Một bài báo tương tác trên New York Times đã khiến cộng đồng người Mỹ gốc Á cũng như cư dân các nước châu Á phẫn nộ. Bài báo, về cơ bản là một danh sách lời khuyên từ 45 “người hòa đồng và thân thiện”, bao gồm hai mẹo khuyên chủ nhà không nên yêu cầu khách bỏ giày trước khi vào nhà.
Rebecca Gardner, một nhà thiết kế nội thất và sự kiện, được trích dẫn trong bài báo có tựa đề “Làm thế nào để tổ chức tiệc (mà không hối tiếc)”: “Xin đừng yêu cầu mọi người cởi giày khi vào căn hộ của bạn. Thật thô lỗ”.
Romilly Newman, người mà tạp chí Town & Country gọi là Gen-Z Martha Stewart – được xem là thần tượng trong giới đầu tư chứng khoán của phố Wall – nói thêm: “Bạn không thể nói “Bạn không được chạm vào cái này” và “Bạn phải cởi giày ra” và “Nếu bạn làm vỡ gì đó, bạn sẽ gặp rắc rối”. Làm chủ nhà là để khách của bạn tận hưởng”.
Tranh cãi chuyện cởi giày, dép trước khi vào nhà
Lời khuyên của họ đã làm phật lòng những người đã quen với việc không đi giày trong nhà, bao gồm người Hàn Quốc và nhiều người Mỹ gốc Hàn.
“Đây rõ ràng là cách nói “Tôi không có bạn nào là người châu Á””, Jeff Yang, một nhà báo của Wall Street Journal, đã viết trong một bài đăng trên mạng xã hội lan truyền.
Ở Hàn Quốc, cũng như nhiều nước châu Á khác, giày được cởi ra ở lối vào nhà và thậm chí một số cơ sở kinh doanh như nhà hàng có chỗ ngồi trên sàn.
“Tôi sẽ cởi giày trong nhà mình, nhưng tôi biết rằng không phải trường hợp ở nhiều hộ gia đình phương Tây. Tôi sẽ đi giày nếu đó là những gì họ làm trong nhà của họ, nhưng tôi hy vọng họ cũng tôn trọng quy tắc của tôi khi họ ở trong nhà tôi. Tôi nghĩ đó là phép lịch sự rất cơ bản để tuân theo quy tắc của chủ nhà”, Jung-soo, một người Hàn Quốc nói.
“Tôi không biết điều gì là thô lỗ khi tiếp đãi mọi người trong nhà bạn theo quy tắc của bạn. Nhiều người có những thói quen cá nhân khác nhau (như sử dụng đế lót ly hoặc đặt áo khoác của họ trên một đống chung). Khi bạn vào nhà của ai đó, bạn nên tuân theo các chính sách của họ, đặc biệt là nếu bạn muốn ăn hoặc uống những gì họ đang phục vụ”, Jenikah, cũng là một công dân Hàn Quốc, nói thêm. “
Ji-hoon, một người Hàn Quốc đã từng sống ở Mỹ, lưu ý rằng anh gặp khó khăn vì sự khác biệt về phong tục này. “Có những dịp tôi phải yêu cầu khách đến căn hộ của tôi ở Michigan cởi giày, và một số người thực sự tỏ ra khó chịu vì điều đó,” anh nói.
Ngoài ra, những người Mỹ thuộc các sắc tộc khác nhau đã chuyển đến Hàn Quốc cũng bày tỏ sự khó chịu với lời khuyên không đi giày trong nhà.
“Đã từng sống ở Hàn Quốc, mẹ tôi và tôi hiện đang vận hành một ngôi nhà không đi giày trong đó. Tôi đến từ West Virginia, và tôi muốn nói rằng hầu hết chúng tôi đều cởi giày khi về nhà và đi vào phòng ngủ, nhưng khách vẫn đi giày trong phòng ăn và phòng khách”, Ashleigh, một người Mỹ, nói.
Nhiều người coi vấn đề này là vấn đề vệ sinh hơn là một mối quan tâm về tính truyền thống của phong tục không đi giày trong nhà.
“Ừ không, thật là thô lỗ khi mang bụi bặm và rác vào nhà tôi? Tính đến năm 2024, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều rõ ràng về thực tế rằng đường phố thành phố rất bẩn và mang những thứ như nấm mốc và các bệnh khác vào nhà bạn. Thật là buồn cười khi họ quan tâm tới đôi giày của họ hơn là sức khoẻ của gia chủ”, Jihon, một người Hàn Quốc sống tại Mỹ nói.
Michael Breen, tác giả của cuốn “The Koreans”, chỉ ra rằng sàn nhà trong các hộ gia đình châu Á là không gian chung hơn nhiều so với các hộ gia đình phương Tây. Theo truyền thống, ông nói, “sàn nhà để ngồi và ngủ. Trên thực tế, nhiều ngôi nhà không có giường, ghế, ghế sofa hoặc thảm”.
Thực tế, giày dép, dù mới hay cũ, đều chứa hàng trăm nghìn vi khuẩn có hại. Nghiên cứu của Đại học Arizona (Mỹ) chỉ ra rằng có tới 421.000 loại vi khuẩn khác nhau trên giày dép, trong đó 96% là vi khuẩn Coliform thường có trong phân người. Ngoài ra, còn có các vi khuẩn khác như E.coli, Klebsiella, Serratia Ficaria gây nhiễm trùng đường tiết niệu và hô hấp.
Charles Gerba, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết giày dép có thể tiếp xúc với chất bẩn từ nhiều nguồn khác nhau, do đó mang giày vào nhà đồng nghĩa với việc mang vi khuẩn vào nhà. Chính những phát hiện này đã khiến ông thay đổi thói quen, không còn đặt chân lên bàn làm việc.
Mặc dù vi khuẩn từ giày dép thường chỉ lây truyền khi bạn chạm vào giày rồi chạm lên mặt, miệng hoặc ăn thức ăn rơi trên sàn, nhưng Lisa A. Cuchara, giáo sư khoa học y sinh tại Đại học Quinnipiac, cũng nhấn mạnh rằng vi khuẩn chắc chắn sẽ chuyển từ giày sang sàn nhà. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, điều này không phải là mối đe dọa lớn.
Các nhà khoa học khuyên mọi người nên cởi giày khi có trẻ nhỏ bò trên sàn hoặc người bị dị ứng trong nhà. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch yếu càng cần cẩn trọng hơn.