TRẬN ALCÁCER QUIBIR – CHIẾN THẮNG VĨ ĐẠI CỦA NGƯỜI MOROCCO TRƯỚC QUÂN ĐỘI BỒ ĐÀO NHA.
#PhươngTây #cậnđại
Ngày 4/8 tới là ngày kỉ niệm 442 năm trận đánh Alcácer Quibir (hay “trận đánh của ba vị vua” theo người Morocco). Đây chính là chiến thắng quyết định đập tan tham vọng chinh phạt Morocco của người Bồ Đào Nha.
Từ thế kỉ XV, người Bồ Đào Nha đã có tham vọng xâm lược Morocco, mở đầu là cuộc chinh phạt Ceuta(1415), do quốc gia Bắc Phi này nổi tiếng với nhiều sản vật như mật ong, sữa; đồng thời là điểm đến của các đoàn lạc đà xuyên Sahara. Bước sang thế kỉ XVI, vị trí địa lý của Morocco ngày càng trở nên quan trọng khi nó nằm cạnh các tuyến đường hàng hải đến các thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Thế nên khi mà vua Abu Abdallah Mohammed II chạy sang Bồ Đào Nha cầu cứu hòng giành lại ngai vàng vào năm 1576, vua Sebastian I của Bồ Đào Nha đã tranh thủ thời cơ đem quân đi đánh Morocco.
Về lực lượng thì quân Bồ Đào Nha huy động 23000 lính,trong đó gồm nhiều quý tộc Bồ Đào Nha trong lực lượng kị binh, cùng với đó là lính bộ binh từ chính quốc và lính đánh thuê người Flanders, Đức, TBN và Ý, cùng với đó là 6000 lính người Moor của Abu Abdallah. Bên Morocco có 50000-100000 quân, trong đó có nhiều người Moor bị trục xuất khỏi Iberia ít lâu trước đó.
Sau khi đổ bộ vào cảng Tangier vào ngày 13/7/1578, vua Sebastian I liền đưa quân vào sâu trong nội địa để “tiêu diệt quân ngoại đạo”. Vua (Emir) của Morocco lúc đó là Abd al-Malik I nghe tin đã kêu gọi tiến hành thánh chiến(jihad) chống quân xâm lược, mặc dù ốm nặng. Cuối cùng quân đội của 2 bên gặp nhau ở Alcácer Quibir, bên bờ sông Loukkos. Trận đánh bắt đầu vào lúc sáng, khi cả 2 bên đấu pháo. Quân Morocco tận dụng ưu thế về quân số, đưa kị binh tấn công vào 2 bên quân địch. Đích thân vua Sebastian dẫn đầu đội kị binh tiến lên chống lại quân Morocco, nhưng ít lâu sau đó bị hạ gục; thi hài của ông không được tìm thấy. Trước sức mạnh của quân Morocco, quân Bồ Đào Nha bị bao vây, vỡ trận sau 6 tiếng đồng hồ và rút lui trong hỗn loạn; vua Abu Abdallah buộc phải lội qua sông và chết đuối. Sultan Abd al-Malik I thì do sức yếu, lại cưỡi ngựa suốt cả trận đánh nên chết trong trận chiến, nhưng mà tin ông chết bị giữ kín cho đến khi kết thúc trận. Quân Bồ Đào Nha mất 8000 người, trong đó có phần lớn quý tộc của nước này; số còn lại bị bắt được và bán làm nô lệ, chỉ có 100 người chạy thoát được. Tổn thất phía Morocco nhẹ hơn, từ 1500 đến 7000 người.
Trận đánh này là bước ngoặt trong lịch sử Bồ Đào Nha, khi mà vua nước này chết quá sớm (24 tuổi) và không có con khiến ngai vàng rơi vào tay vua Henry, vốn đã già và cũng không có người nối dõi. Cái chết của ông ta 2 năm sau dẫn đến sự cáo chung của vương triều Aviz và vua Philip II của TBN lên ngôi, bắt đầu 60 năm thống trị của nhà Habsburg ở Bồ Đào Nha. Sau trận đánh này, Bồ Đào Nha không còn tham vọng chiếm Morocco nữa mà tập trung giữ các căn cứ trên bờ biển nước này; căn cứ cuối cùng, Mazagão, giữ được cho đến khi bị quân Morocco chiếm vào năm 1769. Về phía Morocco sau trận đánh, Ahmad al-Mansur (em của Abd al-Malik) lên ngôi, mở ra thời đại hoàng kim cho nhà Saadi và đất nước này, khi mà quân đội của ông ta vượt qua sa mạc Sahara chiếm được hàng loạt thành phố như Gao và Timbuktu.
Nguồn tham khảo:
-Wikipedia;
-A history of Portugal and the Portuguese Empire, quyển 2 của A.R.Disney.
Ảnh: Tranh minh họa quân Morocco tấn công bọc sườn quân Bồ Đào Nha trong trận đánh.