TRẦN ANH TÔNG VÀ NHỮNG LẦN TRÓT DẠI
Vua Anh Tông vốn được xem là người chí hiếu. Mẹ là bà Khâm Từ Thái hậu mất khi ngài mới lên ngôi. mẹ kế là bà Tuyên Từ Thái hậu tính rất nghiêm khắc, mà ngài chiều chuộng kính cẩn hết đạo làm con.
Thượng hoàng bất ngờ về kiểm tra – Nhân Tông từ khi lên làm Thượng hoàng thì về ở Thiên Trường, thỉnh thoảng mới lên kinh. Một hôm, tháng Tư năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng ở Thiên Trường về kinh. Anh Tông nhân uống rượu xương bồ ngủ say không biết, triều thần cũng chẳng ai hay. Thượng hoàng đi dạo quanh xem khắp cung điện, từ giờ Thìn đến giờ Tỵ (từ 7 giờ sáng đến 11 giờ sáng), thấy cung nhân dâng cơm mà không thấy Anh Tông, hỏi mới biết là còn ngủ say đánh thức không dậy. Thượng hoàng nổi giận, lập tức về Thiên Trường, hạ chiếu cho bá quan ngày mai phải tề tập ở Thiên Trường nghe chỉ. Quá trưa, Anh Tông mới dậy, nghe cung nhân thuật lại thì sợ xanh mặt, chân trần chạy ra cửa cung. Khi qua chùa Từ Phúc, gặp Đoàn Nhữ Hài thơ thẩn đứng đó, hỏi thì Đoàn Nhữ Hài quỳ xuống tâu là học trò đi chơi quá bước. Anh Tông lập tức đưa Đoàn Nhữ Hài vào cung, thuật chuyện cho nghe và bảo làm biểu tạ tội. Nhữ Hài phụng chỉ thảo xong ngay, Anh Tông lập tức lấy một chiếc thuyền con đem Nhữ Hài theo, đương đêm rảo thẳng về Thiên Trường. Sáng sớm mai cho Nhữ Hài dâng biểu vào quỳ. Thượng hoàng trông thấy hỏi, tả hữu tâu rằng nhà vua dâng biểu trần tạ. Thượng hoàng nín lặng không hỏi. Mãi đến chiều, dông gió kéo đến ầm ầm, Nhữ Hài cứ quỳ, không động đậy. Thượng hoàng mới sai lấy biểu vào xem, thấy lời lẽ thiết tha bèn cho triệu Anh Tông vào dụ rằng: “Ta há không còn đứa khác có thể nối ngôi được? Nay ta còn sống đấy mà đã như vầy, sau này thế nào?” Anh Tông lạy tạ. Thượng hoàng hỏi ai làm bài biểu, Anh Tông thưa rằng: “Người học trò là Đoàn Nhữ Hài.” Thượng hoàng sai triệu Nhữ Hài vào bảo rằng: “Bài biểu của ngươi rất hợp lòng ta.” Bèn chiểu cho Anh Tông phục vị, bá quan lại về triều. Anh Tông từ Thiên Trường về, cho Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán, Nhữ Hài lúc ấy mới có 20 tuổi.
Coi những việc này mới biết gia pháp nhà Trần nghiêm, mà Anh Tông cũng là người con có hiếu.
Bỏ tục vẽ mình – Sử chép rằng: Một hôm Thượng hoàng ở Yên Tử về Thiên Trường, Anh Tông xuống chầu. Thượng hoàng bảo rằng: Nhà ta khởi thủy từ nghề đánh cá, đời đời chuyên nghề võ, chuộng hùng dũng nên phải giữ tục xăm mình mới không vong bản. Bấy giờ thợ thích đã chực sẵn ngoài cửa cung. Anh Tông sợ đau, nhè lúc Thượng hoàng quay đi, lỉnh về cung Trùng Hoa ở Thiên Trường. Thượng hoàng biết ý nói rằng: Quan gia trốn rồi à? Rồi thôi không ép nữa. Các vua nhà Trần về sau được bỏ tục vẽ đùi là thủy từ đây.
Vi hành – Anh Tông lại có tính giản dị, thích đi vi hành, thường cùng mấy người thị vệ, đêm đi dạo khắp kinh thành, đến gà gáy mới về. Một lần đương đi chơi đêm, gặp phường vô lại, bị chúng ném gạch vào đầu. Thị vệ phải vội kêu: “Vua đấy!” chúng mới chạy tán loạn. Sau Thượng hoàng thấy vết sẹo, gặng hỏi, Anh Tông đành thưa thật. Thượng hoàng nghe xong chỉ biết chẹp miệng lắc đầu. Coi đó đủ biết cái khí tượng giản dị của vua Trần vậy.
(Ảnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông và con trưởng Trần Anh Tông trong bức tranh Trúc Lâm Đại sĩ Xuất sơn Đồ)