Đưa ra phương án rút BHXH 1 lần với 2 nhóm đối tượng
Mới đây Thường trực Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ LĐTBXH về việc tính toán các phương án hạn chế rút BHXH một lần. Theo đó, Thường trực Chính phủ nhấn mạnh vấn đề BHXH một lần khá phức tạp, có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế xã hội nên có thể đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến Quốc hội nhưng cần thể hiện quan điểm, căn cứ để lựa chọn phương án cụ thể và nghiên cứu bổ sung các biện pháp thiết thực hỗ trợ khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng quyền lợi hưu trí thay vì nhận BHXH một lần.
Tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, trên cơ sở 3 phương án đã báo cáo Thường trực Chính phủ, Bộ LĐTBXH tổng hợp, xây dựng thành 2 phương án để báo cáo xin ý kiến Chính phủ.
Phương án một, việc rút BHXH một lần sẽ giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau.
Nhóm đóng BHXH trước khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (trước 1/1/2025) sau 12 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia thì được rút một lần. Quy định này kế thừa Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội để lao động được chọn bảo lưu thời gian đóng hoặc rút nếu có nhu cầu. Người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng hưu hoặc nhận BHXH 1 lần nếu có nhu cầu. Nếu chọn bảo lưu, lao động sẽ hưởng thêm các quyền lợi. Nhưng sự khác biệt lần này là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng thêm 5 quyền lợi (Đóng đủ BHXH 15 năm là được nhận lương hưu; Hưởng trợ cấp hàng tháng; được hưởng BHYT; được hỗ trợ, vay vốn tín dụng làm kinh tế… nếu chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hoặc lương hưu).
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trình Chính phủ hôm 11/7, dự kiến trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Nhóm tham gia sau ngày Luật sửa đổi có hiệu lực không được rút BHXH một lần, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Bộ LĐTBXH đánh giá phương án này mang tính bền vững cho lưới an sinh, không ảnh hưởng tới 17,5 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ ít gặp phản ứng. Những năm đầu có thể không giảm được lượng người rút BHXH một lần, nhưng từ năm 2030 trở đi có thể giảm một nửa.
Phương án hai, lao động tham gia BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH bắt buộc, không đóng BHXH tự nguyện nếu có yêu cầu thì được rút một lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia hệ thống an sinh và hưởng chế độ.
Bộ LĐTBXH tính toán phương án này hài hòa quyền lợi người tham gia với chính sách an sinh lâu dài, tránh gây phản ứng không tốt. Lượt người hưởng có thể không giảm nhiều nhưng vẫn giữ chân được lao động ở lại lưới an sinh. Nếu sau này họ tiếp tục đóng BHXH thì được cộng nối thời gian đóng để hưởng quyền lợi.
Song cơ quan này lo ngại dễ tạo ra tình trạng lao động ồ ạt rút một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành.
Chuyên gia ủng hộ phương án “đóng” rút BHXH 1 lần của Bộ LĐTBXH
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng đề xuất 2 phương án rút BHXH 1 lần của Bộ LĐTBXH là hợp lý. Đồng quan điểm với ông và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.
Ông Huân chia sẻ: “Đóng BHXH là nhằm giải quyết câu chuyện an sinh cả đời. Các nước trên thế giới cũng không ai cho rút BHXH 1 lần cả. Việc hạn chế rút BHXH 1 lần là nghĩ cho người lao động. Nếu rút hết BHXH 1 lần thì 15-20 năm sau lúc về già, không lao động được nữa lao động không còn điểm nương tựa”.
Ông Huân dẫn lại câu chuyện đau lòng sau khi chúng ta thực hiện Quyết định 176, hàng nghìn lao động về một lần và lúc tuổi già ập tới cuộc sống rất khó khăn, không có lương hưu, nhiều người còn không có nơi nương tựa. Nhiều người kêu khổ, chất vấn ngược. Đây quả là việc rất đau lòng nhưng không thể hồi tố, xử lý được.
Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt.
Gần 91% lao động rút BHXH một lần làm việc trong doanh nghiệp; 8% làm ở khu vực nhà nước và hơn 1% tham gia BHXH tự nguyện.
Bản thân ông Huân cho rằng, việc rút BHXH 1 lần có tính chất vùng miền, chủ yếu rơi vào một bộ phận lớn là công nhân, lao động phổ thông, lao động trực tiếp ở khu vực phía Nam. Miền Bắc ít hơn. Vì vậy, ngoài những chính sách vĩ mô về luật ra nếu có những chính sách, giải pháp tạo công ăn việc làm bền vững cho nhóm này thì chúng ta cũng có thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
“Tôi cho rằng chúng ta phải từng bước quay lại thực hiện Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 (không cho rút BHXH 1 lần). Trước hay sau cũng phải làm, làm sớm thì tốt hơn. Càng để lâu càng khó sửa, càng khó tác động”, ông Huân nêu quan điểm.
Ông Huân cũng cho rằng tất nhiên, khi hạn chế, hoặc dừng cho rút BHXH 1 lần sẽ có 1 bộ phận sẽ phản ứng, nhưng Chính phủ phải đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động hiểu đồng thuận. Không phải cứ thấy khó là từ bỏ.
“Chỉ trong 6 năm đã có gần 5 triệu người rời khỏi hệ thống, số người vào mới thậm chí còn không bằng số người rút đi. Mạng lưới an sinh ngày càng mỏng đi, mục tiêu hướng tới nền an sinh bao trùm, toàn diện ngày càng giảm đi. Trong khi đó, già hóa dân số ngày càng tăng nhanh sẽ càng gây áp lực lớn hơn cho công tác đảm bảo mạng lưới an sinh của quốc gia về lâu dài”, ông Huân phân tích thêm.