Trận Baku 1918 – trận đánh vì nền độc lập của Azerbaijan!

1/ Bối cảnh
Nước Azerbaijan nằm ở khu vực Kavkaz và bên bờ biển Caspi. Người Azerbaijan có lịch sử lập quốc tương đối muộn. Dù tự nhận là một dân tộc Turk, nhưng phần lớn lịch sử khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Iran, cụ thể là vương triều Afsharid cho đến thế kỷ 18. Tuy nhiên, sự sụp đổ của triều Afsharid năm 1796 đã để lại sự hỗn loạn trong khu vực, tạo điều kiện cho Đế quốc Nga xâm lấn. Sau 2 cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư vào đầu thế kỷ 19 vào các năm 1803-1804 và 1826-1828, vùng đất này đã rơi vào tay Đế quốc Nga.
Bước ngoặt thực sự của Azerbaijan có lẽ là khi người ta phát hiện dầu mỏ ở ven biển Caspi, gần thành phố mà nay là thủ đô Baku. Trước khi người ta tìm ra dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư, thì thành phố Baku là thành phố sản xuất một nửa lượng dầu của thế giới. Một mình Baku sản xuất lượng dầu lớn hơn toàn bộ nước Mỹ cộng lại, đủ để thấy sự vô giá của thành phố này.
Chính vì vậy, mà khi Thế chiến 1 nổ ra ở mặt trận Kavkaz, Baku trở thành mục tiêu cao nhất của các bên tham chiến. Ngoài 2 lực lượng chính ở đây là Nga và Ottoman, cả quân Đức và Anh – Pháp đều gửi quân đến giúp đỡ đồng minh, và cũng đồng thời nhăm nhe lợi ích ở thành phố dầu mỏ Baku. Trong cuộc chiến này, phe Anh-Pháp-Nga còn có một đồng minh khác là người Armenia, một dân tộc cũng ở vùng Kavkaz nhưng là kẻ thù không đội trời chung với người Azerbaijan. Tuy nhiên, giữa lúc phe Anh-Nga đang chiếm lợi thế, thì cách mạng Nga bất ngờ bùng nổ lật đổ Sa hoàng, gây ra sự hỗn loạn trong hàng ngũ quân Nga ở Kavkaz. Để lấp khoảng trống quân Nga để lại, quân đội Anh do tướng Lionel Dunsterville chỉ huy đã cùng người Armenia đã tìm cách tiến vào thành phố Baku để ngăn nó bị quân Ottoman chiếm lại.
Nhưng sự có mặt của người Armenia ở Baku đã gây ra một sự căng thẳng ngoài sức tưởng tượng. Không chấp nhận người Armenia đặt chân lên thành phố biểu tượng của mình, người Azerbaijan đã nổi dậy gây ra các cuộc bạo lực sắc tộc đẫm máu. Trong tháng 3 năm 1918, các cuộc bạo lực đã giết chết 2.500 người Armenia và hơn 20.000 người Azerbaijan, điều mà ngày nay Azerbaijan cáo buộc là một vụ ''diệt chủng''. Tuy nhiên, cũng trong tháng này, chính phủ của những người Bolshevik ở Nga đã ký hòa ước Brest-Litovsk với phe Đức-Ottoman, theo đó từ bỏ nhiều quyền lợi của Nga ở vùng Kavkaz. Do vậy, xung đột sắc tộc ở khu vực này đã giảm bớt, khi 3 quốc gia là Armenia, Azerbaijan và Gruzia đều được hứa hẹn độc lập, thành lập quốc gia riêng cho mỗi dân tộc.
Câu chuyện tưởng chừng sẽ dễ dàng như vậy, nhưng không. Sau khi hiệp ước Brest-Litovsk được ký và chính phủ mới của Azerbaijan được thành lập, một lực lượng vài nghìn người Nga ủng hộ Bolshevik ở Azerbaijan đã kích động thành phố Baku không độc lập mà gia nhập nước Nga Xô Viết. Tháng 4 năm 1918, những người Bolshevik này nổi dậy chiếm thành phố Baku, lập nên ''Công xã Baku''. Điều này khiến chính phủ mới của Azerbaijan không thể đến thủ đô Baku, mà phải đặt thủ đô tạm thời ở thành phố Ganja.
Sự nổi lên bất ngờ của những người Bolshevik khiến tình hình trở nên rối ren và phức tạp. Điều quan trọng ''Công xã Baku'' lúc này trở thành kẻ thù của cả 2 lực lượng: quân Anh và những người dân tộc chủ nghĩa Azerbaijan. Ngoài việc tranh giành nguồn dầu mỏ, thì với người Anh họ không muốn một nhà nước Cộng sản hình thành ở khu vực Kavkaz. Còn với người Azerbaijan, đơn giản là họ không muốn thành phố biểu tượng của dân tộc bị tách khỏi nước Azerbaijan độc lập sắp hình thành. Tuy nhiên, do lực lượng quá yếu, người Azerbaijan phải nhờ đến sự giúp đỡ của Ottoman. Và may mắn thay, bất chấp khó khăn chồng chất khi thua trận trong Thế chiến, tướng Nuri Pasha (tên thật là Nuri Killigil) của Ottoman đã đồng ý giúp đỡ những người Azerbaijan anh em. Vào tháng 5/1918, Nuri Pasha cùng 15.000 tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kì thành lập ''Quân đội Hồi Giáo Kavkaz'', tiến về Baku để sẵn sàng giải phóng thành phố khỏi bất kỳ lực lượng chiếm đóng nước ngoài nào, dù là Anh hay Bolshevik.
2/ Trận chiến.
Tuy nhiên, quân Ottoman đã không có cơ hội chạm mặt quân Bolshevik ở Baku. Vào ngày 26/7/1918, một liên minh những người Menshevik (phe thiểu số trong Cách mạng Nga – trái với Bolshevik là phe đa số), người Armenia và một bộ phận quân đội Anh đã làm đảo chính lật đổ phe Bolshevik, chấm dứt ''Công xã Baku''. Từ đây, lực lượng Menshevik, người Armenia và quân Anh thay thế quân Bolshevik kiểm soát Baku, chuẩn bị đón quân Ottoman tấn công vào thành phố. Lực lượng quân Anh và đồng minh rơi vào khoảng 10.000 người.
Vào thời điểm đó, chiến sự nổ ra trên khắp đất nước Azerbaijan chứ không phải chỉ riêng Baku. Nhìn chung, trên các mặt trận quân Thổ Nhĩ Kỳ thường chịu thất bại trước quân Anh và Nga Xô Viết, nhưng ở Baku thì quân của tướng Nuri Pasha tỏ ra khá hiệu quả. Tháng 7/1918, quân Ottoman đã chiếm các điểm cao quan trọng quanh Baku và tiến hành vừa bao vây vừa pháo kích thành phố. Mọi nỗ lực phá vây của quân Anh cùng các đồng minh là quân Bạch Vệ Nga, quân Armenia và Menshevik đều không thành. Thành phố Baku bị cắt đứt liên lạc và nguồn thực phẩm với bên ngoài. Cũng chính vì vậy, mà những gì diễn ra ở Baku trong những tháng ác liệt nhất của cuộc chiến đáng tiếc đã không được ghi lại hoàn chỉnh nhất.
Sau hơn 2 tháng bao vây, ngày 26/8/1918, quân đội Ottoman của Nuri Pasha phát động tấn công lớn vào Baku. Những trận đánh đẫm máu đã được ghi nhận vào những ngày 28 – 29/8/1918, với hàng nghìn người chết của cả 2 phía. Không biết đẫm máu đến mức nào mà sau đó tướng quân Anh là Lionel Dunsterville đã viết thư cho các đồng minh nói rằng ông sẽ ''không mạo hiểm tính mạng của lính Anh thêm nữa'' và chuẩn bị rút quân Anh khỏi Baku. Tuy nhiên, sau đó một lực lượng 600 quân Bạch vệ Nga của tướng Lazar Lazherakhov đã mở một cuộc tấn công bất ngờ vào quân Ottoman, mở ra hy vọng giải vây cho Baku và thuyết phục quân Anh ở lại.
Cuộc tấn công liều mạng của 600 lính Bạch Vệ Nga đã chặn quân Ottoman trong vài tuần. Trong thời gian quân Ottoman ngừng tấn công Baku để đối phó quân Bạch Vệ, những lực lượng trong thành phố Baku đã thực hiện nhiều cuộc trả thù vào dân thường Azerbaijan do họ hợp tác với quân Thổ. Khi nghe tin về các cuộc thảm sát người Azerbaijan trong thành phố, Nuri Pasha đã quyết định gạt bỏ quân Bạch Vệ Nga sang một bên, quyết tâm giải phóng thành phố Baku càng nhanh càng tốt. Ngày 13/9/1918, quân Ottoman mở cuộc tấn công cuối cùng và dữ dội vào Baku. Sau khi hàng trăm lính Anh chết trận, tướng Anh Lionel Dunsterville đã không còn luyến tiếc, rút toàn bộ lực lượng Anh khỏi Baku. Không còn quân Anh, lực lượng chiếm đóng Baku nhanh chóng tan vỡ.
Ngày 15/9/1918, quân Ottoman và Azerbaijan tiến vào Baku, hoàn toàn giải phóng thành phố, giành chiến thắng cuối cùng trong Trận chiến Baku.
3/ Những sự kiện sau đó.
Ngày 20/9/1918, trên đường rút lui khỏi Baku, chính quyền ở Baku đã mang theo những tù binh Bolshevik bị bắt trong cuộc đảo chính tháng 7. Tại một ga tàu, họ đã hành quyết 26 thành viên Quân ủy của Công xã Baku. Đây là một trong những vụ án bí ẩn nhất lịch sử Liên Xô, do thiếu nguồn tài liệu điều tra. Lịch sử Liên Xô đổ lỗi cho đặc vụ Anh về vụ sát hại 26 thành viên Quân ủy Baku.
Trong chiến dịch giải phóng Baku, đã có 2000 binh sĩ Thổ-Azerbaijan thiệt mạng, trong đó khoảng 1.130 lính Thổ. Quân Anh có 200 lính chết. Tuy vậy, hàng chục nghìn dân thường gồm cả người Azerbaijan lẫn Armenia đã chết trong các cuộc bạo lực diễn ra trong thời gian trận chiến.
Thành phố Baku được giải phóng đã hoàn chỉnh nhà nước Azerbaijan độc lập, với tên gọi Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan. Thủ đô được dời từ thành phố Ganja về Baku, biểu tượng của đất nước.
Tuy nhiên, đến ngày 30/10/1918, Đế quốc Ottoman đã kí hiệp ước Mudros với phe Hiệp ước, đánh dấu sự thất bại của Ottoman trong Thế chiến 1. Với hiệp ước này, 5.000 quân Anh đã được quyền tái kiểm soát Baku, gây ra nỗi sợ trả thù trong cộng đồng người Azerbaijan. Nhưng cuối cùng, đã không có cuộc trả thù nào diễn ra, và người Anh rút khỏi đây sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Nền độc lập của Cộng hòa dân chủ Azerbaijan cũng không kéo dài lâu. Năm 1920, quân đội Liên Xô tràn vào vùng Kavkaz, gửi tối hậu thư cho Azerbaijan. Biết không thể chống lại Liên Xô hùng mạnh, các lãnh đạo Azerbaijan đã chấp nhận đầu hàng, đưa đất nước mình gia nhập Liên bang Xô Viết. Azerbaijan ở lại Liên Xô cho đến khi Liên Xô tan rã, và giành lại độc lập một lần nữa vào năm 1991.
4/ Tưởng niệm.
Dưới thời Liên Xô, dấu ấn lớn nhất về trận đánh ở Baku năm 1918 là về 26 Chính ủy bị sát hại ngày 20/9/1918, và họ cũng là những người duy nhất được dựng tượng đài ở Baku trong thời Xô Viết. Cái chết của họ vẫn còn nhiều bí ẩn và chưa được điều tra. Có duy nhất một bức tranh được cho là vẽ lại cảnh hành quyết 26 chính ủy này, trong đó có thể hiện điệp viên người Anh tham gia vụ hành quyết. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học Liên Xô đã bác bỏ và cho rằng bức tranh sai sự thật. Còn lại, vai trò của quân Ottoman thường bị coi nhẹ.
Sau khi Azerbaijan độc lập năm 1991, trận Baku năm 1918 trở thành ngày lễ kỷ niệm quan trọng bậc nhất của Đất nước. Năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm Giải phóng Baku, một lễ kỷ niệm lớn chưa từng có được tổ chức, với sự tham dự của cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Tượng đài tưởng niệm lính Thổ Nhĩ Kỳ hy sinh được thay thế tượng đài các chính ủy Liên Xô. Và có cả một bia tưởng niệm lính Anh chết trận ở Baku. Lý do có đài tưởng niệm này là do người ta cho rằng lính Anh đã nỗ lực bảo vệ cả người Azerbaijan và Armenia khỏi các cuộc bạo lực sắc tộc khi Baku sắp thất thủ.
Tham khảo:Đại sứ quán nước Cộng hòa A-déc-bai-gian tại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *