Eileen Gǔ (Cốc), vận động viên (VĐV) trượt tuyết sinh ra ở Mỹ, hiện đang thi đấu cho Trung Quốc, đã dành phần lớn thời gian trong cuộc họp báo về huy chương vàng gần đây để né tránh các câu hỏi về quốc tịch của mình.
Cốc là người nổi bật nhất trong số các VĐV Olympic ở Bắc Kinh, bao gồm cả những VĐV trượt băng và khúc côn cầu, những người cũng lớn lên ở Mỹ nhưng đang thi đấu cho Trung Quốc. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho phép các VĐV song tịch thi đấu, nhưng yêu cầu họ phải có hộ chiếu của quốc gia mà họ đại diện tham dự Olympic. Trung Quốc không cho phép song tịch, ít nhất về mặt luật pháp trên sách vở. Tuy nhiên, quá trình từ bỏ quốc tịch Mỹ mang lại những ảnh hưởng lâu dài đáng kể cho những ai muốn duy trì kết nối với Mỹ theo bất cứ cách nào.
Quá trình từ bỏ thực tế khá nhanh – chỉ cần một tờ tuyên bố đơn giản để chấm dứt quốc tịch Mỹ, thanh toán lệ phí và giao nộp lại hộ chiếu – nhưng ảnh hưởng lại có thể kéo dài suốt đời.
1. QUÁ TRÌNH TỪ BỎ QUỐC TỊCH
Những người Mỹ chọn bỏ quốc tịch vì họ muốn thoát khỏi hệ thống thuế của Mỹ, một hệ thống nặng về kê khai một khoản thuế lớn, kể cả khi công dân Mỹ có sinh sống ở nước ngoài. Một nhóm nhỏ hơn của “hội những người tình cờ là dân Mẽo” – VD: con cái của các nhà ngoại giao Mỹ sinh ra ở nước ngoài – từ bỏ quốc tịch của mình vì cả đời họ chưa bao giờ sống ở Mỹ.
Để từ bỏ quốc tịch, một người Mỹ phải đến đại sứ quán (ĐSQ) ở nước ngoài (việc bỏ quốc tịch khi đang ở trên đất Mỹ là cực kỳ hiếm) rồi trực tiếp khai báo mục đích với nhân viên lãnh sự. Những người này sẽ phải trả lời một bộ câu hỏi, ký vào bản tuyên bố và trả $2350, cao nhất trên thế giới cho mục đích bỏ quốc tịch (note: Bộ Ngoại giao Mỹ tăng phí từ $450 lên $2350 năm 2015). Những rào cản này nhằm đảm bảo rằng cá nhân đó nghiêm túc về việc từ bỏ quốc tịch.
Sanford Posner, luật sư di trú của hãng luật FisherBroyles với gần 25 năm kinh nghiệm hành nghề cho biết: “Nhân viên lãnh sự thường sẽ khuyên không nên làm vậy vì những hệ quả sau này.” “Nếu bạn có gia đình ở Mỹ mà bạn muốn thăm, thì một khi từ bỏ hộ chiếu Mỹ, về cơ bản sẽ rất khó quay lại Mỹ.”
Việc tuyên bố từ bỏ quốc tịch bằng lời có thể được coi như một hành động chống đối hoặc thách thức mang tính biểu tượng đối với một số người, nhưng trong mắt chính phủ Mỹ, việc làm này không mang trọng lượng pháp lý nào cả.
“Cho đến khi bạn thực sự từ bỏ quốc tịch trên giấy tờ và giao nộp hộ chiếu cho nhân viên lãnh sự,” Posner nói, “thì đó chỉ tính là một lời tuyên bố vui mồm mà thôi.”
Một yếu tố quan trọng của việc từ bỏ quốc tịch: phải đảm bảo rằng cá nhân đó đã có quốc tịch ở một quốc gia khác. Nếu không, người đó có nguy cơ bị coi là “vô quốc tịch”, và có thể gặp khó khăn trong hầu hết các khía cạnh của đời sống: đi làm, đi học, nhận trợ cấp y tế, sở hữu/thuê tài sản, hoặc thậm chí cả kết hôn. Các cá nhân vô quốc tịch không được bất kỳ quốc gia nào bảo trợ và có nguy cơ bị đuổi khỏi Mỹ hoàn toàn và vĩnh viễn (note: tự nhiên nhớ tới phim The Terminal có Tom Hanks).
Cơ quan Đăng ký Liên bang (Federal Register) đăng tải hàng quý một danh sách về những cá nhân đã từ bỏ quốc tịch. Về lý thuyết thì danh sách này phải đầy đủ, nhưng một số cựu công dân cho biết họ đã phải chờ hàng tháng hoặc hàng năm trời mới thấy tên mình trong danh sách.
Cho tới nay, tên của Eileen Cốc chưa xuất hiện trong bất kỳ danh sách hàng quý nào.
2. TÁC ĐỘNG TÀI CHÍNH CỦA VIỆC BỎ QUỐC TỊCH
Các tác động tài chính của việc bỏ quốc tịch rất lớn, đặc biệt là đối với những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao. Mỹ không muốn mất đi những công dân có thể nộp thuế thu nhập liên tục, nên các rào cản được lập nên để khiến việc bỏ quốc tịch trở thành một việc tốn kém trong nhiều năm trời.
Marc Schwartz, luật sư, kế toán viên và là nhà sáng lập Schwartz International – một công ty tư vấn thuế quốc tế cho biết: “Từ bỏ hộ chiếu là một giao dịch phải chịu thuế. “Nếu bạn từ bỏ hộ chiếu và giá trị tài sản ròng của bạn dưới 2 triệu đô, thì đó thường không thành vấn đề, nhưng nếu hơn 2 triệu đô, thì bạn phải tẩu tán tất cả mọi thứ bạn sở hữu trên thế giới”.
Nói cách khác: Bạn cộng tất cả tài sản của mình lại, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp thế giới, đánh giá cơ sở tính thuế và giá thị trường hợp lý, cộng với bất kỳ thu nhập nào khác, nếu trên khoảng $740,000, thì trả thuế. Đối với một VĐV khúc côn cầu ở giải hạng nhỏ, điều này có thể không phải là vấn đề; đối với một người có nhiều hợp đồng quảng cáo trên toàn thế giới như Cốc, chi phí tài chính liên quan đến việc giao nộp hộ chiếu Mỹ sẽ rất đáng kể (note: Cốc đang đại diện cho khoảng 30 nhãn hiệu Trung Quốc và quốc tế, “cá kiếm” được khoảng $31.4 triệu trong năm 2021 – nguồn The Wall Street Journal).
Ngay cả khi đã từ bỏ hộ chiếu cũng không chấm dứt được sự tham gia của chính phủ Mỹ vào hoạt động kinh doanh của cựu công dân. “Những gì bạn cần làm [khi từ bỏ hộ chiếu] là khai thuế năm cuối cùng và Sở Thuế vụ Liên bang (IRS) có ba năm để kiểm tra, lâu hơn nữa nếu có nghi ngờ gian lận,” Schwartz cho hay. “Bạn chưa bao giờ thực sự ra khỏi tầm ngắm của Mỹ.”
3. NHỮNG Ý NGHĨA VỀ LÂU DÀI
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói với Yahoo Sports rằng: “Một người muốn từ bỏ quốc tịch Mỹ phải từ bỏ tất cả các quyền và đặc quyền liên quan đến quyền công dân.”
Những đặc quyền đó không chỉ bao gồm quyền bầu cử, mà còn có cả việc tìm đến sự hỗ trợ của ĐSQ Mỹ khi sống ở đất nước mới. Đáng chú ý nhất, từ bỏ quốc tịch nghĩa là từ bỏ quyền tự do ra vào Mỹ mà không cần visa […]. Kể cả có visa thì phải đi kèm với các yêu cầu và hạn chế – VD: visa du lịch B1/B2 không được phép làm việc tại Mỹ.
Nếu như cựu công dân muốn quay xe thì sao? Đó là một quá trình rất dài để Ctrl+Z việc từ bỏ quốc tịch và chưa chắc đã thành công.
Posner nói: “Về cơ bản, bạn phải bắt đầu lại từ con số 0.” “Có hai cách để trở thành công dân: hoặc thông qua một thành viên trong gia đình – vợ/chồng, cha mẹ, người thân trực tiếp (con cái) – hoặc thông qua người tuyển dụng việc làm. Bạn phải trải qua nhiều loại visa không nhập cư và nhập cư trước khi trở thành công dân.” Những quy trình như vậy thường mất nhiều năm trời kể cả trong các tình huống tốt nhất.
4. LIỆU TRUNG QUỐC CÓ ĐANG CHƠI THEO LUẬT RIÊNG?
Nếu như Eileen Cốc và các VĐV Mỹ khác thi đấu cho Trung Quốc thực sự đã từ bỏ quốc tịch, thì họ có thể được hưởng những lợi ích của việc đại diện cho một quốc gia mới. Nhưng mối quan hệ pháp lý, tài chính và logistic của họ với quốc gia nơi họ sinh ra sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Nhắc lại rằng IOC không có vấn đề gì với các VĐV song tịch. Lý do mà vấn đề này trở nên nóng sốt là vì Trung Quốc không cho phép điều đó. Câu hỏi được đặt ra là, liệu Trung Quốc có đang thi hành biện pháp cấm đoán nào không.
Jeremy Smith (ảnh cuối) là một VĐV khúc côn cầu đến từ Dearborn, Michigan, nhưng đang thi đấu cho Trung Quốc. Anh nói với ESPN rằng một trong những điều kiện để chơi cho Trung Quốc là anh sẽ không từ bỏ quốc tịch Mỹ.
“Họ như kiểu, ‘Đừng lo. Chúng tôi sẽ không bắt buộc anh đâu. Đây không phải là vấn đề chính. Điều quan trọng là việc giúp anh đủ điều kiện tham dự Olympic’”, anh cho hay.
Smith cũng nói với Yahoo Sports, “Khi tôi ở Trung Quốc thì tôi là một người Trung Quốc. Tôi được người Trung Quốc ủng hộ, và tôi thực sự rất biết ơn vì điều đó. Và khi tôi đến Mỹ, thì tôi là người Mỹ.”
Nếu bạn có đang theo dõi câu chuyện của Eileen Cốc, thì văn này hẳn rất quen thuộc.
“Tôi là người Mỹ khi tôi ở Mỹ,” Cốc đã nói rất nhiều lần khi được hỏi về quốc tịch của mình, “và là người Trung Quốc khi tôi ở Trung Quốc.”
Nguồn dịch: Busbee, Jay. (2022, February 12). Eileen Gu and the repercussions of renouncing U.S. citizenship. Yahoo Sports.