Trí thông minh: Một lịch sử tăm tối

Trí thông minh luôn được sử dụng như một tấm bình phong để biện minh cho sự thống trị và hủy diệt. Chẳng trách gì chúng ta lại sợ hãi những robot siêu thông minh.

Stephen Cave,

21 tháng 2 năm 2017.

*Bài khá dài

Khi tôi lớn lên ở Anh trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 20, khái niệm về trí thông minh đã trở nên phổ biến. Nó được khao khát, được tranh luận và – quan trọng nhất – được đo lường. Ở tuổi 11, hàng chục nghìn đứa trẻ trên khắp đất nước được đưa đến các hội trường lấp đầy bởi những dãy bàn để làm bài kiểm tra IQ được gọi là 11-Plus. Kết quả của vài giờ ngắn ngủi đó sẽ xác định ai sẽ đi học trường ngữ pháp, chuẩn bị cho đại học và các ngành nghề; ai sẽ ấn định theo học trường kỹ thuật rồi sau đó là các công việc tay nghề; và ai sẽ đi học ở trường trung học hiện đại, để được học những kiến thức cơ bản sau đó thẳng tiến đến một cuộc sống lao động chân tay ở địa vị thấp.

Ý tưởng rằng trí thông minh có thể được định lượng, giống như đo huyết áp hoặc cỡ giày, đã có từ một thế kỷ trước khi tôi làm bài kiểm tra sẽ quyết định vị trí của mình trong xã hội. Nhưng quan niệm rằng trí thông minh có thể quyết định vị trí của một người trong cuộc sống thậm chí còn xưa hơn rất nhiều. Nó chạy như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng phương Tây, từ triết lý của Plato đến các chính sách của thủ tướng Theresa May của Vương quốc Anh. Để nói rằng ai đó thông minh hay không thông minh chưa bao giờ chỉ là một nhận xét về khả năng tinh thần của họ, mà luôn luôn là sự phán xét về những gì họ được phép làm. Trí thông minh, nói cách khác, có tính chính trị.

Đôi khi, cách xếp hạng này rất hợp lý: chúng ta muốn có các bác sĩ, kỹ sư và những người lãnh đạo không đến nỗi ngu ngốc. Nhưng nó cũng có mặt tối. Cũng như việc quyết định những gì một người có thể làm, trí thông minh – hoặc, giả sử, sự thiếu hụt trí thông minh – của một người đã được dùng để quyết định những gì người khác có thể làm với họ. Trong suốt lịch sử phương Tây, những người được coi là kém thông minh hơn, là kết quả của sự phán xét đó, đã bị đô hộ, bắt làm nô lệ, triệt sản và giết hại (và đúng nghĩa đen là bị ăn thịt, nếu chúng ta đếm cả những động vật không phải con người trong phép tính).

Đó là một câu chuyện đã cũ, mà gọi là câu chuyện cổ thì đúng hơn. Nhưng có một vấn đề xuất hiện sau một bước ngoặt thú vị của thế kỷ 21 với sự trỗi dậy của Trí tuệ nhân tạo (AI). Trong những năm gần đây, những tiến bộ đạt được trong nghiên cứu AI đã tăng lên đáng kể và nhiều chuyên gia tin rằng những đột phá này sẽ sớm dẫn đến nhiều tiến bộ hơn nữa. Các chuyên gia lần lượt kinh hãi và phấn khích, rải khắp tường Twitter của họ với các dẫn chiếu từ phim Terminator (Kẻ hủy diệt). Để hiểu tại sao chúng ta quan tâm và điều gì khiến chúng ta sợ hãi, ta phải coi trí thông minh như một khái niệm chính trị – và đặc biệt, lịch sử lâu đời của nó như một cơ sở lý luận cho sự thống trị.

Bản thân thuật ngữ ‘trí thông minh’ chưa bao giờ phổ biến trong cộng đồng các nhà triết học nói tiếng Anh. Nó cũng không có bản dịch trực tiếp sang tiếng Đức hoặc tiếng Hy Lạp cổ đại, hai trong số những ngôn ngữ tuyệt vời khác trong trường phái triết học phương Tây. Nhưng vậy không có nghĩa là các triết gia không quan tâm đến nó. Thực tế, họ bị ám ảnh bởi nó, hay chính xác hơn là một phần của nó: lý trí hoặc lý tính. Thuật ngữ ‘trí thông minh’, chỉ với sự trỗi dậy của ngành tâm lý học non trẻ, vốn tự nhận trí thông minh thuộc lĩnh vực của mình, đã làm lu mờ đi sự tương đối cổ hủ của nó trong diễn ngôn chính trị và bình dân. Mặc dù ngày nay nhiều học giả ủng hộ một khái niệm rộng hơn nhiều về trí thông minh, lý trí vẫn là một phần cốt lõi của nó. Vì vậy, khi tôi nói về vai trò của trí thông minh trong lịch sử, tức là tôi đang muốn nói đến điều này.

Câu chuyện về trí thông minh bắt đầu với Plato. Trong tất cả các tác phẩm của mình, ông đều đánh giá rất cao việc suy nghĩ, và tuyên bố (thông qua Socrates) rằng cuộc sống không có chiêm nghiệm thì không đáng sống. Tuyên bố của Plato là một cái gì đó mới mẻ giữa thời kỳ ngập tràn huyền thoại và thần bí mà ông đang sống: rằng sự thật về thực tại có thể được thiết lập thông qua lý trí, hoặc cái mà ngày nay chúng ta có thể coi là ứng dụng của trí thông minh. Điều này khiến ông kết luận, trong The Republic, rằng người cai trị lý tưởng là ‘vị vua triết gia’, vì chỉ một triết gia mới có thể tìm ra trật tự hợp lý của mọi thứ. Và vì vậy ông đưa ra ý tưởng rằng người thông minh nhất nên cai trị những người còn lại – một chế độ trọng tài năng trí tuệ.

Ý tưởng này mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Người Athen đã thử nghiệm nền dân chủ, với sự cai trị thuộc về người dân – nhưng để được coi là một trong những ‘người dân’ đó, bạn cần phải là một công dân nam, không nhất thiết phải thông minh. Ở những nơi khác, các giai cấp thống trị được tạo thành từ các tầng lớp kế thừa (tầng lớp quý tộc), hoặc bởi những người tin rằng họ đã nhận được sự chỉ dẫn của thần thánh (thần quyền), hoặc đơn giản là bởi kẻ mạnh nhất (chuyên chế).

Ý tưởng lạ lẫm, có phần bay bổng, này của Plato nhanh chóng thấm vào những bộ óc háo hức của giới trí thức, bao gồm cả học trò của ông là Aristotle. So với Plato, Aristotle là kiểu nhà tư tưởng thực tế, nguyên tắc hơn. Ông lấy khái niệm về tính ưu việt của lý trí và sử dụng nó để thiết lập cái mà ông tin là một hệ thống phân cấp xã hội tự nhiên. Trong cuốn sách The Polictics của mình, ông giải thích: ‘[Rằng] một số nên cai trị và số khác còn lại bị cai trị là một điều không chỉ cần thiết, mà còn tiện lợi; kể từ giờ phút được sinh ra, một số đã được định sẵn là để phục tùng, một số là để cai trị. Điều giúp phân biệt người cai trị là họ sở hữu ‘yếu tố lý tính’. Điều này được nhìn thấy rõ nhất ở những nam giới có trình độ học vấn, và do đó, một cách tự nhiên, nên thống trị phụ nữ – và cả những nam giới ‘làm những việc cần sử dụng cơ thể’ và do đó ‘về bản chất là nô lệ’. Các bậc thang dưới nữa là những động vật không phải con người, vì chúng quá ngu dốt nên “tốt hơn là để con người cai trị”.

Vì vậy, vào buổi bình minh của triết học phương Tây, trí thông minh được đồng nhất với con người là nam giới, có học thức, người châu Âu. Điều này trở thành một lý lẽ cho quyền thống trị phụ nữ, các tầng lớp thấp hơn, các dân tộc thiếu văn minh và các loài động vật không phải con người. Trong khi Plato tranh luận về tính tối cao của lý trí và đặt nó vào một thứ không gì khác hơn là một địa đàng trần gian thô thiển, chỉ một thế hệ sau, Aristotle lên tiếng rằng định mệnh dành cho con người tư duy là hiển nhiên và tự nhiên.

Không cần phải nói, hơn 2.000 năm sau, đoàn tàu tư tưởng mà những cái tên này khởi chạy vẫn chưa bị trật bánh. Nhà bảo tồn và triết gia người Úc quá cố Val Plumwood đã lập luận rằng những người khổng lồ của triết học Hy Lạp đã thiết lập một loạt các phép đối ngẫu liên kết mà vẫn đang tiếp truyền thông tin cho tư tưởng của chúng ta. Các danh mục đối lập như thông minh-ngu ngốc, lý trí-tình cảm và tâm trí-cơ thể được liên kết, ngầm hoặc rõ ràng, với những thứ khác như nam-nữ, văn minh-nguyên thủy và con người-động vật. Những nhị nguyên này không trung lập về giá trị, mà nằm trong thuyết nhị nguyên rộng hơn, như Aristotle đã nói rõ: đó là thống trị-thứ yếu hoặc chủ-nô lệ. Cùng nhau, chúng khiến các mối quan hệ thống trị, chẳng hạn như chế độ phụ hệ hoặc chế độ nô lệ, dường như trở thành một phần của trật tự tự nhiên.

Triết học phương Tây, ở giai đoạn hiện đại, thường được cho là khởi đầu từ người theo thuyết cấu trúc nhị nguyên đó, René Descartes. Không giống như Aristotle, ông thậm chí không công nhận các loài động vật khác có cái gọi là trí thông minh thấp. Ông khẳng định rằng nhận thức là thứ của riêng loài người. Ông đã ngẫm nghĩ về hơn một thiên niên kỷ của thần học Cơ đốc giáo, vốn làm cho trí thông minh trở thành một thứ thuộc về linh hồn, một tia sáng của thần thánh chỉ dành riêng cho những người đủ may mắn được tạo ra bởi Đức Chúa Trời. Descartes coi thiên nhiên theo nghĩa đen là vô tri, và không có giá trị nội tại – điều này đã hợp thức hóa sự áp bức không tội lỗi của con người lên các loài khác.

Ý tưởng cho rằng trí thông minh định nghĩa lên loài người vẫn tồn tại đến thời Khai sáng. Nó được Immanuel Kant, có lẽ là nhà triết học đạo đức có ảnh hưởng nhất kể từ thời cổ đại, nhiệt tình đón nhận. Đối với Kant, chỉ những sinh vật có lý trí mới có địa vị đạo đức. Các sinh vật có lý tính được gọi là ‘người’ và ‘có sự tự thân’. Mặt khác, những sinh vật không có lý trí chỉ có “một giá trị tương đối như là phương tiện, và do đó được gọi là vật”. Ta có thể làm bất cứ điều gì với chúng mà ta thích.

Theo Kant, thực thể lý luận – ngày nay, chúng ta thường nói là người thông minh – có giá trị hoặc phẩm giá vô hạn, trong khi người không thông minh hoặc không thông minh thì không có. Lập luận của ông phức tạp hơn, nhưng về cơ bản, ông đi đến kết luận giống như Aristotle: có những chủ nhân tự nhiên và nô lệ tự nhiên, và trí thông minh là thứ phân biệt chúng.

Dòng suy nghĩ này đã được mở rộng để trở thành một phần cốt lõi của logic của chủ nghĩa thực dân. Lập luận của nó về cơ bản là thế này: những người không phải da trắng kém thông minh hơn; do đó họ không đủ tư cách để cai trị bản thân và vùng đất của họ. Do đó, sẽ là hoàn toàn hợp pháp – thậm chí là một nghĩa vụ, ‘gánh nặng của người da trắng’ – để phá hủy nền văn hóa của họ và chiếm lấy lãnh thổ của họ. Ngoài ra, bởi vì trí thông minh định nghĩa lên loài người, nên do kém thông minh hơn, những dân tộc này ít ‘người’ hơn. Do đó, họ không được hưởng tư cách đạo đức đầy đủ – và vì vậy việc giết hoặc bắt họ làm nô lệ là điều hoàn toàn ổn.

Logic tương tự cũng được áp dụng cho phụ nữ, những người được coi là quá bay bổng và đa cảm để được hưởng những đặc quyền dành cho ‘người đàn ông lý trí’. Ở Anh thế kỷ 19, phụ nữ ít được pháp luật bảo vệ hơn so với động vật nuôi, như nhà sử học Joanna Bourke tại Đại học Birkbeck London đã chỉ ra. Do đó, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi trong nhiều thập kỷ, sự ra đời của phương pháp kiểm tra trí thông minh chính thức có xu hướng làm trầm trọng hơn thay vì khắc phục sự áp bức phụ nữ.

Sir Francis Galton thường được coi là người khởi xướng ra tâm trắc học, ‘khoa học’ đo lường tâm trí. Ông lấy cảm hứng từ The Origin of Species (1859) do người anh họ Charles Darwin viết. Tác phẩm khiến Galton tin rằng khả năng trí tuệ là do di truyền và có thể được nâng cao thông qua việc lai tạo có chọn lọc. Ông quyết định tìm cách xác định một cách khoa học những thành viên có khả năng nhất trong xã hội và khuyến khích họ sinh sản, con đàn cháu đống, với nhau. Những người kém khả năng trí tuệ nên không được khuyến khích sinh sản, hoặc thậm chí bị ngăn cấm, vì lợi ích của loài. Do đó thuyết ưu sinh và bài kiểm tra trí thông minh đã ra đời cùng nhau. Trong những thập kỷ tiếp theo, rất nhiều phụ nữ trên khắp châu Âu và Mỹ đã bị cưỡng ép triệt sản sau khi đạt điểm kém trong các bài kiểm tra như vậy – riêng ở California là 20.000 phụ nữ.

Những thang điểm của trí thông minh đã được sử dụng để biện minh cho một số hành động man rợ khủng khiếp nhất trong lịch sử. Nhưng luôn có những người chỉ trích sự đề cao lý trí. Từ David Hume đến Friedrich Nietzsche, và Sigmund Freud đến chủ nghĩa hậu hiện đại, có rất nhiều trường phái triết học thách thức quan điểm rằng chúng ta thông minh như chúng ta muốn tin, và trí thông minh là đức tính cao nhất của con người.

Sự trọng nhân tài dựa trên trí thông minh luôn luôn chỉ là một yếu tố nằm trong các giá trị xã hội – mặc dù nó có ảnh hưởng lớn. Việc nhập học vào một số trường học và ngành nghề nhất định, chẳng hạn như Cơ quan Dân sự Vương quốc Anh, dựa trên các bài kiểm tra trí thông minh, nhưng các lĩnh vực khác nhấn mạnh các phẩm chất khác nhau, chẳng hạn như tính sáng tạo hoặc đầu óc kinh doanh. Và mặc dù chúng ta có thể hy vọng rằng các quan chức nhà nước là người thông minh, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng chọn những chính trị gia có vẻ thông minh nhất. (Tuy nhiên, hóa ra là ngay cả một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy như Donald Trump cũng cảm thấy cần phải tuyên bố với chính quyền của mình rằng “chúng tôi có chỉ số IQ cao nhất trong số bất kỳ nội các nào từng được tập hợp cho đến nay.”)

Thay vì thách thức hệ thống cấp bậc của trí thông minh đó, nhiều nhà phê bình đã tập trung vào việc tấn công các hệ thống cho phép giới tinh hoa nam giới da trắng vươn lên hàng đầu. Bài kiểm tra 11-Plus mà tôi đã làm là một ví dụ thú vị, vô cùng cụ thể về một hệ thống như vậy. Nó được thiết kế để xác định những đứa trẻ sáng giá từ mọi tầng lớp và tín ngưỡng. Tuy nhiên, trên thực tế, có một sự bất cân bằng khi hầu hết những đứa trẻ vượt qua bài kiểm tra có xuất thân từ tầng lớp trung lưu da trắng, vốn có nguồn lực tốt hơn, và thế là các thành viên của nhóm này càng củng cố thêm vị trí và lợi thế của mình.

Vì vậy, khi chúng ta suy ngẫm về cách mà việc nhìn nhận trí thông minh đã được sử dụng để biện minh cho đặc quyền và sự thống trị trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử, liệu có ngạc nhiên không khi viễn cảnh sắp xảy ra về những robot siêu thông minh khiến chúng ta khiếp sợ?

Từ 2001: A Space Odyssey đến các bộ phim Terminator, các nhà viết kịch bản phim đã tưởng tượng về việc máy móc chống lại chúng ta. Bây giờ chúng ta có thể thấy tại sao. Nếu chúng ta đã từng tin rằng những vị trí hàng đầu trong xã hội phải thuộc về những người có trí tuệ nhất, thì tất nhiên chúng ta nên mong đợi sẽ bị các robot có bộ não lớn hơn làm cho trí thông minh của ta trở nên thảm hại khi so sánh và bị đẩy xuống cuối bậc thang. Nếu chúng ta tiếp thu ý tưởng rằng những người thông minh hơn có thể chiếm hữu những người kém thông minh hơn, thì điều tự nhiên là chúng ta sợ bị nô dịch bởi những sáng tạo siêu thông minh của mình. Nếu chúng ta biện minh cho các vị trí quyền lực và sự thịnh vượng của chính mình bằng trí tuệ, có thể hiểu được rằng chúng ta coi AI vượt trội là một mối đe dọa hiện hữu.

Câu chuyện về đặc quyền này có thể giải thích lý do tại sao, như học giả và nhà công nghệ Kate Crawford ở New York đã lưu ý, nỗi sợ hãi về AI nổi loạn dường như xuất hiện nhiều hơn ở những nam giới da trắng phương Tây. Các nhóm khác đã phải chịu đựng một lịch sử thống trị lâu dài bởi những kẻ lấn áp tự phong, và vẫn đang chiến đấu chống lại những kẻ áp bức thực sự. Mặt khác, những nam giới da trắng đã quen với việc đứng đầu chuỗi thống trị. Họ có nhiều thứ để mất nhất nếu các thực thể mới xuất hiện và vượt trội hơn ở chính xác những lĩnh vực đã được sử dụng để biện minh cho sự ưu việt của họ.

Tôi không có ý cho rằng tất cả sự lo lắng của chúng ta về AI nổi loạn là không có cơ sở. Có những rủi ro thực sự liên quan đến việc sử dụng AI tiên tiến (cũng như những lợi ích tiềm năng to lớn). Nhưng việc bị áp bức bởi rô-bốt theo cách mà người bản địa Úc đã bị áp bức bởi thực dân châu Âu không phải là nguy cơ số một trong danh sách.

Chúng ta nên lo lắng về những gì con người có thể làm với AI, hơn là những gì nó có thể tự làm. Con người chúng ta có nhiều khả năng triển khai các hệ thống thông minh chống lại nhau hoặc trở nên quá phụ thuộc vào chúng. Như trong truyện ngụ ngôn về người học việc của thầy phù thủy, nếu AI gây hại, nhiều khả năng là do chúng ta đưa ra những mục tiêu có ý nghĩa nhưng thiếu suy nghĩ – chứ không phải vì chúng muốn chinh phục chúng ta. Sự ngu ngốc tự nhiên, chứ không phải trí tuệ nhân tạo, vẫn là nguy cơ lớn nhất.

Thật thú vị khi suy đoán về cách chúng ta sẽ nhìn nhận sự phát triển của AI nếu chúng ta có quan điểm khác về trí thông minh. Plato tin rằng các triết gia cần được khuyến khích trở thành vua, vì họ vốn dĩ thích chiêm nghiệm hơn là làm chủ con người. Các trường phái khác, đặc biệt là những từ phương Đông, coi người thông minh là kẻ khinh miệt những cạm bẫy quyền lực và coi chúng chỉ là sự phù phiếm, và là người tách bỏ bản thân khỏi những tầm thường và phiền não của những vụn vặt đời thường.

Hãy tưởng tượng nếu những quan điểm như vậy được phổ biến rộng rãi: nếu tất cả chúng ta đều nghĩ rằng những người thông minh nhất không phải là những người có quyền cai trị, mà là những người đi thiền định ở những nơi xa xôi, để giải phóng bản thân khỏi những ham muốn trần tục; hoặc nếu những người thông minh nhất là những người đã quay trở lại để truyền bá hòa bình và sự giác ngộ. Liệu chúng ta có còn sợ những người máy thông minh hơn chính chúng ta không?

_______________

Ảnh: John Chillingworth/Getty

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *