Nhiều tác phẩm viết về công nhân chất lượng
Tối 26/11, Báo Lao động và Tổng liên đoàn Lao động cùng Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân và công đoàn cho biết, cách đây 2 năm, trước ngày khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc, sáng ngày 23/11/2023, tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Công nhân – Công đoàn, giao Báo Lao động là đơn vị tổ chức thực hiện.
Ngay từ những ngày đầu phát động, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng trăm tác giả là các nhà văn chuyên nghiệp, những cây viết không chuyên, công nhân, cán bộ công đoàn, những người lao động trong và ngoài nước tham gia.
Kết thúc hành trình, Ban Tổ chức nhận được 498 tác phẩm dự thi, với 412 truyện ngắn, 86 tiểu thuyết của gần 300 tác giả đại diện cho mọi tầng lớp, trong đó phần lớn là các tác giả không chuyên, có cả học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật và Việt kiều gửi tác phẩm dự thi.
Các tác phẩm đoạt giải trong cuộc Viết về công nhân, Công đoàn đã trải qua 2 vòng lựa chọn của Hội đồng giám khảo, gồm các nhà văn tên tuổi từ Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện lãnh đạo Báo Lao động.
Kết quả, Ban Tổ chức đã trao 12 giải Khuyến khích (trong đó 7 giải Khuyến khích cho thể loại truyện ngắn và 5 giải Khuyến khích cho thể loại tiểu thuyết); 6 giải Ba (3 tác phẩm thể loại truyện ngắn, 3 tác phẩm thể loại tiểu thuyết); 4 giải Nhì (2 tác phẩm thể loại truyện ngắn, 2 tác phẩm thể loại tiểu thuyết). Tổng kinh phí giải thưởng khoảng 2,5 tỷ đồng, được lấy từ nguồn xã hội hóa.
Đặc biệt, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho 2 tác phẩm, trong đó giải cao nhất ở thể loại truyện ngắn (trị giá giải thưởng 150 triệu đồng) thuộc về tác phẩm “Con đường của Hạ” tác giả Trịnh Thị Phương Trà; giải Nhất thể loại tiểu thuyết (trị giá giải thưởng 300 triệu đồng) thuộc về tác phẩm “Hoa xương rồng” của tác giả Nguyễn Trí.
Hầu hết các tác phẩm đều bám sát chủ đề viết về công nhân, công đoàn với chất lượng được các thành viên Ban giám khảo qua hai vòng đều đánh giá cao. Phần lớn các tác phẩm đã vẽ lên được bức tranh sinh động về đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm, ước mơ, khát vọng của công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn.
Nhiều tác phẩm đề cập đến hoạt động công đoàn ở cơ sở đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, với không ít khó khăn, vật cản, mà ở đó, người cán bộ công đoàn phải đương đầu, phải thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, tâm huyết và cả sự hy sinh để bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động.
Ông Hiểu nhấn mạnh, đọc các tác phẩm, chúng ta thấy hiện thực cuộc sống tràn đầy, ngồn ngộn; đó là trải nghiệm về cuộc sống người công nhân nơi xóm trọ, là những quan hệ chằng chịt nơi nhà máy, là những lo toan, trăn trở khi cuộc sống của công nhân còn nhiều khó khăn, và cả niềm vui vỡ òa khi cán bộ công đoàn bảo vệ thành công, mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động.
“Hình ảnh người công nhân Việt Nam dù còn khó khăn nhưng luôn có niềm tin về tương lai phía trước; sống tử tế, chân thành, biết chia sẻ và khát vọng cống hiến; hình ảnh Công đoàn Việt Nam đang chuyển mình đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế sâu rộng được nhiều tác phẩm thể hiện rất thành công”, ông Hiểu nói.
Sau hai năm triển khai, trong bối cảnh tác động bất lợi của dịch bệnh Covid -19, nhiều thập kỷ thiếu vắng cuộc thi về đề tài này, một mảng đề tài vốn không dễ viết, song cho đến nay, có thể khẳng định, Cuộc thi đã thành công tốt đẹp về nhiều mặt, không chỉ nhiều về số lượng, mà chất lượng và việc đánh thức một mảng đề tài quan trọng trong nền văn học nước nhà trở thành điểm nhấn và thành công quan trọng của Cuộc thi này.
Cuộc thi đã góp phần thúc đẩy phong trào sáng tác văn học, khơi lại mạch ngầm dòng chảy văn học về công nhân – người lao động, công đoàn, đóng góp vào dòng chảy chung của văn học- nghệ thuật nước nhà. Thông qua các tác phẩm văn học, giúp xã hội nhìn nhận đầy đủ, chia sẻ và thấu hiểu đời sống, vai trò, vị trí của người công nhân và giai cấp công nhân trong bối cảnh tình hình mới; đánh giá đúng vai trò, đóng góp của tổ chức công đoàn đối với người lao động và đất nước hiện nay
Cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021 -2023 được kỳ vọng sẽ khơi nguồn mạnh mẽ sáng tác văn học về đề tài này trên văn đàn Việt Nam, thúc đẩy và tạo thành phong trào sáng tác văn học và văn hoá đọc rộng khắp hơn nữa trong công nhân, người lao động và cán bộ công đoàn.