tranh-cai-dao-duc-khi-cay-ghep-noi-tang-lon-tren-nguoi

Tranh cãi đạo đức khi cấy ghép nội tạng lợn trên người

Việc cấy ghép nội tạng lợn vào bệnh nhân đã trở thành chủ đề nóng trên toàn cầu vào tuần trước với hai thành tựu quan trọng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, những cân nhắc về đạo đức như việc lây truyền virus vẫn có thể là rào cản trước khi kỹ thuật này trở nên phổ biến.

Thành tựu đầu tiên là các bác sĩ Trung Quốc đã cấy ghép gan lợn cho một bệnh nhân bị chết não. Ca phẫu thuật đột phá này đã chứng kiến nội tạng được cấy ghép hoạt động trong 10 ngày trước khi được loại bỏ dựa trên nguyện vọng của gia đình. Ở Trung Quốc, chết não không được coi là tử vong được pháp luật công nhận.

Tranh cãi đạo đức vì bệnh nhân ở Trung Quốc và Mỹ được cấy ghép nội tạng lợn

Ca ghép tạng mang tính bước ngoặt thứ hai diễn ra tại Hoa Kỳ, nơi thận của một con lợn được ghép cho một bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Thủ thuật này trước đây đã được thực hiện trên những bệnh nhân chết lâm sàng.

Những ca phẫu thuật này, cũng như những ca khác trong những năm gần đây, đã chứng minh tiềm năng cứu sống của xenotransplantation – việc cấy ghép các cơ quan hoặc mô từ loài này sang loài khác.

Tranh cãi đạo đức khi cấy ghép nội tạng lợn trên người- Ảnh 1.

Nguồn cung cấp nội tạng vô hạn có thể mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân trên khắp thế giới. Ảnh: AP.

“Một trong những lợi ích tiềm năng của ghép tạng từ động vật là nguồn cung cấp ghép không giới hạn, có thể giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân đang có nhu cầu ghép tạng cấp thiết”, Albert Chan Chi-yan, giáo sư lâm sàng tại Đại học Hồng Kông và giám đốc Trung tâm Cấy ghép Gan của Bệnh viện Queen Mary cho biết.

Nguồn cung cấp nội tạng vô hạn có thể mang lại hy vọng cho hàng trăm nghìn bệnh nhân trên khắp thế giới đang chờ đợi đến lượt được ghép trong bối cảnh thiếu hụt nguồn tạng trên toàn cầu. Tuy nhiên, những lo ngại về đạo đức có thể là trở ngại.

“[Một mối lo ngại là] nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người”, Chan nói.

Những con lợn được sử dụng để cấy ghép cho người thường được nuôi trong các cơ sở chuyên biệt để đảm bảo chúng không có mầm bệnh. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thành công.

Vào năm 2022, một ca ghép mang tính bước ngoặt đã chứng kiến quả tim lợn đầu tiên được ghép vào một bệnh nhân mắc bệnh tim giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật này kết thúc bằng cái chết của bệnh nhân do một loại virus chưa được phát hiện.

Mặc dù “lợi ích tiềm năng là rất lớn” nhưng khả năng truyền các tác nhân truyền nhiễm vẫn là một mối quan tâm lớn, đặc biệt là vì một số tác nhân có thể không được phát hiện trước khi ghép, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Động vật được sử dụng trong ghép tạng từ động vật thường được biến đổi gen để giảm nguy cơ thải ghép nội tạng. Gen của lợn cũng có thể được biến đổi để thêm vào các gen của con người nhằm đảm bảo cơ quan cấy ghép phù hợp hơn.

Quả thận được sử dụng trong ca ghép tạng tại Mỹ tuần trước đến từ một con lợn với số lần chỉnh sửa gen kỷ lục là 69 lần, theo một báo cáo của Nature. Các nhà khoa học ở Trung Quốc cũng đã theo đuổi việc nhân tính hóa động vật hiến tặng bằng cách đưa tế bào gốc của người vào phôi lợn, tạo ra phôi có thận được tạo thành chủ yếu từ tế bào người.

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học thừa nhận mối quan tâm chính về đạo đức rằng các tế bào của con người có thể xâm nhập vào não hoặc phần sinh dục của phôi, có thể dẫn đến sự biệt hóa thành các tế bào sinh sản.

Cũng có thể có những lo ngại về “tác động tâm lý đối với người nhận nội tạng” sau phẫu thuật, Chan nói.

Theo hướng dẫn của FDA, việc cấy ghép nội tạng động vật vào người nên được giới hạn cho những bệnh nhân mắc các bệnh “nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng”, những người có thể không có liệu pháp thay thế.

Bất chấp những lo ngại về đạo đức, một báo cáo về cuộc họp năm 2018 tại Trung Quốc có sự tham gia của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, ghép tạng từ động vật “có thể thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung cấp nội tạng người để cấy ghép”.

Trong khi ghép tạng từ động vật vẫn còn trong giai đoạn trứng nước trên khía cạnh áp dụng thực tế, Chan cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm.

“Các nghiên cứu trong tương lai nên tập trung vào việc chỉnh sửa gen có thể giúp sửa đổi nội tạng động vật trở nên hoàn toàn phù hợp và có thể chấp nhận được đối với người bệnh,” ông nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *