Truyện: Sinh Nghề Tử Nghiệp – P7

CHƯƠNG 7:

Đang ngồi suy nghĩ lung tung, lão Tùng bất chợt cúi đầu, thu hồi ánh mắt không nhìn xác chết của thằng Triều nữa mà tự nhìn bản thân mình, sắc mặt tái nhợt. Lão ta thở dài chán chường, có những cái ý nghĩ, một khi đã không quan tâm đến thì thôi nhưng một khi đã để ý tới, vậy thì nó sẽ như một cái mầm phát triển không ngừng. Lão Tùng muốn xua tan hết những cái hoảng sợ trong lòng, thế nhưng nỗi sợ ấy lại như có tri giác ngày càng lớn hơn.

Cơn mưa lớn lúc chiều giờ cũng đã nhỏ lại, thỉnh thoảng chỉ còn rơi vài giọt xuống dòng sông. Cái bầu không khí ngột ngạt lại bao trùm khắp nơi, mặc cho con thuyền cứ chậm rãi trôi dọc theo dòng nước trở về làng Bãi. Ngồi trên thuyền hút thuốc, lão Tùng đảo mắt nhìn phong cảnh của toàn sông Hạ. Trong lòng lão lại tự hỏi, không biết từ lúc nào mà cái nghề lão luôn tự hào mỗi khi nói đến, giờ đã biết thành nỗi sợ hãi mỗi khi nghĩ đến. Có lẽ là khi lão thay đổi, không dùng cái tâm để làm nghề, để giờ đây nó biến thành cái nghiệp.

Tàn thuốc rơi xuống sàn, tâm trạng nặng nề như bị một tảng đá đè lên, làm lão không chú ý hay quan tâm đến những người trên thuyền. Cho đến tận khi lão Trần đến bên cạnh lão hút thuốc, thì lão mới phát giác ra điều không đúng cho lắm. Cái gương mặt bình thản bao năm của lão ấy giờ lại bị bộ dạng đau xót thay thế. Lão Tùng thấy vậy cũng tò mò, tưởng có chuyện gì quan trọng nên liền mở miệng hỏi:

— Đứa nào bị thương à? Sao mặt của ông nom nghiêm trọng thế!

Ngoài chuyện đó ra, lão ta thật không nghĩ ra có việc gì có thể làm lão Trần bày ra bộ dạng như vậy.

Lão Trần lắc đầu thở dài, gương mặt lộ ra vẻ thương xót. Lão nói:

— Trên thuyền không có ai bị thương cả, chỉ là chuyện của thằng Triều thôi! Nó…

Nhưng mà, chưa chờ lão Trần nói tiếp, thì lão Tùng đã như có tật giật mình gắt lên:

— Xác của nó lại làm sao? Ông vớt lên rồi, giờ đưa về cho mụ Tám là xong chuyện, quan tâm nhiều thế làm cái gì!

Nhưng khác với tính cách nóng nảy của lão Tùng, lúc này lão Trần chỉ gục đầu. Lão ấy đưa điếu thuốc vào miệng hút một hơi thật sâu, rồi thở ra làn khói. Chẳng mấy chốc, lão Trần liền cười một cách chua xót.

— Thằng Triều ấy à! Tôi là người nhìn nó lớn lên từ cái hồi còn cởi truồng nhảy sông kia. Khi nãy, lúc xác của nó được vớt lên thì tôi phát hiện cặp mắt của nó trợn dọc lên. Thấy vậy nên tôi mới đến để vuốt, nhưng mà vuốt mãi mắt của nó vẫn trợn lớn như vậy.

Thật ra, chuyện xác chết không nhắm mắt cũng không phải là lần đầu tiên gặp phải. Làm cái nghề này mấy chục năm, loại thi thể nào họ còn chưa gặp qua cơ chứ! Nhưng mà, thằng Triều từ nhỏ tới lớn đã hiền lành, ai gặp cũng phải thích, thuyền nó theo bị bão đánh gặp nạn, theo lý thì nó phải nhắm mắt chứ. Thế mà lúc này, dù lão Trần có vuốt như thế nào thì đôi mắt đó vẫn trừng lớn lên. Như thể ẩn ức một điều gì đó…

Nghe lão Trần nó rõ từng lời, nổi sợ hãi và tuyệt vọng không ngừng vây quanh lấy đầu óc lão Tùng. Chẳng mấy chốc mà gương mặt của lão ta lại thêm trắng nhợt. Bàn tay run lên một chút, lão Tùng nhíu mày, sau đó cố gắng giấu bàn tay lui lưng để không bị ai phát hiện.

Có lẽ biểu cảm của lão ấy thay đổi quá nhanh khiến người khác chú ý. Lão Trần bất chợt hỏi thăm:

— Lão Tùng, ông bị sao đấy? Lạnh hay sao mà sắc mặt nhợt nhạt thế?

Nhưng đáp lại lời của lão Trần chỉ là cái lắc đầu của lão Tùng. Lão Tùng ngẩng đầu nhìn bầu trời u ám, khẽ nói:

— Tôi nghĩ là thằng Triều nó còn lưu luyến mụ Tám đấy! Khổ, nhà chỉ có hai mẹ con. Hương hỏa điều nhờ vào nó, thế mà giờ xui rủi lại gặp chuyện này. Chắc là nó còn luyến tiếc mẹ của mình…

Lão Tùng nghiêm túc nói ra từng chữ khiến người khác nghe cũng thấy hợp lí. Tuy rằng lúc này đây, lão đã ngờ ngợ cái lí do nó không chịu nhắm mắt, nhưng lão cũng thật mong là nó không chịu rời đi vì lưu luyến nhân gian, chứ không phải vì oán hận hai thầy trò của nó mà ở lại nơi này.

Rất nhanh thuyền đã đến bờ, lão Tùng đỡ thằng Lập đã tỉnh xuống đất. Cả buổi hai thầy trò đều không nói gì, tựa như đã biết hết thảy mọi chuyện. Thằng Lập lúc này mặt nhợt nhạt lắm, nó gượng gạo đi theo lão Tùng. Chuyện xảy ra ở khúc sông kia nó vẫn nhớ như in, nó vẫn nhớ cái bàn tay đã nắm lấy mình.

Lão Tùng biết được học trò của mình đang sợ hãi. Lão ta vỗ lưng thằng Lập, rồi an ủi:

— Chuyện xui rủi thôi! Đợi xác của thằng Triều được chôn xuống đất, thì chúng ta sẽ không sao nữa.

Thằng Lập nghe thầy nó thế liền mừng rỡ, nó vỗ vào ngực thở phào nhẹ nhõm, miệng không ngừng lẩm bẩm:

— Cầu mong ông bà phù hộ. Cầu mong ông bà phù hộ con…

Lão Tùng thấy vậy thì chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Lão đưa mắt nhìn sang chỗ thuyền của lão Trần, ở nơi đó, bóng dáng mụ Tám vật vả bên cái xác thằng Triều, tiếng khóc lóc than trời trách đất, mụ ấy ôm lấy xác của thằng Triều mà khóc không ngừng. Nhìn thấy cảnh tượng này, lão Tùng lại không nảy sinh lòng thương xót, mà lúc bấy giờ trong đầu chỉ có một suy nghĩ, đó chính là mong thằng Triều nhắm mắt, và không thù hận gì bản thân mình.

Nhưng cái điều mà lão Tùng mong muốn ấy lại không xảy ra, sau khi mụ Tám nhận xác thằng Triều về nhà để làm đám tang. Thì vẫn không thể làm cho mắt nó nhắm được, cho dù mụ ấy có khóc lóc hay van xin như thế nào thì cặp mắt kia vẫn trợn lớn như lúc ban đầu. Tuy rằng thời tiết ở làng Bãi đã bắt đầu trở lạnh, thế nhưng cái xác của thằng Triều đã bắt đầu bốc mùi hôi và thối rửa. Sau nhiều lần thử, cuối cùng mụ Tám chỉ còn cách nuốt nước mắt đem xác nó đi chôn. Mụ ấy hứa, chỉ cần làm xong đám tang, mụ nhất định sẽ mời thầy pháp đến làm phép để tìm xem nguyên nhân khiến con trai không thể nhắm mắt xuôi tay.

Ngày diễn ra đám tang, ngôi làng Bãi đổ mưa lớn, thậm chí còn có sấm chớp đến lạ thường. Hai thầy trò nhà lão Tùng cũng đến để thắp nén nhang, chỉ mong sao nó sẽ tha thứ cho bọn họ.

Dọc đường đi, cả hai thầy trò chỉ biết im lặng. Bây giờ bọn họ cũng đã chắc chắn được cái lí do mà thằng Triều không chịu nhắm mắt, có lẽ là nó oán hai người vì đã không đem xác nó về nhà mình sớm hơn. Lão Tùng mặc một bộ đồ màu nâu sẫm, gương mặt chỉ qua vài ba ngày mà như đã già thêm vài tuổi. Mấy đêm nay, đêm nào lão cũng trằn trọc không ngủ được, lão thật sự bỗng nhiên hồn của thằng Triều xuất hiện ở đầu giường của mình. Hôm nay lão đến thắp hương, cốt cũng chỉ là muốn nó tha lỗi cho bản thân của mình.

Đến nơi, căn nhà nghèo của mụ Tám càng thêm xơ xác tiêu điều vì những tấm vải tang màu trắng. Lão Tùng những tưởng, với cái cuộc sống nghèo nàn đó, nhà mụ Tám sẽ tổ chức đám tang rất nhỏ, nhưng không ngờ được cái đám của thằng Triều lại lớn như vậy.

Bước chân vào nhà, thứ lão Tùng trông thấy đầu tiên là một cái quan tài lớn, theo kinh nghiệm của lâu năm của lão thì chiếc quan tài đó được làm từ gỗ tốt. Lão Tùng cũng ngạc nhiên lắm, nhưng trên mặt không biểu hiện cái gì.

Lúc bấy giờ, lão nhìn thấy mụ Tám đang ngồi đốt vàng mã ở bên giữa nhà. Gương mặt mụ ấy hốc hác lên, cặp mắt sưng đỏ vì đã khóc quá nhiều. Thấy lão Tùng, mụ ấy liền gắng gượng đứng dậy, rồi bày lòng biết ơn.

— Cảm ơn ông, cảm ơn ông đã cứu thằng con số khổ của tôi! Nếu như ông và thằng Lập không phát hiện ra chỗ xác nó bị trôi, vậy thì giờ nó vẫn còn nằm ở dưới dòng nước lạnh lẽo rồi…

Nói đoạn, nước mắt mụ Tám tuông rơi lã chã. Nỗi lòng mất con của một người mẹ thì còn có niềm đau nào sánh nỗi. Nhìn bóng lưng gầy khọm của mụ Tám, trong lòng lão Tùng áy náy không thôi. Lão Tùng vội vàng xua tay, lúc này lão như nhớ sựt điều gì đấy, lão nhanh chóng lôi tiền ở trong túi ra đưa cho mụ Tám. Rồi nói:

— Bà cầm lấy chút ít tiền mà phụ thêm vào. Tôi biết điều kiện của gia đình mình, làm cái đám lớn như vậy thì sau này bà…

— Ông Tùng, tôi không dám nhận tiền của ông đâu. Dù có phải bán đất bán thì tôi vẫn phải làm cho nó một cái đám tang đàng hoàng!

Chưa chờ lão kịp nói xong, mụ Tám đã thằng thừng từ chối. Mụ dúi tiền vào lại tay của lão, rồi lau nước măt, mụ ấy nhìn quan tài lộ ra vẻ hiền hòa:

— Thằng Triều nhà tôi ấy, hồi còn bé nó đã rất ghét ai chê nhà tôi nghèo. Còn nhớ có lần tôi bị ốm, không có tiền mua thuốc, phải nằm liệt giường mấy tháng trời. Lúc đó tôi đã chạy vạy khắp nơi, nhưng mà không mượn được ai. Khi đó thằng Triều còn bé, nó chỉ biết nghèo là khổ…

Nói đến đoạn, mụ Tám thở một hơi nặng nhọc, rồi tiếp tục lời nói lúc nãy:

— Sau này lớn lên, nó quần quật làm việc ngày đêm, cũng chỉ để thoát khỏi cái cảnh này. Lúc còn sống, nó hận và ghét nhất là bị người khác chê bai mình nghèo, thế nên giờ nó đã ra đi, tôi cũng không thể để nó chịu cái cảnh quan tài rẻ tiền, đám tang vắng vẻ được…

Những lời nói tiếp theo của mụ Tám, tựa như đều không lọt được vào tai của lão Tùng. Lúc này, trong đầu lão ta chỉ vang vảng một câu nói “lúc còn sống, nó ghét nhất là bị chê nghèo”. Từng lời, từng chữ đó nhưng đánh mạnh vào trí óc của lão. Lúc này, lão Tùng đột nhiên nhớ lại lời nói của mình vào cái ngày thả xác nó mà đi vớt xác của ông Lý. “Nhà của nó nghèo thế”, khi ấy cái giọng của lão lộ ra đúng sự khinh thường, khi còn sống bị chê nghèo mà nó đã căm thù như vậy, đến khi chết đi lại bởi vì cái nghèo mà xác bị thả trôi khắp dòng sông, bảo nó làm sao không hận cho được.

Lão Tùng càng nghĩ càng thêm hốt hoảng, lão ta đã tạo nên cái nghiệp gì thế này chứ?

Có lẽ là nhìn thấy gương mặt của lão Tùng khác lạ, mụ Tám không nói tiếp nữa mà quan tâm hỏi:

— Ông Tùng, ông có làm sao không?

Nhưng lão Tùng lúc này đã mất đi vẻ bình thản ngày thường, đôi mắt lộ ra sự hối hận không thôi. Lão nắm lấy bà tay gầy gò của mụ Tám, mở miệng lung tung:

— Bà Tám, cho tôi xin lỗi… Tôi thành thật xin lỗi bà…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *