Trần Thừa – Vito Corleone của gia tộc họ Trần

Đối với người đọc Việt nam hẳn cuốn truyện Bố Gìa của Mỹ qua bản phỏng dịch của Ngọc Thứ Lang ai cũng biết hoặc nghe nói tới. Vito Corleone một Goodfather của Mỹ được thể hiện một cách xuất sắc . Trần Thừa (1184-1234) – Thái tổ của nhà Trần, cũng là một Vitto Corleone trong lịch sử của Việt Nam. Từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đến Khâm Định Việt Sử Giám Cương Mục đều nhắc đến Trần Thừa một cách hết sức hạn chế. Ngoại trừ Việt Sử Lược viết về khá chi tiết cuộc đời của Trần Thừa ta thấy hầu như không ai nhớ công trạng gì của vị Thái tổ họ Trần này. Liệu rằng Trần Thừa có thực sự là kẻ ăn hại, một kẻ chỉ hưởng thành quả của người khác. Hay chính Trần Thừa cũng là một kẻ sắt máu xông pha trận mạc để tạo dựng vị trí cho mình và sau này là người đứng sau bức màn chỉ đạo cuộc soán ngôi của nhà Lý như cách bố gìa Vitto Corleone vẫn thể hiện trong suốt thời trai trẻ cũng như khi đã trên đỉnh cao danh vọng.

1. Trước tiên chúng ta theo bộ sử nổi tiếng nhất của Việt Nam – Đại Việt Sử Ký Toàn Thư để xem Trần Thừa là con người như thế nào :

– (1216) – Mùa đông, tháng 12, sách phong [Thuận Trinh] phu nhân làm hoàng hậu, phong Tự Khánh làm Thái uý phụ chính, cho anh trai Tự Khánh là Trần Thừa (tức thượng hoàng nhà Trần) làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh cùng với Thượng tướng quân Phan Lân xếp đặt quân ngũ, chế tạo binh khí, luyện tập võ nghệ, quân thế dần dần phấn chấn.

– (1223) – Tháng 12, thế quân của Nguyễn Nộn ngày càng mạnh.

Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái uý, khi vào chầu không xưng tên.

– (1225) – Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế/…/Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì, còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao quyền chính cho Nhị lang”. Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa nhiếp chính.

– (1231) – Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước chỗ nào hễ có đình trạm đều phải đắp tượng phật để thờ.

– (1232) – nhận con bỏ rơi là Bà Liệt.

– (1234) – Mùa xuân, tháng giêng, ngày 18, thượng hoàng băng ở cung Phụ Thiên, thọ 51 tuổi. Mùa thu, tháng 8, ngày 28, táng [Thượng hoàng] ở Thọ Lăng phủ Long Hưng. (Lăng ở hương Tinh Cương. Ba lăng Chiêu, Dụ Đức đều ở hương ấy). Miếu hiệu là Huy Tông, tên thụy là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế.

Như vậy trong Toàn Thư viết về vị Thái tổ của triều Trần trong khoảng 18 năm từ 1216 đến 1234 với 6 lần được nhắc tới. Một lần dựa vào người em Tự Khánh để làm Nội thị phán thủ. Tự Khánh chết thì được lấy làm Phụ quốc Thái úy. Con lên ngôi thì được ông em họ là Thủ Độ đưa lên làm Thượng hoàng tạm coi việc nước. Trong thời gian làm Thượng hoàng thì chỉ có một lần ban chiếu việc đắp tượng phật tại các đình trạm. Chúng ta thấy Trần Thừa cả cuộc đời luôn núp sau bóng người khác mà hưởng thành quả, thậm chí có lúc còn như con rối của ông em họ. Vậy, sự thực lịch sử vị Thái tổ của họ Trần có thực bạc nhược yếm thế đến vậy không hay còn bức màn nào che phủ về vị Thái tổ của họ Trần?

2. Trần Thừa là con cả của Trần Lý nguyên tổ của họ Trần. Theo Việt Sử Lược thì con đường đi Trần Thừa cũng bắt đầu bằng các cuộc tranh đấu với các thế lực khác sau cái chết của ông cậu Tô Trung Từ :

– “Nguyễn Ma La thấy Tô Trung Từ đã chết mới sang nói với Thái Tổ ta xin tiến binh dẹp yên ấp Khoái.Nguyễn Ma La cùng với vợ của y là Tô thị lên thuyền sang Đạo Thuận Lưu để gặp tướng của Tô Trung Từ là Nguyễn Trinh thì bị Trinh giết chết rồi cướp lấy Tô thị đem về. Tô thị sai người tố cáo với Thái Tổ. Thái Tổ giận Trinh phi nghĩa bèn âm mưu giết Trinh.

Trần Tự Khánh an táng Tô Trung Từ ở làng Hoạch.

Thái Tổ đóng ở Hải ấp sai người đi triệu Nguyễn Trinh, Nguyễn Trinh không đến. Thái Tổ bèn sai Tô thị dụ Trinh để giết đi.” trích Việt Sử Lược.

– “Năm Giáp Tuất (năm 1214- ND) là năm Kiến gia thứ 4:

Tháng giêng,/…/. Trần Tự Khánh tự lãnh binh thuyền đóng ở sông Tha Mạc (còn đọc là Đà Mạc- ND). Thái Tổ ta và Trần Tự Khánh đánh mặt hữu ngạn sông Lô. Trần Thủ Độ, Trần Hiến Sâm và Nguyễn Ngạnh đánh mặt tả ngạn sông Lô. Vương Lê, Nguyễn Cải đánh cầu Nổi thuộc bến Triều Đông/…/Thái Tổ ta muốn tiến đánh mặt hữu ngạn sông Lô mới kéo binh đi /…./ Quân hai bên đều tổn hại.”

– “1216- Mùa đông, tháng chạp tiến phong cho Thái Tổ (Trần Thừa) ta tước Liệt hầu, /…/

Con trưởng của Thái Tổ (Trần Thừa) là Liễu làm Quan nội hầu. Con trưởng của Trần Tự Khánh là Hải làm tước Vương. Lại cho Thái Tổ làm Nội thị Phán Thủ. Mỗi khi có lễ tiệc lớn được cho ngồi dự ở điện Thiên An.”

Qua các đoạn trích chúng ta có thể thấy rõ ràng Trần Thừa lúc trẻ là người trực tiếp tham gia vào tất cả các hành động của họ Trần. Từ việc đưa ra một lời đề nghị không thể chối từ đến việc dùng mưu ngầm sai Tô thị giết Nguyễn Trinh, cầm quân theo Tự Khánh làm phản đánh vào kinh sư đối chọi với phe cánh của Đàm Dĩ Mông. Mọi bước đi của Tự Khánh đều có Trần Thừa ở phía sau, vậy chúng ta có thể suy luận rằng Trần Thừa chính là túi khôn của họ Trần chứ không phải là một kẻ yếm thế chỉ ngồi không hưởng thái bình.

Trần Thừa một người mà có mưu kế, cầm quân đánh giặc, có thể chấp nhận ngồi sau lưng người em của mình để người em làm nhân vật chính còn mình từng bước, từng bước tạo dựng thế lực và chỗ đứng trong gia tộc. Trần Thừa là một con người đầy sự khôn ngoan và mưu tính chứ không phải kẻ khù khờ.

Tiếp tục xem các năm tiếp theo hành trạng của Trần Thừa được ghi lại ra sao và để thấy được Trần Thừa là một con người đáng sợ đến mức nào và cũng không phải vô duyên vô cớ mà Trần Cảnh là kẻ được chọn để nối ngôi và liệu TrầnThủ Độ có phải là đạo diễn chính cho màn nhường ngôi đó hay không như chúng ta vẫn nghĩ theo lối mòn đó bấy lâu nay.

– “1218 – Thái Tổ ta (Trần Thừa) lãnh các đạo binh bao vây Nguyễn Nộn ở Bắc Giang, đồng thời sai mở đê để đưa nước vào các làng ấp. Lại Linh theo cái thế nước ấy mà đánh. Quân của Nguyễn Nộn thua to. Vợ con của Nguyễn Nộn đều bị bắt. Nguyễn Nộn đem hơn một trăm người lui về giữ Phù Ninh (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh- ND)”

– “1220 – Mùa thu, tháng 4 Thái úy Trần Tự Khánh cùng với Thái Tổ (Trần Thừa) v.v… phát binh đánh trại Hà Cao ở Qui Hóa. Thái úy chia quân ra làm hai đạo. Thái úy và Thái Tổ theo đường sông Quy Hóa. Lại Linh và Phan Cụ theo đường sông Tuyên Quang, quân của Hà Cao đều tiến đánh, Phan Cụ bị hãm ở nơi cái đầm và bị tướng của Cao là Nguyễn Nải chém. Hà Cao nghe quân của Thái úy bốn mặt bao vây mới vội vàng cùng với vợ và con của ông đều thắt cổ mà chết. Từ đó Lộ Thượng Nguyên, sông Tam Đái v.v… đều được yên ổn cả.”

– “1224 – Mùa xuân, tháng giêng, ngày Đinh Tỵ an tang Kiến Quốc Vương ở Mỹ Lộc.

Mùa xuân, năm ấy cho Thái Tổ (Trần Thừa) làm Phụ quốc Thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội thị Phán Thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu là Hiển Thành.”

– “1225- Nhà vua sai Thái tổ ( Trần Thừa) đánh Nghệ An, Nghệ An phải đầu hàng.”

Việc Trần Thừa được phong làm Phụ quốc Thái úy giữa Toàn Thư và Việt Sử Lược có sự sai lệch về năm. Toàn thư chép là năm 1223 còn Việt Sử Lược lại chép là năm 1224, Trần Tự Khánh mất tháng chạp năm 1223 vậy có lẽ Toàn thư đã gộp luôn việc trần Tự Khánh chết và việc Trần Thừa vào cùng một năm sau đó lại lược bỏ việc Trần Thừa đi đánh Nghệ An năm 1225 chỉ còn chép việc nhường ngôi của Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh.

Trần Thừa qua Việt Sử Lược đã hiện lên một cách rõ nét là một con người quyết đoán có khả năng lãnh đạo cầm quân đánh giặc, có mưu kế chứ không hoàn toàn chỉ là một kẻ dựa hơi người em Trần Tự Khánh hay Trần Thủ Độ. Việt Sử Lược còn cho chúng ta thấy một mặt khác rất hay qua đoạn ghi chép sau :

– 1225- Tháng 6, nhà vua nhường ngôi cho con thứ hai là Công chúa Chiêu Thánh.

Chiêu Thánh lên ngôi lấy thụy hiệu là Chiêu Vương, tôn vua Huệ Tông làm Thái Thượng Vương, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo.

Ngày Kỷ Mão thề với người trong nước tại Long Trì.

Mùa đông, tháng 11, Thái Thượng Vương thấy nữ Vương còn nhỏ, lấy làm lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói rằng: “Trẫm vì không có đức, Trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu, không có con để nối dõi. Nay Trẫm truyền ngôi cho con gái, nhưng thấy một người đàn bà mà khiến bảo đám đàn ông, như có điều là bọn chúng không giúp cho, tất đến lúc hối hận lại thì cơ nghiệp đã mất rồi. Chi bằng Trẫm theo cái phép thuở xa xưa của Đường Nghiêu, cái thể thức gần đây là Nhân Tổ, để kén chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay có điều Trẫm thấy là mỗ người con thứ hai của Thái úy (Trần Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân. Cho nên, Trẫm muốn dùng làm con mà làm chủ cở nghiệp nước nhà. Vả lại, Trẫm thấy Chiêu Vương cũng xứng đôi với mỗ. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với quan Thái úy rõ”.

Thái Tổ (Trần Thừa) cũng chưa tin điều ấy. Quan Tả phụ là Nguyễn Chánh lại bảo rằng: “Họ Nguyễn (tức họ Lý-ND) có nước đấy. Vua hiền thì có đến sáu, bảy người gầy dựng nên cơ nghiệp, mà cái đức của họ lại có thừa, để lại cái ơn trạch thấm nhuần vào lòng người đã lâu dài rồi. Một sớm, nhà vua sợ có người khác họ làm việc kế tự nên mới có ý thăm dò thử, để xem cái ý của ta như thế nào đấy.

Nếu ta nhân đó mà nhận lời, thiên hạ tất sẽ bảo Thái úy thực đã có ý soán nghịch”.

Thái úy (Trần Thừa) muốn nghe theo lời của Nguyễn Chánh Lại thì quan Thượng Phẩm Phụng Ngự là Trần Thủ Độ nói rằng: “Lời Tả Phụ sai rồi! Nếu mà vương thượng có con trai mà lại nhường ngôi cho nhị lang thì việc trái nghĩa ấy ta không thể vâng chiếu được. Nay, Vương thượng không người kế tự, ý muốn chọn người hiền để phó thác ngôi cao. Đó là vương bắt chước việc nhường ngôi của Nghiêu Thuấn thuở xa xưa. Vậy mà lo ngại nữa sao? Huống chi, ngôi chí tôn không thể để khuyết lâu, mà ý thoái lui của vương thượng thì đã quyết, vương thượng đã dứt khoát chọn người khác họ để cho nối

ngôi, liệu ta không muốn nghe theo mà được chăng? Nhị lang được vương thượng chọn cũng là ý trời, trời đã ban cho mà không nhận là có tội ấy. Xin quan Thái úy hãy xét kỹ”.

Qua đoạn trích trên chúng ta thấy Trần Thừa là một người tâm tư cẩn mật đến mức nào, màn kịch nhường ngôi đã được chuẩn bị từ trước với lời ngỏ của vua Huệ Tông, rồi nghe lời can ngăn và sau cùng dùng Trần Thủ Độ để đưa cái tiếng soán nghịch cho Trần Thủ Độ nắm giữ còn mình ngồi sau màn trướng định việc của cả gia tộc.

Chúng ta nên nhớ một điều Trần Thừa đang nắm chức Phụ quốc Thái úy còn Trần Thủ Độ mới chỉ là Điện tiền chỉ huy sứ, quyền bính Trần Thừa nắm trong tay, nếu Trần Thừa không đồng ý liệu Trần Thủ Độ có dám làm càn hay Trần Thủ Độ cũng chỉ là một con chó săn như chính lời Trần Thủ Độ nói “ tao cũng chỉ là chó săn cho anh em nhà chúng mày thôi”.

3. Trần Thủ Độ có thể coi là một Luca Brasi của gia tộc họ Trần một tay sát thủ trung thành, ít học nhưng luôn liều mình sống chết cho gia tộc. Ông chủ thực sự của họ Trần chính là bố già Trần Thừa kẻ đã dùng mọi kinh nghiệm sống qua những năm tháng thăng trầm của tuổi trẻ để bảo vệ gia tộc. Trong đoạn mở đầu của cuốn tiểu thuyết Bố già có nói rằng trong đám cưới của người Sicili mọi đề nghị đều được chấp nhận và không chối từ, thì đây trong đám cưới của Chiêu Hoàng và Trần Cảnh cũng là sự chấp nhận đề nghị không thể chối từ để rồi truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh được diễn ra.

Bài viết được thực hiện chỉ nhằm mục đích vạch dẫn ra các khuất lấp trong một thời kỳ nhiễu nhương và các bức màn bị kéo xuống bởi chính các sử quan cố tình làm cho khuất lấp đi về một con người quan trọng bậc nhất cho việc khai mở triều Trần, cũng như đánh giá lại xác đáng vai trò của Trần Thủ Độ trong bước tiến quyền lực của họ Trần.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *