TRẦN THỦ ĐỘ – CÔNG VỚI NHÀ TRẦN VÀ TỘI VỚI NHÀ LÝ

“Kẻ mạnh chưa hẳn là kẻ thắng, kẻ thắng mới là kẻ mạnh” đó vốn dĩ là quy luật từ cổ chí kim và bất cứ triều đại nào trong lịch sử phong kiến việt Nam nói chung đều là minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói trên và hôm nay triều đại mà tôi muốn gửi đến các bạn đó chính là nhà Trần dưới sự chuyển giao quyền lực 1 cách êm thắm nhưng cũng rất đẫm máu dưới bàn tay của Thái sư Trần Thủ Độ. Bài viết không đề cập đến những thành tự nổi bật của triều đại này mà muốn gửi đến các bạn một góc nhìn khác về Trần Thủ Độ dưới góc nhìn lịch sử

  1. Sự xuất hiện của nhà Trần trên chính trường và nguyên nhân mà nhà Trần được tin dùng dưới triều Lý:
    Vào thời vua Lý Cao Tông, do quan phụ chính bất tài là Đỗ An Di không thể dạy dỗ được vua còn trẻ tuổi nên khi lớn vua Lý Cao Tông chỉ thích chơi bời và xây cung điện,nvơ vét của dân làm cho lòng dân oán hận, bất mãn trong dân chúng, giặc giã bắt đầu nổi lên để chống đối với sự bạo ngược của triều đình. Trong đó nổi lên có nhân vật Đoàn Thượng ở Hồng Châu cho xây thành đắp lũy rồi xưng vương. Triều đình lúc đó sai Phạm Bỉnh Di, Đàm Dĩ Mông và Phạm Du để dẹp loạn Đoàn Thượng. Khi biết tin, Đoàn Thượng đã dùng tiền để mua chuộc Phạm Du nhằm hoãn binh triều đình, sau đó tìm cớ để quân triều đình lui binh. Phạm Du về kinh tâu lại với Lý Cao Tông, dùng đủ mọi lời lẽ thuyết phục, Cao Tông không cho người xác minh, tỏ rõ sự nhu nhược của mình nên đã cho lệnh lui binh, Đoàn Thượng thoát chết. Sau đó, Phạm Du được giao trấn thủ Nghệ An, lúc này hắn lộ rõ ý định tạo phản từ lâu nên đã bí mật cho thu phục bọn đầu trộm đuôi cướp rồi bắt đầu cướp giết ở khắp nơi, gây ra cảnh lầm than cho dân chúng. Lý Cao Tông thấy nguy nên sai Phạm Bỉnh Di dẹp loạn Phạm Du, do quân đội triều đình đông và mạnh hơn nên Phạm Du thua to buộc phải chạy trốn. Sau đó khoảng năm, Phạm Du và Đoàn Thượng xin hàng triều đình và tiếp tục được sự tin tưởng của Lý Cao Tông, xử phạt không nghiêm đã đành, Lý Cao Tông còn cho mời Phạm Du về kinh để gặp mặt, không ngờ rằng nhân lúc gặp vị vua nhu nhược, Phạm Du dùng tài ăn nói của mình đã đặt điều vu khống cho Phạm Bỉnh Di có tính lạm sát, ý đồ tạo phản. Lý Cao Tông nghe thế nên đã cho bắt nhốt Phạm Bỉnh Di và con trai và Phạm Phụ chờ ngày xét xử. Lúc này bộ tướng thân cận của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc khi nghe tin Bỉnh Di bị vu oan, không kiềm chế nên đã mang quân đánh vào thành. Cao Tông và Phạm Du nghe tin nên đã giết chết 2 cha con Bỉnh Di rồi bỏ trốn khỏi kinh thành cùng với con trai là Lý Sảm (vua Lý Huệ Tông sau này). Lúc này họ Trần cũng là 1 dòng họ quyền lực mà đứng đầu là Trần Lý đã cùng với Tô Trung Từ mang quân cứu vua thoát nạn Quách Bốc. Không may, Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ lên thay và cho đón Cao Tông về kinh thành. Sau loạn Quách Bốc, những người nắm quyền lực đều chết như Phạm Du, Trần Lý, Phạm Bỉnh Di nên Tô Trung Từ bắt đầu lộng quyền tạo ra 1 thế lực tuyệt đối trong triều. Dù không muốn nhưng Lý Cao Tông buộc phải dựa vào thế lực của Tô Trung Từ để duy trì triều đại vốn đã đến hồi suy vong. Không lâu sau, Lý Cao Tông lâm bệnh mất thái tử Lý Sảm lên ngôi lấy hiệu là Lý Huệ Tông. Mặc dù trong triều lúc này có nhiều thế lực và vô số những cuộc thanh trừng lân nhau nhưng do thế lực của Tô Trung Từ quá lớn nên ông vẫn nắm quyền phụ chính. Cũng chính vì nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, Tô Trung Từ đã làm càn, gian dâm với Thiên Cực Công chúa nên đã bị chồng của Công chúa là Quan nội hầu là Vương Thượng giết chết. Theo luật pháp nhà Lý khi đó, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang thì người chồng có thể giết tình địch mà không bị tội. Sau khi Tô Trung Từ chết, lúc này Lý Cao Tông lại tôn người cậu của mình là Đàm Dĩ Mông lên làm thái úy phụ chính, vốn là võ tướng lại nhu nhược và ít học thức nên càng làm cho chính sự trở nên thối nát. Cũng trong thời gian này 2 thế lực từ trước là Họ Đoàn và Họ Trần lại nổi lên như 1 điều tất yếu vì sự nhu nhược của vị vua mới. Họ Đoàn lúc này đại diện là Đoàn Thượng do lo sợ thế lực của Nhà Trần mà đại diện là Trần Tự Khánh nên đã rỉ tai vua để sau đó vua cho quân đàn áp nhà Trần, tuy nhiên do thế lực của Trần Tự Khánh quá mạnh, quân của triều đình và Đoàn Thượng thua to buộc phải bỏ trốn mỗi người mỗi nơi. Vua Huệ Tông chạy đến Hồng Châu nhưng rồi lại không được ai ủng hộ nên lại phải dựa vào thế lực của Trần Tự Khánh để bảo toàn tính mạng và duy trì quyền lực chính thức đánh dấu cho sự chuyển giao quyền lực đối với thế lực họ Trần. Sau khi dẹp tan được hầu hết các thế lực cát cứ và quân phản loạn thì Trần Tự Khánh mất, Lý Huệ Tông buộc phải phong cho Trần Thừa tức anh của Trần Tự Khánh làm phụ quốc thái úy với đặc quyền vào chầu không phải xin tên, ngoài ra Lý Huệ Tông còn gả con gái của mình là Công chúa Thuận Thiên cho Trần Liễu (con cả của Trần Thừa) càng khẳng định quyền lực độc tôn của nhà Trần.
  2. Sự sắp xếp hoàn hảo mở đầu một triều đại của Trần Thủ Độ:
    Lịch sử kể rằng Vào một hôm thiết triều, như mọi hôm thiết triều khác thì có 1 điều bất thường xảy ra, ngồi trên ngai vàng không phải là ông vua ốm yếu, bệnh tật Lý Huệ Tông nữa, người mà chỉ ngồi trong những buổi thiết triều được 1 nửa, thời gian còn lại thì ngồi ngủ trên ngai vàng, nhưng ngày hôm ấy bá quan văn võ kinh ngạc khi không thấy ông trên ngai vàng nữa là không biết điều gì sắp xảy ra, trong lúc các quan còn không biết chuyện gì đang xảy ra thì theo lệnh của Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ chiều nhường ngôi của Lý Huệ Tông lập tức được tuyên đọc, theo đó Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái thứ hai của mình cùng với hoàng hậu Trần Thị Dung là công chúa Lý Chiêu Hoàng. Sau lời tuyên đọc đó thì cô bé 6 tuổi Lý Chiêu Hoàng với thân hình gầy guộc mặc 1 chiếc áo long bào rộng thùng thình chính thức bước lên ngai vàng. Dù không chính thức thừa nhận hay phủ nhận nhưng với rất nhiều nghiên cứu của các nhà sử học từ cổ chí kim thì người đã gây sức ép lên vua Lý Huệ Tông và đứng sau cuộc chuyển ngôi nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam không ai khác chính là Trần Thủ Độ. Do vị nữ hoàng mới còn nhỏ tuổi, Trần Thủ Độ đương nhiên được đưa lên làm Thái sư và ông đã cho cháu của mình là Trần Cảnh (con trai của Trần Thừa) vào cung và hầu hạ cho nữ hoàng, đôi bạn nhỏ ăn ngủ vui chơi cùng nhau lại thêm việc Trần Cảnh ngay từ khi còn nhỏ đã giữ phận chúa tôi nên càng làm cho vị nữ hoàng động lòng và ngày càng thêm yêu mến Trần Cảnh. Không lâu sau đó, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng chính thức trở thành vợ chồng để rồi nhà Lý được chuyển giao quyền lực 1 cách “êm thấm” sau chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở đầu một thời kì mới, 1 triều đại mới mà nguồn cơn được ví như là một tác phẩm dươi bàn tay đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ, một tác phẩm của dân tộc, của cả 1 triều đại để rồi hàng nghìn năm sau người ta vẫn luôn tranh cãi liệu Trần Thủ Độ là một ANH HÙNG hay GIAN HÙNG
  3. Tranh cãi về Trần Thủ Độ CÔNG và TỘI – những tội ác truyền miệng chưa có lời giải đáp:
    Sau khi sắp xếp cho sự lên ngôi của Trần Cảnh, Trần Thủ Độ vì lo sợ rằng cơ đồ do mình gây dựng sẽ không có ai kế nghiệp do Trần Cảnh ở với Lý Chiêu Hoàng gần 10 năm nhưng vẫn không có con nên Trần Thủ Độ đã thực hiện 1 động tác chính trị vô cùng đáng suy nghĩ đó là ông ép Trần Thái Tông Trần Cảnh phải bỏ Lý Chiêu Hoàng và phải lấy người chị gái của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công chúa đang là vợ của Trần Liễu (mà Trần Liễu lại là anh của Trần Cảnh) tức là Trần Cảnh buộc phải lấy một người vừa là “Chị dâu” mình đồng thời cùng là “Chị vợ” của mình và nhiều dòng bút sử cũng nói rằng lúc này Thuận Thiên Công chúa đã có mang khoảng 3 tháng với Trần Liễu và đây được xem là một hành động tương đối dã man đối với Trần Liễu, người vừa bị mất vợ lại còn mất luôn con, cũng chính sự việc này mà Trần Liễu đã khởi binh chống lại triều đình nhưng vì lực lượng còn quá yếu nên về sau ông đã xin hàng và được Trần Cảnh phong vương 1 vùng, nước sông không chạm nước giếng để hóa giải hiềm khích giữa 2 anh em.
  4. Sự kiện thay tên đổi họ – đưa nhà Lý đi vào quên lãng
    Nhà Trần là triều đại đầu tiên bắt đầu tham gia cuộc chơi ‘kỵ húy’ nhưng có lẽ không phải vì muốn học theo nhà Tống mà coi đó như thủ thuật chính trị để cho họ Lý rơi vào quên lãng. Điểm trùng hợp then chốt là việc ông nội của Trần Thái Tông lại có tên là Lý nên có cớ quá tiện để ép người họ Lý chuyển sang họ Nguyễn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “năm 1232, Vì Nguyên tổ tên húy là Lý (tức Trần Lý), mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý…” Theo An Nam Chí Lược:”năm Canh Dần (1230) trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh.Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi ra họ Nguyễn để dứt lòng dân trông nhớ.” đây vốn được xem như một hành động nhằm khéo léo xóa bỏ kí ức của người dân về nhà Lý và cũng được rất nhiều nhà làm sử đồng tình
  5. Tội ác đối với nhà Lý và những bí ẩn xoay quanh cái chết của cựu hoàng Lý Huệ Tông
  • (Năm 1226)… Mùa thu, tháng 8, ngày mồng 10, Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo, sự việc được kể lại như sau: “Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt”. Có lần Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”. Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”. Đến nơi, sai người bày biện hương hoa đến bảo (Huệ Tông): “Thượng phụ sai thần đến mời”. Thượng hoàng nhà Lý nói: “Ta tụng kinh xong sẽ tự tử”.Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: “Thiên hạ nhà ta đã về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế”. Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa. Tình tiết này được ghi trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư nhưng lại khó hiểu ở chỗ nếu như Huệ Tông vào buồn và tự nói với mình sau đó thì tự tử, như vậy ai sẽ là người kể lại và liệu rằng nó có hợp lý hay không, hay chỉ là những câu chuyện dân gian được thêu dệt lên do ghen ghét với Trần Thủ Độ và còn quá luyến tiếc triều Lý.
  • (Năm1232)… Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Khi ấy Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”. Tiếp theo đoạn này, Đại Việt sử ký toàn thư mở ngoặc: “Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”.
  1. Đi tìm lời minh oan cho Trần Thủ Độ:
    Lật giải cho những sự kiện trên, về sự kiện lời nguyền của vua Lý Huệ Tông cần biết rằng: do bối cảnh Đại Việt sử ký toàn thư được biên soạn vào thời Lê sau khi nhà Minh tiêu hủy gần hết sách vở tài liệu của các đời trước, vua Lê Thánh Tông đã cho phép sử quan tập hợp tất cả truyền thuyết, dã sử và các câu chuyện kể trong dân gian vào sử sách, nên có khả năng những đoạn như thế này được lấy từ những câu chuyện hư cấu, hơn nữa Trần Thái Tông là con rể của mình, con cháu họ Trần sau này cũng chính là con cháu của Lý Huệ Tông, sao ông nỡ có lời khấn như vậy được. Cả hai câu đối đáp ở trên cũng có khả năng là sự đồn đại, không thể có xuất xứ từ một tài liệu tin cậy. Ở sự kiện thứ 2 nếu nói Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý cũng có phần không xác đáng do trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết:Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”. Khi đọc sách có thể thấy được ý của Ngô Sĩ Liên là rất rõ nhưng khi truyền bá cho nhau, lâu dần không ai để ý đến những dấu ngoặc đó nữa làm dẫn đến nhiều sai lầm trong tư tưởng chăng?? Trong cuốn An Nam Chí lược có đoạn rất quan trọng: Lúc nhà Lý truyền ngôi được ba đời, Vương Võ Xứng nhà Tống làm sách Đông Đô sử lược Giao Chỉ phụ lục có đoạn : (…) Nay họ Lý truyền ngôi tám đời 220 năm. Huệ Tông không con, truyền nước cho rể. Đến nay họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn, kể sự may thì may biết bao nhiêu”. do đó có thể thấy rằng nhà Trần đã danh chính ngôn thuận kế thừa ngôi báu từ nhà Lý, ngoài ra trong triều đình không ai đủ sức đẻ đe dọa ngôi vị vậy hà cớ chi phải “nhổ cỏ tận gốc”. Vả lại, Trần Thái Tông là con rể của Lý Huệ Tông và Trần Thánh Tông chính là cháu ngoại của Lý Huệ Tông. Nhà Trần, kể từ Trần Thánh Tông có một nửa dòng máu của họ Lý. Cho nên nói “Họ Lý vẫn được tế tự luôn luôn” là có cơ sở. Còn về sự việc đổi họ của nhà Trần, Trước hết nói về cái lý của việc cải họ do kỵ húy. Đây không phải phát minh của nhà Trần mà do ảnh hưởng từ văn hóa thời phong kiến bên Trung Quốc. Kỵ húy tên người thân vốn bắt đầu hình thành từ nhà Chu. Sau được Khổng Tử nâng cao quan điểm trong kinh Xuân Thu khi “không chép tên bậc tôn trưởng, không chép tên cha mẹ, không chép tên người thường”. Đến thời Tần thì Tần Thủy Hoàng bắt đầu quan tâm việc kiêng húy tên vua vốn tên húy là Chính (Doanh Chính) nên cấm dùng chữ Chính mà đổi mọi chữ Chính thành từ đồng nghĩa là Đoan. Và sợ người đời đề cập đến người cha Tử Sở của mình nên Tần Thủy Hoàng cũng cấm luôn từ Sở mà đổi thành từ Kinh. Các đời sau tiếp nối nhà Tần nên theo sẵn truyền thống quản chặt việc cấm tên húy của vua rồi nâng tầm phát triển mở rộng.Các triều đại sau có quy định khác nhau về kỵ húy nhưng theo xu hướng thêm nhiều hơn bớt. Khoảng thời gian nhà Trần thay ngôi nhà Lý thì bên Trung Quốc khi đó đang là nhà Tống vốn rất nghiêm ngặt việc kị húy. Sách Dung trai tam bút viết: “Phong tục bản triều sùng chuộng văn học, cho nên lễ quan mỗi khi bàn luận về chữ húy lại muốn tăng thêm, các miếu húy bèn lên đến hơn 50 chữ. Sĩ tử làm bài thi gặp chữ còn ngờ thì không dám dùng. Quyển thi nào phạm húy thì đều bị ngầm đánh hỏng”. phải chăng Việc nhà Trần áp dụng việc kỵ húy có vẻ bị ảnh hưởng từ nhà Tống? còn câu hỏi tại sao lại chọn họ Nguyễn mà không phải là họ Lê, Phạm, Phan,… cũng là 1 câu hỏi lơn góp một phần không nhỏ vào việc 40% người dân ở Việt Nam mang họ Nguyễn.
  2. Tình yêu bất chất định kiến với hoàng hậu nhà Lý:
    Khi Trần Thủ Độ ở nhà bác mình là Trần Lý, từ thuở thiếu thời đã để ý đến Trần Thị Dung, con của Trần Lý và là chị họ của mình. Theo tập tục họ Trần lúc ấy thì anh chị em họ cách nhau 3 đời thì có thể được kết hôn. Hơn nữa, ảnh hưởng bởi văn hóa Mông Cổ nên Trần Thủ Độ không cảm thấy có gì bất hợp lý khi yêu thương Trần Thị Dung. Hai người thề non hẹn biển mà hầu như không ai được biết. Trở về thời gian khi xảy ra loạn Quách Bốc, thái tử Sảm phải nương nhờ Trần Lý, thấy Trần Thị Dung xinh đẹp liền lấy làm vợ. Rồi thái tử lên ngôi vua gọi là Lý Huệ Tông, phong vợ Trần Thị Dung là nguyên phi, sau đó phong làm hoàng hậ. Bấy giờ Trần Thủ Đô bị mất người mình yêu thì rất căm hận thái tử Sảm, tuy nhiên vẫn theo Trần Lý và Trần Tự Khánh đánh dẹp các loạn đảng, để mong có cơ hội được gần Trần Thị Dung. Sau này, Trần Thủ Độ dù làm quan to lên đến Điện tiền chỉ huy sứ, nhưng khác với những người khác có năm thê bảy thiếp, ông vẫn một mình đơn chiếc, cả đời ông chỉ có một mối tình duy nhất với Trần Thị Dung. Khi nhà Trần lên thay nhà Lý, Trần Thủ Độ đã cưới Trần Thị Dung, bất chấp đạo lý luân thường đạo lý của Đại Việt
    Qua bài viết này, tôi muốn đưa cho mọi người thêm nhiều góc nhìn hơn về Thái sư Trần Thủ Độ, lịch sử vốn là một bức tranh nhiều màu và mỗi một nhân vật đều có thể là GIAN HÙNG hoặc ANH HÙNG tùy vào quan điểm nhận thức của mỗi cá nhân, và tôi mong rằng các bạn sẽ đọc bài viết này với tâm lý thoải mái nhất để có thêm nhiều góc nhìn mới về con người tưởng chừng như đã biết rõ. Và cũng xin gửi đến các bạn 1 bài thơ mà theo tôi nó nói lên chính xác nhất về Trần Thủ Độ
    Gian thần đệ nhất! Hay công thần
    Thủ Độ là người khó xét phân
    Từ Lý: Bất trung, làm tặc tử
    Sang Trần: Quyết đoán, bậc cao nhân
    Đa mưu, túc trí,…luôn vì nước
    Dám chịu, dám làm,…cốt lợi dân
    Học vấn tuy không, tài kiệt xuất
    Sau màn quản việc, giữ trung quân
    “thơ Văn Trọng Hùng”
    Nguồn:
    Việt Nam Sử lược
    Đại Việt sử ký toàn thư
    An Nam chí lược

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *