Một ngày làm việc nọ, bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền đang sắp xếp tài liệu trên bàn thì một cậu bé đang học cấp ba bước vào xin tư vấn xét nghiệm ADN.
Theo đó, cậu nam sinh tên Hoàng, đang là học sinh lớp 12. Hoàng có chút ngại ngần chia sẻ muốn xét nghiệm quan hệ huyết thống với bố mẹ nhưng không muốn bố mẹ biết chuyện vì cậu sợ làm bố mẹ buồn.
Bà Nga cảm thấy rất “lạ” khi một học sinh ở tuổi ngưỡng cửa cuộc đời lại muốn xét nghiệm ADN với bố mẹ mình, khác hẳn các trường hợp phổ biến là bố hoặc mẹ đi xét nghiệm để xác định quan hệ huyết thống với con.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ di truyền (bìa phải) đang tư vấn cho người đến làm xét nghiệm ADN. Ảnh: NVCC
Bà Nga thắc mắc: “Tại sao cháu lại muốn xét nghiệm huyết thống với bố mẹ mình?”. Lúc này Hoàng thành thật đáp: “Cháu chỉ muốn biết cháu là con đẻ hay con nuôi của bố mẹ cháu mà thôi”. Bà Nga đã không khỏi ngạc nhiên hỏi tiếp: “Tại sao cháu nghĩ vậy, cháu bị họ đối xử tệ sao?”.
Hoàng chia sẻ bố mẹ rất yêu thương mình. Gia đình Hoàng khá giả, bố làm giám đốc một công ty lớn, mẹ hỗ trợ bố trong chuyện làm ăn. Dù công việc rất bận rộn nhưng bố mẹ luôn dành thời gian cho Hoàng. Trong mọi chặng đường lớn lên của Hoàng đều có hình bóng của bố mẹ song hành.
Tuy nhiên, rất nhiều lời đồn thổi đã đến tai Hoàng. Họ đồn cậu không phải con ruột của bố mẹ mà chỉ là đứa trẻ được nhận nuôi. Lúc đầu, Hoàng không tin những lời nói đó, về hỏi bố mẹ. Nghe con trai nói, bố mẹ quả quyết cậu là con do họ đẻ ra. Bố mẹ rất yêu thương Hoàng, là con một nên thích gì cũng được đáp ứng. Do vậy, nam sinh vẫn luôn tin rằng em chính là con đẻ của bố mẹ.
Càng lớn, Hoàng càng nhận ra mình không có nét giống mẹ và cũng chẳng có tài kinh doanh như bố. Từ đó, em nghi ngờ gốc tích của mình. Cộng thêm những lời đồn thổi, Hoàng muốn đi xét nghiệm ADN để tháo gỡ khúc mắc trong lòng.
Hiểu rõ được tâm lý của Hoàng, bà Nga đã tư vấn cho em thu mẫu móng tay của bố mẹ một cách tự nhiên, như vậy sẽ không ai nghi ngờ. Một tuần sau Hoàng mang tới 3 mẫu móng tay ghi rõ bố – mẹ – con và đăng ký xét nghiệm ADN.
Hoàng chọn nhận kết quả xét nghiệm sau 10 ngày để chi phí rẻ nhất. Cậu cũng chia sẻ số tiền xét nghiệm là mình tiết kiệm từ tiền bố mẹ cho. Đúng hẹn, 10 ngày sau, Hoàng tới trung tâm nhận kết quả. Khi xem tờ giấy, vẻ mặt em đăm chiêu. Nhìn nét mặt buồn thiu của cậu nam sinh, bà Nga động viên.
“Cháu buồn khi biết là con nuôi phải không? Con nuôi như cháu thì sướng quá còn gì”, bà Nga nói với Hoàng.
Nam sinh tâm sự em có buồn nhưng cũng không quá ngạc nhiên về kết quả. “Bố mẹ hiện tại đối tốt với cháu, cháu sẽ không quên công ơn nuôi dưỡng. Nhưng cháu cũng muốn biết gốc tích, bố mẹ đẻ của mình là ai và muốn biết vì sao họ lại bỏ rơi cháu. Bằng bất cứ giá nào cháu cũng sẽ tìm được bố mẹ đẻ của mình”, Hoàng kể.
Theo Hoàng, khi có kết quả xét nghiệm huyết thống này, em sẽ nói chuyện với bố mẹ nuôi và mong muốn họ sẽ giúp đỡ. Cậu tin, với tình yêu gần 20 năm qua bố mẹ dành cho, họ sẽ giúp cháu tìm được nguồn cội của mình.
“Cháu sẽ chứng tỏ cho bố mẹ nuôi của cháu thấy rằng cháu sẽ càng yêu quý, biết hơn họ hơn nếu giúp cháu tìm được bố mẹ của mình”, Hoàng nói rồi lễ phép chào bà Nga ra về. Nhìn theo bóng chàng nam sinh xa dần, bà Nga thầm nghĩ: Con người ta dù sung sướng tới đâu cũng không quên được người sinh thành ra mình. Bà Nga hy vọng cậu nam sinh sẽ thỏa được ước nguyện, để biết được đâu là nguồn cội của mình.
* Tên nhân vật đã được thay đổi!