[TỪ CHIẾN HÀO ĐẾN MORDOR: THẾ CHIẾN 1 VÀ NỀN VĂN HỌC KỲ ẢO CỦA ANH (P.1)]

TỪ CHIẾN HÀO ĐẾN MORDOR: THẾ CHIẾN 1 VÀ NỀN VĂN HỌC KỲ ẢO CỦA ANH (P.1)

(Bài về văn học kỳ ảo-giả tưởng và văn học thiếu nhi, bạn nào không thích có thể lướt).

Vào năm 1889, một phần tư thế kỷ trước khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ 1 nổ ra, Mark Twain đã viết một cuốn tiểu thuyết kỳ ảo ngắn mang tên “Tên Mẽo trong Triều đình Vua Arthur” (sau này được đổi tên thành “Tên Mẽo bang Connecticut trong Triều đình Vua Arthur.”) [1]. Cuốn sách kể về một anh chàng kỹ sư người Mỹ, Hank Morgan, người sau khi bị thương nặng ở đầu thì bị cuốn vào dòng xoáy thời gian-không gian và được đưa đến một triều đình hư cấu của Vua Arthur. Với những kiến thức ở tương lai và kỹ năng công nghệ của mình, vị du hành gia thời gian người Mỹ ngay lập tức được mọi người tôn làm phù thuỷ. Bắt tay thực hiện một loạt các nỗ lực để hiện đại hoá nước Anh, Hank gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Giáo hội Công giáo. Cuốn sách kết thúc với sự kiện Hank và 52 học viên trẻ tuổi của mình đối mặt với hơn 30,000 hiệp sĩ. Ẩn nấp sau bãi mìn, hàng rào điện và điều khiển những khẩu súng gatling “mang đến tử thần,” nhà du hành thời gian và những đồng đội của anh đã lần lượt “thảm sát” những kẻ mặc giáp sắt tấn công mình. Bằng tất cả lòng dũng cảm và sự hào hiệp của họ, các hiệp sĩ vẫn bất lực trước cuộc chiến tranh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Sau khi phát hành, một trong những cuốn sách khoa học viễn tưởng đầu tiên này đã được hàng ngàn trẻ em trên khắp nước Anh và Mỹ đón nhận. Trong số những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của cuốn sách là một cậu bé tám tuổi với một cặp mắt to, tên Clive Staples Lewis, sau này được biết đến với cái tên C.S. Lewis, một nhà thần học và tác giả của “Biên niên sử Narnia” nổi tiếng [2]. Clive từ nhỏ đã bị cuốn hút bởi câu chuyện về những chàng hiệp sĩ của Vua Arthur, cùng với chủ nghĩa lãng mạng được khai thác qua tinh thần thượng võ của họ. Về điều này thì không phải chỉ có mình ông – cả một thế hệ học sinh nước Anh dưới thời Victoria và Edward đã được làm quen với tác phẩm về hình tượng anh hùng thời cổ đại và lòng hào hiệp thời trung đại từ nhỏ. Từ “Ivanhoe” của Sir Walter Scott [3] đến các tác phẩm trung cổ lãng mạn của William Morris [4] đến những dòng thơ của Alfred Lord Tennyson về “Morte D’Arthur” của Thomas Malory [5], hình tượng người anh hùng được lý tưởng hoá của xứ Albion đã gắn chặt với nền văn hoá của Hoàng gia Anh. Chỉ sau đó, vào năm 1952 thì Lewis mới xem xét, đánh giá lại sở thích lúc nhỏ của mình cho tác phẩm của Twain. Chính những “yếu tố lãng mạn trong cuốn tiểu thuyết” đã khiến ông say mê nó lúc nhỏ, ông viết, không phải những ẩn ý “chế giễu chống lại tinh thần hào hiệp thời Trung cổ.” Đối với Lewis, “hình tượng người hiệp sĩ – người Thiên Chúa giáo cầm vũ khí lên chiến đấu vì lẽ phải – là một trong những hình tượng vĩ đại của đạo Chúa” [6].

Và thực tế, một phần mục đích của Twain khi ra đời tác phẩm này là để mỉa mai chính những tư tưởng đó. Là một nhà văn người Mỹ, người đã sống qua thời đẫm máu và tàn khốc của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, ở ông đã nảy sinh một sự chán ghét đối với chủ nghĩa lãng mạn trung cổ ở thế kỷ 19, thứ mà ông coi là gắn liền với văn hoá các bang miền Nam trong giai đoạn antebellum. Chỉ sáu năm trước, trong “Cuộc sống ở Mississippi,” Twain đã lên tiếng chống lại những ảnh hưởng nguy hiểm của các nhà văn như Sir Walter Scott, tuyên bố rằng:

“Chính Sir Walter là người đã biến tất cả các quý ông ở miền Nam trở thành một Thiếu tá hoặc một Đại tá, hoặc một Đại tướng, hoặc một Thẩm phán, trước cuộc chiến tranh; và cũng chính anh là người khiến những quý ông đó coi trọng thứ làm màu vô ích như vậy. Vì anh ta đã tạo ra những thứ hạng và đẳng cấp, rồi lại tỏ ra tôn trọng những thứ hạng và đẳng cấp ấy, và trở nên tự hào hay vui sướng vì nó. […] Sir Walter là một nhân vật tai to mặt lớn trong việc tạo nên nền văn hoá ở miền Nam, như nó đã tồn tại trước chiến tranh, vì vậy anh là người chịu trách nhiệm lớn cho cuộc chiến [7].”

Những lời phê phán của Twain với thứ mà ông cho là quan niệm cổ hủ về danh dự và tinh thần hào hiệp, cũng như miêu tả của ông về lối chiến đấu nguy hiểm trong một cuộc chiến tranh công nghiệp hoá, đã phần nào như một lời tiên tri dự báo trước cuộc tranh cãi về văn hoá và nghệ thuật nổ ra trên khắp nước Anh trong hai thập kỷ rưỡi sau đó, bắt đầu với cuộc Chiến tranh thế giới thứ 1. Những phản đối quyết liệt của Lewis trước các lời phê bình đó và quyết tâm gắn bó của ông với những gì ông coi là không thể phai nhoà theo thời gian như lòng hào hiệp thời Victoria, phải nói là đã ăn sâu bám rễ vào các kiệt tác kỳ ảo và văn học thiếu nhi của thế kỷ 20 – từ Lewis đến J.R.R. Tolkien, John Masefield và A.A. Milne – đều là những cựu chiến binh trong Thế chiến 1. Những trải nghiệm của họ trong 4 năm u ám, đẫm máu và chết chóc này đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các vũ trụ kỳ ảo trong tác phẩm của họ, thúc đẩy họ suy nghĩ theo một cách khác về quan niệm vinh quang và lòng yêu nước truyền thống, cũng như về sự công bằng trong một số cuộc chiến nhất định.

SẦU MUỘN VÀ CHIA RẼ: CÁI NÔI VĂN HỌC CỦA “BUỔI CHIỀU EDWARD.”

Các nhà văn kỳ ảo-giả tưởng nổi tiếng của Anh trong thế kỷ 20 đa số đều lớn lên trong thời kỳ phức tạp và chia rẽ này. Sau khi chứng kiến những hậu quả thảm khốc của Thế chiến 1, nhiều người đã nhìn lại những năm đầu của thế kỷ 20 với nỗi nhớ da diết. Sau cuộc tàn sát, bom đạn và những biến động xã hội của cuộc Đại chiến, thời kỳ Edward được xem là một “buổi chiều vàng,” thoáng qua trước khi màn đêm chiến tranh buông xuống – một thời kỳ yêu nước, hoà bình và thịnh vượng tương đối. Tuy nhiên, những hồi tưởng đầy màu hồng này không nhất thiết là hoàn toàn đúng với thực tế về thời kỳ trước chiến tranh này. Thật tế, thời kỳ Edward vượt lên tất cả, được đánh giá là một trong những thời kỳ có nhiều biến chuyển xã hội và địa chính trị nhất. Như giáo sư đại học Princeton là Samuel Hynes viết trong cuốn “The Edwardian Turn of Mind,” thời kỳ Edward có thể được:

“… xem như một bữa tiệc trà ngắm vườn dài vào một buổi chiều – đối với những người ở trong vườn. Nhưng những sự kiện quan trọng hơn lại diễn ra ở ngoài vườn: chính ở ngoài kia mà thế kỷ 20 đã được hình thành. Nỗi nhớ là một cảm xúc tuyệt vời, nhưng nó lại quá đơn giản hoá [8].”

Với sự phát triển của các cường quốc như Hoa Kỳ và đe doạ hơn cả – Đế quốc Đức, đã có một lượng lớn tranh cãi về vấn đề quốc tế diễn ra, với lo ngại rằng sức mạnh của Đế quốc Anh đang suy yếu dần. Trong khi đó, các vấn đề trong nước cũng không hề khá hơn, gây chia rẽ sâu sắc vì những biến động xã hội và cải cách như quyền bầu cử cho phụ nữ và quyền của công nhân [9]. Có một mối lo ngại lớn về tác động lâu dài đến xã hội và môi trường của sự công nghiệp hoá và cơ giới hoá hàng loạt. Nền văn học thời kỳ Edward – đặc biệt là nền văn học kỳ ảo – đã phản ánh rõ những lo lắng này, cùng với tâm lý tập thể rằng những người sống qua những năm đầu của thế kỷ 20 đang bước vào thời kỳ đầy rủi ro và khó lường.

Lo lắng về những thay đổi và mâu thuẫn giữa các giai cấp là điều dễ thấy trong các tác phẩm như “Gió qua rặng liễu” của Kenneth Grahame, trong khi các tác giả khác, thông qua việc sử dụng lại chủ nghĩa huyền bí dân gian và truyện cổ tích, đã khiến con người ta phải chú ý đến những tác động của sự đô thị hoá hàng loạt đến đời sống nông thôn ở Anh. Thời kỳ này không chỉ chứng kiến sự đón nhận nhiệt tình của đại chúng đối với thần thoại Arthur, mà còn là sự phát triển rộng rãi của chủ nghĩa Arcadia coi người Anh đang đe doạ đến vẻ đẹp tự nhiên của hòn đảo và sự khác biệt về lịch sử, bản sắc thời tiền Thiên Chúa giáo của nó. Khi ta mở ra những trang sách văn học giả tưởng và văn học thiếu nhi ở thời kỳ này, là khi ta bước vào một buổi hoàng hôn tuyệt đẹp nhưng đầy khó chịu [10]. Dường như không còn gì giống với vẻ ngoài của nó, một sự ngây thơ nào đó đã biến mất (có thể thấy đây là chủ đề chính của “Peter Pan”), và những ngày vui tươi, hạnh phúc đang ngày càng mờ dần phía cuối chân trời. “Tất cả những Người ở Đồi đều đã bỏ đi cả,” Rudyard Kipling viết trong “Quả bóng từ đồi Pook.” “Ta thấy thấy họ tới nước Anh cũ, rồi ta lại thấy họ đi, đi sạch hết rồi [11].”

Như các sử gia văn học cũng đã viết, thời kỳ Edward cũng đánh dấu sự hồi sinh của tôn giáo Pagan hiện đại hay cult of Pan và Lạp Hộ, cả hai thường được coi là ví dụ điển hình của lối sống nông thôn và nhất quyết chống lại mối đe doạ từ thời hiện đại [12].

Về lĩnh vực thơ ca cũng thấy xuất hiện sự phát triển của phong trào Georgian, trong đó bao gồm nhiều nhà thơ lớn như John Masefield, Rupert Brooke, D.H. Lawrence, và Siegfried Sassoon [13]. Với sự biên tập và tài trợ nhiệt tình từ Sir Edward Marsh, người từng là thư ký riêng của Winston Churchill – các nhà thơ Georgian đã phát triển ra một loại thơ mới – một sự kết hợp giữa chủ đề đồng quê, chống hiện đại hoá và sự bi thương với chủ nghĩa hiện thực lớn hơn và phong cách rời xa chủ nghĩa hình thức cổ thời Victoria [14]. Nói ngắn gọn, ngay trước cả khi những phát súng đầu tiên nổ ra trên Mặt trận phía Tây, nền văn học và thơ ca của Anh có những bước biến chuyển đáng kể với sự lo lắng trong xã hội kết hợp với chủ nghĩa dân tộc lãng mạn.

Thật tế, sự nhấn mạnh của phong trào Georgian vào chủ nghĩa thực tế không đi đôi với việc từ bỏ truyền thống hào hiệp và chủ nghĩa yêu nước thượng võ. Mà ngược lại. Phần lớn các nhà thơ chiến tranh nổi tiếng của Anh – ngoại trừ trường hợp của Wilfred Owen – đều là sản phẩm của hệ thống trường công Anh. (Hơi khó hiểu với những người xa lạ với nước Anh xíu, thì “trường công” ở Anh thực tế là… trường tư, trái ngược với “trường nhà nước” được miễn học phí [15]). Các trường học này, nơi đã đào tạo vô số thế hệ sĩ quan đế quốc, luôn đề cao thứ gọi là “đạo đức hào hiệp” – tôn vinh tinh thần thể thao, lòng yêu nước được lãng mạn hoá và tôn trọng những giá trị truyền thống – cùng với đó là niềm đam mê với chủ nghĩa khắc kỷ, tinh thần sẵn sàng hy sinh bản thân và võ thuật.

THẾ CHIẾN 1 VÀ TINH THẦN HÀO HIỆP BỊ ĐƯA LÊN BÀN CÂN.

Chính những cậu bé học trường công này, với đầu óc chất đầy Horace, Tennyson, và Malory, là những người tiên phong xông xáo lên chiến tuyến. Nhưng lần đâu tiên được nếm thử gia vị chiến tranh công nghiệp, cùng với 4 năm ròng sống ở chiến hào sẽ khiến tâm lý họ thay đổi, những người này khi trở thành những nhà thơ hay nhà văn sẽ thay đổi nền văn học của Anh mãi mãi…

(Còn tiếp).

Sauce: “From The Trenches to Mordor and Back: World War 1 and British Fantasy Literature” của Iskander Rehman.

[1] http://pinkmonkey.com/dl/library1/digi038.pdf

[2] https://www.jstor.org/stable/43485993?seq=1

[3] https://www.gutenberg.org/files/82/82-h/82-h.htm

[4] https://www.amazon.com/Romances-William-Morris…/…/0521154928

[5] https://d.lib.rochester.edu/…/t…/tennyson-idylls-of-the-king

[6] https://www.jstor.org/stable/43485993?seq=1

[7] https://www.gutenberg.org/files/8480/8480-h/8480-h.htm

[8] https://www.amazon.com/dp/B004XIVPYA/ref=dp-kindle-redirect…

[9] https://www.amazon.com/Edwardians-Roy-Hattersl…/…/B011I2MMRC

[10] https://books.google.com.vn/books…

[11] http://www.online-literature.com/kipl…/puck-of-pooks-hill/1/

[12] https://books.google.com.vn/books…

[13] https://www.jstor.org/stable/440596?seq=1

[14] https://www.amazon.com/Georgian-Revolt-Poetic-…/…/0809301644

[15] https://www.britannica.com/topic/public-school


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *