Truyện: Sinh Nghề Tử Nghiệp – P. Cuối

CHƯƠNG CUỐI:

Đấy là một buổi sáng trời u ám và có giông chớp lạ thường. Vào những ngày này năm ngoái, thời tiết vẫn còn nóng nực thế mà nay lại mưa gió liên miên. Cái bầu không khí não nề khiến bao nhiêu người không ra sông đánh cá được phải thở dài một cách chán chường. Cứ nghĩ rằng, một ngày bình yên sẽ tiếp tục trôi qua như vậy, thế nhưng ai mà ngờ được tin tức thằng Lập chết đuối lại truyền đến khiến cho làng Bãi yên tĩnh bỗng trở nên ồn ào. Lúc lão Tùng nghe được tin này, trên tay vẫn còn bát cháo nóng hổi, thế nhưng trong lòng lại lạnh lẽo một cách khác thường. Nói chuyện thằng Lập bị chết đuối, lão nhất định không tin, bởi vì cái tài bơi lội của nó rất giỏi, dù có bão nó vẫn đủ sức chống chọi. Thế mà giờ lại xảy ra chuyện, nói không liên quan đến thằng Triều, lão nhất định không tin. Nhớ đến chuyên ngày hôm qua trên con sông kia, gương mặt của lão Tùng bỗng trở nên trắng bệch. Đây là, đây là thằng Triều quay lại báo thù bọn họ rồi.

Bà Tâm ngồi chung mâm cơm, thấy chồng của mình trở nên thất thần thì chỉ biết im lặng. Một tháng nay, bởi vì bất động mà hai vợ chồng rất ít khi tâm sự với nhau. Chuyện của thằng Triều, hình như lão ấy có điều gì đó giấu bà, thế nhưng dù bà có gặn hỏi ra sao thì lão vẫn im lặng. Giờ nhìn bộ dạng của lão ấy khi biết tin của thằng Lập, bà liền chắc chắn đã có chuyện gì xảy ra rồi. Bà Tâm càng nghĩ càng bồn chồn, cuối cùng cũng nhịn không được mà lên tiếng hỏi.

— Lão Tùng, ông nói thật cho tôi nghe đi! Thật sự là không có việc gì xảy ra đấy chứ? Tôi và thằng Tí chỉ có mỗi ông là chỗ dựa, nếu ông cứ ôm khư khư cái bí mật của mình, lỡ như xảy ra chuyện gì thì hai mẹ của con tôi phải biết làm sao đây?

Bà Tâm thật ra lo lắm, nhưng là lo cho chồng của mình. Sống với nhau hơn hai mươi năm, nếu lão ấy xảy ra cái gì thì sao bà chịu nổi được đây.

Nghe lời bà Tâm quan tâm, lúc bấy giờ lão Tùng mới tỉnh táo hơn được một chút. Lão chỉ lắc đầu cười khổ:

— Sai lầm, chỉ là một sai lầm nhỏ của tôi thôi! Nhưng mà bà đừng lo, không có việc gì to tát đâu. Tôi phải sống thật lâu với bà, và còn phải xem thằng Tí lấy vợ nữa. Tôi tự biết giữ an toàn cho mình mà.

Nói đoạn, lão Tùng buông chén cháo xuống mâm. Rồi nhìn bà Tâm bằng ánh mắt khó hiểu, lão nói:

— Đợi tôi đi vài chuyến nữa. Sau đó hai vợ chồng mình mang theo thằng Tí lên thành phố sống đi.

Bà Tâm giật mình, không hiểu ý tứ của lão Tùng. Vì sao đang yên đang lành lại muốn lên thành phố để sống, hơn nữa ở cái mảnh đất này còn là chỗ bà con họ hàng sinh sống. Ở đây, có đau có ốm thì còn có người giúp đỡ. Chứ lên trên đó, lạ nước lạ cái ai giúp họ lúc khó khăn đây.

Bà Tâm càng nghĩ càng thấy khó hiểu, bà ấy vội vàng hỏi lão Tùng:

— Sao lại lên trên đấy? Tôi thấy ở nơi này cũng tốt mà, có mọi người…

— Bà có thấy thằng Lập không? Nếu như tôi không bỏ cái chốn này thì tôi sợ là mình sẽ như nó.

Tuy lão ấy chỉ nói lấp lửng, nhưng bà Tâm đã sợ hết cả người. Thằng Lập không phải bị chết đuối hay sao? Tại sao lão ấy lại nói đó là kết quả của mình nếu như không bỏ đi khỏi nơi này chứ. Bà Tâm càng nghĩ càng hoảng, bà vội vàng chụp lấy tay của lão Tùng. Gương mặt xanh mét, bà ấy run rẩy hỏi:

— Có phải chuyện này, chuyện này có liên quan đến thằng Triều không?

Bà đoán là như vậy. Bởi vì, kể từ ngày đi vớt xác của thằng Triều, lão Tùng trở nên lạ lắm. Lúc nào cũng bần thần ngồi một mình, thỉnh thoảng lại cáu gắt với vợ con, thậm chí còn thu tiền của cả người nghèo khi làm nghề. Bao nhiêu thay đổi đó, đều bắt nguồn từ cái ngày lão ấy đi thuyền theo lão Trần lên hạ lưu vớt xác.

Lão Tùng lúc bấy giờ cũng đã quá mệt mỏi, lão chỉ gật đầu một cái. Nhưng ý tứ rất rõ ràng.

Bà Tâm bất lực ngồi yên, chuyện của thằng Triều. Trời đất ơi, chồng của bà đã làm cái gì mà giờ phải chịu cái cảnh này. Đến tận lúc này, bà Tâm nghĩ đến cái chết của thằng Lập mà lại rùng mình. Chồng của bà và thằng Lập đi vớt xác chung với nhau, giờ thằng Lập đã chết, vậy tiếp theo không phải là lão Tùng hay sao?

Bà Tâm liền quýnh lên, bà nắm lấy tai của lão Tùng rồi gấp gáp nói:

— Thôi, ông đừng đi nữa. Hiện tại hai vợ chồng mình thu xếp, đợi qua đợt mưa lớn này liền lên thành phố sống luôn đi.

— Tôi phải đi vài chuyến nữa, cầm trong tay ít tiền mới yên tâm được. Lên trên thành phố, nếu không có tiền thì cũng không sống nổi được đâu.

Lão Tùng lắc đầu than thở. Tuy rằng lão ở đây, nhưng lão cũng biết ở trên thành phố cuộc sống khó khăn như thế nào. Bởi vì vậy nên dân làng Bãi rất ít ai lên trên đó sinh sống. Lão đưa ra quyết định như vậy bởi vì đây là tình huống bất đắc dĩ, không thể không đi thôi. Ai mà lại thích rời xa cái nơi gắn bó cả đời được chứ.

Bà Tâm thấy lão Tùng nói chuyện có lí, nhưng mà bà sợ, sợ ở đây thêm ngày nào là sẽ xảy ra việc gì đó nguy hiểm. Bà ấy vỗ đầu của mình, một lúc sau đột nhiên nói:

— Hay là, vợ chồng mình bán đất ở nơi này đi…

— Không được. Miếng đất này phải để lại, sau này tôi mất, thằng Tí và bà hãy đưa tôi về làng để chôn cất. Tôi không muốn miếng đất này của vợ chồng mình cũng bị bán đi. Khi đấy, tôi cũng đã ra đi rồi… Không ai làm hại mẹ con của bà được.

Nói vậy, lão Tùng lại cười.

Chẳng mấy chốc, bà Tâm phát hiện chồng của mình ngày càng gầy hơn, ánh mắt chứa đựng nhiều tâm sự. Bà hoảng hốt nắm lấy tay lão Tùng:

— Ông đừng nói vậy. Giữa miếng đất với mạng của ông, tôi tất nhiên chọn ông rồi. Hãy cứ bán nơi này đi rồi lên thành phố. Tôi không yên tâm để cho ông lênh đênh ở trên sông nước nữa.

Dù bà ấy đã nói vậy, nhưng lão Tùng vẫn còn chần chừ. Cuối cùng, bà Tâm phải cố gắng lắm mới thuyết phục được lão ấy ở nhà để mình đi bán đất. Buổi cơm sáng ăn trong vội vàng và không khí trầm lặng. Xong xuôi, bà Tâm cũng không kịp dọn dẹp mà chạy đi tìm người bán đất.

Lão Tùng thì vẫn vậy, lão ngồi im dưới mái hiên, nhìn bầu trời đổ mưa lớn mà tâm sự trong lòng lại thêm nặng nề. Ánh mắt lão không biết từ khi nào đã đầy những tia đỏ như máu. Lão ấy thỉnh thoảng lại đưa bàn tay gầy gò lên ngắm nghía, chính bàn tay này đã gây nên cái họa ngày hôm nay.

Lúc lão ấy đang thẩn thờ thì mẹ của thằng Lập lại đến. Bà ấy đến là muốn nhờ lão đi vớt xác thằng con trai của mình. Nói ra cũng lạ, xác chết của thằng Lập chỉ nằm đâu đó ở khúc sông nhưng họ đã thuê bảy tám người vẫn không tìm ra được. Cuối cùng, mẹ của nó đành đến nhờ lão Tùng. Ban đầu, lão Tùng còn muốn từ chối, nhưng lại bị mẹ thằng Lập năn nỉ ỉ ôi, cuối cùng lão lại nghĩ đến tình nghĩa thầy trò mà đồng ý. Nhưng lão có điều kiện, đấy chính là không đi vớt vào những ngày giông bão. Thấy lão ấy quyết liệt như vậy, mẹ của thằng Lập cũng chỉ có thể vâng dạ gật đầu.

Ba ngày tiếp theo, cơn mưa và giông sấm vẫn tiếp tục kéo dài. Đến tận buổi tối xế chiều ngày thứ tư mới tạnh. Lúc này, lão Tùng liền quyết định đi tìm xác của thằng Lập. Bởi vì ba ngày nay không ai tìm thấy được xác của nó, cho dù bọn họ đã mời thầy pháp về cúng kiếng đủ kiểu. Cuối cùng, Lão Tùng đành phải bất đắc dĩ ra sông và một lần nữa trở về cái nơi mình đã làm nghề hơn hai mươi năm này. Tất nhiên, những chuyện này lão đều giấu bà Tâm không dám nói. Lúc lão ra khỏi nhà, còn kiếm cớ là đi nhậu tạm biệt với bạn bè. Còn bà Tâm lại đang bận tìm người bán đất nên cũng không quan tâm đến. Nhưng bà ấy đâu biết rằng, đó là lần cuối cùng mà mình và lão Tùng được gặp nhau.

Bấy giờ, lão Tùng liền nhân cơ hội mà đi ra bến, cúng Hà Bá, vặn cổ gà, chuẩn bị cho con thuyền của mình sau đó lái đến nơi mà thằng Lập chết đuối.

Nơi thằng Lập mất là một khúc sông êm ả, ở đây nước trôi rất bình lặng và không hề cháy siết. Thậm chí, ngay cả những đứa trẻ lớn lên ở nơi này cũng có thể thoải mái bơi lội. Thế mà một đứa giỏi giang như thằng Lập lại chết đuối ở nơi này. Nghĩ đến những chuyện đó, xương sống của lão Tùng lại lạnh lẽo hết cả lên. Ở phía xa xa, dưới cái ánh sáng mờ mịt của mùa mưa, lão Tùng nhìn thấy khói nhang mù mịt và năm sáu người đang ngụp lặn dưới dòng nước. Lão biết họ, đó là người nhà của thằng Lập. Mẹ của nó thì đang khóc lóc một cách khổ sở, còn ba của nó thì mặc bộ quần áo ướt sũng ngồi gục đầu một góc. Thấy lão cũng chỉ gật đầu một cái xem như chào hỏi. Nếu ban đầu lão Tùng còn chút do dự, vậy thì bây giờ lão cũng đã quyết định xuống nước.

Những xác chết đuối khác thì lão sẽ ngồi đợi tới tìm, nhưng thằng Lập đã chết ba ngày vậy mà không ai tìm ra xác, lão đoán có lẽ xác của nó đã chạy rồi, nếu muốn tìm thấy thì phải lặn xuống nước. Sau khi tính toán một hồi, lão Tùng kiếm một sợi dây dài buộc vào thắt lưng của mình. Rồi mới nhảy xuống nước.

“Ào…”

Tiếng động lớn vang lên. Khi làn nước thấm vào da thịt, lão Tùng vừa sợ vừa thấy phấn khích. Bởi vì chuyện của thằng Lập mà ba bốn hôm nay lão không ra sông để làm nghề, đối với một người suốt ngày lênh đênh trên vùng sông nước thì ở nhà nghĩ ngơi thật sự khó khăn.

Lão Tùng nghĩ ngợi một hồi rồi bắt đầu lặn xuống mặt nước. Đáy sông bao phủ một màu đục, không hề trong xanh như thường. Có lẽ là vì mấy hôm nay trời mưa lớn, nên bùn đất đã hòa lẫn với mọi thứ ở dưới dòng sông này. Lão Tùng lúc này đã thu lại hết những ý nghĩ của mình, tập trung lặn tìm xác của thằng Lập.

Từ năm rưỡi đến tám giờ tối, lão Tùng gần như đã lặn mò khắp nơi ở khúc sông này. Nhưng ngoại trừ rác thải thì lão lại chẳng thấy xác chết của thằng Lập ở nơi đâu.

Tám giờ rưỡi tối, lão Tùng lồm cồm bò lên thuyền, ở phía xa, ba mẹ của thằng Lập cũng đã về mất chỉ còn cái bàn thờ cùng lư hương nghi ngút khói. Cái khung cảnh mờ mờ ảo ảo khiến người nhìn nhịn không được lạnh sống lưng. Lúc nãy, mấy người anh em đi vớt xác cũng tới tìm lão hỏi xem có cần gì phụ giúp không, lão thấy họ đã mệt mỏi cả ngày nên cũng không dám nhờ vả. Giờ này khuyu khoắt, lão Tùng quyết định trở về rồi ngày mai lại ra sông tiếp.

Bấy giờ, lão Tùng liền đứng dậy muốn tháo sợi dây đang buộc trên thắc lưng mình ra. Nhưng lúc lão chuẩn bị tháo, thì đột nhiên ở phía sau vang lên những tiếng động lớn.

“Ào…”

“Ào…”

Âm thanh đó tựa như tiếng bước chân trên mặt nước, nhưng ở nơi này vùng nước quá bụng, làm sao mà có thể đi như đang đạp lên được chứ. Lão Tùng nghĩ tới đây liền vội vàng tháo dây, sau đó muốn chui vào thuyền để chạy về. Thế nhưng con người lại luôn tò mò về thứ họ sợ hại, ngay khi lão đi vào thì tiếng động kia cũng dừng lại. Lúc bấy giờ, lão Tùng đang muốn về lại chậm rãi quay lại nhìn vào cái nơi ấy quan sát. Mang theo tâm trạng sợ hãi và phức tạp, lão cúi đầu nhìn kỹ dưới dòng sông hơn. Trong lúc không phòng bị, lão chợt phát hiện có thứ gì đó nổi lên, dưới cái ánh sáng mờ mịt, lão Tùng trông thấy xác của một con người. Mà cái xác này không phải của ai xa lạ, là của thằng Lập.

Lão Tùng bị dọa đến mức ngã ào về phía sau, trong bụng càng thêm hối hoảng. Vì sao lão và gia đình nó tìm mãi không ra, mà giờ nó lại tự đến nơi này. Cái xác của nó rõ ràng là tự tìm đến lão. Nhìn thấy cái xác, lão Tùng lại do dự không thôi. Nhưng trong đầu lão lại luôn có một câu nói bảo rằng hãy xuống vớt xác của nó. Lão Tùng chợt nhớ lại chuyện của thằng Triều, cũng bởi vì lão không chịu vớt xác của nó mà gây ra việc như ngày hôm nay.

Sau mấy lần đắn đo, lão Tùng quyết định vớt cái xác này. Lão chắp tay về phía thằng Lập, miệng liên tục lẩm bẩm.

— Mày có linh có thiêng. Tao vớt xác cho mày, mày phải phù hộ tao không xảy ra chuyện gì.

Nói đoạn, lão Tùng run rẩy cầm cái móc cây rồi đưa về hướng cái xác muốn móc lấy nó. Nhưng mà cái xác tựa như nặng trăm cân, dù lão có kéo thế nào thì nó vẫn nằm im bất động trên sông. Sau bao lần thử kéo, cuối cùng lão Tùng dùng hết sức giật một cái thật mạnh. Ấy vậy nhưng cái xác kia không di chuyển, ngược lại lão Tùng lại bị kéo xuống nước.

“Bùm…”

Cả người lão Tùng như một con diều bị đứt dây ngã nhào xuống. Trong lúc sợ hãi, lão luống cuống đến suýt nữa chìm vào đáy sông, khó khăn lắm mới giữ vững được người nổi lên mặt nước. Vậy mà, ngay lúc lão chật vật đó, cái xác của thằng Lập như có sinh mệnh trôi về phía lão. Lão ngửi thấy mùi hôi của xác chết, lão còn chưa kịp bơi thì hai tay của cái xác đã chụp lấy lưng của lão và bám chặt vào. Rõ ràng là xác chết đã trướng phình, nhưng lão lại nghe thấy tiếng vọng ở bên tai.

— Thầy ơi…

— Thầy đi vớt xác thằng Triều với con đi…

— Thầy ơi, nó bảo lạnh lắm…

Từng âm thanh quỷ dị như vậy cứ chui vào tai lão Tùng. Lão càng nghe lại càng thêm hoảng, lão cố gắng bơi về phía trước, nhưng cái xác của thằng Lập lại không cho. Nó cứ bám chặt vào người của lão không buông. Lão cảm thấy lưng mình nặng nề, cái khí lạnh khiến xương thịt lão buốt giá. Lão Tùng vội vàng hất lưng muốn đẩy cái xác của thằng Lập ra, nhưng dù có làm thế nào thì nó vẫn bám chặt vào lưng của lão.

Lúc lão đang vật lộn với cái xác, thì lão lờ mờ bị cái bóng xa xa thu hút sự chú ý. Nghĩ bụng rằng có người đến, lão thầm mừng, giữa dòng nước liền đưa tay lên muốn kêu cứu.

— Bớ người ta… Cứu mạng…

— Có người bị…bị đuối…

Cái âm thanh yếu ớt vang lên trong đêm rồi biến mất không chút giấu vết. Lão Tùng thấy bóng dáng kia bất động, trong lòng càng thêm tuyệt vọng. Cái sức nặng của xác chết đang từng chút từng chút một kéo lão chìm xuống đáy hồ.

Đột nhiên, lão Tùng nhìn thấy bóng dáng kia đến gần, chưa chờ lão kịp vui mừng thì lão chợt nhận ra đây là giữa vùng sông nước làm gì có ai đến chứ. Lão Tùng bỗng nhiên hoảng hốt, lão còn chưa kịp trông kĩ thì cái bóng kia lại biến mất. Chẳng mấy chốc, lão cảm thấy dưới chân mình có một bàn tay nắm lấy, rồi kéo xuống. Cộng thêm với sức nặng của xác thằng Lập, lão Tùng liền chìm xuống một cách nhanh chóng.

Lúc này, dù đã có kinh nghiệm bơi lội lâu năm thì lão Tùng vẫn không thể chống cự lại được. Cứ thế, lão dần dần bị dòng nước đục ngầu nuốt chửng. Dòng nước chui vào mũi, lỗ tai khiến lão nghẹt thở. Hai mắt lão cay xè, lão cố gắng mở mắt ra nhìn thứ đang nắm lấy bàn chân của mình. Lúc bấy giờ, lão Tùng phát hiện thứ dưới chân mình là một bóng dáng quen thuộc. Gương mặt phình phường, hốc mắt rỉ máu tựa như bị thứ gì ăn mất tròng, bàn tay trắng bệch lộ cả phần thịt và xương ở bên trong. Lão Tùng dù chỉ nhìn thoáng qua, nhưng nỗi sợ và tuyệt vọng lại càng thêm nặng nề. Bởi vì, cái khuôn mặt đó chính là của thằng Triều. Ngày ấy lão và xác nó vật lộn trên sông, cái biểu cảm đó đã khiến lão bao đêm phải nằm mơ thấy ác mộng. Mà xác của nó đã chôn cất ngoài nghĩa địa, vậy đây có lẽ là linh hồn của nó, nó đang muốn về báo thù lão.

Lão Tùng mơ màng và thẩn thờ, cả người quên cả vùng vẫy. Chẳng mấy chốc đã hết sức lực, hai mắt trợn trừng.

Lúc này, thứ đang nắm chân của lão mới lên tiếng. Một nụ cười rùng rợn vang lên từ đáy sông cùng với giọng nói khản đặc.

— Ông…

— Tôi đến đón ông đây…

— Tại sao ông không vớt xác của tôi, ông chê tôi nghèo phải không? Haha… Ông phải chết, ông dám chê tôi nghèo mà không đem tôi về với mẹ. Ông có biết, tôi lạnh lẽo lắm không, tao đau lắm không… Những con cá dưới sông, nó rỉa thịt của tôi… Nó cắn vào mắt tôi… Tôi đau lắm…

Tiếng nói đau đớn xen lẫn thù hận ấy khiến lão Tùng như chìm vào ác mộng. Đầu óc lão dường như trống rỗng, không kịp nghĩ gì nữa ngoại trừ phải nghe tiếng nói đó. Lão muốn đưa tay bịt lấy tai của mình, lão không muốn nghe. Lão muốn sống sót, nghĩ đến bà Tâm và thằng Tí, lão Tùng như có thêm sức mạnh vùng lên. Thế nhưng, nếu lúc nãy nước sông chỉ ngang ngực thì giờ lại như không có đáy, dù lão có đứng dậy hay làm thế nào thì vẫn chìm xuống.

Lúc này, giọng của thằng Lập cũng vang lên.

— Thầy ơi, con lạnh lắm…

— Thầy đi với con đi… Là do thầy, là do thầy con mới chết… Thầy phải đi với con…

Cái giọng kia như đòi mạng.

Lão Tùng bị đuối sức sau một hồi vật lộn. Hai tay lão đã không còn chút sức lực nào, cả người mềm nhũn từ từ rơi xuống. Nhìn mặt nước ngày càng xa mình, lão Tùng hối hận không thôi. Lão thật muốn qua lại ngày đó…

Nhưng mà, đã không còn kịp nữa rồi…

Nỗi tuyệt vọng như đang gặm nhấm sinh mạng của lão…

Cái chết đến gần, lão Tùng đã buông tha vùng vẫy…

Lão hối hận, thật sự hối hận. Khi lão chìm vào đáy hồi, trong lúc ý thức mơ màng, lão nghe thấy tiếng cười vang lên, tiếng cười ấy nghe rất khoái chí và thích thú. Có lẽ, lão chết thì sẽ hết chuyện…

Mà ở bên này, đã hơn mười giờ mà lão Tùng vẫn chưa về. Bà Tâm thấy vậy liền lo lắng không thôi. Bà ấy và thằng Tí chạy đi tìm lão Tùng khắp nơi nhưng không thấy. Đến lúc cuối cùng, bà nghe thấy người nhà của thằng Lập nói nhìn thấy lão ở khúc sông nơi nó chết. Thế là bà Tâm vừa hốt hoảng vừa chạy đến tìm lão Tùng. Thế nhưng ngoại trừ chiếc thuyền đang trôi chậm trên sông thì làm gì có ai.

Tim bà bỗng nhiên đập mạnh, bà Tâm cố hết sức gọi lớn:

— Lão Tùng, ông có ở đó không…

— Ông có nghe tôi gọi không… Mau trả lời tôi đi..

— Lão Tùng…

Tiếng gọi gào thét trong đêm, đáp lại bà chỉ là âm thanh yên lặng. Có lẽ hành động của bà đã khiến người dân trong làng chú ý nên chẳng mấy chốc bọn họ đã kéo nhau đến đầy cả khúc sông. Nhìn thấy bà Tâm muốn nhảy xuống thì liền ngăn cản. Bọn họ khuyên bà Tâm về nhà, còn về phần tìm lão Tùng thì cứ để họ. Tuy nói là vậy, nhưng họ nhìn mặt sông êm ả thì dự cảm không lành lại càng nổi lên. Ở đây, thằng Lập vừa mới chết, vậy mà giờ lão Tùng đến đây vớt xác lại mất tích. Ở nơi này, chẳng lẽ bị ma ám hay sao?

Mang theo tâm tình thấp thỏm, bà Tâm suốt một đêm. Bà chỉ mong khi gặp lại chồng của mình vẫn còn yên ổn. Nhưng bà lại không ngờ rằng, những ước mơ đó đều đã bị phá bỏ vì khi hai vợ chồng và gặp lão. Lão Tùng chỉ còn là cái xác lạnh.

Mà điều lạ lùng là, xác của lão Tùng và thằng Lập lại bị buột vào nhau rất chặt. Khi được vớt lên hai người vẫn ôm nhau chặt như vậy. Đến khi người nhà của hai bên đến thì mới tháo ra được. Hàng xóm đều nhìn thấy, bọn họ đều truyền tai nhau là thằng Lập muốn kéo lão Tùng chết cùng.

Nhìn cái xác của lão Tùng, nước mắt của bà Tâm tưởng như đã cạn lại tiếp tục tuông ra. Bà ôm lấy xác của chồng mình mà gào thét, thằng Tí bên cạnh cũng ngơ ngác đến lạ thường. Hôm qua lão ấy vẫn còn vui cười, ấy thế mà nay lại chết như vậy. Bà Tâm đau đớn không thôi, bà đã cấm lão ấy ra sông, ấy thế mà lão ấy lại trốn bà đi mất. Bao nhiêu năm làm cái nghề vớt xác, ấy thế mà cuối cùng lại chết khi đi vớt xác.

Đúng là, sinh nghề tử nghiệp mà!

Cái ngày hôm ấy như trở thành ác mộng của nhà bà Tâm. Sau khi khóc xong thì bà ấy liền đưa xác lão Tùng về nhà làm đám tang. Đám tang của lão Tùng không tính là lớn, bà con chòm xóm cũng đi viếng đầy đủ. Ngay cả mụ Tám, mẹ của thằng Triều cũng tới. Khi bà Tâm nhìn thấy mụ ấy, thì cũng chỉ biết thở dài, bà làm sao có thể trách được người ta. Tất cả đều là do lão Tùng gây ra nghiệp mà thôi. Đám tang cứ thế trôi qua, sau đó bà Tâm và thằng Tí bán nhà lên thành phố sinh sống. Chẳng mấy chốc, không còn ai nhớ đến nhà của lão Tùng nữa.

Mười năm sau.

Một lần nữa bà Tâm và thằng Tí lại trở về quê hương. Khác với cái dáng vẻ loắt choắt lúc nhỏ, giờ thằng Tí đã là một thanh niên cao to lực lưỡng. Bà Tâm cũng già đi trông thấy. Bà ấy quay trở về nơi này chính là không muốn xa mộ của chồng nữa, sức khỏe của bà ngày lại càng yếu đi. Trong bụng bà thầm tính toán sẽ mở cho thằng Tí một cái tiệm, để cho nó mưu sinh. Nhưng không ngờ được rằng, thằng Tí lại nối bước theo cái nghề của lão Tùng. Khi bà Tâm biết tin, bà chỉ thở dài một cách mệt mỏi.

Bà vỗ vai của thằng Tí rồi dặn dò:

— Con phải nhớ kỹ ba quy tắc của nghề vớt xác. Với lại, phải dùng tâm mà làm nghề nghe con. Mình nghèo một tí cũng được, nhưng đừng làm việc trái với lương tâm.

Những câu nói này, thằng Tí đã nghe kĩ bao nhiêu lần. Nó hiểu vì sao mẹ mình lại dặn dò như vậy.

Bởi vì hiểu nên nó mới theo cái nghề vớt xác này.

Một phần là vì tôn trọng nghề nghiệp cao quý này. Phần còn lại chính là giúp người để trả cái nghiệp năm xưa của lão Tùng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *