Bác sĩ Bùi Văn Lợi, Đơn nguyên Sức khoẻ Tình dục và Giới tính, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, mới đây, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhân rối loạn lo âu trầm cảm liên quan tới việc giảm sút chất lượng đời sống tình dục.
Mặc cảm vì đời sống tình dục giảm sút
Bệnh nhân nam (35 tuổi, ở Hà Nội) lấy vợ năm 28 tuổi, đã có một con trai khỏe mạnh. Người bệnh làm công việc kinh doanh tự do, khối lượng công việc thay đổi từng thời điểm, gần đây cơ quan có một vài dự án lớn khiến người bệnh thường xuyên phải làm việc quá giờ để đảm bảo tiến độ.
Trước đây, hai vợ chồng có đời sống tình dục hòa hợp, ân ái. Tuy nhiên, khoảng 1 năm gần đây, người bệnh gặp khó khăn để duy trì sự cương cứng khi quan hệ tình dục, thường chỉ cương cứng được trong khoảng 1-2 phút.
Cho dù người bệnh vẫn có ham muốn tình dục với vợ nhưng việc ân ái càng ngày càng tụt dốc khiến bệnh nhân căng thẳng, dần dần có cảm giác mình kém cỏi, tự ti với vợ.
Bệnh nhân cảm thấy dễ căng thẳng, bồn chồn, hay cáu gắt hơn, mệt mỏi,…. Vợ chồng bệnh nhân cũng hay xảy ra xích mích, mâu thuẫn hơn trước đây.
Để cải thiện chức năng tình dục, bệnh nhân tự tìm hiểu trên mạng, uống rượu ngâm, dùng một số thực phẩm chức năng,… nhưng không cải thiện.
Tình trạng lo âu, trầm cảm ngày càng tăng lên. Bệnh nhân đêm ngủ kém, có đêm thức trắng. Bệnh nhân đi khám một số chuyên khoa tim mạch nhưng không phát hiện bất thường.
Cách đây khoảng 5 tháng, vợ bệnh nhân động viên, khuyên bệnh nhân đi khám và tư vấn chuyên khoa tâm thần.
Theo bác sĩ Lợi, kết quả khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc rối loạn cương dương – rối loạn lo âu và trầm cảm. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng rối loạn cương dương cải thiện, tình trạng lo âu và trầm cảm cũng ổn định. Vợ chồng bệnh nhân khá hài lòng với kết quả điều trị.
Theo bác sĩ Lợi, trước đây, rối loạn cương dương thường gặp ở người lớn tuổi. Nhưng hiện nay, bệnh nhân đã trẻ hóa, trường hợp bệnh nhân nam trên chỉ mới 35 tuổi.
Nguyên nhân gây rối loạn cương dương
TS, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Đơn nguyên Sức khoẻ Tình dục và Giới tính – Viện Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, rối loạn cương dương là một trong những rối loạn chức năng tình dục thường gặp, trong khoảng 10-20% tổng số nam giới.
Một số báo cáo cho thấy khoảng 50% nam giới đi khám và điều trị rối loạn chức năng tình dục liên quan đến rối loạn cương dương.
“Ở nhóm dân số khỏe mạnh, nguy cơ rối loạn cương dương tăng lên theo tuổi, tỷ lệ phổ biến khoảng 20% ở độ tuổi trước 30 tuổi, 25% ở độ tuổi 30-39 tuổi, 40% ở độ tuổi 40-49 tuổi, 60% ở độ tuổi 50-59, 80% ở độ tuổi 60-69 và 90% ở những người trên 70 tuổi và 20% nam giới lo sợ rối loạn cương dương trước lần quan hệ đầu tiên của họ”, bác sĩ Mai chia sẻ.
Theo bác sĩ Phương Mai, rối loạn cương dương có thể do nguyên nhân thực thể hoặc tâm lý, trong nhiều trường hợp kết hợp cả hai; ở nam giới trẻ và trung niên nguyên nhân thường do tâm lý. Nguyên nhân tâm lý, tâm thần thường gặp nhất là trầm cảm, lo âu, stress…
Rối loạn cương dương còn đến từ nguyên nhân thực thể, ví dụ như mắc bệnh lý chuyển hóa và tim mạch: đái tháo đường, béo phì, cholesterol máu cao, mức testosteron thấp hoặc mất cân bằng hormon khác, bệnh thận…
Ngoài ra, những yếu tố căng thẳng, lo âu, stress về công việc, cuộc sống (quá tải công việc, lo lắng về tiền bạc, mâu thuẫn hôn nhân, tình cảm…) cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng tình dục của đàn ông.
“Khi người đàn ông trải qua rối loạn cương dương, họ có thể trở nên lo lắng quá mức vấn đề này sẽ xảy ra lần nữa, dẫn đến “lo lắng về hiệu suất” hoặc sợ thất bại trong tình dục và liên tục dẫn đến rối loạn cương dương trầm trọng hơn”, bác sĩ Mai nói.
Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng rối loạn cương dương là thuốc điều trị trầm cảm, thuốc giải lo âu, thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt, thuốc điều trị loạn thần, thuốc giãn cơ.
Các rối loạn chức năng tình dục khác liên quan đến rối loạn cương dương gồm: Xuất tinh sớm; xuất tinh chậm; không đạt cực khoái, hoặc không có khả năng đạt được cực khoái sau khi được kích thích nhiều.
Theo bác sĩ Mai, người bị rối loại cương dương cần xây dựng lối sống lành mạnh giúp duy trì sức khỏe mạch máu do bệnh thường liên quan đến các vấn đề về lưu lượng máu. Trong trường hợp có chỉ định điều trị, cần phải tuân thủ theo y lệnh bác sĩ.
Các bác sĩ khuyến cáo khi nam giới gặp vấn đề rối loạn cương dương nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín, không nên tìm tới những cơ sở không đảm bảo uy tín dẫn tới tiền mất tật mang.
Một số bài tập cải thiện tình trạng rối loạn cương dương
– Bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu, tập aerobic, tập thể dục với cường độ vừa phải đến mạnh không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể mà cũng có thể làm tăng lưu lượng máu giúp điều trị rối loạn cương dương.
– Tập yoga có thể là 1 cách hiệu quả để giảm các triệu chứng rối loạn cương dương vì căng thẳng hoặc lo lắng có thể gây ra hoặc góp phần làm rối loạn cương dương.
TS Nguyễn Thị Phương Mai