Du lịch Cao Bằng: Trải nghiệm với những thước phim đẹp như trong tranh
Với đặc thù dựa nhiều vào môi trường tự nhiên, du lịch xanh là xu hướng tất yếu để Cao Bằng phát triển du lịch bền vững. Cao Bằng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và tiềm năng dồi dào cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch: sinh thái, danh thắng, vườn quốc gia, khu bảo tồn… Vài năm trở lại đây, Cao Bằng đang dần trở thành điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các tín đồ xê dịch.
Những địa điểm như hồ Thang Hen, núi mắt thần, thác bản Giốc, Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky, vườn quốc gia Phja Oắc, Phja Đé, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh vượn Cao Vít, động ngườm ngao, đồi cỏ Vinh Quý… được rất nhiều du khách lựa chọn và yêu thích.
Bạn trẻ Bùi Ngọc Lâm vừa có chuyến đi khám phá Cao Bằng chia sẻ với Dân Việt, thành quả mĩ mãn của 4 ngày rong ruổi 400km trải nghiệm Cao Bằng là những thước phim đẹp như trong tranh, là để biết thêm thiên nhiên kỳ vỹ thế nào.
“Hiện tại, Cao Bằng đang trong thời điểm đẹp nhất trong năm vì vậy chuyến đi của tôi đã không gặp mưa giông hay quá nắng gắt, tôi đã được trải nghiệm tuyệt vời tại tất cả những điểm đến trong lịch trình của mình. Chuyến đi đã cho tôi thêm yêu Việt Nam, đã cho tôi thêm hiểu biết văn hóa, con người bản địa, được thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây, đó là những trải nghiệm vô giá, bài học quý báu mà cha ông ta đã dạy, “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, Bùi Ngọc Lâm tâm sự.
Theo Bùi Ngọc Lâm, nhóm bạn của Lâm xuất phát từ Hà Nội và đi từ đêm hôm trước để sáng sớm hôm sau đã đến Thành phố Cao Bằng.
“Chúng tôi đến Thành phố Cao Bằng khá sớm nên đã thuê phòng dorm để nghỉ ngơi. Sau đó cả nhóm đã thuê xe máy với giá 180.000 đồng/1 ngày và bắt đầu hành trình khám phá và trải nghiệm Cao Bằng.
Từ thành phố Cao Bằng cả nhóm chúng tôi di chuyển đến khu di tích lịch sử Pác Bó, suối Lenin với khoảng 55km. Giá vé ở đây là 45k đã bao gồm xe điện đưa đón.
Cung đường đi này quá đẹp khi hai bên là một màu xanh mát mắt với cây rừng và màu xanh của những ruộng ngô, thi thoảng đi qua những bản làng ven đường, vài người dân bán đồ bên đường như hoa quả hay bánh kẹo. Sau những quanh co, lên dốc, xuống dốc chúng tôi đã đến địa điểm đầu tiên đó là Khu di tích lịch sử Pác Bó và suối Lê Nin.
Điều đặc biệt con suối Lê Nin rất xanh cảm giác như ai đó đã nhuộm xanh con suối và độ trong vắt thì có thể nhìn tới tận đáy.
Và thú vị hơn nữa là con suối này mát lạnh nên người dân nơi đây thường thả các chai nước suối, coca, sau khi lấy lên uống chai nước không khác gì được lấy trong tủ lạnh.
Sau đó thì chúng tôi quay lại thành phố, trên đường về có ghé qua dâng hương ở khu di tích Kim Đồng. Đây cũng là cung đường các tín đồ xê dịch có thể trải nghiệm đèo khau phạ với 15 khúc cua cũng sẽ là một thử thách những tay đua với khúc cua gấp khúc liên tục”, Bùi Ngọc Lâm cho biết.
Theo Bùi Ngọc Lâm, ngày thứ hai của nhóm đi đèo Mã Phục, đồi cỏ Vinh Quý, hồ thang Hen.
Đèo Mã Phục tọa lạc ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Đèo Mã Phục còn được gọi là đèo 7 tầng, là cung đường với các con dốc uốn lượn lên xuống kéo dài khoảng 4km và cao khoảng 700m so với mặt nước biển. Đường đèo Mã Phục khá đẹp nhưng lại quanh co và gấp khúc, một bên là núi đá cheo leo, một bên vực sâu hoặc khe núi hẹp, nên cả nhóm đi “rất phê”, tuy nhiên nếu với những ai tay lái yếu có lẽ không nên trải nghiệm tự lái xe máy.
Dù được nghe kể về cũng đường này rất đẹp, thế nhưng khi được tận mắt chứng kiến mới cảm nhận hết được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đồi núi nhấp nhô, phong cảnh nguyên sơ của núi rừng Đông Bắc và cũng không kém phần nên thơ bởi quang cảnh những ruộng ngô, ruộng lúa xanh mướt của những bản làng dưới thung lũng. Đặc biệt hơn đèo Mã Phục còn được xếp vào di sản địa chất của công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng do UNESCO công nhận. Và khi lên đến đỉnh đèo, không thể không dừng lại để tận hưởng, hít thật sâu bầu không khí trong lành và nhìn xuống thung lũng, một màu xanh hút mắt cùng con đường như sợi chỉ nhỏ xíu và uốn lượn, thật sự kỳ vỹ.
Theo tìm hiểu lịch sử, nơi đây có khá nhiều truyền thuyết nói về tên gọi của đèo Mã Phục, một trong số đó gắn liền với huyền thoại người anh hùng dân tộc Nùng Chí Cao. Vào thế kỷ thứ 11, Nùng Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân chống lại nhà Tống ở phía Bắc, và chiếm được 1 phần lãnh thổ nhà Tống mà ngày nay gọi là Quảng Đông và Quảng Tây. Tuy nhiên xưng Vương được khoảng 3 năm thì Nùng Chí Cao đã bị tiêu diệt. Sau khi bị truy đuổi và bị thương, cả người cả ngựa đã nằm gục tại đèo Mã Phục, tên gọi gắn liền đến ngày nay của con đèo.
“Sau những trải nghiệm thú vị đó, chúng tôi tiếp tục hành trình đến đồi cỏ Vinh Quý, nơi được ví von phong cảnh đẹp chẳng kém trời Tây. Và quả thực khi chúng tôi đến nơi, cảnh tượng trước mắt hiện ra thật đẹp đến ngỡ ngàng.
Những thảm cỏ xanh mướt, trải dài, nhấp nhô bao phủ toàn bộ quả đồi với những khúc uốn lượn quanh co khiến nhiều du khách liên tưởng tới hình ảnh “Thụy Sĩ thu nhỏ” và ví von phong cảnh nơi đây đẹp chẳng kém trời Tây. Tôi được biết, đồi cỏ Vinh Quý hay còn được gọi là Đồi cỏ Cháy, thuộc hai địa phận xóm Khum Đin và xóm Bắc Vọng, xã Vinh Quý, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng và có hai mùa khá rõ, đó là mùa cỏ xanh non từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Còn mùa cỏ cháy từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm”.
Tuy nhiên theo cảnh báo của Bùi Ngọc Lâm, đến đồi cỏ Vinh Quý nên đến vào buổi sáng bởi nơi đây không có cây to, không hàng quán và cũng khá nắng, vì vậy để tránh nắng gắt của mùa hè không nên đến vào buổi trưa, đầu giờ chiều.
Du lịch Cao Bằng: Trải nghiệm khác lạ, thú vị cắm trại tại núi Mắt Thần
Sau đồi cỏ Vinh Quý cả nhóm tiếp tục hành trình qua hồ Thang Hen với vé vào cửa là 30.000 đồng/1 người.
Một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị nhất trong hành trình lần này của Bùi Ngọc Lâm và nhóm bạn đó là camping tại núi Mắt Thần.
Theo Bùi Ngọc Lâm, trước khi đến đây đã tìm hiểu và được biết, ngọn núi này còn có một tên gọi khác là núi thủng, bởi do hình dáng bên ngoài của ngọn núi ở phía trên đỉnh có một hang thủng hình tròn tựa như “con mắt” của núi với đường kính hơn 50m, đây là ngọn núi độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
“Vẫn biết trước nơi đây cảnh sắc thiên nhiên được khen ngợi rất nhiều thế nhưng khi cả nhóm đến hồ Thang Hen và núi Mắt Thần vẫn không hết ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp quyến rũ nơi đây.
Trước mắt tôi hiện ra là ngọn núi với lỗ thủng hình tròn, bao phủ là rừng cây xanh ngắt, bên dưới là bãi cỏ mịn màng, xa xa là đàn trâu thong thả gặm cỏ khiến tôi cảm nhận sự bình yên đến kỳ lạ.
Khi màn đêm buông xuống, trong không gian đặc quánh màn đêm là tiếng kêu của côn trùng. Một cảm giác khác lạ, thú vị mà chưa bao giờ tôi trải qua.
Vào buổi sáng sớm mai, khi những đám mây sà xuống, bay lảng bảng ở những ngọn núi khiến chúng tôi như đang lạc vào chốn tiên cảnh”, Bùi Ngọc Lâm cho biết.
Núi Mắt Thần nằm gọn trong lòng thung lũng giữa quần thể hồ Thang Hen của Công viên địa chất non nước Cao Bằng, nơi có khung cảnh vô cùng quyến rũ với những bãi cỏ thảo nguyên mênh mông bên những hồ nước xanh bát ngát cả một vùng trời. Theo tiếng của bà con người Tày bản xứ, thì núi Mắt Thần có tên địa phương là “Phja Piót”, dịch ra là cái núi bị thủng một lỗ, dùi xuyên qua như để gió lùa thông thống bên nọ sang bên kia.
Bùi Ngọc Lâm cho biết: “Trước khi đến đây, tôi nghĩ cắm trại chắc là sẽ thiếu thốn nhiều thứ, nhưng hóa ra không phải vậy. Những sinh hoạt cơ bản đều có đủ, từ tắm đến khu nhà vệ sinh. Nếu du khách muốn tắm thì di chuyển đến nhà người dân cách đó không xa, phí tắm là 20.000 đồng/1 lượt. Trước ngày lên đường, tôi đã liên hệ với bên Cao Bằng Camping tour, 750k/1người dịch vụ cực kì tốt, tuy nhiên đường vào núi Mắt Thần còn khá khó đi nên mọi người lái xe phải chú ý và cẩn thận”.
Tiếp nối hành trình cho ngày thứ 3 là đi thác bản Giốc, làng đá Khuổi Ky và thác cò là rồi ngủ đêm tại Nasan Green Farm tại Trùng Khánh.
Theo Bùi Ngọc Lâm, một trải nghiệm đặc biệt nữa mà nhóm Lâm đã trải nghiệm đó là ngủ một đêm tại Trung Khánh và chèo sup và đón hoàng hôn cực đẹp trên sông Quây Sơn.
Nhắc về ẩm thực, Bùi Ngọc Lâm cho hay, các món ăn ở đây khá ngon và cũng là đặc sản của Cao Bằng mà du khách khi đến đây nên thử.
Một vài quán ăn hợp lý mà mọi người có thể trải nghiệm như Cơm Phượt tại 150 phố Vườn Cau; Phở Quyên tại số 5 phố Hiến Giang; Bánh Áp Chao tại 126 phố Hiến Giang; Cơm Lẩu tại số 86 Quảng Uyên.
Chia sẻ kinh nghiệm chuyến đi, Bùi Ngọc Lâm cho hay, khi lên plan tour thì nên thực hiện đúng để tránh bị lệch với kế hoạch.
Tiết lộ về chuyến đi, tổng chi phí, Bùi Ngọc Lâm cho biết, nhóm có 4 người, ăn uống thoải mái hết khoảng 3.500.000 triệu đồng.