Tác giả: Michael Simmons
———–
Nhà đầu tư tỉ phú Ray Dalio muốn tìm hiểu thế giới sẽ chuyển vần ra sao, nhưng ông không chỉ theo dõi những tin tức cập nhật. Ông ấy dành rất nhiều tháng để nghiên cứu về những chu kỳ diễn ra từ nhiều trăm năm trước, thứ mà hầu như không mấy ai dành thời gian cho nó.
Bill Gates khi muốn gây dựng Microsoft vào những thập niên 90, ông không chỉ đọc những tin tức và sách báo mới nhất về thị trường. Ông dành thời gian cho khoa học. Trong một buổi phỏng vấn năm 1994:
– Phóng viên: Ông không thích bị gọi là “doanh nhân” có phải không?
– Bill Gates: Đúng vậy. Não tôi có lẽ chỉ dành 10% cho kinh doanh thôi. Việc làm ăn không khó đến mức đó đâu. Tôi không muốn ghi chức danh đó trên danh thiếp của mình.
– Phóng viên: Vậy ông muốn ghi là gì?
– Bill Gates: Nhà khoa học.
Tương tự, khi Elon Musk được hỏi rằng các vị CEO cần hiểu biết về những gì, ông ấy không đưa kỹ năng về kinh doanh lên đầu danh sách, mà phát biểu: “Con đường để trở thành CEO không nên xuất phát từ CFO, hay từ trưởng phòng marketing. Phải là từ công nghệ và thiết kế”.
Như vậy nghĩa là sao?
Tại sao những nhà đầu tư và nhà phát minh hàng đầu nhân loại lại cho rằng kỹ năng kinh doanh không phải là chìa khóa dẫn tới thành công của doanh nghiệp? Như thể nói rằng nuôi dạy con cái không phải yếu tố quan trọng trong việc làm cha làm mẹ vậy.
Bạn sẽ suy nghĩ rằng: họ có một quan điểm khác biệt về các kỹ năng cần có, hay họ chỉ là những người thích “chém gió” để kích thích trí tò mò của người khác? Để trả lời cho câu hỏi này, ta nghĩ xem “chém gió” ở đây là gì? Một thứ gì đó mà để đem đi bốc phét được thì nó phải độc đáo và ít người biết.
Tôi nhận ra là không phải vậy:
– Dalio, Gates và Musk có sự tương đồng. Mặc dù nghe qua thì họ có vẻ đang chém gió thôi, nhưng đào sâu hơn, họ cùng có một cách nghĩ khác so với người thường (tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau)
– Họ không phải là duy nhất: đâu đó 0.0001% nhà đầu tư và nhà phát minh đều có nét tương tự vậy
– Sư khác biệt của họ là yếu tố quyết định
Quan điểm của tôi là những người như Elon Musk, Ray Dalio hay Bill Gates có một cách tiếp cận rất khác biệt và hiệu quả về việc lựa chọn những kỹ năng để theo đuổi, thứ mà những người bình thường như chúng ta có thể học hỏi và áp dụng cho bản thân.
Điều này là rất quan trọng, vì chọn lựa kỹ năng để học chính là kim chỉ nam cho việc học tập. Như Tim Ferriss đã từng nói: “Học cái gì quan trọng hơn học như thế nào”. Nếu ta lựa chọn kém, ta sẽ bị đắm chìm trong đại dương kiến thức của nhân loại. Tất cả công sức mà chúng ta bỏ ra để học hành, khả năng có sẽ không có gì quá nổi bật, thậm chí nếu đen đủi thì sẽ trở nên vô dụng. Mặt khác, nếu chúng ta biết chọn thứ để mà học, thì có thể 100 giờ học kỹ năng đó thôi cũng giúp làm thay đổi cuộc đời của chúng ta. Có một câu nói nổi tiếng của Stephen Covey như để khẳng định điều này: “Nếu cái thang còn chưa dựa được vào bức tường, một bước đi càng đưa ta nhanh hơn đến sai địa chỉ”.
———–
Cùng xem xét những nhân vật khác bên cạnh Gates, Musk hay Dalio sau đây như Warren Buffett, Peter Thiel, Jeff Bezos, Howard Marks,…
Vào những năm 2010, tôi đã có những quyết định trong việc định hướng kỹ năng, thứ mà sau đó đã thay đổi sự nghiệp của chính mình.
Trước tiên, tôi học hỏi từ những nhà đầu tư hàng đầu thế giới, vì tôi tin tưởng rằng mỗi chúng ta ai cũng là một nhà đầu tư, và tư duy của những nhà đầu tư tài chính cũng có thể áp dụng vào đời sống được. Suy cho cùng, chúng ta cũng đang đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức vào các kỹ năng, mối quan hệ, dự án, công việc và kỳ vọng nhận lại lợi nhuận hậu hĩnh trong tương lai.
Tiếp đến, tôi chắt lọc những người mà tôi sẽ học hỏi từ họ. Sau khi đọc cuốn ‘Fooled by Randomness’, tôi nhận ra rằng may mắn quyết định thành công nhiều hơn tôi vẫn nghĩ, và những người thành công đều phần nào thừa nhận điều này. Vì vậy, để lọc ra những người thành công phần lớn dựa vào kỹ năng, tôi lọc theo những tiêu chí sau:
– Họ thuộc top 0.0001% những người giỏi nhất. Nói cách khác họ phải biết chuyển đổi những kiến thức thành tiền bạc, chứ không phải sinh ra đã ở vạch đích
– Họ không phải người nổi tiếng một lần duy nhất. Tôi thu hẹp danh sách những ứng cử viên lại trong những người đã và đang thành công suốt nhiều thập kỷ, chứ không chỉ đơn thuần là một người may mắn chọn đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh một lần trong đời
– Họ sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm của mình cho mọi người, chẳng hạn như viết sách, trả lời phỏng vấn, phát biểu, hùng biện. Chỉ có cách này thì tôi mới có thể học hỏi từ họ
– Họ kiếm tiền một cách chính đáng, không phải tìm cách lách luật hay phi đạo đức, và thường xuyên làm từ thiện nữa thì càng tốt
Bằng cách chắt lọc như vậy, dần dần tôi nhận ra một khuôn mẫu chung đến từ họ. Để tôi trích dẫn thêm để các bạn thấy rõ hơn nhé.
– Warren Buffett: “Bạn tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam”
– Howard Marks: “Để trở thành hàng đầu trong lĩnh vực nào đó, bạn cần bứt phá khỏi đám đông”
– Peter Thiel: “Những dự án tốt nhất thì thường bị bỏ qua, chứ không phải mấy cái mà bị mọi người đồn thổi lên. Vấn đề hay nhất để giải quyết là những thứ mà chưa ai dám nghĩ tới để giải quyết”
– Jeff Bezos: “Lợi nhuận phi thường đến từ những thứ khác với suy nghĩ thói quen, mà suy nghĩ thói quen thì thường rất hợp lý”
Tóm lại, những nhà phát minh, nhà đầu tư hàng đầu đều cho rằng: bạn nên tập trung đầu tư vào những thứ vừa hiếm có và vừa có giá trị. Nó chính là ngôi sao ở trong hình dưới đây.
Tôi gọi đó là “quy tắc ngoại lai”: “Để trở thành người khác biệt, bạn phải là nhà phê bình khôn ngoan hơn cả thị trường”.
Ray Dalio tóm gọn bản chất của quy tắc này như sau: “bạn phải có tư duy độc lập, vì bạn không thể kiếm tiền từ sự đồng nhất của thị trường, thứ mà đã được thể hiện ra giá cả. Phần lớn những lần bạn đánh cược với thị trường thì bạn sẽ sai, vì thế hãy thật khiêm tốn”.
Nghe qua có vẻ hiển nhiên, nhưng quy tắc này khá sâu sắc. Thử phân tích kỹ hơn câu nói của Ray Dalio nhé:
– Nếu bạn đầu tư vào một thứ mà ai cũng cho rằng nó tốt, thì rất có thể giá của thứ đó sẽ bị tăng lên, và bạn đầu tư vào thì sẽ không có lãi lớn nữa. Tương tự như vậy, nếu bạn học một cái gì đó mà vốn dĩ đã phổ biến rồi, thì việc học nó cũng không giúp bạn vượt trội hơn người khác quá nhiều. Nó chỉ giúp bạn bằng với người khác thôi. Giả dụ, một công ty đang muốn tuyển nhân sự. Nếu chỉ mình bạn có những kỹ năng mà họ cần, thì kỹ năng đó sẽ quý như vàng; còn không, bạn chỉ là một mặt hàng thông thường thôi.
– Mặt khác, nếu bạn đi ngược lại đám đông, thì khả năng cao bạn sẽ sai, bởi đám đông thường đúng. Chằng hạn, trong thị trường tài chính, 90% chuyên gia không lãi hơn mặt bằng chung thị trường. Có nghĩa rằng họ không hơn một gã nghiệp dư mua S&P 500 – rổ 500 cổ phiếu thị phần lớn nhất sàn chứng khoán Mỹ. Học cũng vậy: nếu bạn thích chắc cú, thì hãy học những thứ gì mà người ta bảo là nên học. Nhưng đổi lại, nếu muốn làm 1% người giỏi nhất, bạn phải có tư duy khác với 99% còn lại, và phải đúng. Vấn đề là, để mình đúng trong khi người khác sai hết là rất khó.
Lật lại chủ đề, quy tắc ngoại lai không chỉ giúp tôi học nhanh hơn, mà còn giúp tôi đào sâu hơn nữa.
—————-
Áp dụng quy tắc ngoại lai đã làm thay đổi cuộc đời của tôi hoàn toàn. Sự thay đổi lớn nhất mà tôi sớm nhận ra đó là có nhiều thứ mà trước đây tôi tưởng là hữu ích, nhưng thực ra nó không hề. Chẳng hạn:
– Đọc những cuốn sách bán chạy nhất
– Cập nhật những tin tức mới nhất trên thị trường (thứ mà ai cũng theo dõi)
– Đọc mạng xã hội thường xuyên để xem những người nổi tiếng nói gì (lại là điều mà ai cũng làm)
Trước đây tôi cho rằng: cứ cái gì mà ai ai cũng thích, thì nó chắc hẳn phải có ích.
Với quy tắc ngoại lai, mọi thứ ngược lại: nếu mà ai cũng quan tâm, thì nên biết, nhưng nó sẽ không còn tạo ra giá trị (hoặc lợi nhuận) gì to lớn nữa.
Ví dụ nhé: “bạn sẵn sàng chi bao nhiêu cho một liệu pháp điều trị mà bạn biết chắc nếu cứ không làm gì thì bạn sẽ chết?”
Câu trả lời, chắc hẳn là bao nhiêu tiền bạn cũng chịu đúng không? Còn gì quý giá hơn là được tiếp tục sống tiếp?
Giờ, giả sử liệu pháp đó ai cũng biết đến, ai cũng làm được. Vậy giờ bạn chỉ nên trả vài đô cho nó thôi!
Kỹ năng mà quý giá, nhưng không hiếm, thì người ta sẽ trả giá ít đi. Chính vì thế, bỏ công ra học nó thì thu lại không nhiều bằng việc đi học một liệu pháp chữa bệnh khác mà ít người biết đến.
Với quy tắc ngoại lai, tri thức mà tôi học tập đến từ những nguồn sau đây:
– Tạp chí khoa học
– Các ngành khoa học ngoài lĩnh vực của tôi
– Tư liệu độc quyền
– Thông tin nội bộ từ những người trong ngành mà không chia sẻ công khai
– Mô hình tư duy (một thứ nghe khá trừu tượng)
Sau khi áp dụng vào cuộc sống, tôi cảm thấy sự nghiệp của mình có những bước nhảy rõ rệt. Là một tác giả, tôi đã có thể viết về những ý tưởng mà người khác chưa từng nghe nói đến. Điều này giúp các tác phẩm của tôi nổi bật hơn. Sau vài năm, tôi trở thành tác giả có hàng chục triệu độc giả trên những tạp chí lớn như Forbes, Fortune, Time, Harvard Business Review, thứ mà tôi chưa dám mơ trước kia.
Quy tắc ngoại lai thực sự thay đổi con người tôi rất sâu sắc. Học một kỹ năng quý & hiếm cũng tuân theo Hành trình Anh Hùng:
– Bước ra khỏi lối mòn tư duy
– Đào sâu hơn vào những điều chưa rõ để tự sáng tạo thêm
– Đem những hiểu biết đó ngược trở lại để nó lan tỏa rộng ra
Chúng ta sẽ theo hành trình như vậy khi học một thứ gì đó quý hiếm. Khi ta quyết định đi khác với đám đông, ta bắt đầu hành trình đó. Khi ta đã tìm thấy thứ gì đó nhiều giá trị và chia sẻ chúng, thì đó là gì hành trình kết thức và một vòng lặp mới lại bắt đầu. Với quy tắc ngoại lai, tôi thấy mình bớt lẻ loi và điên rồ. Tôi cảm thấy mình có phương hướng hơn, và thấy ý nghĩa hơn khi chia sẻ những gì mình biết với mọi người.
Và với quy tắc ngoại lai, tôi có thể hiều được những thói quen của những doanh nhân hàng đầu. Tôi có thể hiểu được tại sao Ray Dalio lại quay về tìm hiểu lịch sử thời cổ đại để áp dụng vào thị trường hiện đại. Bởi lịch sử là một vòng lặp, mặc dù có thể mất hàng thập kỷ cho mỗi chu kỳ. Từ đó, Dalio có thể phán đoán được tương lai tốt hơn, thứ mà nhiều người chỉ dùng kinh nghiệm cá nhân để đưa ra những kết luận quan trọng.
Tôi có thể hiểu được tại sao Peter Thiel luôn hỏi một người mới rằng: “Anh có còn nghĩ một thứ mà không ai đồng ý với anh là đúng không?”. Đây là một bộ lọc giúp ông ấy biết được người đó có tư duy bình thường hay là một người có chính kiến mạnh mẽ. Nếu anh ta không nghĩ ra được một ý tưởng gì khác biệt, thì khả năng là một người không phù hợp.
Tôi cũng có thể hiểu được tại sao Elon Musk đề cao về kỹ thuật và thiết kế đến vậy và dành 80% thời gian cho chúng, thay vì các công việc mà một CEO điển hình thường làm. Nó là bởi vì:
– Điều đó là quý giá. Khi đội ngũ của ông ấy thiết kế ra một sản phẩm mới, họ đánh giá chất lượng bằng việc sản phẩm ra giống bao nhiêu phần trăm với thứ mà họ kỳ vọng, thay vì giống bao nhiêu phần trăm với các sản phẩm từ các đối thủ. Nói cách khác, họ có tiêu chuẩn cao hơn về giá trị
– Điều đó là quý hiếm. Ông ấy không giáo điều về các triết lý kinh doanh, mà ông ấy định nghĩa lại nó. Không có CEO của công ty xe hơi nào khác lại là nhà thiết kế hay kỹ sư. Và đa phần trong số họ đều làm nhưng công việc liên quan đến kinh doanh
——————
Những người học thông thường sẽ tập trung vào sự phổ biến như là thước đo giá trị, thay vì tính quý hiếm. Họ chạy theo những kỹ năng đang “hot”, đọc những sách bán chạy nhất, sắp xếp bảng tin theo mức độ phổ biến.
Những chuyên gia sẽ học vì tính quý hiếm và tập trung vào giá trị thực sự của kỹ năng. Họ luôn tìm tòi kiến thức từ những ngách khác, ở những chỗ mà chất lượng quý giá hơn hẳn những thứ mà mọi người vẫn tiếp xúc.
Trở thành người học thông thường không hề là một bước trong quá trình trở thành chuyên gia học tập. Đây hoàn toàn là hai hướng tiếp cận khác biệt hoàn toàn. Không thể trở nên vĩ đại được nếu chỉ làm tốt hơn thứ mọi người vẫn làm một chút. Chỉ có tự vẽ lên con đường của chính mình thì mới có thể trở nên vĩ đại.
Vậy giờ câu hỏi dành cho quy tắc ngoại lai là: tìm những kỹ năng quý & hiếm ở đâu?
Xin trả lời luôn, đây là câu hỏi rất khó trả lời, bởi:
– Rất khó để đánh bại được số đông
– Có thể bị hiểu lầm trong suốt một thời gian dài. Rất nhiều người cố gắng phá vỡ những quy tắc thông thường, nhưng phần lớn đều là sai lầm của chính họ. Đôi khi bạn sẽ bị đánh giá thấp và bị cho là điên rồ. Thậm chí bạn có thể bị mất cả công việc / công ty của mình. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ từ gia đình, cấp trên, ban lãnh đạo, cổ đông, báo chí, các nhà đầu tư,…
– Việc tìm học những thứ quý hiếm rất tốn thời gian. Đơn giản hơn nhiều đó là ta cứ theo mọi người thay vì tự đi tạo con đường cho riêng mình, nhất là nếu bạn không phải là một chuyên gia. Số đông cũng thường có rất nhiều những lý lẽ mà khiến bạn khó có thể nghĩ rằng sẽ có một hướng đi khác cho bản thân
Bạn cứ thử đọc lại tiểu sử về những nghệ sĩ, nhà lãnh đạo, doanh nhân, và nhận ra rằng rất nhiều người chìm trong bóng tối rất lâu trước khi nổi tiếng. Mất rất nhiều năm để chúng ta có thể biết đến những Elon Musk, Gandhi, Mother Teresa hay Vincent Van Gogh như ngày nay. Trái Đất quay quanh Mặt Trời đã từng bị coi là dị giáo, Internet đã từng bị chỉ trích là thứ đồ chơi.
Tin vui là: chính việc áp dụng quy tắc ngoại lai vào cuộc sống là rất khó mới là lý do để chúng ta thực hiện nó. Càng khó nghĩa là càng hiếm.
Tôi xin đưa ra những lời khuyên sau đây nếu bạn muốn thử áp dụng chúng cho bản thân mình. Đây là đúc kết sau rất nhiều giờ suy nghĩ về việc làm sau tìm được kỹ năng quý hiếm để học cho bản thân:
– Hãy là người sớm nhất học những điều quý báu. Theo dõi những xu hướng mới nhất từ khoa học, công nghệ, hay các lĩnh vực khác. Khi cái gì đó trở nên bùng nổ, hãy dành vài giờ để khám phá xem chúng có đáng để ta nghiên cứu sâu hơn không
– Học những cái gì khó khó một chút, tốn thời gian một chút, mạo hiểm một chút, học thuật một chút
– Học những kỹ năng quý giá mà ẩn chứa nhiều lợi ích
– Định nghĩa lại giá trị của bạn cao hơn với đám đông. Ta phải sử dụng kỹ năng của mình để phục vụ ai đó: sếp, khách hàng, người hâm mộ, nhà tuyển dụng hoặc ai đó. Chúng ta cần hiểu rõ hơn về vấn đề của họ, để đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn
Ngắn gọn hơn: hãy là người đầu tiên dám đối diện với thử thách, tìm học những thứ có những lợi ích tiềm ẩn và định nghĩa lại những giá trị đó.
Theo: KPTG