TRẤN THUẬN THÀNH THỜI CHÚA NGUYỄN
(1692 – 1771)
Tác giả: Đổng Thành Danh
Trấn Thuận Thành là một danh xưng thường xuất hiện trong các văn bản thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn để chỉ khu vực hành chính tự trị, được hưởng một quy chế đặc biệt của các sắc dân thiểu số cực Nam Trung bộ (nay là Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần Lâm Đồng) trong giai đoạn thế kỷ XVII – XIX. Cương vực của trấn Thuận, sau năm 1697, là phần lãnh thổ nằm rải rác, xen lẫn với các làng, xóm của người Việt nằm dưới sự quản lý của phủ Bình Thuận, do các quan lại người Việt đứng đầu. Khác với các vùng khác, trấn Thuận Thành được chúa Nguyễn ban cho các đạc quyền, trong đó họ có một chế độ hành chính, thuế khóa, luật pháp… riêng, với một nhà lãnh đạo người bản xứ gọi là Thuận Thành vương và nằm dưới quy chế bảo hộ của xứ Đàng Trong.
1. Bối cảnh ra đời của trấn Thuận Thành
Sau cuộc chiến tranh Đại Việt – Champa năm 1471, vua Lê Thánh Tông sát nhập phần đất từ phía Nam sông Thu Bồn đến phía Bắc đèo Cù Mông (từ Nam Quảng Nam đến hết Bình Định ngày nay). Phần đất còn lại của Champa ở phía Nam được chia làm ba vùng : Đại Chiêm, Nam Bàn và Hoa Anh[1]. Vùng đất Đại Chiêm chính là vương quốc Champa bị thu hẹp lại ở hai xứ Kauthara (Khánh Hòa nay) và Panduranga (Ninh – Bình Thuận nay) do Bồ Trì Trì (một hàng tướng người Chăm) làm vua[2]. Năm 1578, lợi dụng tình trạng nội chiến ở Đại Việt, Champa đem quân chiếm lại Phú Yên, mà có thể là lãnh thổ của nước Hoa Anh trước đó[3].
Năm 1611, Nguyễn Hoàng (lúc bấy giờ là Trấn thủ xứ Thuận – Quảng, nuôi trong mình khát vọng thành lập một xứ sở độc lập, hầu làm đối trọng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài) cử Chủ sự Văn Phong tiến quân về phía Nam chinh phạt Champa. Đồng thời sát nhập vùng đất Aiaru (của Champa) vào lãnh thổ xứ Đàng Trong, tức là vùng đất Phú Yên ngày nay[4].
Năm 1653, Po Nraop (sử Việt gọi là Bà Tấm hay Bà Thấm) có lẽ là vị vua trị vì sau Po Rome, đã thực hiện thay ông tham vọng của mình hầu chiếm lại vùng đất cũ. Nhưng cuộc phản công này đã thất bại, hoặc chỉ là những dấu hiệu quấy phá nhỏ lẻ ở vùng biên giới. Nhưng đó cũng là lý do để chúa Nguyễn cử binh chinh phạt Champa. Cùng năm đó, chúa Nguyễn sai Cai cơ Hùng Lộc Hầu đem quân chinh phạt Champa, sát nhập vùng Kauthara – Champa vào xứ Đàng Trong, đặt thành dinh Thái Khang, vùng đất này ngày nay chính là tỉnh Khánh Hòa[5].
Tháng 8 năm 1692 (ÂL), nhân việc vua Champa cử binh sang quấy phá dinh Bình Khang (trước là dinh Thái Khang), chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống binh Nguyễn Hữu Cảnh dẹp loạn và sau đó đem quân vào chinh phạt vùng đất cuối cùng của Champa là Panduranga. Tháng 2 và 3 năm 1693, Nguyễn Hữu Cảnh bắt được vua Champa là Kế Bà Tranh và bầy tôi, chúa Nguyễn sát nhập vùng đất Panduranga – Champa vào xứ Đàng Trong dưới danh xưng Trấn Thuận Thành, đây là lần đầu tiên thuật ngữ trấn Thuận Thành xuất hiện, nhưng ngay sau đó nó lại bị đổi thành phủ Bình Thuận (tháng 8 cùng năm)[6].
Việc thành lập phủ Bình Thuận đã tạo nên sự phản ứng tức thì của cư dân bản địa chưa quen với sự cai trị của quan lại người Việt. Tháng 12 năm 1693, một cuộc phản kháng do một người gốc Hoa tên là A Ban kết hợp với Ốc Nha Thát (một cái tên gốc Khmer) nổ ra. Để thu hút người bản địa, A Ban đổi tên là Ngô Lãng và thần thánh hóa cho mình, tuyên truyền rằng mình có phép thuật hô phong hoán vũ, vũ khí không thể làm hại được, đây là cách thức quen thuộc để gây sự chú ý cho phong trào phản kháng nhằm thu hút sự ủng hộ, được những người Hoa du nhập theo các tổ chức hội kín mà sau này rất phổ biến trong cuộc kháng Pháp ở vùng Nam Bộ.
Sự tuyên truyền này đã có tác động tích cực, cư dân bản địa đã theo phe nổi dậy rất đông. Vì vậy, trong giai đoạn đầu lực lượng nổi dậy đã chiếm được Phố Hài (Pajai) đánh bại quan Cai đội Nguyễn Trí Thắng, dùng mưu ám hại, rồi tạo nội ứng để giết Cai đội Nguyễn Tân Lễ, chiếm Phan Rí (Parik). Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian ngắn phe nổi dậy đã chiếm được hai phần ba phủ Bình Thuận, chỉ còn vùng Phan Rang (Panrang). Không lâu sau, A Ban lại cho quân đến vây Phan Rang, Cai đội Chu Kiêm Thắng do quân ít nên giữ thành cố thủ, lại bắt Po Saktiraydapatih (Kế Bà Tử), em của Kế Bà Tranh, lúc bấy giờ giữ chức Khám lý, làm con tin uy hiếp A Ban và Ốc Nha Thát, quân nổi dậy bèn rút đi[7].
Sang năm sau (1694), khi nghe tin Bà Tranh đã qua đời, A Ban lại tấn công Phan Rang, Cai đội Chu Kiêm Thắng báo về dinh Thái Khang, Nguyễn Hữu Oai sang chi viện, quân nổi dậy tạm lui. Tháng 2, Lưu thủ tên Nhuận (không rõ họ) lại đem quân đánh quân A Ban và truy sát đến Thượng Dã (có thể là biên giới với Khmer). Chúa Nguyễn lại giao cho Nguyễn Hữu Cảnh vào ổn định vùng đất mới bình định này[8].
2. Trấn Thuận Thành trong giai đoạn tái lập và định hình (1694 – 1697)
Những cuộc nổi dậy năm 1693 – 1694, khiến cho chúa Nguyễn phải nghĩ đến một cách thức khác thân thiện hơn để sát nhập Bình Thuận vào lãnh thổ xứ Đàng Trong, để các tộc người bản địa không phản ứng quá quyết liệt, đồng thời tạo điều kiện cho người Việt di dân vào đây một cách thuận lợi và sau cùng là để chúa Nguyễn dễ dàng sát nhập vùng Gia Định – Đồng Nai ở phía Nam. Vì những lẽ ấy, từ sự cố vấn của Nguyễn Hữu Cảnh và lời khẩn cầu của Kế Bà Tử, chúa Nguyễn quyết định khôi phục lại trấn Thuận Thành (tháng 8, 1694) và phong cho Kế Bà Tử làm Phiên vương, trả lại ấn, gươm, yên, ngựa và những người bị bắt trước đây, bắt hằng năm phải cống theo lệ của chúa Nguyễn đưa ra[9].
Sau khi tình hình đã ổn định, người Việt vào định cư lập làng, xóm tại trấn Thuận Thành ngày một đông, bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho việc xác lập chủ quyền ở vùng đất Đồng Nai – Gia Định, lúc bấy giờ đã có đông người Việt đến định cư, chúa Nguyễn đã tái lập phủ Bình Thuận vào tháng 8 năm 1697, gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa[10]. Trấn Thuận Thành lại lệ thuộc vào dinh Bình Thuận (tương đương phủ Bình Thuận), đặt làm 4 đạo (Phan Rang, Phan Thiết, Ma Li, Phố Hài) mỗi đạo đặt một chức quan văn và võ, đều lệ vào dinh, không đặt phủ, huyện[11].
Như vậy, đến sau năm 1697, dù phủ Bình Thuận đã được thiết lập với hai huyện An Phước và Hòa Đa (bao gồm các khu vực sinh sống của người Việt). Theo Lafont, phủ Bình Thuận của năm 1697, khác với phủ Bình Thuận năm 1693, phủ Bình Thuận này tập trung các thôn, xóm của người Việt, sau này trở thành hai huyện An Phước và Hòa Đa. Kể từ đó, người Việt ở vùng đất này không còn nằm trong thân phận một lưu dân nữa, họ không còn nằm dưới sự quản lý của Thuận Thành vương nữa mà là thần dân trực tiếp của chúa Nguyễn thông qua phủ Bình Thuận[12].
Dù thành lập phủ Bình Thuận, nhưng trấn Thuận Thành vẫn được duy trì, đối với các chúa Nguyễn, trấn Thuận Thành là khu vực tập trung sinh sống của các cộng đồng cư dân bản địa ở Bình Thuận, được ban một quy chế tự trị đặc biệt. Ở đó các Phiên vương (gốc Chăm), do chúa Nguyễn phong nhưng giữ vai trò thế tập như một quốc gia chư hầu của xứ Đàng Trong, tương tự như nhà Nguyễn dưới thời Pháp thuộc.
Đối với người Chăm, họ vẫn xem trấn Thuận Thành là một quốc gia độc lập với tên gọi Panduranga – Champa. Trong biên niên sử Panduranga, họ vẫn xem các Phiên vương trấn Thuận Thành như là các Potao (vua) của mình và tiếp tục ghi nhận danh sách các Potao cho đến tận đầu thế kỷ XIX. Những bản đồ, hay những ghi chép của các thuyền buôn, nhà truyền giáo nước ngoài cũng mô tả Champa như một quốc gia độc lập có hành chính, quân đội và luật pháp riêng. Nhưng chịu sự bảo hộ của vương quốc Đàng Trong, và thực hiện quy chế triều cống cho các chúa Nguyễn theo định kỳ[13]…
Điều này tạo nên một cơ cấu hành chính đặc biệt, theo đó trấn Thuận Thành (chỉ khu định cư của người bản địa) không tập trung một nơi mà nằm rải rác, xen lẫn trong các khu định cư của người Việt. Lafont gọi mô hình đặc biệt này là “Capitulation”[14]. Trong khi Po Dharma sử dụng một thuật ngữ dể hình dung hơn là “Peau de léopard” (lãnh thổ bị cắt xén như tấm da báo)[15].
Chính vì thế, chúng tôi gọi giai đoạn 1694 – 1697, là giai đoạn tái lập và định hình trấn Thuận Thành. Nếu như trấn Thuận Thành, năm 1694, có cương vực bao gồm toàn bộ vùng đất Panduranga cũ đã sát nhập vào xứ Đàng Trong (1693), thì đến năm 1697, trấn Thuận Thành chỉ còn thu hẹp lại ở những khu định cư của người bản xứ. Phần đất Panduranga trước đây bị phân chia làm hai phần là phủ Bình Thuận và trấn Thuận Thành, hai thực thể hành chính này không có ranh giới và cương vực cố định mà xen lẫn, đan cài vào nhau. Trong đó trấn Thuận Thành là địa bàn của các dân tộc bản địa, Bình Thuận là khu vực sinh sống của các lưu dân người Việt. Đây là một thiết chế hành chính đặc biệt chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.
3. Trấn Thuận Thành từ sau năm 1697 đến hết thời chúa Nguyễn (1771)
Sau năm 1697, nếu như các sử liệu của nhà Nguyễn nhắc đến trấn Thuận Thành rất mờ nhạt, thì các văn bản bằng ngôn ngữ Chăm (của hoàng gia hay giới bình dân) và các ghi chép của thuyền buôn phương Tây cho chúng ta thấy rằng trấn Thuận Thành là một Phiên quốc độc lập với một triều đình, một hệ thống hành chính, quân đội…và luật pháp riêng, nhưng lệ thuộc chúa Nguyễn. Trong khi các văn bản Việt sử dụng danh xưng trấn Thuận Thành thì các văn bản hoàng gia Chăm sử dụng tên gọi cũ là Panduranga để chỉ thiết chế hành chính đặc biệt này.
Theo các nguồn sử liệu, mối quan hệ “tôn chủ – bồi thần” giữa chúa Nguyễn và trấn Thuận Thành trong thời kỳ Kế Bà Tử làm Phiên vương nhìn chung là thân thiện[16]. Bằng chứng là trong các năm 1694 và 1709, Phiên quốc này vẫn thường lệ dâng cống theo quy định cho chúa Nguyễn[17]. Năm 1714, trong thân phận Phiên thuộc, Kế Bà Tử và gia thần đã đến dự một buổi lễ khánh thành chùa Thiên Mụ ở Phú Xuân[18].
Đáp lại, chúa Nguyễn đã thi hành một chính sách thân thiện trong sứ mệnh “tôn chủ” của mình với trấn Thuận Thành. Chúa Nguyễn, bên cạnh việc cử những bính lính để bảo vệ Phiên vương Thuận Thành, mà Đại Nam liệt truyện ghi nhận có khoảng 30 người[19]. Khi được sự yêu cầu của Po Saktiraydapatih trong việc lập công đường chúa Nguyễn cũng giúp đỡ rất thân tình (1714)[20]. Bên cạnh đó, để giám sát và cố vấn cho Thuận Thành vương, chúa Nguyễn còn duy trì ở đó các vị quan người Việt mà các thuyền buôn phương Tây mô tả như là một nhân vật có vai trò quan trọng[21].
Hơn thế nữa, nhằm ngăn chặn và hạn chế tình trạng bất bình đẳng của người Chăm trong quá trình làm ăn, sinh hoạt với người Việt ở vùng đất này. Năm 1712, theo lời khẩn cầu của Kế Bà Tử, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đưa ra quy định 5 điều trong ứng xử với trấn Thuận Thành để tạo nên sự bình đẳng giữa các dân tộc trong quá trình cùng cộng cư ở địa phương:
“…- Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở vương phủ, thì tiền đòi xét mỗi viên tả hữu trà phải nộp 20 quan, mỗi viên tả hữu phan dung phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang thì mỗi viên tả hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên tả hữu phan dung nộp 2 quan.
– Phàm người kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do phiên vương và cai bạ ký lục xử đoán; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình phiên vương xử đoán.
– Hai trạm Kiền Kiền và Ô Cam sai quân canh giữ nghiêm mật để phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trạm đài đệ.
– Khách buôn đến các sách Man để mua bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành.
– Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn, đều đã thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên…”[22].
Những mô tả trên cho thấy một tình trạng phổ biến trong bước đầu cộng cư của hai dân tộc Chăm và Kinh, đó có thể là những hiểu lầm, tranh chấp trong sinh hoạt, đời sống, làm ăn và buôn bán. Trong điều kiện, hoàn cảnh, tình cảm, tâm lý, văn hóa, ngôn ngữ… khác biệt, quá trình tiếp xúc, tìm hiểu nhau chưa lâu dài, chắc hẳn sẽ sinh ra nhiều tranh chấp, kiện cáo lẫn nhau trong sinh hoạt hay lao động hằng ngày.
Mặt khác, khi thành lập phủ Bình Thuận, trấn Thuận Thành vẫn được duy trì, do đó khu định cư của người Việt và người Chăm không có một biên giới cố định, mà đan xen, quyện cài vào nhau (như mô tả ở phần trên). Cả phủ Bình Thuận và trấn Thuận Thành đều nằm dưới sự quản lý và giám sát của chúa Nguyễn. Do đó không thể xác định được quan hệ của phủ Bình Thuận với trấn Thuận Thành, thực thể nào lớn hơn hay chồng chéo lên nhau cũng khó mà xác định do không có một quy định rõ ràng.
Vì vậy, khi xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp và kiện cáo dân sự giữa người Chăm và người Việt, các quan lại Bình Thuận hay Phiên vương Thuận Thành khó phân xử, lúng túng vì sợ mất lòng đôi bên. Những tranh chấp này lại liên quan đến các vấn đề tộc người, do đó mọi phán xử sai lầm đều có thể dẫn đến những xung đột nằm ngoài giới hạn dân sự như bạo loạn tộc người…
Chính đó là nguyên nhân để chúa Nguyễn đi đến một thỏa thuận 5 điểm với Kế Bà Tử vào năm 1712 mà mục đích là nhằm tôn trọng quyền lợi của cư dân bản địa trên lãnh thổ quê hương họ, cũng như tạo điệu kiện cho người Việt ổn định làm ăn và sinh sống trên vùng đất mới. Tránh mọi xung đột không đáng có về tộc người, xây dựng khối đoàn kết dân tộc…
Với thỏa thuận này, Phiên vương Thuận Thành có vai trò lớn nhất trong địa phương kể cả đối với người Việt, bằng chứng là Phiên vương sẽ có mặt cùng với Cai bạ và Ký lục (người Việt) trong các vụ kiện của người Kinh với nhau, cũng như các vụ kiện Kinh – Chăm. Ông còn có toàn quyền trong việc xứ các vụ kiện với người Chăm với nhau trong địa hạt trấn Thuận Thành (điều 2). Ngoài ra, chúa Nguyễn còn thắt chặt quản lý hoạt động buôn bán của các cư dân người Việt tại các địa bàn người bản địa (điều 4), cũng như thể hiện lòng khoang dung và đức độ đối với tộc người bản địa để họ quy thuận theo chúa Nguyễn (điều 3, 5).
Những quy định trên của chúa Nguyễn đã làm cho mối quan hệ cộng cư giữa hai dân tộc được điều hòa, tránh những mâu thuẫn, xung đột. Tạo điều kiện để người Việt định cư một cách thuận lợi và ngăn chặn tình trạng bị chèn ép của người dân bản xứ. Tuy sau cái chết của Kế Bà Tử (1727) một số phong trào phản kháng lẻ tẻ vẫn nổi lên, nhưng nhìn chung không đáng kể. Các Phiên vương[23]kế tục vẫn thi hành chính sách thân thiện và thực hiện nghĩa vụ chư hầu của mình dưới sự bảo trợ của các chúa Nguyễn.
Tóm lại, dưới thời chúa Nguyễn, trấn Thuận Thành vẫn được duy trì các đặc quyền nhất định của nó trong đặc thù của một vùng đa dân tộc, mối quan hệ giữa chúa Nguyễn với trấn Thuận Thành nói chung và các Thuận Thành vương luôn tốt đẹp, nhờ đó nhân dân bản xứ đã trải qua một thời kỳ ổn định. Trong tình hình cộng cư, đan xen giữa các dân tộc cũ và mới, giữa người Việt và người bản địa, những va chạm, xung đột là không thể tránh khỏi, nhưng nổi bật trong giai đoạn này chính là chính sách dúng đắn của chúa Nguyễn để điều hòa mối quan hệ đó, hầu từ đó xây dựng và thắt chặt mối quan hệ thân thiện của các cộng đồng tộc người thúc đẩy sự giao lưu, pha trộn văn hóa, tạo nên bản sắc đa dạng của nền văn hóa địa phương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
2. Dohamide – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon.
3. Danny Wong Tze Ken (2007), The Nguyen and Champa during 17 and 18 century, IOC – Champa, San Jose.
4. Lê Qúy Đôn (2007), Toàn tập, tập 2: Phủ Biên Tạp Lục, phần 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Phan Khoang (1969), Việt sử : Xứ Đàng Trong, Khai Trí, Saigon.
6. Lafont P-B (1991), “Les grandes dates de l’histoire du Campa”. Le Campa et leMonde malais, CHCPI, Paris.
7. Lafont P-B (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose.
8. Nhiều tác giả (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội.
9. Po Dharma (1978), Chroniques du Panduranga, Thèse de l’EPHE, IV°section, Paris.
10. Po Dharma (1989), “Les Frontieres du Campa (derbier etat des recherches)”, in Les Frontieres du Vietnam, L’Hamattan, Paris.
11. Po Dharma (2012), Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng, IOC – Champa, San Jose.
12. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội.
13. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
14. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam Liệt Truyện, tập 2: chính biên – sơ tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
[1] Theo Đào Duy Anh, Nam Bàn ở phía Bắc Tây Nguyên, tương ứng với các tiểu quốc Jarai của Potao Apui (vua lửa) và Potao Ia (vua nước) mà sử Việt ghi là Hỏa Xá và thủy Xá. Hoa Anh là vùng đất phía Nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tương đương Phú Yên ngày nay). Dẫn theo: Đào Duy Anh (2005), Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 236 – 237.
[2] Nhiều tác giả (2009), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 160 – 161; Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, tr. 524 – 525.
[3] P-B. Lafont (2011), Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose, tr. 188.
[4] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam Thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 40; Phan Khoang (1970), Việt sử: Xứ Đàng Trong, Khai trí, Saigon, tr. 385 – 386.
[5] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 68 – 69; Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2: chính biên – sơ tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 690 – 691.
[6] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 106 – 107; Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), sđd, tr. 691.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 107 – 108; Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), sđd, tr. 691 – 692.
[8] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 108; Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), sđd, tr. 691 – 692.
[9] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 109; Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), sđd, tr. 691.
[10] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 111 – 112.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 144.
[12] P-B. Lafont (2011), sđd, tr. 197 – 198.
[13] Dohamide – Dorohiem (1965), Dân tộc Chàm lược sử, Saigon,tr. 105 – 106; Po Dharma (2012), Vương quốc Champa: lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), IOC – Champa ấn hành, San Jose, tr. 80.
[14] Theo Lafont, « Capitulation » theo chú thích của Lafont là thuật ngữ dung để chỉ hệ thống hành chính nằm rải rác của người thiên chúa giáo trong cộng đồng Hồi giáo, những tiểu quốc độc lập trong lãnh thổ Thái Lan hay của những vùng định cư của dân nước ngoài ở một nước mà chỉ chịu ảnh hưởng pháp lý của lãnh sự quán nước ngoài, chứ không phải chính quyền nước ấy. Dẫn theo: P-B. Lafont (1991), “Les grandes dates de l’histoire du Campa”. Le Campa et le Monde malais, CHCPI, Paris, pp. 19 – 20.
[15] Po Dharma (1989),“Les Frontieres du Campa (derbier etat des recherches)”, Les Frontieres du Vietnam, L’Hamattan, Paris, pp. 134.
[16]Danny Wong Tze Ken (2007), The Nguyen and Champa during 17 and 18 century, IOC – Champa, San Jose, pp. 134..
[17] Lễ vật dâng cống theo định kỳ gồm: voi đực 2 thớt, bò vàng 20 con, ngà voi 6 cái, sừng tê 10 tòa, khăn vải trắng 500 bức, sáp ong 50 cân, da cá 200 tấm, cát sủi 400 thúng, chiếu tre trắng 500 lá, gỗ mun 200 cây, thuyền dài 1 chiếc. Dẫn theo: Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, tr. 109; Lê Qúy Đôn (2007), Toàn tập, tập 2: Phủ Biên tạp lục, phần 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 151.
[18]Danny Wong Tze Ken (2007), sđd, pp. 136.
[19] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, sđd, tr. 691.
[20] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 131.
[21] Dohamide – Dorohiem (1965), sđd, tr. 106.
[22] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), sđd, tr. 128.
[23] Theo các Biên niên sử Panduranga các Phiên vương Panduranga – Champa sau Kế Bà Tử lần lượt là: Po Ginuhputih (1728 – 1731); Po Thuttiraidaputih (1731 – 1732); Po Rattiraydaputao (1732 – 1763) ; Po Tisundimahrai (1763 – 1765); và Po Tisuntiraydapaghoh (1765 – 1780)… dẫn theo Po Dharma (1978), Chroniques du Panduranga, Thèse de l’EPHE, IV°section, Paris.