Trạng Lường Lương Thế Vinh thực chẳng xa lạ gì với mọi người với những giai thoại đấu trí đỉnh cao như cân voi, đo giấy… Thế nhưng, được mặt này thì lại hỏng mặt kia. Đường tình duyên của ông lại vô cùng trắc trở. Và, những cái kết của chúng khiến cả một đời ông về sau day dứt chẳng yên…
***
Tương truyền rằng, quan trạng rất thích chèo, có thể biểu diễn được khi cao hứng. Có lần, một phường chèo về trình diễn ở làng Si (một làng gần với quê Lương Thế Vinh là làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương – Liên Bảo – Vụ Bản – Nam Định). Đoàn chèo này nổi tiếng có 1 cô Đào vừa xinh đẹp vừa hát hay.
Và ông trời cũng thật khéo sắp đặt! Sắp đến giờ biểu diễn thì đột nhiên người kéo nhị trong gánh chèo bị ốm mà không có người thay thế. Được dịp thể hiện với mỹ nhân, quan trạng tương lai xung phong luôn! Hôm đó, chàng với nàng, người đàn, người hát, những vai khác cùng hòa vào, tất cả đã giúp cho buổi diễn thành công rực rỡ. Sau khi diễn xong, cả 2 đã gặp nhau. Chết cái! không ai dám thổ lộ tình cảm vì một bên tự ti cho thân phận “Xướng ca vô loài”, một bên không dám liều vì tương lai chưa rõ ràng. Cứ thế, trạng lên kinh dự thi, cô Đào lại nay đây mai đó cùng đoàn chèo…
***
Khi lên kinh thành dự kỳ thi Hội, có thể là vì cô đơn quá nên trạng đã hẹn hò với nàng Thi Liệu, con gái một gia đình danh giá ở phố Hàng Đào. Chuẩn bị đến kỳ thi, ông về quê để sửa soạn, tiện bàn với Thi Liệu rằng sẽ về thưa với gia đình để tính chuyện mai sau. Thế nhưng, trước khi Lương Thế Vinh ra về, nàng lại đưa cho chàng một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán tạm dịch là:
“Tay cầm búa sắc vượt rừng sâu
Một gã tiều phu chẳng đợi lâu
Lưng giắt ngang đao thong thả bước
Cửa vuông, trong cửa đón yêu nhau”
Hiểu ra ẩn ý của bài thơ là hãy thi cử đỗ đạt thì mới có thể tính chuyện hôn nhân, ông sôi máu lắm! “Hóa ra đến với tao chỉ vì muốn làm vợ Trạng à!”. Ông lập tức viết ngay một bài đáp lại:
“Cần gì vất vả tới rừng sâu
Thử hỏi ngày xuân được bấy lâu
Giữa hội chẳng cần đao dẫu quý
Kinh kỳ đâu thiếu kẻ yêu nhau”
Rồi từ đó, tình cách xa…
***
Thời gian thấm thoắt, ngay sau khi đỗ Trạng nguyên, ông nhờ người đi tìm cô Đào ngày xưa. Thế nhưng, vì tìm lâu quá không thấy, cộng thêm việc phải trả nghĩa, ông đã phải chấp nhận cưới con gái của thầy giáo mình ngay trong ngày vinh quy bái tổ…
Và giờ là lúc drama ập đến! Đúng lúc này, người ta đã mời được đoàn chèo của cô Đào về diễn. Thế là cuộc truy tìm người thương của quan trạng bỗng chốc biến thành một lời mời đến dự “đám tang cho cuộc tình của đôi mình!” Hôm đó, cô Đào dù tủi phận, vẫn bình tĩnh biểu diễn. Nhưng lời hát, lối diễn sao mà bi ai, thống thiết, khiến bao người xem cũng phải rơi lệ. Về phần quan trạng thì không cần viết ra đây, mọi người cũng tưởng tượng được ông lúc đó như nào…
Nhưng đau lòng hơn, ngay đêm hôm đó, sau khi trở về từ lễ Vinh quy – thành hôn của trạng, cô Đào tủi phận đã quyên sinh và để lại một bài thơ tuyệt mệnh.
Sự tình đến tai ông. Vừa xót thương cho nàng mà cũng vừa hận mình, ông đã xử sự vô cùng có trách nhiệm khi cho lập một miếu thờ ở đầu làng để hương khói cho cô (hiện miếu này không còn). Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng việc ông viết cuốn Hý Phường phả lục, một bộ sách nguyên cứu về chèo, cũng là để tưởng nhớ tới nàng.
(Bài viết dựa theo những trích đoạn từ cuốn Trạng Lường – Lương Thế Vinh của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam và bài báo Hai mối tình ngang trái của Trạng Lường Lương Thế Vinh trên báo Đời Sống và Pháp Luật)
