TRẺ NHỎ HẸP BAO QUY ĐẦU, KHI NÀO CẦN NONG ?

Một số trẻ khi đến khám, hay nhờ bác ơi, xem hộ chym cháu với. Có cháu hẹp bao quy đầu (Phymosis), có cháu không. Có cháu cần can thiệp, có cháu không. Nhưng, hình như mình đang lo về vấn đề này quá và có xu hướng “đề nghị bác sĩ” can thiệp sớm hơn, khi chưa cần thiết.
Nếu một bạn nhỏ, bị hẹp bao quy đầu, chưa có nhiễm khuẩn tiết niệu gì cả, chưa có biến chứng gì cả, đừng nong vội. Chờ đã 😃
SỰ PHÁT TRIỂN BÌNH THƯỜNG:
Phần lớn các trẻ chưa cắt bao quy đầu đều có da quy đầu không kéo lại được qua vùng quy đầu vì da vùng đó bình thường vẫn bị dính chặt vào quy đầu. Tình trạng bao quy đầu dính vào quy đầu một phần hoặc hoàn toàn này là bình thường đối với trẻ nhỏ hơn 6 tuổi. Tuy nhiên, khi trẻ quanh 2 tuổi, bao quy đầu sẽ dần dần tách khỏi quy đầu (đầu của dương vật) một cách tự nhiên.
Ở một số trẻ, da bao quy đầu có thể lâu tách khỏi quy đầu hơn. Nhưng đó cũng không phải vấn đề đáng ngại nếu nó có tách dần, chỉ là lâu hơn bình thường chút mà thôi. Bạn cũng đừng cố lộn bao quy đầu của con khi tình trạng hẹp bao quy đầu đó chưa gây ra các biến chứng như tiểu khó, viêm đường tiết niệu.
Khi da bao quy đầu vẫn còn dính vào quy đầu, nếu bạn cố lộn nó mà không có sự chuẩn bị thì trẻ sẽ rất đau và có thể rách bao quy đầu, cũng có thể gây tình trạng nhiễm khuẩn ở đó.
KHI NÀO PHIMOSIS LÀ VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT?
Phimosis không phải lúc nào cũng cần xử lý trừ khi nó gây ra các biến chứng như viêm quy đầu, viêm đường tiết niệu, tiểu khó…
Nếu bao quy đầu của con bạn có các hiện tượng của viêm nhưng sưng, nóng, đỏ, đau hơn thì có thể con bạn đang bị viêm bao quy đầu hoặc viêm vùng quy đầu (viêm da bao quanh quy đầu và viêm cả quy đầu).
Nếu con bạn có bị hẹp bao quy đầu thì có thể tình trạng viêm này có liên quan đến tình trạng hẹp bao quy đầu đã có từ trước. Khi đó, cần giải quyết hẹp bao quy đầu này. Hầu hết các trường hợp viêm bao quy đầu đều dễ dàng giải quyết bằng việc phối hợp giữa vệ sinh sạch sẽ bằng nước bình thường hoặc kèm xà phòng và các thuốc kháng sinh dạng bôi tại chỗ, hoặc đường uống.
Một số trường hợp phức tạp hơn, viêm vùng quy đầu này có thể gây ra bởi nấm, khi đó cần dùng thêm thuốc kháng nấm dạng bôi tại chỗ hoặc đường uống. Tất nhiên, cần tránh các thuốc kích thích niêm mạc quy đầu. Bạn cần cho con bạn đến gặp bác sĩ Nhi để bác sĩ trực tiếp khám, đánh giá và đưa ra phương án điều trị cho con bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *