Trăm năm kỹ nghệ “bán hoa” của người Hà Lan

Trong tập 9 của series 5W1H thuộc Maybe Podcast, nhà báo Vũ Kim Hạnh đưa người xem tới Hà Lan thông qua lời kể của doanh nhân Mai Thị Hồng, điều phối viên hỗ trợ và xúc tiến thương mại & nông nghiệp giữa Việt Nam – Hà Lan, người đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp Việt tiếp cận với thị trường Hà Lan nói riêng và Châu Âu nói chung. Hãy đón xem cô Hạnh và khách mời lần này sẽ mang đến những kiến thức bổ ích gì cho chúng ta nhé.

Nói tới Hà Lan, đất nước có 50% diện tích nằm dưới mực nước biển này nổi tiếng với hình ảnh cối xay gió, các sản phẩm từ sữa, pho mát, đồ gốm và guốc gỗ, nhưng đặc biệt nhất vẫn là kỹ nghệ “bán hoa” của họ. Vâng, bán hoa ở đây là theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, đế chế hoa tulip của Hà Lan chiếm từ 70% – 80% sản lượng toàn thế giới, còn lịch sử hợp pháp hóa “gái bán hoa” như một nghề nghiệp của họ cũng được bàn luận sôi nổi trên thế giới.

Trong khuôn khổ podcast này, chúng ta sẽ không nhắc đến vấn đề gây tranh cãi nói trên, mà sẽ tập trung vào nội dung mà doanh nhân Mai Thị Hồng đã nói đến, đó là việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có ghi chép, có quy trình được chuẩn hóa hẳn hòi và họ trung thành với nghề nghiệp của mình trong nhiều thế hệ, nên đế chế hoa tulip của Hà Lan mới vững mạnh sau mấy trăm năm được cả một dân tộc vun đắp như vậy.

Nói về hoa tulip, hay uất kim hương, nó bắt nguồn từ vùng Trung Á và đã được người Thổ Nhĩ Kỳ gieo trồng từ những năm 1000 sau Công Nguyên. Không ai xác định được rõ nó đến Hà Lan chính xác là từ khi nào, nhưng chính Vương quốc Ottoman năm xưa, cũng như những người Hà Lan đã hoàn thiện các phương pháp lai giống, gieo trồng hoa tulip từ rất sớm. Ngày nay, ở Hà Lan, trồng hoa tulip là một ngành ứng dụng công nghệ hiện đại.

Trả lời câu hỏi của cô Hạnh, doanh nhân Mai Thị Hồng chia sẻ rằng có rất nhiều người trẻ ở Hà Lan làm nông nghiệp, mà nghề nông đã là truyền thống của họ gia đình họ suốt 3, 4 đời rồi. Họ cũng làm theo hình thức hợp tác xã, nhưng lại thành công và không gặp những vấn đề như ở Việt Nam. Điều đó không có nghĩa là họ luôn thuận lợi, mà cũng từng qua các giai đoạn khó khăn hàng chục năm về trước và gần đây là do Covid-19, nhưng ngành hoa Hà Lan vẫn vực dậy được.

Sự khác biệt ở đây có lẽ chính là việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, cũng như sự kết hợp chặt chẽ, chính sách phù hợp, thái độ, ý thức và chữ tín của chính những người làm nông. Vì trồng hoa tulip là ngành nghề mà người Hà Lan tự hào, họ sẽ không vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quên đi lợi ích chung của cả dân tộc. Đó có lẽ là điều mà chúng ta nên học hỏi, nhất là khi Hà Lan và Việt Nam đã và đang hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp, từng ký Thỏa thuận Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.

Hà Lan và Việt Nam có một số điểm chung, thứ nhất đều là đất nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và các yếu tố môi trường, đặc biệt là xâm nhập mặn ảnh hưởng tới nông nghiệp. Thứ hai là các ngành nông nghiệp trọng điểm, nuôi trồng và thương mại hóa sản phẩm hoa, rau củ quả trên thị trường quốc tế. Tập 9 của 5W1H trình bày nhiều kiến thức về lĩnh vực này, mà điểm mấu chốt mình thấy chính là việc đầu tư nhân giống, chuẩn hóa quy trình lai tạo giống và ghi nhận vai trò của nhà nhân giống – điều kiện tiên quyết để đưa sản phẩm nông nghiệp vào kênh quốc tế.

Thông qua câu chuyện về việc trồng và phân phối hoa tulip của doanh nhân Mai Thị Hồng, chúng ta cũng phần nào nhận ra các triết lý cả về làm nông và kinh doanh của người Hà Lan, cũng như sự quan trọng trong mối quan hệ hợp tác chiến lược của hai quốc gia sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu từ các sản phẩm nông nghiệp của nước nhà như thế nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *