Trần Trọng Kim gỡ chữ “Ngụy” cho triều Tây Sơn như thế nào.

Trần Trọng Kim gỡ chữ “Ngụy” cho triều Tây Sơn như thế nào.

Trần Trọng Kim gỡ chữ “Ngụy” cho triều Tây Sơn như thế nào.

?? Khi đã chiến thắng Tây Sơn, thống nhất đất nước, sử sách nhà Nguyễn đã phủ nhận hoàn toàn tính chính thống của triều Tây Sơn và áp đặt chữ “ngụy” (僞 – nghĩa là giả, dối trá, không chính thống) vào triều đại này. Ví như Đại Nam liệt truyện chép về triều Tây Sơn với tựa đề “Ngụy Tây liệt truyện” (Truyện chép về Ngụy Tây). Tuy nhiên, Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược với lý lẽ sắc bén, lập luận vững chắc đã bác bỏ việc dùng chữ ngụy để gọi nhà Tây Sơn. Và mặc dù sách được viết đầu thế kỷ XX, chịu áp lực lớn từ triều đình Huế cùng thực dân Pháp nên còn nhiều điểm hạn chế, nhưng theo tôi đoạn lý luận về tính chính thống của nhà Tây Sơn là một trong những đoạn hay nhất của tác phẩm. Đặc biệt qua câu “Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, mà lấy công lý mà suy thì ….. nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.” Trần Trọng Kim đã bóc trần khái niệm chính thống – ngụy triều rằng đối với triều đại, chế độ này thì triều đại, chế độ kia là ngụy, nhưng muốn biết có thực là chính thống hay không thì phải dùng công lý mà suy chứ không thể dùng con mắt của những thế lực có thành kiến mà nhìn được. Dưới đây là biện giải của ông trong tác phẩm Việt Nam sử lược (trích Quyển IV, chương XI, phần 1. Nhà Nguyễn Tây sơn dấy nghiệp):

“Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì cho là ngụy triều.
Vậy nay lấy những lẽ ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây Sơn làm chính thống hay ngụy triều, để cho hợp lẽ công bằng và cho xứng cái danh hiệu những người anh hùng đã qua.

Nguyên nước ta là nước quân chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc; trên tuy còn tôn vua nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở ngoài Bắc thì có kiêu binh làm loạn, giết hại quan đại thần, vua chúa phải nhún mình mà chiều đãi, đình thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc đại loạn vậy.

Lúc ấy anh em Nguyễn Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây Sơn, chống nhau với chúa Nguyễn để lập nghiệp ở đất Quy Nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu địch, nhưng mà đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc biến loạn đó mà thôi.

Còn như Nguyễn Huệ là vua Thái Tổ nhà Nguyễn Tây Sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào Gia Định đều được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Tiêm La, chỉ còn được mấy trăm người lủi thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc Hà, dứt họ Trịnh; tôn vua Lê, đem lại mối cương thường cho rõ ràng. Ấy là đã có sức mạnh mà lại biết làm việc nghĩa vậy.

Nhưng vì vua nhà Lê nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán loạn. Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt Giám Quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy gì làm bạc.

Sau vua Chiêu Thống và bà Hoàng Thái Hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn tiến cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh tướng sang giữ thành Thăng Long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật dụ của vua nhà Thanh thì nước Nam ta, bề ngoài tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.

Vậy nước đã mất, thì phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng Đế, truyền hịch đi các nơi, đường đường chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu, tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước Tàu khiếp sợ, tướng sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có võ công nào lẫm liệt như vậy.

Vả đánh đuổi người Tàu đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? Há lại chẳng hơn nhà Lý, nhà Trần nhân lúc ấu quân, nữ chúa, mà làm sự thoán đoạt hay sao? Vậy thì lấy lẽ gì mà gọi là ngụy? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công nhận cho ông Nguyễn Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An Nam Quốc vương theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây Sơn mở nước có khác gì nhà Đinh và nhà Lê không?

Tuy rằng chẳng được bao lâu nhà Nguyễn Tây Sơn sinh ra nội loạn, vua Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn lại thu phục được cơ nghiệp cũ mà nhất thống cả nam bắc lại làm một, nhưng việc thành bại hưng vong là mệnh trời, vả lại khi hai người anh hùng đuổi một con hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu địch. Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, mà lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Thái Tổ, mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy.”

Ảnh: Tạo hình Hoàng đế Quang Trung – tác giả: Ấm Chè

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *