truyen-10-lo-huyet-thanh-cuu-mot-phu-nu-bi-ran-luc-duoi-do-can

Truyền 10 lọ huyết thanh cứu một phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Ngày 25/7, tin từ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn dẫn đến rối loạn đông máu. 

Người bệnh là chị N.T.T.H (38 tuổi, địa chỉ tại Thanh Sơn, Phú Thọ) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào chân tại vườn nhà. 

Sau khi đến trung tâm y tế huyện cấp cứu, người bệnh tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được sử dụng huyết thanh kháng nọc điều trị đặc hiệu.

Thời điểm tiếp nhận tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, người bệnh hạn chế vận động, vết cắn ở ngón chân phải có chảy máu, quanh vết cắn tím, ngón chân và mu chân xưng nề, tấy đỏ, đau nhức nhiều, xuất huyết dưới da niêm mạc nhiều vị trí. Kết quả xét nghiệm có dấu hiệu của tình trạng rối loạn đông máu.

Truyền 10 lọ huyết thanh cứu một phụ nữ bị rắn lục đuôi đỏ cắn- Ảnh 1.

Vết thương do rắn cắn và hình ảnh loài rắn lục đuôi đỏ đã cắn bệnh nhân H. Ảnh BVCC

Cùng với hình ảnh con rắn cắn người bệnh do gia đình cung cấp, các bác sĩ đã chẩn đoán người bệnh bị rắn lục đuôi đỏ cắn giờ thứ 3 và ngay lập tức đưa ra phác đồ chống độc đặc hiệu bằng huyết thanh kháng độc. 

Bệnh nhân đã được chỉ định sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn lục để kháng độc kết hợp kháng viêm, giảm đau, kháng sinh dự phòng nhiễm trùng, truyền dịch, truyền chế phẩm máu …

Sau 24 giờ tích cực cấp cứu điều trị theo phác đồ đặc hiệu, tình trạng toàn thân và rối loạn đông máu đã được cải thiện rõ rệt, vùng chân phải bớt sưng nề.

Sau 7 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, kết quả xét nghiệm máu đã trở về bình thường và được ra viện.

Theo các bác sĩ, hằng năm, khi bước vào mùa mưa, là thời kỳ sinh sôi phát triển của nhiều loài rắn độc, cũng là thời điểm số lượng người phải nhập viện do rắn cắn gia tăng.

Rắn lục đuôi đỏ thuộc họ rắn lục nhưng có nhiều nọc độc hơn rắn lục thường. Khi bị rắn cắn, vết thương chảy máu nhiều và sưng nề rất nhanh. Người bị rắn cắn thường bị rối loạn đông máu. Ngoài ra, trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, gây ra các hiện tượng tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt cơ hô hấp …

Bác sĩ  Khổng Thị Bích Phương, khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện tỉnh Phú Thọ cho biết, bệnh nhân có thể phục hồi tốt là do được đưa đến bệnh viện kịp thời nếu không sẽ có nhiều rối loạn nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

“Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, chỉ vài phút sau người bệnh sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn. Sau khoảng 6 giờ phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ…

Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn có thể khiến độc tố di chuyển vào máu nhanh hơn gây ra các rối loạn nguy hiểm như liệt thần kinh, liệt cơ hô hấp, rối loạn đông máu nặng, sốc tim…

Việc sơ cứu rắn lục cắn nhằm mục tiêu tránh sự xâm nhập của nọc độc vào hệ thống tuần hoàn từ đó giúp hạn chế các triệu chứng nguy hiểm.

Khi bị rắn cắn, người dân cần sơ cứu ban đầu tốt và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, tuyệt đối không đắp lá vào vết cắn để tránh nhiễm khuẩn”, bác sĩ Phương khuyến cáo.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *