TRIẾT LÝ SỐNG & CHẾT

 – Tình hình bà thế nào rồi hả em? – Tôi điện thoại ra bắc hỏi thăm cô bạn đang ở ngoài đó chăm mẹ già đã 82 tuổi đang bị ốm mệt…Đầu dây bên kia cô em giọng vui như chim sáo:

      – Mẹ em hôm nay khỏe rồi, cảm ơn anh đã hỏi thăm! – Nghe em nói như vậy tôi quan tâm: – Em nói rõ thêm anh nghe xem?

       Sau đó em kể vắn tắt quá trình bà mẹ bị ốm tưởng rằng không qua khỏi. Các con xa gần về đông đủ để cho mẹ nhìn mặt các con lần cuối cùng.

        Đã gần nửa tháng, các con ra công chăn sóc mẹ già. Con trai, con gái về thăm ai cũng cho tiền để mẹ ăn quà. Bà không từ chối mà lặng lẽ cầm tiền của các con lận vào dưới gối.

     – Rồi đến hôm qua anh ạ! – Em kể tiếp không giấu nổi cảm xúc vui mừng : – Mẹ gọi em lại gần, chỉ nói có một mình em thôi, vì là con gái đầu: – Mẹ chẳng cần tiền làm gì cả, con cầm lấy mà tiêu. – Nói rồi mẹ lấy  bọc tiền của các con cho đưa lại em. Và ngày hôm nay mẹ đã ăn được hai lưng chén cơm với canh ruốc – Nói đến đây em vội kết thúc: – Có lẽ ngày mai em bay vào trong đó thôi, bao nhiêu công việc bảo hiểm của em đang chờ giải quyết. Tôi vội mạnh dạn góp ý:

       – Em hãy thư thả…Lưỡng lự giây lát tôi đánh liều nói tiếp: – Theo anh cảm nghĩ: – Mẹ sắp đi rồi đấy, em bay vào rồi lại bay ra sẽ vất vả lắm…Nói xong câu đó, tôi có cảm nhận em không hài lòng vì đang có tín hiệu tốt mà tôi lại nói trái ý…Em cúp máy đột ngột có lẽ trong tâm trạng như vậy.

      Trong linh cảm của người bệnh già báo hiệu sắp sang thế giới bên kia, thường có những biểu hiện khác thường, đột ngột mà chỉ có người tinh ý mới biết…Đối với bà mẹ của em cũng vậy, trước khi biết mình chết, tiền bạc đối với mẹ không còn ý nghĩa gì nữa…Đó chỉ là trong linh cảm mơ hồ chứ người mẹ lúc ấy không ý thức được rõ ràng… Sau khi đưa tiền cho con gái cả, mẹ cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng người đột nhiên khỏe mạnh( ảo). Các con vì công việc cũng chỉ mong cho mẹ khỏe lại để trở về với công việc của mình.

     Thật là trớ trêu! Em bay vào Tây Nguyên buổi chiều thì ngay tối hôm đó lại nhận được điện báo tin mẹ mất, trong khi các con đã đi hết chỉ còn duy nhất đứa em gái út ở lại bên mẹ.

      Lập tức sáng hôm sau cô em lại tức tốc lên máy bay trở lại đưa tang người mẹ… Rồi từ đó quan hệ giữa chúng tôi có phần chùng xuống không biết lỗi tai ai? Có thể do cảm xúc không đồng điệu…

     Cuộc sống của những người trung niên, cao niên của ta nghĩ về cái chết có sao đâu, ta đang tiến dần đến cái chết chắc chắn đấy thôi.

     Quá khứ thanh xuân, chúng ta đã xây dựng bao nhiêu là triết lý sống, chuẩn bị phấn đấu có một tấm bằng, được đi du học, phấn đấu có được ngôi nhà to đẹp, toàn gia sum vầy hạnh phúc..vv..Những triết lý hoài bão  ấy thúc đẩy ta sống luôn lao về phía trước, có nhiều hoài bão cũng không thể đạt được như mong muốn.

      Đến tuổi trung niên, cao niên, ta đã nghĩ về điểm dừng và điểm kết thúc. Cái chết là điều chắc chắn dù ta có sợ thì điều đó cũng vẫn xảy ra. Tại sao ta không có sự chuẩn bị tốt cho sự kết thúc mà lại cứ lảng tránh nó?. Phải chăng có người cho rằng nói đến cái chết sẽ xui xẻo? Ta thử nghĩ nếu không có sự chết thì sự sống có tồn tại và phát triển không? Chết là để cho hồi sinh.

      Ông cụ cố của tôi khi đã 80 tuổi của thời phong kiến lạc hậu. Cụ chuẩn bị cho mình một cái chết rất tự nhiên như chuẩn bị cho sự sống vậy. 

       Cụ tích cóp tiền từ bao giờ không ai biết? Đã đến lúc, cụ bảo các con đi kiếm cho mình một cỗ ván có tấm thiên bằng gỗ vàng tâm rất dày. Cụ mừng lắm coi như mình đã làm được một ngôi nhà mới khi về với tổ tiên. Cỗ ván Cụ lại kê ngay lối ra vào để khoe với các bạn già. Hàng ngày Cụ thường vuốt ve đến nỗi mặt gỗ nhẵn thín…Nhưng có lẽ Cụ quá vui mừng nên sống thọ hơn, da dẻ vẫn hồng hào, dáng nhanh nhẹn và tinh tường. Một Cụ bạn hàng xóm lại chết trước, người nhà đến hỏi “vay” cỗ ván của Cụ để kịp khâm niệm…

      Có đến mười phần trăm trường hợp bệnh tật không thể chữa được, thuốc men vào chỉ kéo dài sự sống tạm thời. Ngày trước thày tôi lại nói: – Đó là bệnh “ Dòm nhà” Nghĩa là những thứ gì còn có giá trị trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi để chữa trị cho người bệnh, đến khi trong nhà không còn gì nữa thì người bệnh cũng ra đi…

    Ngày nay, người bác sỹ biết rõ hơn cả. Khi bác sỹ đã nói rõ tình trang của bệnh nhân là không thể thì đừng có phí tiền của, hãy chuẩn bị cho người bệnh ra đi thanh thản, đó là việc làm nhân đạo. Có ai trong tình trạng sống dở, chết dở mới biết còn đau đớn cực hình hơn xuống địa ngục. Lúc ấy người bệnh hoàn toàn không ý thức được nữa, người nhà thương cảm lại cứ “ Còn nước còn tát”. Mọi cố gắng trong vô vọng mà thôi.

     Hãy chuẩn bị cho mình một cái chết ngay khi còn sống.

                                               T. Giả: Vũ Trọng Thể.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *