Truyện Kiều – Cái tên Kim Trọng và sự khéo léo của cụ Tố Như

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” – Phạm Quỳnh.

Cảnh báo: Bài viết có khá nhiều từ Hán Việt, bạn nào không thích vui lòng bỏ qua.

Trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh hay thường được biết đến là Truyện Kiều của cụ Tố Như có 2 cặp câu khá đặc biệt:

“Biết thân đến bước lạc loài

Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” (câu 792)

“Bây giờ ván đã đóng thuyền,

Đã đành phận bạc khôn đền tình chung” (câu 2802)

Chắc hẳn hồi còn đi học khi phân tích 2 câu trên (792&2802), mọi người cũng giống mình: “Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ, dùng cụm từ “người tình chung” để nói tới Kim Trọng, một nhân vật nhất mực chung tình với Kiều.” đúng không? Không đơn giản như vậy, cụ Tố Như cao tay hơn thế, cụ đã nhắc trực tiếp tới cái tên Kim Trọng mà người đọc phải động não mới nhận ra được.

Cái tên Kim Trọng nằm đâu trong mấy câu trên? Hãy chú ý vào 2 chữ “tình chung” [情鍾]. Hai chữ “tình chung” bắt nguồn từ câu “tình chi sở chung” [情之所鍾], nghĩa là tình cảm tụ họp, chung đúc vào một nơi, một người (*Truyện Kiều chú giải), có câu “nhất kiến chung tình” là vậy. Lưu ý chữ “chung” trong tình chung khác với chữ “chung” trong thuỷ chung.

Và thiệt là tài tình, chữ “chung” [鍾] trong 2 câu trên khi phân tích chiết tự thì lại được ghép từ chữ “kim” [金] và chữ “trọng” [重]. Cho nên cụm từ “người tình chung” trong 2 câu trên nếu đọc ở bản Nôm, sẽ thấy cụ Tố Như đã trực tiếp nhắc đến tên Kim Trọng mà người đọc phải có chút kiến thức về chữ Hán Nôm mới thấy được điều này.

Ngoài ra, chữ “Trọng” [重] lại được ghép từ chữ thiên [千] và chữ lý [里],phải chăng tác giả (Thanh Tâm Tài Nhân) ngụ ý rằng dù Kim Trọng cách xa Kiều ngàn dặm (thiên lý) nhưng vẫn chung tình với nàng?

Cái tên Kim Trọng, ắt hẳn là do Thanh Tâm Tài Nhân đặt, nhưng cụm từ “người tình chung” thì chắc chắn do cụ Tố Như tài tình sắp đặt ở chỗ này. Qua đó mới thấy được sự khéo léo của cụ Tố Như và hiểu được tại sao Truyện Kiều lại là tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.

• Có ý kiến cho rằng chữ “chung” trên bài phải viết đúng là [终] nghĩa là tới sau cùng, Nguyễn Du cố tình dùng chữ “chung” [鍾] để chơi chữ đồng âm khác nghĩa. Nhưng theo Truyện Kiều chú giải (Lê Văn Hoè) và theo mình tìm kiếm bằng tiếng Trung thì chữ “tình chung” viết bằng chữ “chung” [终] này không có nghĩa, và câu “nhất kiến chung tình” cũng viết là “一见鍾情“。 Cho nên chữ “tình chung” của cụ Tố Như theo mình là hoàn toàn “đúng chính tả”.

Nhân nói về Kim Trọng thì cũng nói chút về Thúc Sinh. Trong đoạn Hoạn Thư “đánh ghen”, có câu tả Hoạn Thư và Thúc Sinh thế này:

“Người đâu sâu sắc nước đời,

Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!”

Thúc Sinh được biết tới là nhân vật ăn chơi, nhu nhược, và chữ “Thúc” [束] cũng có nghĩa chính là bó (tay). Cái tên đã nói lên tính cách nhân vật. Tài tình thay!

Ngoài lề: Nhân tiện cái tên Kim Trọng, chắc mọi người cũng biết bác sĩ Trần Đông A, người thực hiện ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt – Đức năm 1988. Tên của ông cũng có thể phân tích như trên. Chữ “Đông” [東] và “A” [阿] ghép lại chính là chữ “Trần” [陳] (Hào khí Đông A).

Chánh Tâm, ngày kỷ mão tháng kỷ hợi năm tân sửu.

Tài liệu tham khảo:

– Truyện Kiều chú giải, Lê Văn Hoè, 1953

– Truyện Kiều bản Nôm, 1866

Hai chữ “Tình chung” đã được khoanh đỏ dưới ảnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *