điều trên hoàn toàn có thể phải lặp lại một cách tàn khốc nếu bà cho phép “nhập khẩu” những món hàng hoặc lối suy nghĩ của tây phương.

Đồng Trị lên ngôi khi mới chỉ năm tuổi sau cái chết của cha mình là hoàng đế Hàm Phong, những đại thần nhận trách nhiệm dìu dắt ông, được tiên đế giao phó nay đều đã bị cách chức. Giờ đây, ông trở thành con rối trong tay cả người chú Dịch Hân, lẫn Từ Hi và người đồng nghiệp Từ An thái hậu.

Tại Trung Quốc, quan đại thần Lý Hồng Chương là một nhân vật chính trị đầy mâu thuẫn. Con đường thăng tiến của ông gắn liền với Từ Hi thái hậu. Từ chứng minh năng lực trong cuộc dẹp loạn Thái Bình Thiên Quốc, tới sự ủng hộ nhiệt thành cho Từ Hi trong trận chiến giành quyền nhiếp chính. Sau nhiều lần chạm trán người tây, Lý nhìn thấy rõ sự yếu kém của Trung Quốc. Hết lần này tới lần khác, ông mong muốn cải cách đất nước theo chiều hướng âu hóa, dù bị chi phối bởi thái hậu. Song, việc thường xuyên là nhà ngoại giao thất bại trong mỗi trận thua của nhà Thanh cộng với cái mác “nô tài” cho Từ Hi lại khiến ông bị chỉ trích là kẻ bán nước.

Thái hậu cũng dị ứng với nền khoa học và mô hình giáo dục kiểu âu. Không chỉ vì những điều này quá khác biệt với hệ thống Nho giáo tồn tại hàng ngàn năm, mà còn vì Từ Hi tôn sùng các giá trị truyền thống dân tộc tới cực đoan. Bà đã từng cho hoãn thi công đường sắt vì cho rằng, sự ồn ào của tàu hỏa sẽ “Ảnh hưởng tới giấc ngủ của Tiên đế”.

Nền quân chủ chuyên chế Trung Hoa cấm mọi phụ nữ can chính, đặc biệt là đứng trong đại điện, giữa các buổi chầu. Từ Hi, giống như nhiều nữ nhiếp chính quyền lực khác phải khuất mình dưới tấm màn sau lưng hoàng đế. Người xưa gọi việc này là “thùy liêm thính chính” (buông rèm nghe chính sự).

Từ Hi vẫn giữ vai trò nhiếp chính ngay cả khi con trai bà đã ngồi vững trên ngai vàng. Đồng Trị lớn lên và trở thành một thanh niên bất hòa và bướng bỉnh. Ông không được lòng các thần tử của mình và dành phần lớn thời gian làm hoàng đế như một kẻ vô công rồi nghề. Khi ông qua đời năm mới 19 tuổi, mọi sự sắp đặt lại quay về với tay của mẹ ông, Từ Hi thái hậu. Lúc này, bà đặt tên cho đứa em họ của Đồng Trị cái tên Quang Tự. Sớm thôi, Quang Tự sẽ là hoàng đế tiếp theo.

Những năm 1880, Pháp đã từng bước thuộc địa hóa Việt Nam, nơi vương triều Nguyễn thuần phục nhà Thanh từ cả trăm năm trước. Pháp cũng đánh tan nhiều lực lượng quân Thanh tham chiến tại bắc bộ Việt Nam, trong đó có hạm đội Nam Dương, mặc cho những đầu tư cải tiến trước đó của hạm đội này. Người Pháp mở ra chuỗi thập kỉ chiến bại liên tục tiếp theo cho nhà Thanh trước không chỉ các liệt cường ở nửa kia Trái đất, mà còn trước gã hàng xóm đồng chủng vốn luôn ở vị trí chiếu dưới.
ĐẾ CHẾ CHUYỂN MÌNH.
Khoảng thời gian 1884 – 1895, trong thời trị vì của Hoàng đế Quang Tự, Từ Hi thái hậu dùng tới 22 triệu lạng bạc lấy từ ngân sách cải tổ quân đội Bắc Dương để tái xây dựng Viên Minh Viên như món quà sinh nhật lần thứ 60 cho bản thân bà.
Vào năm 1894, Nhật giành chiến thắng thuyết phục trước Trung Quốc trong chiến tranh Trung – Nhật lần một. Hạm đội Bắc Dương mang tiếng là quân lực mạnh nhất Đông Á bị hủy diệt hoàn toàn. Kết quả chung cuộc, nhà Thanh mất quyền kiểm soát Đài Loan cũng như bán đảo chiến lược Liêu Đông vào tay người Nhật. Với rất nhiều thành viên trong nội các nhà Thanh, thua cuộc trước những kẻ từng bị gọi là “giặc lùn” là sự sỉ nhục không thể chấp nhận được. Sự kiện này, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh, thúc giục chính phủ nhanh chóng tiến hành cải cách, lột xác toàn bộ quốc gia. Nhưng một lần nữa, Từ Hi lại từ chối thay đổi.
Những ngày tháng cuối cùng trên ngai báu, cháu trai Từ Hi, hoàng đế Quang Tự quyết thay máu đất nước, ông khởi động “Bách nhật duy tân” (cải cách trăm ngày), chủ yếu bằng việc sao chép mô hình nước Nhật. Các chính sách mà ông dự định thực hiện sẽ quốc hữu hóa nhà nước Mãn Thanh, đồng thời hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng và xây dựng nền khoa học, giáo dục bài bản. Từ Hi lại tiến hành đảo chính, nhiều nhà cải cách dưới trướng Quang Tự bị xử tử, bản thân Quang Tự bị truất phế và giam lỏng tới tận cuối đời.
Xét trên khía cạnh nào đó, nỗi lo sợ trước sự xuất hiện Kito giáo và các công xưởng tư bản của Từ Hi thái hậu không hoàn toàn vô căn cứ. Suy cho cùng, bà đã trực tiếp chứng kiến cuộc nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc cướp đi sinh mạng của 20 triệu thần dân và người đứng đầu phong trào này là kẻ tự xưng “em trai của Chúa”. Đám thương nhân tư bản hám lợi thì hoàn toàn có thể tự xây dựng nhóm quyền lực cho riêng mình, đứng lên thách thức năng lực kiểm soát của triều đình.
BIẾN ĐỘNG DỮ DỘI.
Nỗi lo về tư tưởng “sính ngoại” của Từ Hi thái hậu nhanh chóng bị dẹp sang một bên trong năm 1899, khi một nhóm bài ngoại cực đoan tên “Nghĩa Hòa đoàn” ra đời. Nhóm nay thu hút sự phẫn nộ từ phương tây khi chúng tổ chức các hoạt động tàn sát người nước ngoài ở Trung Quốc. Ban đầu, với tôn chỉ “phục hưng Đại Thanh, lật đổ ngoại nhân”, Nghĩa Hòa đoàn nhận được sự viện trợ cũng như tiếng nói ủng hộ của Từ Hi.
Quyết định hậu thuẫn Nghĩa Hòa đoàn, cũng như bao quyết định sai lầm trước đấy của Từ Hi, lại tiếp tục rẻ hướng người dân Trung Hoa đi vào cảnh lầm than. Vài tổn thất dành cho người nước ngoài chẳng thể nào so với thiệt hại khi “Bát quốc liên quân” được thành lập và tiến vào san phẳng thành Bắc Kinh, tiêu diệt cả đám phiến quân cuồng tín lẫn người dân vô tội.
Châm biếm thay, một lần nữa Từ Hi lại lặp lại hành trình chạy trốn khỏi cấm cung trước sự đe dọa của quân đội thực dân, chỉ khác lần này bà đóng vai nữ hoàng chứ không còn là cô phi tần nhỏ bé năm nào nữa. Cả hoàng tộc cùng quan lại, lén lút theo chân Từ Hi chạy tới thành Tây An. Nơi “Bát quốc liên quân” khó có thể tóm được bà.
Thực ra, Nghĩa Hòa đoàn không hẳn là sai lầm hoàn toàn của Từ Hi, vài diễn biến của những sự kiện tiếp sau vẫn phù hợp với mong muốn của bà. Bà đã có thể tiên liệu được việc, sau vài tháng cướp bóc chán chê, “Bát quốc liên quân” tham lam kia sẽ lâm vào tình trạng mất phương hướng và lục đục nội bộ. Tới lúc này, Từ Hi cử Lý Hồng Chương làm sứ giả đàm phán hòa bình với tám nước ngoại bang.
Kịch bản ngoại giao quen thuộc lại tiếp diễn, Trung Quốc nhận lấy khoản đền bù chiến phí khổng lồ, mất thêm nhiều vùng lãnh thổ cùng với hàng loạt điều ước bất bình đẳng. Có điều, cả tám nước tham gia thỏa thuận không có nước nào có thể đơn phương thực sự sở hữu Trung Quốc hay lật đổ ngai vàng của Từ Hi thái hậu. Điều khoản để Từ Hi có thể quay về nhà đó là bà phải nghiêm trị thích đáng Nghĩa hòa đoàn. Thế là hàng ngàn thành viên của hội này bị chính những người từng ủng hộ mình vây bắt và xử tử công khai.
Câu nói: “Nông dân thì sợ triều đình, triều đình thì sợ ngoại bang, ngoại bang lại sợ nông dân”, miêu tả đúng tình hình Trung Quốc lúc bấy giờ. Cũng như Đế chế Ottoman, những kẻ thực dân thấy được lợi nhuận lớn từ việc trích xuất các thỏa thuận có lợi với một nhà nước yếu đuối nhưng vẫn rất giàu có. Họ cũng sợ hàng trăm triệu nông dân sẽ đứng lên, điên cuồng tấn công những kẻ xâm lược quê hương mình. Vì vậy, họ chẳng dại gì kéo sụp chính quyền dù nó đã rất suy yếu, bởi chính quyền này sẽ thay họ kiểm soát dân chúng. Họ cần một kẻ thu hộ thuế giúp mình.
NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI CÙNG.
Về mặt lý thuyết, vai diễn cuối cùng của Từ Hi trong bộ phim chính trị những năm Thanh mạt là “một nhà cải cách miễn cưởng”. Khi trở về cung điện, bà làm những việc mà đáng lẽ nên làm từ sớm hơn: các quan lại cấp cao sẽ được gửi tới phương tây và Nhật Bản để học tập, từ đó, vạch ra đường lối thay đổi toàn diện pháp luật, giáo dục, cơ cấu nhà nước và chính sách xã hội. Nhiều đường lối sẽ mô phỏng những gì Minh Trị đã xây dựng. Việc bải bỏ hệ thống thi cử, bổ nhiệm truyền thống vào năm 1905 là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực tái định hình sâu rộng trên.
Thời gian này, Trung Quốc có những trường đại học đầu tiên, ngành công nghiệp bắt đầu những bước chập chững, các công trình đường sắt được tái khởi động một cách nghiêm túc. Khá khôi hài là nhiều gạch đầu dòng trong “Chính sách mới” mà Từ Hi cho triển khai, từng xuất hiện trong những đề xuất của các nhà cải cách mà bà đã chặt đầu vào năm 1898.
Thái hậu cũng bắt đầu sôi nổi hơn trong các hoạt động ngoại giao được cá nhân hóa hình ảnh mạnh mẽ. Bà có nhiều hơn những bức ảnh chụp với người tây và các lãnh đạo phật giáo được lan truyền rộng rãi. Điều này phần nào “nhân tính hóa” con người Từ Hi trong mắt truyền thông phương tây. Nhưng nhìn chung, mọi nỗ lực cuối đời của bà là quá muộn để cứu rỗi cho số phận nhà Thanh. Bà qua đời năm 1908, chỉ một ngày sau khi đặt cả thiên hạ vào tay cậu bé Phổ Nghi mới ba tuổi và cũng chỉ một ngày sau cái chết bí ẩn của cựu hoàng Quang Tự. Giang sơn của dòng họ Ái Tân Giác La cũng sụp đổ ngay sau đó, quyền lực bị xé nhỏ, chia cho những người đàn ông đức cao vọng trọng, những kẻ đều thích theo đuổi giấc mơ riêng tại lãnh địa của mình.
THẾ GIỚI BÊN KIA.
Ngay cả trước khi chết, Từ Hi cũng không quên củng cố địa vị ở thế giới bên kia của mình so với những người tiền nhiệm. Bà là vợ lẽ, và theo truyền thống sẽ được an táng bên cạnh Hoàng đế Hàm Phong. Từ Hi không hài lòng với số phận được sắp đặt và lấy hàng chục triệu lạng bạc từ kho bạc hoàng gia để xây dựng lăng mô đồ sộ cho riêng mình. Kích thước và phạm vi lăng mộ thậm chí lớn hơn nhiều so với chồng và nhiều hoàng đế trước đây. Nhưng như thế vẫn chưa đủ làm hài lòng thái hậu, vào năm 1895, chỉ một năm sau trận thua Nhật Bản, dù đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho xây dựng Viên Minh Viên, Từ Hi vẫn yêu cầu phá đi, xây lại công trình lăng mộ của mình vì không hài lòng. Công trình mới này phải có đầy đủ đền đài, hội trường, cổng lớn và cây lá vàng.

Đám tang đương nhiên cũng rất xa xỉ. Hàng tỷ đô la được dùng để làm một thuyền tang lễ lớn, rộng bằng nền của cả cái chung cư, được trang trí bằng vô vàn hình nộm, phục vụ cho lễ siêu thoát của thái hậu. Đó là cách cả quốc gia chi cho linh hồn của một trong những người cai trị kém cỏi nhất triều đại nhà Thanh. Cái chết của bà mở ra tiếp một thế kỷ đau khổ cho dân tộc Trung Hoa.

TẤM RÈM KHÉP LẠI.
Khá bất ngờ là chỉ sau cái chết của Từ Hi ba năm. Nền quân chủ hàng thế kỷ của Trung Quốc chính thức kết thúc bởi nhóm phiến quân cộng hòa vốn còn rất non trẻ.
Ít ra, Từ Hi đã đúng trong mối lo ngại thường trực của bà dành cho các tác động từ tây phương. Đảng Cộng hòa lật đổ vương triều vào năm 1912, nhiều thành phần trong lực lượng này được hậu thuẫn bởi các nhà tư sản “tây hóa” hơn là xuất phát từ lòng bất mãn với chế độ phong kiến. Trong đó, chủ chốt là Tôn Trung Sơn, người sau này trở thành tống thống đầu tiên của nước Trung Hoa Dân Quốc. Ông được hỗ trợ rất nhiều từ gia đình nhà vợ, những chủ ngân hàng giàu có ở Hawaii.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *