1. SƠ LƯỢC VỀ VỤ KIỆN
Đảo Palmas theo tên gọi của Hoa Kỳ hoặc Miangas theo tên gọi của Hà Lan, là một hòn đảo nhỏ, cách khoảng 50 dặm về phía đông nam Cape San Augustin (Mindanao) khoảng 05035’vĩ Bắc, 126036’ kinh Đông. Ngày nay còn được biết đến với tên gọi khác là đảo Pula Miangas, một bộ phận lãnh thổ nước Cộng hòa Indonesia. Hòn đảo này chủ yếu là đồng bằng, cao khoảng 1,5 mét trên mực nước biển. Có chiều dài 2 dặm, chiều rộng 0,75 dặm. Tính đến 2009, dân số trên đảo khoảng 680 người.
Ngược dòng thời gian về đầu thế kỷ trước, hòn đảo Palmas (Miangas) là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Hoa Kỳ và Hà Lan. Hồ sơ vụ kiện thể hiện ngày 21/01/1906, Tướng Leonard Wood đã tiếp xúc lần đầu tiên với hòn đảo. Tướng Wood đã gửi báo cáo với Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và dẫn đến tuyên bố rằng đảoPalmas (hay Miangas) nằm trong quần đảo Philippines, được phân định tại ĐiềuIII của Hiệp ước hòa bình giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha ngày 10/12/1898 (Hiệp ước Paris). Nhưng thời điểm này đảo Palmas (Miangas) cũng đang được Hà Lan coi như một phầnlãnh thổ thuộc sở hữu của họ.
Những bất đồng giữa hai bên dẫn đến ngày 23/01/1925, Hoa Kỳ và Hà Lan ký một Hiệp định đặc biệt về việc đệ trình tranh chấp ra Trọng tài thường trực quốc tế La Hay. Tại Điều I của Hiệp định quy định Trọng tài sẽ gồm một trọng tài viên có nhiệm vụ duy nhất là quyết địnhrằng toàn bộ đảo Palmas (hay Miangas) thuộc một phần lãnh thổ hoặc của Hoa Kỳ hoặc của Hà Lan. Trọng tài Max Huber được ủy nhiệm làm Trọng tài viên duy nhất theo Hiệp định đặc biệt ngày 23/01/1925.
Các bên đã đệ trình lên Trọng tài Bị vong lục, Phản bị vong lục, các bản giải trình, kèm theo 53 bản đồ, các phác thảo và các bức ảnh chụp lại, Hải đồ Hải quân Anh 2575, 06 bản sao của thư tín ngoại giao.
Lập luận của Hoa Kỳ dựa trên 3 căn cứ là xuất phát từ điều ước quốc tế về chuyển nhượng lãnh thổ, tính kề cận địa lý và bằng chứng từ những tấm bản đồ. Họ cho rằng chủ quyền của họ dựa trên danh nghĩa chuyển nhượng theo các điều ước quốc tế. Cụ thể là Hiệp ước Münster năm 1648 ký kết giữa Tây Ban Nha và Hà Lan và Hiệp ước Pais 1898 giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ. Do Tây Ban Nha là nước đầu tiên phát hiện đảo Palmas. Điều 5 của Hiệp ước Münster ngày 30/01/1648 ký giữa Tây Ban Nha và Hà Lan đã xác định Tây Ban Nha có chủ quyền đối với Philippines bao gồm cả Palmas (Miangas). Tiếp đó Hiệp ước Paris ngày 10/12/1898 về việc chấm dứt chiến tranh giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã quy định tại Điều 3 rằng Tây Ban Nha chuyển nhượng Philippiness cho Hoa Kỳ. Cho nên Hoa Kỳ có chủ quyền đương nhiên đối với đảo Palmas (Miangas). Ngoài ra Hoa Kỳ còn viện dẫn nguyên tắc contiguity (tiếp giáp, kề cận địa lý) rằng Palmas (Miangas) tạo thành một phần địa lý của quần đảo Philippines và xuất phát từ nguyên tắc kề cận nên thuộc về nước có chủ quyền đối với Philippines. Cuối cùng Hoa Kỳ đưa ra nhiều tấm bản đồ để chứng minh chủ quyền của họ trên đảo tranh chấp.
Hà Lan viện dẫn chủ quyền dựa trên việc quản lý của nhà nước một cách thực tế trong hòa bình và liên tục. Lý lẽ chính của Hà Lan luôn cố gắng chỉ ra rằng Hà Lan được Công ty Đông Ấn đại diện cho mục đích của họ trong giai đoạn đầu tiên thuộc địa, đã sở hữu và thực thi chủ quyền từ năm 1677, hoặc có thể là từ một ngày trước sự kiện năm 1648 (Hiệp ước Münster). Chủ quyền này phát sinh từ Hiệp ước gia nhập với các Hoàng tử bản địa đảo Sangi, thiết lập quyền thống trị của Hà Lan trên lãnh thổ của các hoàng tử này, bao gồm cả Palmas (hay Miangas).
Như đã thấy, sau ba năm xét xử, ngày 04/4/1928 Trọng tài đã ra phán quyết đảo Palmas (Miangas) thuộc chủ quyền của Ha Lan.
2. NHỮNG GIÁ TRỊ RÚT RA TỪ PHÁN QUYẾT CỦA TRỌNG TÀI
2.1. Nguyên tắc luật đương đại và nguyên tắc chiếm hữu thật sự
Trọng tài đã phân tích các bằng chứng được các bên đệ trình và công nhận Tây Ban Nha là nước đầu tiên phát hiện ra đảo Palmas (Miangas). Trong phán quyết, ông nhận xét rằng: “Không có vẻ là sự phát hiện ra đảo Palmas (hay Miangas) được thực hiện bởi đại diện của một nước không phải Tây Ban Nha, hoặc Bồ Đào Nha. Vì mục đích của vụ việc này, trong bất kỳ trường hợp nào, đều công nhận danh nghĩa ban đầu xuất phát từ việc phát hiện thuộc về Tây Ban Nha”. Tuy nhiên Trọng tài cho rằng các nguyên tắc của Luật quốc tế có quá trình hình thành và phát triển. Trong quá trình đó, pháp luật ngày càng hoàn thiện. Các hành vi chiếm hữu lãnh thổ phải đáp ứng các điều kiện phát triển của pháp luật đương thời với chúng: “Liên quan đến câu hỏi hệ thống pháp luật khác nhau nào kế tiếp về thời gian sẽ được áp dụng trong trường hợp cụ thể (được gọi là luật đương đại) phân biệt giữa việc tạo ra các quyền và sự tồn tại của các quyền. Theo nguyên tắc đó, chủ thể của hành động tạo ra một quyền có hiệu lực pháp luật tại thời điểm phát sinh quyền, quyền đó đòi hỏi phải hiện hữu thực sự, nói cách khác phải thể hiện liên tục, đáp ứng các điều kiện phát triển của pháp luật”. Trọng tài đã lập luận rằng việc phát hiện không tạo ra một danh nghĩa chủ quyền cuối cùng, mà chỉ là một danh nghĩa ban đầu, phôi thai (inchoate title). Để có chủ quyền trên những hòn đảo được phát hiện, danh nghĩa khám phá ban đầu phải được hoàn tất trong một khoảng thời gian hợp lý bằng việc chiếm đóng hữu hiệu trên khu vực tuyên bố đã phát hiện. Từ nguyên tắc đó, Trọng tài đã so sánh hành động thực tế của Tây Ban Nha và Hà Lan trên đảo tranh chấp, kết hợp với đánh giá các tài liệu được đệ trình.
Khi xem xét các hành động của Tây Ban Nha, Trọng tài đã nhận xét: “Không có bất kỳ tài liệu chính thức nào đề cập đến đảo Palmas được đặt dưới nền hành chính hoặc tư pháp một huyện của Chính phủ Tây Ban Nha trước đây ở Philippines”. “Đối với các thông tin liên quan đến tiếng bản địa hoặc hiểu biết của người Tây Ban Nha, ngay cả khi được cung cấp đầy đủ, vẫn còn quá mơ hồ để chỉ ra sự tồn tại của mối liên kết chính trị và hành chính giữa Palmas (hay Miangas) và Mindanao”.
Như vậy, mặc dù Trọng tài công nhận danh nghĩa phát hiện ban đầu đối với hòn đảo tranh chấp thuộc về Tây Ban Nha, nhưng danh nghĩa ban đầu chưa tạo ra danh nghĩa chủ quyền hoàn chỉnh. Cho đến thời điểm Tây Ban Nha chuyển nhượng Philippines cho Hoa Kỳ theo Hiệp ước Paris 1898 thì chủ quyền của Tây Ban Nha trên hòn đảo Palmas (Miangas) quá mờ nhạt, không đủ cơ sở để khẳng định. Vì vậy, Tây Ban Nha không thể chuyển giao đảo Palmas – lãnh thổ không phải của họ cho Hoa Kỳ, Trọng tài nhận xét: “Hiển nhiên là Tây Ban Nha không thể chuyển giao nhiều hơn những quyền mà mình có”.
Trong hoàn cảnh ấy, các tài liệu đã chứng minh khá đầy đủ việc công ty Đông Ân của Hà Lan đã ký kết hiệp ước với các lãnh chúa bản địa và thực thi chủ quyền một cách hoà bình, liên tục bằng các hành động như phát cờ, huy hiệu, lập bản đồ, tổ chức địa giới hành chính, thu thuế… Trọng tài đánh giá cao các hành vi của Hà Lan thông qua các sự kiện sau đây:
– Giai đoạn từ cuối thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, các công ty được quốc gia đầu tư, trở thành chủ thể mang quyền lực công cộng khai phá và quản lý thuộc địa. Công ty Đông Ấn là một trong số những công ty nổi tiếng nhất. Các giao ước giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với các hoàng tử hoặc thủ lĩnh các dân tộc bản địa, ngoài những lợi ích, các đặc quyền về thương mại và hàng hải cũng như các quan hệ bang giao với các chính quyền khác và thực hiện quyền lực công cộng đối với công dân, người nước ngoài. Trọng tài nhận xét: “các giao ước phổ biến như vậy tạo nên bá chủ và chư hầu hoặc cái gọi là chế độ thuộc địa”.
– Tiếp theo, Trọng tài đánh giá cao các hành động thực tế mang đặc trưng của nhà nước trên đảo Palmas (hoặc Mianga) trong những kỷ nguyên khác nhau vào giữa những năm 1700 và năm 1898 và giữa năm 1898 và 1906. Hàng loạt các hành động của Hà Lan trên thực tế đã được Trọng tài cân nhắc, coi đó là minh chứng cho việc thực thi chủ quyền hữu hiệu hơn so với những hành vi mờ nhạt của Hoa Kỳ. Đó là biểu tượng của nhà nước Hà Lan trên đảo diễn ra trong trong chuyến thăm vào tháng 01/1906, Tướng Wood đã ngạc nhiên về việc quốc kì Hà Lan tung bay trên bãi biển và trên con thuyền đi đến chỗ tàu của Hoa Kỳ. Ông coi đó là dấu hiệu sở hữu của Hà Lan tại thời điểm viếng thăm. Năm 1896, Hà Lan có hành động trao huy chương cho người đứng đầu hành chính trên đảo tại Miangas. Hà Lan hoàn toàn hiểu biết về đặc điểm của Miangas, được vẽ trong nhiều bản đồ như “Palmas”; thể hiện trong báo cáo của Tư lệnh hải quân Hà Lan tầu “Raaf” (tháng 11/1896) và tầu H.M.S “Edi” (tháng 6/1898). Những sỹ quan này đề cập những cái tên kép và hầu hết vị trí đường biển chính xác về hòn đảo sau chuyến viếng thăm. Thêm nữa, những hoạt động của Hà Lan về tổ chức hành chính như: lập danh sách tên của các ngôi làng (negorijen), các huyện, chức danh chủ tịch (djoegoeschappen) cũng như số lượng, chức vụ, tên của các quan chức bản địa. Hoặc thông qua hoạt động thu thuế: Chính phủ Hà lan đã lập biểu thuế, số người nộp thuế, số tiền phải nộp “mỗi người đàn ông bản địa trên 18 tuổi phải nộp 01 florin thay vì nộp bằng vật cống nạp như trước khi ký giao ước năm 1885.
Trọng tài cũng nhận xét rằng các hành động trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện chủ quyền của Hà Lan đối với đảo Palmas (Miangas) đặc biệt là trong thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 có một số gián đoạn. Nhưng theo Trọng tài, đối với một hòn đảo nhỏ và xa bờ, chỉ có dân bản địa sinh sống, không có người lui tới thì sự gián đoạn ngắn là chấp nhận được.
Nhận xét: Trong vụ án, cả hai bên đều lý giải nguồn gốc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ của mình. Theo Hoa Kỳ, nguồn gốc ấy cơ bản xuất phát từ việc Tây Ban Nha phát hiện hòn đảo đầu tiên, sau đó chuyển giao cho Hoa Kỳ thông qua điều ước chuyển nhượng. Hà Lan không phải nước phát hiện đầu tiên nhưng là nước thiết lập chủ quyền một cách thực sự trên hòn đảo tranh chấp. Để giải quyết mâu thuẫn này, Trọng tài Max Huber đã dẫn chiếu tập quán chiếm hữu lãnh thổ, trong đó hai nguyên tắc quan trọng được áp dụng là nguyên tắc luật đương đại (intertemporal law) và chiếm hữu thật sự.
Nguyên tắc luật đương đại phân biệt giữa việc tạo ra các quyền và sự tồn tại của các quyền. Chủ thể của hành động tạo ra một quyền có hiệu lực pháp luậttại thời điểm phát sinh quyền, quyền đó phải đáp ứng các tiêu chuẩn của pháp luật đặt ra trong từng thời kỳ mà quyền đó được tạo ra. Đối với chiếm cứ lãnh thổ, từ thế kỷ 19, chỉ phát hiện không thôi không tạo ra một danh nghĩa chủ quyền cuối cùng, mà chỉ là một danh nghĩa phôi thai. Danh nghĩakhám phá ban đầu phải được hoàn tất trong một khoảng thời gian hợp lý bằng việc chiếm đóng hữu hiệu trên khu vực tuyên bố đã phát hiện. Vì vậy, Trọng tài xác nhận Tây Ban Nha là nước đầu tiên phát hiện hòn đảo Palmas (Miangas) nhưng do không duy trì việc chiếm đóng hữu hiệu trên hòn đảo này, nên không được công nhận quyền sở hữu và đương nhiên không có quyền chuyển nhượng hòn đảo này cho Hoa Kỳ vào thời điểm 1898.
Nguyên tắc thứ hai có tính quyết định đến phán quyết đảo Palmas (Miangas) thuộc Hà Lan là nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Hà Lan có mặt muộn hơn Tây Ban Nha nhưng có những hành xử chủ quyền hữu hiệu trên đảo Palmas (Miangas). Sự chiếm đóng hữu hiệu của Hà Lan được khẳng định bằng các hành động thực sự, hoà bình, liên tục, công khai, đã thuyết phục Trọng tài hơn so với sự phát hiện ban đầu, chỉ tạo nên danh nghĩa phối thai của Tây Ban Nha. Nghiên cứu bản phán quyết thấy chủ thể của hành vi chiếm hữu lãnh thổ thuộc về nhà nước, thông qua các viên chức thừa hành (các sỹ quan chỉ huy, người đứng đầu bộ máy hành chính…), các tổ chức nhà nước (Công ty Đông Ấn, bộ máy hành chính thuộc địa…) và các biểu tượng của nhà nước (cờ, huy hiệu…), cũng như các hành vi chiếm hữu mang đặc trưng của nhà nước (các giao kết chính trị với thủ lĩnh bản địa, bảo hộ ngoại giao, kinh tế, thu thuế v.v…). Một tiêu chuẩn nữa mà Trọng tài đã phân tích là hành vi chủ quyền phải công khai, liên tục trong thời gian dài. Tuy nhiên tính liên tục không đồng nhất với thường xuyên mà có những gián đoạn nhất định tuỳ thuộc vào hoàn cảnh địa lý, xã hội của vùng lãnh thổ ấy.
2.2 Giá trị của các tấm bản đồ
Cả Hoa Kỳ và Hà Lan đều đệ trình lên Trọng tài nhiều tấm bản đồ để chứng minh cho luận điểm của mình. Hoa Kỳ đệ trình 12 bản đồ kèm theo Bị vong lục, 3 bản đồ kèm theo Phản bị vong lục, 8 bản đồ kèm theo Kháng biện. Hà Lan đệ trình 4 bản đồ kem theo Bị vong lục, 01 bản đồ kèm theo Phản bị vong lục, 25 bản đồ và phác thảo kèm theo bản Giải trình. Số lượng bản đồ được các bên trình lên khá lớn, nhiều tên địa danh trong đó không thống nhất nhưng đều được các bên biện luận là danh xưng của Palmas (Miangas).
Trọng tài đã rất thận trọng trong việc xem xét các tấm bản đồ này. Ông nhận xét: “chỉ có thể với sự thận trọng cao nhất đối với các tấm bản đồ các tỷ lệ mới có thể cân nhắc đến việc quyết định câu trả lời về chủ quyền trong trường hợp của đảo như Palmas (hay Miangas). Theo Trọng tài, bản đồ có giá trị chứng minh phải đáp ứng được độ chính xác cao về địa lý: “Điều kiện yêu cầu đầu tiên đối với bản đồ dùng làm bằng chứng pháp lý là độ chính xác địa lý. Bản đồ không chỉ ở thời cổ đại mà ngay cả bản đồ hiện đại, dù chính thức hay bán chính thức, đều cần độ chính xác”, phải thể hiện độ tin cậy dựa trên những thông tin thu thập được một cách tin cậy dựa trên những thông tin được thu thập một cách kỹ lưỡng. Điều quan trọng nữa, bản đồ phải chỉ ra được chính xác sự phân chia về chính trị. Ở trường hợp này hiểu là phân chia về biên giới lãnh thổ: “Bất kỳ tấm bản đồ nào không chỉ ra một cách chính xác sự phân chia về chính trị các vùng lãnh thổ, đặc biệt là đối với đảo Palmas (hay Miangas), thì phải được loại bỏ ngay lập tức, trừ khi chúng góp phần xác định – giả sử là chính xác – những vị trí của cái tên địa lý”. Như vậy, theo Trọng tài, bản đồ có giá trị làm bằng chứng phải: (1) Đạt độ chính xác cao các thông tin về địa lý. (2) Dựa trên các thông tin đo đạc kỹ lưỡng, tin cậy. (3) Phải thể hiện sự phân định chính trị (tức phân chia lãnh thổ).
Phạm Vũ Thắng – Thanh tra VKSND tối cao