Trước nay văn học Séc tôi vẫn thích nhất ông Milan Kundera, mấy cuốn Nhã Nam làm cuốn nào chất lượng, giấy xốp nhẹ tênh. Nhưng nói đến văn học Séc mà bỏ qua ông Karel Capek thì thật thiếu sót. Ông được coi là nhà văn Séc vĩ đại nhất thế kỷ 20. Đọc văn ông Capek vừa có tính giễu nhại sâu cay, vừa đả kích vạch trần bộ mặt giả dối của chính quyền. Thành công đầu tiên trong văn nghiệp của Capek là vở kịch Những robot toàn năng của Rossum hay còn gọi là R.U. R. Nội dung kể về một đám robot hoàn hảo vừa có trí tuệ vừa có hình thức, thay con người đảm nhiệm mọi công việc, khiến cho họ trở nên ỷ lại, lười biếng. Vở kịch được viết vào năm 1933, đã báo động cho nhân loại bi kịch dựa vào trí tuệ AI nguy hiểm như thế nào. Tác giả giải thích rằng từ lao động labori trong tiếng Latin nghĩa là “lao động” và ban đầu ông định dùng để gọi đám robot, thế nhưng ông anh Josef Capek đã đề xuất roboti (tiếng Anh là robot), từ này xuất phát từ từ robota, nghĩa là lao động khổ sai, bóng ma hay chăm chỉ trong tiếng Séc.
Tiếp đó ông cho ra mắt cuốn Khi loài vật lên ngôi, đỉnh cao của tác giả, được xem là cuốn sách xuất sắc nhất của Capek, thể hiện tư tưởng vượt thời đại rõ ràng nhất.
Khi loài vật lên ngôi là câu chuyện về tay thuyền trưởng lắm mưu nhiều mẹo J. van Toch đã tìm ra một nguồn lực rẻ rúng, dồi dào và dễ bảo: đám sa giông sống dưới nước. Chúng có thể cầm nắm, có trí khôn và khả năng bắt chước hành động của con người. Như là có một phân đoạn con sa giông đọc báo trong sở thú, giao tiếp với con người bằng những câu cú học mót qua trang báo có khác gì một xã hội loài người bị rập khuôn, bị giật dây trong chính những trang thông tin mà họ thường cho là “có ích”.
Đám sa giông ấy là nguồn lực tuyệt hảo để đào tạo trở thành những kẻ lặn ngụp mò ngọc trai cho Toch. Thế nhưng chẳng mấy chốc, chúng đã nhận ra thân phận nô lệ của mình và muốn vùng lên đấu tranh. Đó chính là thời điểm nhân loại đứng trên bờ vực thẳm.
Tiếp đến một tác phẩm về loài xxx lên ngôi, lần này là Siêu nhiên. Ơ không phải đám Siêu anh hùng vẫn bay vèo vèo đâu. Nhà máy chế tạo Siêu Nhiên kể về một nhà khoa học đã phát minh ra lò phản ứng đốt cháy hết vật chất để tạo ra nguồn năng lượng rẻ và dồi dào. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, khi vật chất bị tiêu diệt, bản chất tinh thần bị giam giữ trong mọi vật chất được giải phóng, lò phản ứng đã sản sinh ra một thứ khí độc “phụ phẩm” – năng lượng tự do – Siêu Nhiên. Từ khi ” Karburátor” được nhà máy sản xuất hàng loạt, thay thế hoàn toàn động cơ, máy móc trên thế giới, loài người bắt đầu xuất hiện nhiều “siêu nhiên”: ông quản gia có khả năng chữa lành bệnh bằng tay, cô gái đọc được suy nghĩ ngươi khác, các phép lạ như bay bỗng, chiếu sáng xuất hiện tràn lan,… “Karburátor” làm đảo lộn cả thế giới về mặt kỹ thuật cũng như xã hội. Khi Siêu Nhiên, hay Thượng đế, được giải phóng khỏi nơi giam giữ nó, vô số tôn giáo mọc lên – nhà thờ của máy móc công nghiệp – trong khi doanh nhân phát minh ra Karburator ẩn náu ở vùng núi cách xa các tác dụng phụ nguy hiểm của năng lượng mới. Karburátor như một vị Thượng đế bị nhốt suốt mấy ngàn năm, bây giờ thả ra vô cùng nghịch ngợm, nó hoạt động liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu. Công nhân thất nghiệp, sản phẩm dư thừa đến nỗi đổ ra đường không ai lấy. Nền kinh tế bắt đầu sụp đổ. Chiến tranh tôn giáo – quốc gia bắt đầu.
Bên cạnh tiểu thuyết và kịch, ông Capek còn viết truyện ngắn, điển hình có cuốn tuyển tập truyện ngắn Hoa cúc xanh. 40 câu chuyện trong sách độ dài vừa phải, được viết dưới dạng trinh thám như thực chất phản ánh đời sống thường nhật của những người Séc đầu thế kỷ 20. Tôi ấn tượng nhất với câu chuyện Hoa cúc xanh. Hạnh phúc nhiều khi đến từ những điều đơn giản nhất, ví dụ như chẳng ai tìm ra hoa cúc xanh vì nói mọc phía sau đường tàu có biển báo “cấm đi”. Chỉ có mỗi con bé dở dở điên điên Klára chả biết đọc lại “ngu si hưởng thái bình” vớ được loài hoa quý hiếm ấy.
Ngoài cuốn Những robot toàn năng của Rossum, Capek còn viết một cuốn nữa về dịch bệnh, tên là Bílá nemoc, tiếng Anh là The White Disease mà tôi tạm dịch là Bệnh trắng. Căn bệnh giống như hủi, ban đầu sẽ có những vết trắng trên da ở cổ, ngực… sau đó lan rộng ra. Những người trên 45 tuổi là dễ mắc hơn cả. Ngài Nguyên soái vô cùng lo lắng, muốn kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt. May thay, có bác sĩ Gálen đã nghiên cứu thành công phương pháp chữa trị. Tuy nhiên ông bác sĩ này đưa ra một yêu cầu vô cùng ngặt nghèo, đó là các nước phải giả trừ vũ khí, không được phát động chiến tranh nữa, thì ông mới chữa bệnh cho người giàu, còn không, ông sẽ chỉ chữa cho những người nghèo khổ. Tại sao người giàu lại không được chữa bệnh nếu không đáp ứng yêu cầu của ông? Chung quy ông cho rằng những người giàu là những người có tiếng nói trong xã hội, họ phải có trách nhiệm với những người nghèo. Một pha ép buộc không ổn đến từ bác sĩ Gálen. Lời thề Hippocrate không làm bác sĩ cảm thấy lăn tăn sao? Xã hội trong Bệnh trắng như một bối cảnh thu nhỏ của liên minh châu Âu, một mình Nguyên soái vẫn giữ vững phong độ, sẵn sàng lợi dụng thời cơ để chiến tranh nổ ra.