TRƯỞNG THÀNH NHẤT ĐỊNH PHẢI MỆT MỎI ĐẾN THẾ SAO

Tôi muốn kể các bạn nghe chuyện này…Năm lớp 5, mẹ đọc nhật ký của tôi, sau đó chất vấn về những gì tôi viết trong đó. Sau đó, tôi không viết nhật ký nữa vì sợ có người đọc được. Tôi trở nên đa nghi, luôn lo lắng người khác biết được bí mật của mình. Sau này tôi viết nhật ký trở lại, nhưng sau mấy ngày sẽ đốt đi luôn. Tôi luôn mang cảm giác bất an và không thể tin tưởng hoàn toàn vào bất kỳ ai, thậm trí nghi ngờ cả chính bản thân mình.Khoảng thời gian lớp 6, lớp 7, ngày nào tôi cũng bị bố mẹ mắng chửi bằng những từ ngữ cay độc, xúc phạm nhất. Tôi tự hỏi mình có phải con của họ không, tại sao lại ghét tôi đến thế. Mỗi ngày tôi đều quanh quẩn với ý nghĩ tự tử. Lúc nào tôi cũng mang theo con dao bên người. Tôi bắt đầu có những hành động tự làm hại chính mình. Tôi ước gì có ai đó ở bên để tôi có thể bộc lộ hết tâm sự trong lòng mình.

Năm lớp 8, tôi thường xuyên hỏi mọi người xung quanh về cái c.h.ế.t. Tôi hay nói mấy câu như: Nếu con mà chết thì sao nhỉ, chắc gì con đã sống hết năm nay… Tôi khi đó đã sống theo ngày, mà đúng hơn là chờ đợi cái chết đến đón mình.Năm lớp 9, tôi chuyển trường, khoảng thời gian đầu vô cùng khó khăn. Học từ 7h sáng đến 7h tối, chỉ khi về đến nhà tôi mới thực sự được thở. Chưa bao giờ tôi yêu ngôi nhà của mình đến thế. Mỗi khi trở về nhà, tôi đều ước giá như trời đừng sáng, mỗi khi đi ngủ đều ước giá như đêm nay kéo dài mãi, giá như mình không bao giờ tỉnh lại, mỗi sáng thức dậy đều thấy uể oải, mệt mỏi. Tôi ước có ai đó ở bên hỏi tôi có ổn không, để tôi gục mặt vào khóc, để tôi không cần khóc trong bóng tối.

Năm lớp 10, lớp 11 của tôi trôi qua một cách đơn giản bình dị, mặc dù không có nhiều kỷ niệm vui vẻ nhưng ít nhất nó cũng không có biến cố. Chỉ là tôi vẫn loay hoay đi tìm ước mơ, mục đích sống của mình. Bởi vì thế mà tôi vẫn tự hỏi về ý nghĩa của sự sống cái ch.ế.t, vẫn tự hỏi bản thân sống để làm gì. Và tôi vẫn đang đi tìm người đó, người tri kỷ đủ làm tôi tin tưởng để tâm sự tất cả.

Năm lớp 12 à, nó cũng nhạt nhẽo như những năm trước cho dù đây là năm cuối cấp. Nhưng tôi đã kịp có một vài kỷ niệm đáng nhớ mà dù vui hay buồn tôi đều trân trọng. Tôi đứng trước việc chọn ngành, chọn trường khi mà vẫn chưa biết bản thân muốn gì. Tôi loay hoay, vô định, học nghề hay học đại học, rồi sẽ học về cái gì. Tôi cảm thấy mình có chút hứng thú với thiết kế đồ họa nhưng vì nhiều yếu tố, lại không đủ can đảm để theo đuổi. Tôi chỉ biết mình phải đỗ trường “tốp đầu”. Tôi áp lực với lịch học, với kỳ thi, với điểm số, với mọi thứ. Rồi… tôi trượt nguyện vọng 1. Tôi vừa sốc vừa bàng hoàng. Tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi muốn từ bỏ tất cả. Tôi quá mệt mỏi rồi.Cuối cùng, tôi vẫn vào đại học, vẫn sống, vẫn ở đây trên thế giới này. Nhưng tôi không còn cảm thấy thích thú với bất cứ điều gì nữa. Tôi học tập, tôi làm mọi việc chỉ giống như tôi nên làm thế và mọi người muốn tôi làm thế. Thêm với việc dịch bệnh, cách ly, học online ở nhà càng làm tôi thêm chán ghét. Nhưng ngay cả khi đi học trực tiếp thì sao. Tôi rời xa gia đình. Lần đầu tiên được sống xa nhà, tôi vừa lo lắng nhưng cũng vô cùng háo hức. Tôi như con chim được sổ lồng đang khao khát khám phá chân trời mới. Và tôi đã bị vỡ mộng. Ở ngoài xã hội đáng sợ kia, không phải ai cũng tốt với bạn. Rồi khi sống tự lập, nỗi lo cơm áo, gạo tiền bắt đầu đè nặng lên vai, tôi trở nên thực dụng, tính toán, tôi bị cuộc sống mệt mỏi, xô bồ này lấn át, dần đánh mất con người thật mà tôi tưởng đã c.h.ế.t nhiều năm trước. Và rồi đứng giữa con đường tấp nập, tôi lại dày vò giữa suy nghĩ đi tiếp hay dừng lại.

Tôi của hiện tại không chỉ học được cách mạnh mẽ, tự lập, mà còn biết cách kiềm chế cảm xúc, biết lắng nghe và cảm thông với người khác. Bởi vì thứ mà từ đầu tới cuối tôi cần chính là tìm được người sẵn sàng lắng nghe tôi, bao dung cho những sai lầm, cho sự ích kỷ, trẻ con của tôi, không chỉ trích hay bỏ rơi tôi kể cả khi tôi là con người mình thật nhất. Tôi không biết mình có thể duy trì được bao lâu, tôi chỉ là cảm thấy bản thân mình đã trải qua nhiều chuyện như thế, cố gắng nhiều như thế, nếu như bây giờ từ bỏ, vậy thì những nỗ lực trước đó, có phải uổng phí rồi không. Cũng thật may vì tôi vẫn còn ở đây để chia sẻ câu chuyện này.

Nhưng đã có những người không thể bước tiếp trên con đường này, không phải vì yếu đuối hèn nhát, mà có lẽ họ thật sự đã quá mệt mỏi, quá sức chịu đựng rồi. Nhiều người nói rằng để trưởng thành thì phải trải qua như thế, liệu có phải không? Nó phụ thuộc vào cách nghĩ của mỗi người thôi nhưng xin hay dành cho nhau sự cảm thông và tôn trọng đáng có vì tôi và bạn, chúng ta đều đã từng cô gắng hết sức để sống.

Xin lỗi vì bài viết của mình đã không mang đến cho bạn những nguồn năng lượng tích cực, nhưng hi vọng nó có thể giúp bạn có cảm giác được thấu hiểu và đồng cảm. Hi vọng cha mẹ đọc được bài viết này sẽ hiểu phần nào tâm lý của con cái mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *