TRẬN THẮNG MÀ THUA CỦA MIẾN

TRẬN THẮNG MÀ THUA CỦA MIẾN

Nó khởi phát từ Vua Hsinbyushin, voi trắng kiêu hãnh của đế chế Konbaung, lên ngôi cai trị Miến từ năm 1763 đến năm 1776, được xem là vị vua hiếu chiến nhất trong triều đại.

Dưới thời Hsinbyushin, Miến đã mở nhiều cuộc tấn công quy mô tiếp nối tham vọng thôn tính Ayuthaya (Xiêm) từ thời Naungdogyi (1760-1763).

Tháng 07 năm 1765, một cuộc viễn chinh lớn đã được triển khai với tổng quân số lên đến 5 vạn (Tùy nguồn chép quân số khác nhau) đã tiến công Kinh đô Ayuthaya. Sau hơn 4 tháng trời vây hãm, kinh đô Ayuthaya rơi vào tình trạng cạn kiệt lương thực, nạn đói và dịch bệnh hoành hoành buộc triều đình Xiêm đầu hàng, xin chấp nhận làm chư hầu cho Miến, nhưng quân Miến không chấp thuận.

Miến buộc Xiêm phải đầu hàng vô điều kiện, và càng tấn công dữ hội hơn, đến ngày 07/04/1767 Kinh đô Ayuthaya bị thất thủ hoàn toàn. Nơi phồn hoa thịnh trị tồn tại suốt 4 thế kỷ của Xiêm đã bị phá hủy, trở thành một đống gạch vụn, triều đại Ayuthaya (1350-1767) chính thức chấm dứt. Quân Miến hăng say cướp bóc và bắt về hàng ngàn tù binh và dân thường, những thợ thủ công, nghệ sĩ, nhà chiêm tinh, thợ kim hoàn … về làm nô lệ, đưa họ đi khai khẩn các vùng hoang hóa của Miến điện.

Đây là một chiến thắng quân sự hết sức vang dội dưới thời Hsinbyushin, gần như hủy diệt đối thủ cạnh tranh của mình trong khu vực và là một bước tiến lớn mở rộng lãnh thổ của Miến xuống tới phía Nam.

Nhưng đúng vào lúc này Miến lại rơi vào trong cuộc chiến với Nhà Thanh dưới thời Thanh Cao Tông Càn Long, 4 cuộc chiến tranh leo thang kéo dài từ năm 1765 đến năm 1769 đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho cả nhà Thanh, lẫn “người chiến thắng”: quân Miến. Miến mất rất nhiều binh sĩ tinh nhuệ trong cuộc chiến này đặc biệt là trong trận chiến thứ 3 và thứ 4 do Minh Thụy và Phó Hằng chỉ huy.

Sau 4 chiến thắng quân sự vang dội của Miến đối với quân Thanh, căng thẳng giữa 2 nước tiếp tục kéo dài đến 20 năm sau đó, và tuy không tiếp tục thực hiện những cuộc tiến công quân sự quy mô, Càn Long ra lệnh cấm giao thương với Miến và cho đóng quân dọc biên giới Vân Nam để gây sức ép buộc Miến phải duy trì phòng thủ phía Bắc, điều này khiến Miến trong một thời gian dài bị kềm chế và sa lầy, bỏ lỡ thời cơ chinh phạt phía Nam và cho Xiêm có cơ hội thở dốc và trở mình.

Nhân đó dưới thời Taskin và Rama I, Xiêm đã trỗi dậy thành một thế lực mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á không chỉ đủ sức đối đầu sòng phẳng với Miến, mà còn bành trướng ảnh hưởng và thu phục các tiểu quốc phía Tây nước ta làm chư hầu, trong đó có cả Gia Định.

Phải đến năm 1790, Miến Điện và nhà Thanh mới bình thường hóa quan hệ qua các trung gian là giới quý tộc Thái-Shan và các quan lại Vân Nam. Ở phía Miến Điện, họ coi sứ giả nghị hòa và quà tặng là một phần của nghi thức ngoại giao bình đẳng, tuy nhiên đối với triều đình nhà Thanh đây được coi như là phái đoàn triều cống và sự thần phục của Miến. Điều này được ghi nhận vào một trong Thập toàn võ công của Càn Long.

Một trong Thập toàn võ công của Càn Long hay 04 chiến thắng vang dội của Miến trước quân xâm lược Mãn Thanh, cuối cùng chỉ dẫn đến một người chiến thắng duy nhất . . . Xiêm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *