Tôi từng ở trong trại tạm giam, cũng đã là chuyện rất nhiều năm trước rồi, hồi xưa nó còn phức tạp lắm.
Còn bây giờ thì tôi không rõ, lúc đó, khi mà trước ngày tử hình, quản ngục chúng tôi phải chuẩn bị bữa cơm cuối cùng cho tử tù.
Thường thì thực phẩm trong trại giam vốn đã không tốt, người sắp phải “lên đường” sẽ được ăn bữa cuối cùng ngon hơn cả trại tạm giam.
Trại tạm giam của chúng tôi thường chỉ có ba món: Thịt heo cắt lát, đùi gà chiên, sườn nấu đậu hoặc thịt bò nấu đậu.
Một ngày trước khi c.h.ế.t, sẽ phát thêm vài điếu thuốc, chút kẹo đậu phộng, kem đánh răng v.v.. đều được đựng trong một cái thau rửa mặt.
Đây là tốp người thứ 2 được tiễn đi rồi.
Thông thường những ngày lễ lớn, đều được tiễn đi một tốp.
Số còn lại thì đợi điểm mặt thôi.
Đêm cuối cùng của tử tù, đa số quản ngục đều phải báo cáo với sở trưởng, ngày hôm sau xxx (tên của tử tù) phải đi rồi.
Thật ra thì tử tù cũng tự biết mà, cũng chuẩn bị tinh thần rồi, giờ thì c.h.ế.t thôi.
Cho anh ta đi tắm, rồi hỏi xem có muốn ăn gì không, thông thường thì người nhà sẽ đem vào bộ quần áo, trước khi c.h.ế.t cũng được ăn mặc gọn gàng chút.
Thật khó mặc vào người khi đeo còng chân, chỉ có thể để bộ đồ lại đó. Trước một ngày khi thi hành án, chúng tôi cũng để anh ta tắm rửa thay bộ đồ sạch sẽ.
Bữa ăn cuối cùng, đa số là bốn giờ sáng được đem qua, sáu giờ hơn thì cảnh sát vũ trang đến dẫn người đi.
Bữa ăn cuối cùng, đa số được chọn tối đa bốn món, muốn ăn gì cũng sẽ được đáp ứng, nhưng không được uống rượu bia.
Cho dù biết tử tù nhất định sẽ phải c.h.ế.t, nhưng chúng tôi vẫn phải an ủi anh ấy, “huynh đệ à, nói không chừng sẽ có biến thì sao?”
Chứ không được trực tiếp nói với tử tù: “Mày đợi ăn đạn đi!” như vậy thì sẽ rất dễ khiến tử tù kích động, làm ra những hành vi mất kiểm soát.
Trong trại giam có một người tên Tiểu Mao, người Cát Lâm, thuộc dạng lưu manh đầu gấu của thành phố nào đó tỉnh Cát Lâm. Người ngợm đẹp trai lắm, không phải kiểu đẹp trai bình thường đâu, ngũ quan tinh tế, trên người còn có một chút tà khí, nói chung dung nhan rất là ưa nhìn.
Chuyện sẽ không xảy ra nếu không phải hơn chục người xông vào quán game của anh ta để gây sự, anh đã lấy dao chém c.h.ế.t hai người, trọng thương hai người và thương nhẹ ba người. Đêm trước khi tử hình, tối chín giờ đến năm giờ sáng, anh ta đã đốt những 8 gói thuốc, cả hành lang đều mịt mù khói.
Hơn một giờ khuya, anh ta liền gọi tôi, muốn trò chuyện với tôi, nên tôi đã ngồi ở trước cửa phòng giam tâm sự cùng anh.
Anh kể tôi nghe những chuyện mà anh từng làm bao nhiêu năm qua, lúc anh đi học chỉ vì bị người khác bắt nạt, cho đến khi nhịn không nổi đã phản đòn lại. Anh bắt đầu xử hết mấy đứa đã từng ức hiếp anh, có thể là do trời sinh trong người đã có máu liều, từ một người thanh niên vô hại, không biết từ khi nào đã trở thành một tiểu lưu manh.
Sau đó thôi học, lăn lộn vào giang hồ, 17 tuổi đã theo một anh lớn ở Thiên Tân, theo đến năm 24 tuổi, đã kiếm được không ít. Rồi về bản địa mở quán game, quán spa massage.
Anh kể với tôi những năm nay anh đã phải trải qua những gì, tôi đành khuyên anh ta, để anh đừng căng thẳng quá. Rồi anh lại hỏi tôi, có phải anh bất hiếu lắm không? Ba mẹ anh đều là nghiên cứu sinh, kết quả lại sinh ra một thằng chẳng ra gì. Tôi liền nói anh ta đừng nên nghĩ như vậy, ít ra thì anh cũng đã có con trai nối dõi tông đường cho mình rồi.
“Anh nhìn tôi đi, vợ hay người yêu đều chẳng có, con thì càng không, sau này thì tuyệt hậu thôi. Cho dù anh có đi rồi, thì anh vẫn còn huyết mạch của con trai anh nối dõi, sau này vẫn truyền cho đời sau. *Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại*, anh đã cho ba mẹ anh một đứa cháu, đó là hiếu thuận rồi.”
(*Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại: bất hiếu có 3 điều, không có con nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất.)
Anh ta nghe tôi nói liền vui mừng biết bao nhiêu.
Anh lại hỏi tôi: “Anh Trần à, sau khi tôi c.h.ế.t, anh có thể đốt cho tôi cây Marlboro không? Trước tôi ở Quảng Đông, ngày nào cũng được hút, ở Cát Lâm không dễ mua được.”
Tôi hứa với anh ta rằng tôi sẽ mua cho, anh yên tâm, anh muốn hút loại nào nữa?
Anh ta bảo chỉ cần Marlboro là được, nếu là nhập khẩu càng tốt.
Hơn bốn giờ sáng, bữa cơm cuối cùng được đem đến, anh chỉ ăn một ít bánh cảo và ba món khác, còn vài món ăn của đêm trước đem đến, anh cũng chỉ ăn hai cái bánh cảo, rồi lại vứt đó không ăn nữa.
Anh lại nói với tôi, trước khi bà nội anh mất, đã dặn anh phải học hành thật tốt, nhưng anh lại không làm được, anh thấy có lỗi với nội của anh.
Bà nội anh c.h.ế.t vì tụ máu não, trước khi c.h.ế.t anh vẫn còn ở trường học, sau ba ngày mới biết chuyện, bây giờ trở nên bộ dạng này, không biết làm sao đối mặt với bà nội anh nữa.
Hơn năm giờ sáng, anh kể tôi nghe những chuyện xấu mà anh đã làm những năm nay, tôi liền hỏi: “Người anh em, hối hận rồi sao?”
Anh nói: “Không! Tôi chỉ hối hận ngày hôm đó không khóa cửa lại, g.i.ế.t hết những người đó. G.i.ế.t hai người cũng c.h.ế.t, g.i.ế.t mười người cũng phải c.h.ế.t.”
Qua một lúc anh lại nói rằng: “Thật ra lúc đó không nên như vậy, nếu tôi để đám người đó đập mình một trận, thì đâu xảy ra nhiều chuyện như thế này. Cũng không cần phải ăn thêm viên đạn. Biết trước vậy thì thà đi cày làm ruộng, vậy thì ít ra có thể yên lành sống cả đời rồi.”
Anh nói tiếp: “Trần, sau khi tôi đi rồi, anh đi thăm con tôi nhé, anh tuy là không lớn tuổi, nhưng tôi cảm thấy anh rất đáng tin, anh nói với thằng nhóc là, đừng đi sai đường, phải cố gắng học tập. Nếu không thích đi học thì nghỉ, tìm một công việc tốt để làm, nhà không thiếu tiền, còn trẻ đừng gây họa là được.”
Tôi nói: “Anh cứ yên tâm đi, tôi ra ngoài nhất định sẽ đi thăm con anh, dạy cho nó vài điều về xã hội.”
Tôi lại hỏi tiếp: “Có muốn ăn thêm gì không? Chút nữa cũng phải ngồi xe một lúc, đừng để giữa đường lại đói.”
Anh nói được, tôi đi úp cho anh bát mì, lấy thêm cái trứng, da heo với chai coca. Lúc này, anh nhíu mày, trên mặt không còn một chút cảm xúc, cũng chẳng thốt lời nào.
Trong lúc ăn, anh đột nhiên suy sụp, đôi tay run đến nỗi dọa người. Tôi chạm tay anh ấy, ướt át lại lạnh băng, như là người c.h.ế.t vậy.
5 giờ 55 phút, tiếng ken két của cửa sắt được mở ra, anh liền nắm chặt lấy tay tôi, chỉ có người c.h.ế.t mới có nhiệt độ như vậy, các bạn sẽ không thể hiểu được đâu, trừ khi bạn đã từng chạm qua người c.h.ế.t. Cái lạnh đó, rất là khác so với cái lạnh bình thường.
Anh nói với tôi: “Trần à, tôi phải đi rồi, về sau anh có ra ngoài nhớ đừng có dễ nổi nóng quá, lão ca đây c.h.ế.t rồi cũng sẽ phù hộ cho anh, những gì lão ca nhờ anh, nhớ đừng có quên đấy!!”
Lúc đó tôi chỉ biết nói với anh ta ba từ “Yên tâm đi!” rồi hai tay tôi nắm chặt, tôi chẳng biết phải làm gì nữa.
Quản giáo đã đến, chúng tôi bắt đầu gỡ còng chân cho Tiểu Mao, đổi thành còng tay, Tiểu Mao đang mặc bộ đồ vest, nhìn rất đẹp, vốn dĩ anh ta cũng đã đẹp trai sẵn rồi, chỉ tiếc là… không phải để kết hôn, mà là đến nơi hành quyết.
6 giờ 10 phút, cửa sắt lại phát ra một tiếng, sắc mặt của Tiểu Mao liền trắng bệt, anh lại hỏi tôi: “Có phải đến lúc đi rồi không?”
Tôi đáp lại: “Anh em chúng ta dẫu sao cũng từng kề cạnh nhau, nhớ đừng làm mất mặt nhé, đừng có như phòng B kế bên, lại đi ra quần lại đứng không nổi, anh cứ yên tâm đi, những gì tôi hứa với anh, tôi nhất định sẽ làm.”
Anh liền cười nói rằng: “Tôi sẽ không như vậy.”
Nhưng thực tế là anh đang run, run đến nỗi khiến người phát sợ.
Nói xong câu này, hai cảnh sát vũ trang xuất hiện, mở cửa ra dẫn Tiểu Mao rời đi. Lúc Tiểu Mao bị dẫn đi, dáng anh thẳng tắp. Chúng tôi đều áp vào cửa đưa mặt ra nhìn thêm một chút. Cửa sắt đóng lại, về sau đã không còn nghe được bất kì giọng nói nào của Tiểu Mao nữa.
Sau đó tôi được biết rằng, trước khi Tiểu Mao c.h.ế.t, đã từ chối gặp ba mẹ anh. Chỉ để lại hai bức di thư, một phần là của tòa án, một phần là cho phía quản giáo, về phần này, anh ta viết những tám trang giấy, còn viết về cái gì, thì tôi không biết nữa.
Kết cục của Tiểu Mao không cần nói cũng tự hiểu. Tiểu Mao có phải người tốt không? Nhất định không, g.i.ế.t người là phải t.ử hình. Nhưng hai gã mà anh ta g.i.ế.t, theo tôi thấy, cũng không phải là loại tốt lành gì.
Đúng là bi kịch…!
Tiểu Mao cũng chỉ là một trong số đó thôi, người mà khiến tôi ấn tượng nhất là người đàn ông trung niên 52 tuổi. Chúng tôi đều gọi anh là Trương Học Hữu, bởi vì anh rất giống rất là giống, mà hát còn hay nữa.
Anh rất hòa đồng, trên mặt lúc nào cũng nở nụ cười cả. Nhưng anh ta rất thảm, con trai của anh, đã c.h.ế.t lúc anh 40 tuổi.
Còn về nguyên nhân c.h.ế.t? Đó là lúc con trai anh vừa lên cao trung, trong lúc chạy bộ ở trường, đột nhiên bị đau tim, đợi đến lúc xe cấp cứu đến thì cũng đã c.h.ế.t rồi. Vợ chồng anh còn chưa kịp đến bệnh viện, con anh đã ra đi, trung niên tán tử*, là nỗi đau lớn nhất của một đời người.
(*Trung niên tán tử: cũng có nghĩa là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, ở độ tuổi trung niên mà mất đi đứa con của mình.)
Về sau, vợ anh liền mắc bệnh trầm cảm, thuộc dạng nghiêm trọng, do làm ở đơn vị doanh nghiệp, cho nên đã xin nghỉ ở nhà tịnh dưỡng, cứ vậy mà ba năm trôi qua. Lãnh đạo đơn vị nhìn thấy họ thật sự quá không may, khuyên anh nghỉ làm săn sóc vợ, nhưng anh vẫn cần đến đồng lương chăm lo cho cuộc sống, nuôi dưỡng cho vợ.
Có hôm anh tan ca, về đến nhà chẳng thấy vợ anh đâu, anh biết bệnh tình của vợ mình nghiêm trọng, nên đã chạy khắp nơi để tìm. Sau một ngày không tìm được, anh liền báo cảnh sát, tiếp theo sau đó là những ngày tìm kiếm dài vô tận vẫn không tìm được.
Nửa tháng sau, anh đã tìm thấy vợ anh ở Tùng Hoa Giang.
Cuộc đời của anh, giống như một vở kịch vậy, hóa ra anh miệt mài tìm kiếm, cuối cùng chỉ tìm được cái x.á.c của vợ anh.
Không lâu sau, mẹ anh lại c.h.ế.t vì tai biến mạch máu não, c.h.ế.t một mình trong nhà, vì ba anh đã mất từ lâu rồi. Xử lý chuyện hậu sự cho mẹ anh xong, anh thẫn thờ trong nhà ba ngày. Đến ngày thứ tư, khi anh rời khỏi quán ăn sau cuộc cãi vã với ai đó, anh chạy đến cửa hàng mua một cây búa.
Anh đứng đối diện quán ăn đợi người đó đi ra, anh đi theo sau lấy búa đập thẳng vào đầu người đó, rồi lại thêm vài nhát mới thôi. Việc sau đó anh làm là ngồi lại bên cái x.á.c, đợi cảnh sát đến bắt chứ không phải chạy trốn.
Một ngày trước khi bị t.ử hình, Trương Học Hữu chỉ ngồi yên ở cửa phòng giam, ngân nga câu hát, nhưng chỉ hát nhỏ tiếng thôi, anh là người rất tinh tế, đến đêm cuối cùng, anh ấy cũng sợ làm phiền chúng tôi.
Tôi ngủ được một chút, thức dậy thì đến cạnh chỗ anh ta ngồi. Anh chẳng nói lời nào, tiếp tục hát, chỉ hát chay thôi, nhưng lại rất hay, anh chỉ hát mỗi bài “Ánh mắt của anh” – một bài hát của Thái Cầm, khiến tôi rất ngưỡng mộ. Trong khi tôi nói với anh biết bao nhiêu, anh vẫn mặc kệ tôi, hơn 4 giờ sáng, anh hát bài cuối cùng thì người ta đưa cơm đến.
Những món anh chọn rất đơn giản, một dĩa khoai tây xắt, một tô hoành thánh, thêm một dĩa dưa chua.
Anh ăn cũng nhanh lắm, rất tỉ mỉ, một viên hoành thánh phải nhai một lúc mới nuốt xuống, khoai tây ăn lần vài cọng, không chừa gì cả, canh cũng không còn một giọt.
Anh bắt đầu kể tôi nghe về chuyện gia đình anh, anh và vợ anh, Nhược Di quen biết như thế nào. Lúc anh phát hiện được t.h.i t.h.ể của vợ anh, khuôn mặt rạng rỡ liền giàn giụa nước mắt. Yên tĩnh thật sự, tôi chỉ có thể nghe được âm thanh của nước mắt rơi xuống. Cuộc đời của tôi, lần đầu tiên thấy được nhiều nước mắt như vậy.
Rõ ràng là đau đớn tột độ, nhưng lúc nào cũng phải đeo cho mình cái mặt nạ để sống.
Nhưng tôi cảm nhận được, người phụ nữ này đối với anh quan trọng đến mức nào, nếu như không phải vì người phụ nữ này, anh cũng sẽ không đi đến bước đường cùng. Lúc cô tự sát, tia ấm áp cuối cùng của anh cũng vì thế mà không còn.
Tôi liền nói với anh: “Hay anh kể tôi nghe về cô ấy đi! Mình không có rượu, mình uống coca. Kiếp sau nếu có trùng phùng, chúng ta cùng nhau uống vài ly, tôi cũng rất muốn nghe về câu chuyện của cô Nhược Di.”
Anh bắt đầu kể về vợ anh, con trai anh. Mặt anh liền rạng rỡ, nhất là khi nói đến con trai anh, lên cao trung là một học sinh giỏi, luôn luôn đứng ở top 10 trong mỗi kì thi, anh bảo đó là niềm tự hào của anh.
Nói được một lúc, anh nhìn tôi bảo là: “Anh biết không? Tôi đang rất mong chờ, tôi phải đi gặp họ thôi, tôi rất nhớ họ. Không phải là tôi mê tín, nhưng mà, nếu tôi còn sống thì nhất định sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Còn khi tôi c.h.ế.t thì lại khác, biết đâu tôi sẽ gặp được họ thì sao? Anh không biết tôi nhớ họ đến mức nào đâu, những ngày này cứ mỗi khi nhắm mắt, trong đầu tôi như tua lại một thước phim, chỉ toàn là hình ảnh của họ, tua đi tua lại không ngừng, lần này tôi c.h.ế.t, chắc cả nhà có thể đoàn tụ rồi nhỉ?”
Tôi chỉ biết trả lời: “Đúng đó, con người thì phải có kiếp sau, vợ và con trai anh nhất định là đang đợi anh đến.”
Nghe tôi nói xong, anh rất vui. Anh đáp: “Tôi cũng nghĩ vậy đấy, bình thường chẳng ai thèm để ý đến tôi cả.”
Bất giác tôi chạm vào tay anh ta, thật ấm áp, cứ như mang theo sự ấm nóng của viên hồng ngọc vậy.
Khác với Tiểu Mao, anh ta là sự ấm áp, không có bất kì cảm xúc c.h.ế.t chóc nào, thậm chí như là đang tìm đến một con đường mới cho mình.
Sau đó anh lại không nói nữa, bắt đầu hát, vẫn là ca khúc đó, “Ánh mắt của anh”.
Lúc cảnh sát võ trang đến dẫn người đi, anh không có một chút lo sợ, cảm giác như anh không phải đang đi đến chỗ c.h.ế.t. Khuôn mặt rạng ngời, tràn đầy nụ cười, cứ thế mà bước đi theo họ. Trước khi đi, anh còn quay đầu lại mỉm cười với chúng tôi.
Tiếng đóng cửa thật lớn, “Trương Học Hữu” thật sự rời xa chúng tôi rồi, tiếng nhạc du dương mỗi đêm, dù là không nói không rằng, nhưng lại khiến người khó quên.
Đó là “Ánh mắt của anh”, vừa sáng lại vừa đẹp…
Người dịch: Jiamin Ng