Bạn biết không, truyền thông đôi khi còn hiểu rõ bạn hơn cả chính bạn.
Không có nghĩa rằng truyền thông biết cụ thể hôm nay bạn hắt xì mấy cái, nhảy mũi mấy lần, có đang bần thần hay không.
Nhưng, truyền thông biết bạn thuộc nhóm nào, và luôn có một cách để dắt bạn theo hướng riêng của họ.
Nghe nguy hiểm nhỉ?
NGƯỜI LÀM TRUYỀN THÔNG BIẾT BẠN SẼ PHẢN ỨNG THẾ NÀO?
Bạn có biết rằng, người làm truyền thông được học về insight khách hàng (sự thật ngầm hiểu) rất kỹ. Họ có cách hiểu bạn không cần bạn phải nói thẳng ra. Bằng một cách nào đó, bạn vô tình tiết lộ cho họ biết về insight của bạn. Và họ sẽ xếp bạn vào nhóm nào.
Không đến mức như nhà tâm lý học, nhưng họ có chuyên môn để hiểu về con người hơn bạn nghĩ.
Lấy ví dụ gần, bản thân mình đang làm Admin cho một số Fanpage vừa và nhỏ, và mình hoàn toàn biết CHẮC CHẮN phản ứng của mọi người trước khi mình nhấn “Click” để đăng một bài viết.
Và mình còn biết rõ hơn chuyện, nếu mình đăng một bài gây tranh cãi (về một sự kiện xã hội hay quan điểm cá nhân của bản thân) thì lượng tương tác sẽ cao hơn rất nhiều.
Đôi khi việc tương tác cao làm mình bị xao động một chút, nhưng thường thì mình chọn không đem những bài viết quá nhiều tiêu cực lên mạng xã hội.
Bạn thấy đó, mình có một loại “quyền lực” sẽ làm thay đổi cảm xúc của một người trong một tích tắc, một vài phút, nhưng thậm chí có thể một ngày, một tuần (đối với những người nhạy cảm).
Trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề nhé, “Truyền thông đang dắt bạn đi đến nơi họ muốn, và dành cho bạn, nhóm những người tương tự như bạn”
NGƯỜI LÀM TRUYỀN THÔNG BIẾT LÁCH “THẬT – GIẢ”
Bạn có tin rằng, luôn có một cái “ngách” giữa sự thật – và gần như sự thật không? Người làm truyền thông biết những cái “ngách” đó và lách không khó. Để khi đăng một bài viết, thật ra nó không phải là KHÔNG THẬT mà là GẦN NHƯ SỰ THẬT.
Tức là, nọ sẽ “cắt mảnh” sự thật, để bạn nhìn thấy nó, và bạn bắt đầu chuỗi phản ứng tâm lý cơ bản. Tức giận, phẫn nộ, vui vẻ, phấn khích trước cả khi kịp nhìn thấy toàn bộ sự thật.
Mình cảm thấy, rõ ràng trên Mạng xã hội, con người dễ bộc lộ sự tức giận, nóng nảy của bản thân mình hơn. Có thể là vì ở ngoài, điều đó không dễ dàng được thể hiện, vì nhiều yếu tố.
Mạng xã hội, và môi trường để con người “bộc lộ” nhiều thứ hơn.
Và sự phẫn nộ, tức giận của bạn là “lợi ích” mà bên thứ 2 hoặc thứ 3 gặt hái được. Một drama nổ ra, nếu người tham gia bị tổn hại thì một-nhóm-truyền-thông vẫn có lợi, nếu người tham gia được lợi, thì một-nhóm-truyền-thông cũng được lợi nốt.
Mình nghĩ, chỉ có bạn là lỗ thôi
BẠN ĐANG ĐI ĐÂU TRONG KHU VƯỜN TIN TỨC?
Theo bài báo cáo Global Digital Report 2019 bởi We are Social và Hootsuite, trung bình mỗi người Việt Nam dành 6 tiếng 42 phút để truy cập Internet thông qua tất cả các thiết bị điện tử. Philippines dành 10 tiếng 02 phút (cao nhất trên thế giới) còn người Nhật sử dụng 3 tiếng 45 phút.
6 tiếng 42 phút mỗi ngày, bạn đang tiếp nhận số lượng thông tin khổng lồ, và dành 1/4 của ngày để “dạo chơi” trong khu vườn tin tức.
¼ của ngày tức là ¼ của cuộc đời, vậy ¼ cuộc đời bạn, đang “lang thang” ở nơi nào thế?
ĐỪNG ĐỂ MÌNH LẠC LỐI!
Bạn đang thật sự cần “Media Literacy”!
“Media Literacy” là gì?
“Media Literacy (tạm gọi là “Thông hiểu truyền thông).
“Literacy” trong từ điển Cambrige là “ Khả năng đọc hiểu”, nhưng “ đọc hiểu” là chưa đủ, với “Media” bạn cần khả năng truy cập, phân tích, đánh giá mọi hình ảnh, ngôn từ, âm thanh…mà bạn được tiếp nhận từ truyền thông.
Trong thời đại công nghệ 4.0, mình nghĩ Media literacy nên đưa vào giáo dục như một trong những môn kỹ năng mềm cần thiết. Kỹ năng đó giúp bạn đọc – hiểu, phân tích – đánh giá đúng đắn và có cách phản ứng và chắt lọc thông tin giá trị.
TRUYỀN THÔNG CHƯA BAO GIỜ LÀ XẤU.
Những giá trị truyền thông mang lại, vì không chỉ một hai câu mà nói đủ được. Giá trị truyền đạt, tốc độ thông tin, việc truyền cảm hứng, nguồn tin bổ ích, khích lệ cái tôi của truyền thông là điều giá trị nhất từ khi “Người khổng lồ công nghệ” xuất hiện. Con người mạnh dạn hơn trong việc thể hiện quan điểm, kết nối dễ dàng.
Vì thế, đừng ghét truyền thông nếu bạn phải tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực.
Việc bạn “vô tình” gặp phải thông tin tiêu cực, không có nghĩa là bạn phải “tiếp nhận” và để nó dắt đi đâu đó trong chuỗi cảm xúc tồi tệ cho chúng ta – nhưng có lợi cho “họ”.
Bạn có quyển “lướt qua” hay “ẩn đi” những gì bạn không cần thấy, hoặc nếu có trái tim mạnh mẽ, bạn có thể dừng lại đọc, để biết và hiểu cách truyền thông đang chơi một cuộc chơi thông minh.
Tin mình đi, “AI – trí tuệ nhân tạo” của các kênh thông tin sẽ “đọc hiểu” bạn theo cách bạn phản ứng. Tiktok đã kịp nhận ra mình chỉ toàn xem – dừng lại lâu ở các video du lịch, âm nhạc, học tiếng Anh và New feed Tiktok của mình tuyệt nhiên không có nhiều “Content bẩn” như mọi người đang phàn nàn gần đây.
“GÚT LẠI’
Bạn không thể tránh né tin tức, không thể từ bỏ thông tin hàng ngày. Phản ứng cứng rắn đó đôi khi ngăn bạn đến với nhiều thông tin, nội dung & kiến thức bổ ích, những điều đáng ra bạn cần biết để được dắt đến những khu vườn đẹp hơn.
Thế nên, khi “Media literacy” chưa là một môn học được dạy – học tại trường lớp, bạn hãy tự học cách để bảo vệ khối óc và trái tim của mình.
Với bài viết này, có thể bạn sẽ nghi ngờ “Người viết này cũng đang dắt mình đi đâu đây?”. Đúng rồi, bạn hãy nghi ngờ bài viết của mình sau khi đọc, và bắt đầu phân tích, đánh giá. Hãy học cách “Media literacy” ngay cả sau một nguồn tin “Có vẻ tích cực”, bạn nha.
Nguồn: Leecrazygogo
Ad ơi :”) Bài này của mình, ad thêm nguồn người viết Leecrazygogo giúp mình nhé. Thank you.