TRƯỜNG LẠC HOÀNG HẬU – VÌ QUÁ YÊU NÊN CÀNG KHÔNG THỂ THA THỨ

Trường Lạc Hoàng hậu hay Huy Gia Hoàng thái hậu, tên húy là Nguyễn Thị Hằng, con gái của Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung, người có công trong việc đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, quê ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. 

Lê Thánh Tông khi còn là hoàng tử, trong một lần đi dạo chơi bên bờ sông Tống Sơn chợt thấy bà, một cô gái xinh đẹp đang ngồi vo gạo dưới bến. Tức cảnh sinh tình, Lê Thánh Tông bèn ra một vế đối:

“Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…”.

Câu đối bỏ lửng như một lời ngỏ ý khéo léo khiến người ta phải rung động. Bà nghe thấy khúc khích cười rồi đối đáp lại:

“Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…”.

Câu đối vừa cho chàng trai một chút hy vọng nhưng vừa là một lời trách người con trai phải biết lo việc đời trước khi lo duyên, thế mới xứng là đấng nam nhi.

Nghe lời đối đáp ấy, trái tim vị hoàng tử trẻ loạn nhịp và thầm nghĩ sao trên đời lại có người con gái tài sắc vẹn toàn đến vậy. Lê Thánh Tông quyết phải chinh phục bằng được đóa hoa quý giá này.

Hoàng tử dò hỏi mãi, mới biết bà tên là Nguyễn Thị Hằng, là con của tướng Nguyễn Đức Trung. Mà vợ của vị tướng này lại là bạn thân của mẹ hoàng tử (Ngô Sung viên). Đã có duyên gặp gỡ nay lại được thêm duyên phụ mẫu vun đắp. Mối tình của hoàng tử Lê Thánh Tông và bà nhanh chóng đơm hoa kết trái. Tháng 7, năm Quang Thuận thứ nhất (1460) bà được Lê Thánh Tông phong làm Sung nghi, cho ở Vĩnh Ninh cung để vua luôn được gần bên người đẹp. Bà cũng được Thánh Tông yêu quý nhất trong số các cung nhân. Lúc này hoàng đế còn trẻ tuổi, rất đa tình và chưa có con trai.

Thế rồi, cây lành cũng đến ngày sinh trái ngọt, năm Quang Thuận thứ hai (1461), nàng đã mang được long thai. Người ta nghe nói rằng, khi ấy, Sung nghi hậu sai ông Nguyễn Đức Trung (tức phụ thân) đi am đền cầu tự, đã chiêm bao thấy Thượng đế phán rằng: “Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị”, cuộc đời nàng trước mắt đã trải đầy gấm hoa. Đến khi đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra Lê Tranh (黎鏳). Đó là ngày 10 tháng 8, năm Quang Thuận thứ 2 (1461).

Một năm sau, khi đứa bé vừa được một tuổi, Thánh thượng liền sách phong làm Hoàng Thái Tử (tức Lê Hiến Tông). Cuộc đời nàng từ ngày có con, đã vinh hoa lại càng thêm rực rỡ. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Lê Thánh Tông sắc phong Sung Nghi trở thành Quý Phi, đứng đầu cai quản lục cung. Đôi cánh phượng hoàng của nàng cũng từ đó mà dang rộng, một bước đi của nàng, vạn người phải cúi đầu. Nhưng nàng đâu biết được, cây cao thì đón gió, thế lực họ Nguyễn càng mạnh, những kẻ manh nha muốn đạp đổ nàng ngày càng nhiều.

Mộng đẹp sớm tan, ngày nọ, một viên quan vốn đã lo sợ thế lực nhà Nguyễn ngày càng lớn mạnh, đã đến tâu với thánh thượng về giấc mộng năm xưa. Vì sao Đông Cung Thái tử được báo mộng không phải họ Lê mà lại là họ Nguyễn? Thánh thượng nghe câu hỏi ấy, trong lòng không khỏi băn khoăn.

Nàng không tin Thánh thượng sẽ tin vào những lời xàm tấu. Thế nhưng, nàng có biết, thời gian trôi đi, con người phải thay đổi, làm gì có ai mãi mãi vì yêu một người mà không tiếc bảo vệ bằng mọi giá. Nhất là khi, người nàng yêu là Hoàng thượng, là người trong lòng chứa cả non sông. Nàng từ bao giờ đã biến thành thứ nhỏ bé trong trái tim của người mất rồi. Người là vua, người chỉ được phép đa tình, không được phép chung tình. Đạo lý này nàng hiểu chứ, nhưng nàng vẫn ngốc nghếch tin rằng trái tim ấy mãi mãi chỉ thuộc về mỗi nàng mà thôi. 

Thánh Tông nói với nàng, buộc phải giam nàng vào cung Vĩnh Ninh, vì người không còn cách nào khác. Nàng thấy nực cười, người làm vua lại không thể tự quyết sao? Sao người không bảo vệ thiếp ? Sao chàng lại nhẫn tâm giam thiếp vào Vĩnh Ninh cung như thế? Người nỡ sao? Nàng giàn giụa nước mắt, trong đầu là hàng vạn câu hỏi ùa về như thác lũ. Tình yêu ấy, đối với nàng nó là cả thế giới. Giờ đây cả thế giới như sụp đổ ngay trước mắt nàng, nàng thấy trái tim mình bị bóp nghẹn, thấy yêu thương mình trao đi đang vỡ ra thành từng mảnh để người tùy ý chà đạp. 

Quý phi cao quý là vậy, bỗng chốc sau một đêm liền trở thành trò cười cho người ta chỉ trỏ. Trong những ngày tháng cô lập ở Vĩnh Ninh cung ấy, nàng cuối cùng cũng hiểu ra, nàng vốn không nên nói ra giấc mơ đó, là nàng quá ngây thơ rồi. Nàng cứ ngỡ, chuyện vui của nàng là mọi người thật tâm chúc phúc, sủng ái của nàng là thật tâm trái tim của thánh thượng. Nhưng dù nàng có hiểu ra, nàng vẫn không thể tha thứ được cho người ấy, người đã chà nát trái tim chân thành của nàng. Nhất là khi, vị trí Hoàng Thái tử của con trai nàng cũng đang vì chuyện này mà lung lay. Người ta nói, càng yêu sẽ càng hận. Vì nàng đã trót yêu quá nhiều, vì thế, nàng không tha thứ được. 

Năm Hồng Đức thứ 28, tức năm 1497, Hoàng thượng bị lở loét nghiêm trọng, Quý phi ở Vĩnh Ninh cung đã khóc rất nhiều, hạ mình năn nỉ để được nhìn phu quân lần cuối, dù chỉ trong phút chốc. Tình cảm son sắt của nàng đã lay động được lòng người. Nàng vừa thấy Thánh Tông, liền òa khóc, rồi giúp vua xoa bóp tay chân. Trong những giọt nước mắt ấy, bỗng dưng hiện lên một nụ cười, một nụ cười cay độc đến đáng sợ. Nàng thầm nói vào tai Hoàng thượng, thiếp yêu chàng là thật, nhưng nếu đoạn tình duyên này đã sớm lạnh nhạt, thiếp sẽ tự tay đưa con mình lên ngai vàng cao quý.

Người ta đồn rằng, Nguyễn thị đã nhân cơ hội đến thăm, ngầm đem thuốc độc bôi vào chỗ loét của hoàng đế khiến bệnh của ông càng thêm nặng. Lê Thánh Tông sau đó qua đời, Hoàng Thái tử Lê Tranh lên ngôi, trở thành Lê Hiến Tông, tôn mẹ ruột làm Trường Lạc Thánh Từ Hoàng Thái hậu, ở cung Trường Lạc và phụng dưỡng rất chu đáo.

Lê Hiển Tông ở ngôi 7 năm thì mất, Hoàng Thái Tử là Lê Thuần lên ngôi trở thành Lê Túc Tông, nhưng cũng mất sau 1 năm trị vì. Trước khi mất, vua chỉ định người anh Lê Tuấn lên ngôi nhưng Trường Lạc Thái hoàng Thái hậu lại muốn Lã Côi Vương kế vị. Nguyễn Nhữ Vi đã tìm cách lừa Thái hoàng thái hậu, sau đó gấp rút đưa Lê Tuấn lên ngôi, tức Lê Uy Mục.

Lê Uy Mục lên ngôi, tôn nàng làm Trường Lạc Thánh Từ Thái hoàng thái hậu. Thế nhưng, vào năm Đoan Khánh thứ nhất (1505), vua cho người hầu vào cung giết chết Thái hoàng thái hậu. Nàng ra đi tại chính tẩm điện,  dưới bàn tay của chính cháu nội mình, kết thúc một đời “huy hoàng rồi chợt tắt” đầy thăng trầm biến cố. Thái hoàng thái hậu được an táng ở khu sơn lăng nay là Lam Sơn, Thanh Hóa. Bay càng cao thì ngã càng đau, người ta nói nàng ngốc nghếch, hồ đồ, nhưng nếu chưa từng yêu một ai đó bằng cả sinh mệnh, sẽ chẳng thể hiểu được nàng vì điều gì lại có thể bất chấp tất cả như thế…

Nguồn ảnh: Thành Kỳ Ý (tác giả Linh San)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *