Từ “chàng trai Robot” bỏ đại học Bách Khoa tới giám đốc Cầu Đất Farm và hành trình khởi nghiệp. 

Xuất thân là “chàng trai robot” của lớp kỹ sư tài năng khoa Điện tử – Tự động ĐH Bách khoa TP.HCM, có nhiều sáng chế ứng dụng công nghệ. Anh Phạm Ngọc Anh Tùng quyết định rời ghế đại học vào năm thứ 3, để theo đuổi đam mê đưa tự động hóa vào nông nghiệp cho các tập đoàn. Cơ hội để anh thay đổi hướng đi đó là vào năm 2015, anh gặp được sếp của mình, được truyền cảm hứng và trao cơ hội, anh rời TPHCM, lên Đà Lạt làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với vị trí Giám đốc của nông trại Cầu Đất Farm trong 3 năm.

Tại đây, anh có cơ hội tới 15 quốc gia và đi hết 63 tỉnh thành của Việt Nam, tìm hiểu về nông nghiệp của các nước cũng như của nước mình. Đi nhiều nơi, học được nhiều điều mới về nông nghiệp nước họ, đi khắp các siêu thị các nước chỉ thấy duy nhất 1 sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Trong khi sản lượng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta luôn nằm ở top cao trên thế giới, vậy vấn đề nằm ở đâu? Nông sản Việt chất lượng, nhưng chưa được chỉnh chu trong từng bao bì, đóng gói, thương hiệu, do đó chúng ta chỉ xuất khẩu thô các sản phẩm nông nghiệp.

Từ chàng trai yêu nông nghiệp, bắt đầu giấc mơ khởi nghiệp từ tuổi 29

Những suy nghĩ và trăn trở dường như biến thành động lực, giúp anh bắt đầu hành trình khởi nghiệp với một trang Thương mại Điện tử mang tên Foodmap.asia vào tháng 12 năm 2018. Khởi đầu bằng hai bàn tay trắng với một “văn phòng” nhỏ đi mượn, chỉ vỏn vẹn vài người đồng đội, cùng nhau phát triển nên thương hiệu. Tự đi tìm nhà cung cấp, những người nông dân, mang sản phẩm tốt nhất từ vườn đến với khách hàng. Đảm bảo được đầu ra cho nông sản của nông dân, lại đảm bảo được niềm tin và chất lượng của sản phẩm khi tới tay khách hàng là điều mà anh Tùng và Foodmap luôn hướng đến. Thời gian đầu, chi phí nhiều, doanh thu chưa đủ để bù chi phí, anh Tùng phải đi làm thuê bên ngoài gần 6 tháng để đủ tiềm lực nuôi sống công ty.

Suốt một năm đầu tiên, anh Tùng phải tìm đủ mọi cách để giải bài toán khó: làm sao để tìm được hướng đi đúng đắn, có lợi cho cả 2 bên người mua và người bán khi nguồn lực đang hạn hẹp nhưng vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng 20-30%/tháng. Anh vạch ra hướng đi, đầu tiên phải làm tốt được khâu đầu vào, giải quyết được vấn đề cho người nông dân và nhà cung cấp, làm sao nông sản không còn phải rơi vào tình trạng được mùa – mất giá và giá cả hợp lý. Còn về vấn đề của người mua, họ phải trả một số tiền cao gấp mấy lần để mua một sản phẩm nếu qua nhiều khâu trung gian, niềm tin của họ với những quảng cáo trên mạng cũng không lớn, cần tìm nơi bán uy tín, giá tốt và chất lượng.

Đến thời điểm hiện tại, Foodmap.asia đang làm việc với hơn 500 nhà sản xuất, hơn 2000 hộ nông dân ở 40 tỉnh thành trên toàn quốc. Trang Foodmap hiện có hơn 2000 sản phẩm, cung cấp cho hơn 20.000 khách hàng và 30 tấn nông sản bán ra mỗi ngày, bao gồm cả B2B và B2C.

Quả ngọt chỉ đến khi chúng ta dành công chăm sóc, dành tình yêu và công sức chăm bẵm

• Tháng 9.2019, FoodMap được tổ chức Ricebowl (Malaysia) bầu chọn là startup tốt nhất Việt Nam trong lĩnh vực agri-tech (nông nghiệp công nghệ).

• Năm 2019, Foodmap đã vượt qua gần 600 đội từ các quốc gia khác để giành giải Sáng kiến có tác động lớn nhất (Most Impactful Innovation) tại vòng chung kết Asia Innovates 2019 do viện hàn lâm Kỹ thuật hoàng gia Anh và quỹ Newton tổ chức.

• Năm 2020, Foodmap vinh dự giành giải quán quân tại Blue Venture Award – cuộc thi được tổ chức nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp xã hội – những nhà khởi nghiệp khao khát muốn thông qua kinh doanh góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực trên thế giới.

• Năm 2020, Foodmap vượt qua 300 ý tưởng và dự án, đã vô địch cuộc thi khởi nghiệp Startup Hunt 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp”.

• Cuối năm 2020, Foodmap nhận đầu tư 500.000 đô la Mỹ từ quỹ đầu tư nước ngoài Wakemaker.

• Năm 2021, Anh Phạm Ngọc Anh Tùng nhận bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi có mặt trong top 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2020 trong lĩnh vực Khởi nghiệp.

• Năm 2021, Foodmap đồng hành cùng nông sản Việt với sản phẩm Mật dừa nước Ông Sáu tới với nền tảng gọi vốn cộng đồng nổi tiếng Mỹ – Indiegogo.

• Đầu năm 2022, nền tảng Thương mại điện tử về nông sản Foodmap nhận đầu từ 2,9 triệu USD với sự tham gia của các nhà đầu tư dẫn dắt gồm Beenext và Vulpes, bên cạnh đó còn có Ascend Vietnam Ventures và Wavemaker.

• Cuối tháng 2 vừa rồi, Foodmap ký kết hợp tác cùng Sesofoods (Nhật Bản), mở ra cơ hội cho nông sản Việt xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *