“Không nên tra hỏi cặn kẽ quá khứ của người khác, đó có lẽ là kí ức họ không bao giờ muốn nhắc lại nữa.”
Những thứ năm tháng để lại cho mỗi người chúng ta không chỉ là những kí ức tốt đẹp, bên cạnh đó còn có những kí ức chúng ta không muốn nhớ lại, khắc sâu mãi trong lòng. Trong cuộc sống, một người có ý bày tỏ thì chúng ta cũng có lòng lắng nghe, nếu như họ đã không muốn kể thì mình cũng đừng nên hỏi, hãy là một người lắng nghe có nguyên tắc. Nếu chỉ để thỏa mãn sự tò mò của bản thân mà lại gặng hỏi cặn kẽ, như vậy sẽ tạo cho họ áp lực rất lớn.
Việc truy hỏi quá khứ của một người, thật ra là một loại tổn thương. Trong đáy lòng mỗi người đều chôn giấu bí mật của bản thân, điều họ không muốn nói ra có lẽ chính là kí ức mà họ không bao giờ muốn nhắc lại, khi chúng ta ép họ nhớ lại hình ảnh ấy một lần nữa, ép họ kể ra một lần nữa cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang rắc muối lên vết thương của họ.
Nhiều người đều lấy cớ là “quan tâm” mà không ngừng dò hỏi quá khứ của người khác, thế nhưng thật sự họ chỉ muốn lấp đầy sự tò mò nhất thời của chính bản thân mình. Nếu thật sự quan tâm một người, thật sự không nhất thiết phải biết tường tận tất cả mọi thứ của họ mà chỉ quan tâm họ theo cách họ cần nhất. Giữa những người trưởng thành luôn phải duy trì một khoảng cách nhất định, không can thiệp vào cuộc sống của đối phương, cũng không vượt quá giới hạn của họ.
Tôi từng đọc qua một câu như thế này trên mạng xã hội: “Vừa tốt nghiệp đại học thì mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ bừng bừng, một mình ở chốn thành thị xa lạ lập nghiệp, vài năm sau hiện thực của cuộc sống lại khiến chính bản thân không thể không trở về sinh sống ở thôn quê bé nhỏ. Những năm tháng bôn ba nơi thành thị to lớn, trải qua bao nhiêu khổ đau, nếm qua bao nhiêu tủi nhục, đó đều là những quá khứ mà bản thân không bao giờ muốn nhắc lại. Ấy vậy mà từng người từng người họ hàng lại luôn luôn gặng hỏi quãng thời gian mà mình không muốn nhớ nhất ấy, trong lòng cứ như vậy mà sụp đổ dần.”
Đôi khi, nhiều hơn vài lời chưa chắc đã là sự quan tâm, ngược lại chính là một loại áp lực. Một người bạn đã nói thế này: “Vào lúc khó khăn nhất, điều cô ấy sợ nhất chính là những lời an ủi tựa như họ đang quan tâm mình nhưng thật chất lại là tò mò”. Nỗi đau mà cô không muốn nhắc lại nhất chính là vào năm cô thi đại học, người ông bên cạnh cùng cô trưởng thành chẳng may qua đời vì bệnh, cô đã giấu nỗi đau này vào tận cùng trong tim mình, vậy mà đôi lúc lại có người nhắc đến, thậm chí có người còn hỏi rằng ông của cô mất vì bệnh gì, khi nào thì cô nhớ ông nhất…Người khác có thể vì tò mò, cũng có thể vì quan tâm, nhưng đối với cô, việc ông qua đời chính là kí ức mà cô không bao giờ muốn nhớ lại.
Thế nên chúng ta phải biết chừng mực khi cùng mọi người trò chuyện, đối với những người thân một chút, cũng không nên động chạm quá nhiều đến quá khứ của họ, truy cứu đến cùng quá khứ của một người không phải cách để kéo gần mối quan hệ giữa cả hai, ngược lại có thể đẩy khoảng cách giữa cả hai ra xa hơn. Cuộc sống của mỗi người đều không dễ dàng, ai cũng có môt đoạn hồi ức không muốn nhớ lại, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của họ, im lặng đúng lúc đôi khi chính là khoảng cách an toàn nhất.